Nhìn hình ảnh bé nhỏ, da bọc xương của em Hoàng Mai Kim (sinh ngày 26/3/2002, thôn Nà Văng, xã Hòa Bình, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) - bệnh nhân nhi đang nằm điều trị tại Khoa Miễn dịch- Dị ứng- Khớp (BV Nhi Trung ương) không ai nghĩ đây là một cô bé 15 tuổi, cái tuổi lẽ ra phải rất hồn nhiên và tràn đầy sức sống.
13 tuổi đã mắc phải "quái bệnh", không thể đi lại được nữa
Mẹ bé Kim – bà Hoàng Thị Hòa cho biết: “Kim sinh ra, khỏe mạnh bình thường, là một cô bé ham học, từ lớp một đến lớp sáu đi học luôn được giấy khen. Lên lớp 7, đột nhiên em bị bệnh. Đầu tiên sốt, sau đó cả người không đi lại được, bụng trướng to, cả người sưng phù, gia đình buộc phải cho em nghỉ học để chạy chữa. Sau 1 năm điều trị, từ cô bé 28kg xuống còn 17kg”.
Bà Hoàng Thị Hòa - mẹ của em Hoàng Thị Kim
Người mẹ rưng rưng nước mắt nói: “Con ốm gần 2 năm, người tiều tụy chỉ nằm một chỗ chân co quắp, không đi lại được nữa, không đi học, giờ bố mẹ chỉ bế thật là khổ”.
Bà Hòa cho biết, gia đình đã đưa cháu đi chạy chữa gần 2 năm mà vẫn chưa tìm ra bệnh. Từ trạm xá đến huyện rồi từ huyện đến tỉnh vẫn không có kết quả.
“Bác sĩ ở tỉnh nói đây là bệnh xơ gan cổ chướng, không chữa được, cho về nhà tìm thuốc nam thôi chứ ở đây không có thuốc điều trị”, bà Hòa kể.
Từ đó cả nhà đi hỏi thăm khắp nơi, hễ ai mách ở đâu có thuốc tốt là tìm đến đó. “Có số điện thoại là gọi điện rồi đi luôn. Gia đình đưa con đến nhiều chỗ khám, phải đến 10 chỗ nhưng chả nơi nào chữa khỏi. Người ta kê thuốc gì là mình nghe theo khiến bệnh của con càng ngày càng nặng.
Từ khi bị ốm, cháu ăn uống kém, gia đình cũng chăm sóc nhưng con không ăn được. Rồi khi uống thuốc nam, thầy thuốc bắt kiêng đủ thứ, chỉ ăn rau ngót, thịt gà và thịt nạc. Bởi thầy thuốc nói, uống thuốc lá độc, nếu không kiêng bệnh sẽ nặng hơn”- bà Hoa than thở.
Sau gần 1 năm điều trị bằng đủ loại thuốc nam, em Kim bị suy dinh dưỡng nặng, 15 tuổi, 17kg. Sau khi thấy những bài thuốc dân gian không những không có kết quả mà còn khiến bệnh tình nặng thêm, ngày 27/8, gia đình đưa em tới BV Nhi Trung ương chữa chạy cho đến nay.
Bác sĩ Chu Hồng Hạnh, người trực tiếp điều trị cho em Kim tại Khoa Miễn dịch - Dị ứng - Khớp (BV Nhi Trung ương) cho biết: “Lúc mới vào, bệnh nhân có biểu hiện suy kiệt nặng, suy dinh dưỡng, gan lách to, có tình trạng suy gan và giảm các tế bào máu. Sau khi qua các khoa gan mật, khoa hồi sức ngoại, bệnh nhận được chuyển sang khoa chúng tôi vì nghi ngờ là có bệnh lý tự miễn, bệnh lý hệ thống.
