Bộ Công an đang đề xuất bổ sung vào Dự thảo Luật trật tự an toàn giao thông quy định về điểm, trừ điểm đối với giấy phép lái xe (GPLX) nhằm tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
Dự kiến mỗi giấy phép lái xe sẽ có 12 điểm/năm, khi xử phạt, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào hành vi vi phạm cụ thể để trừ điểm. Nếu trong một năm bị trừ hết điểm thì phải thi lại GPLX. Trường hợp GPLX còn điểm, người lái xe tiếp tục được phép điều khiển phương tiện, sau một năm kể từ lần trừ điểm gần nhất nếu GPLX còn điểm thì được phục hồi 12 điểm.
TS Nguyễn Xuân Thủy (chuyên gia giao thông đô thị) ủng hộ đề xuất trừ điểm trên GPLX của Bộ Công an. Theo ông, đây là giải pháp giáo dục hữu hiệu đối với tài xế, khắc phục được những nhược điểm của biện pháp xử phạt bấm lỗ, thu giữ bằng lái trước đây.
Tuy vậy, TS Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng, cần cân nhắc cách thức tính điểm, trừ điểm cho phù hợp với tình hình thực tế. Việc tính điểm trên GPLX và mức độ điểm phải có hội đồng khách quan và hiểu biết để đánh giá chứ không nên đưa ra quyết định mang tính chất võ đoán. Để triển khai được việc này phải dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu theo dõi đầy đủ tài xế, người vi phạm.
Theo vị chuyên gia giao thông, đề xuất trừ điểm GPLX sẽ đánh giá “lịch sử” của người lái xe, nếu tài xế bị trừ điểm tức là họ yếu kém, nếu yếu kém thì phải thi lại bằng hoặc phải học luật giao thông.
"Song song đó, việc xử lý vi phạm cũng phải công khai minh bạch. Mọi hành vi vi phạm được giám sát xử lý kịp thời, nghiêm minh thì lúc đó việc tính điểm giấy phép lái xe mới phát huy hiệu quả", ông Thuỷ nêu quan điểm.
TS Thuỷ nhấn mạnh, Luật Giao thông đường bộ là luật mà cả xã hội phải tuân thủ. Tuy nhiên, khi xây dựng đề xuất Bộ Công an cũng phải đưa ra những quy định công bằng, khách quan, khoa học, không nên mang tính chất áp đặt, cưỡng chế, ảnh hưởng đến việc đi lại, cuộc sống của người dân.
"Theo tôi cần hạn chế vấn đề thi lại, đừng gây phiền hà cho người dân trong quá trình xử lý”, TS Thuỷ nói.
Cũng ủng hộ đề xuất này, ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, trừ điểm GPLX là một biện pháp quản lý Nhà nước chứ không phải hình thức xử phạt vi phạm hành chính.
Trên thực tế, nhiều người liên tục vi phạm luật giao thông trong một thời gian ngắn nhưng chế tài xử lý chưa đủ mạnh. Do đó, việc trừ điểm trên GPLX là hợp lý, nên bổ sung nội dung này vào dự thảo Luật.
Tuy nhiên, ông Tạo không đồng tình với cách tính, trừ điểm GPLX như Bộ Công an đang đề xuất, hết 1 năm, tài xế vi phạm không bị trừ hết điểm sẽ được phục hồi lại 12 điểm. Ông cho rằng, với cách trừ điểm và xóa lỗi như này chưa đủ sức răn đe đối với tài xế vi phạm.
“Gần hết năm, nếu tài xế vi phạm đã bị trừ 9 điểm rồi họ sẽ cất GPLX ở nhà, không lái nữa, chờ năm mới, được phục hồi 12 điểm sẽ sử dụng tiếp”, ông Tạo nêu ví dụ.
Ông Tạo cho biết, ở nước ngoài, mỗi GPLX sẽ được quy định tương ứng với số điểm cụ thể. Ông dẫn chứng ở nước Đức, thời gian đầu mới áp dụng, người dân chưa quen, họ quy định mỗi GPLX là 16 điểm, sau đó xuống 14 điểm và hiện tại là 12 điểm/GPLX.
“Ở Đức họ tính điểm GPLX không phải 12 điểm/năm mà cả GPLX mới có 12 điểm. Mỗi điểm bị trừ tương ứng với các lỗi được quy định như: vượt đèn đỏ, đi lấn làn, chạy quá tốc độ…
Sau một thời gian, nếu tài xế không tái phạm thì số điểm sẽ được quay về như cũ. Nếu tiếp tục tái phạm với tần suất, mức độ nhiều hơn, nguy hiểm hơn thì có thể bị trừ hết điểm, lúc đó sẽ bị thu bằng”, ông Tạo thông tin.
Theo nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, hệ thống trừ điểm GPLX của Đức quy định rõ ràng, đưa ra các hành vi nặng, nhẹ khác nhau, thời gian xóa lỗi khác nhau. Tài xế vi phạm lỗi nhẹ sẽ trừ ít điểm và được xoá lỗi nhanh hơn, tài xế vi phạm lỗi nặng sẽ trừ nhiều điểm và thời gian được xoá lỗi lâu hơn. Quy định như vậy mới đủ sức răn đe tài xế, buộc người tham gia giao thông phải cố gắng, không vi phạm.