Trường hợp này, ở Khoa Miễn dịch - Dị ứng - Khớp chưa có. Chúng tôi chẩn đoán chắc chắn 100% là bệnh lý tự miễn, tuy nhiên, hiện các bác sĩ vẫn đang theo dõi vì trên tổn thương đa hệ thống như thế này, có suy đa phủ tạng, tổn thương gan thận, gan lách, giảm các dòng tế bào máu và các tổn thương ở sọ mặt nữa”.
BS Hạnh khuyến cáo, những trường hợp bệnh nặng như thế này, ở tuyến dưới không giải quyết được, tốt nhất là gia đình chuyển lên tuyến Trung ương để các bác sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm tư vấn và có những phương pháp điều trị thích hợp.
Gia đình không nên chán nản, rồi bỏ về điều trị bằng thuốc nam, thuốc bắc, bệnh không những không khỏi mà còn nặng hơn. Ngoài ra, có thể gây nên tình trạng suy gan, suy thận. Trong một số trường hợp, thuốc nam, thuốc bắc có thành phần không rõ ràng có thể gây nên những dị ứng đặc biệt, dị ứng nặng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.
Nợ cũ chưa trả, gia đình đã sắp cạn tiền để lo viện phí cho em
Sau một thời gian chạy chữa ở BV Nhi Trung ương, em Kim đã không bị sưng phù nữa, nhưng em vẫn rất yếu. Em Kim rất thích đọc sách và nghe tin tức. Khi nào tỉnh, em lại nhìn hình ảnh trên báo chứ không đọc được chữ. Nhìn gương mặt sáng bừng lên khi lật giở từng trang sách, ít ai nghĩ rằng em vẫn đang bị bệnh tật hành hạ hàng ngày.
Kể về hoàn cảnh gia đình, bà Hòa trầm ngâm nói: “Nhà có 3 chị em, Kim là con út, 2 chị lớn đã lập gia đình và đi làm ăn xa, không tiện đỡ đần cha mẹ, chỉ có vợ chồng xoay sở chăm sóc cô út ốm yếu.
Trước đây, nhà còn có mảnh ruộng lún với ba con trâu, mấy con lợn, con gà, kể từ ngày em ốm, chúng tôi bán đi từng thứ một, bán hết trâu, lợn, gà, rồi bán sang cả đồ đạc, tài sản trong nhà. Gần 2 năm thuốc thang, chạy chữa, ngay cả số tiền 50 triệu đồng, vay ngân hàng qua chương trình cho vay vốn đối với hộ nghèo cũng đã gần cạn. Giờ chúng tôi chả còn gì, chỉ bám lấy ruộng mà xoay xở.
Lên Hà Nội, gia đình còn phải trả tiền xe đi xe lại, rồi nhà trọ. Hôm em mổ, họ hàng đã lên giúp, 4 người ở trọ mỗi đêm hết 170.000 đồng, ngày ăn 3 bữa, chi phí đắt đỏ.Riêng em Kim, ăn uống theo suất bệnh viện phát cho, mỗi ngày 2 bữa cháo, 1 bữa cơm có rau, thịt đầy đủ và 1 hộp sữa bột uống trong 4 ngày.
Chuyện thanh toán viện phí thế nào gia đình tôi cũng chưa biết. Trước kia đi chưa thuốc nam tiêu tốn rất nhiều và đắt đỏ lắm. Giờ hết không biết lấy gì mà trả ngân hàng nữa”- bà Hoa lo lắng.
Video: Mắc bệnh lạ sudoku vì bị chuột cắn
Gia đình em Kim cũng có đông họ hàng, tuy nhiên nhà nào cũng nghèo, không ai có thể giúp được. Kim đi viện, mỗi nhà chỉ giúp được 50 ngàn là quý. Tuy nhiên số tiền đó không thể thấm vào đâu khi em bị bệnh nặng như thế này.
Bà Hòa nói trong nước mắt: “Chúng tôi chưa xoay xở được viện phí cho em. Chúng tôi chỉ mong ước các cô, các bác chia sẻ, giúp đỡ được phần nào để cháu được mạnh khỏe về nhà đi học thôi”.