Xỏ khuyên cá tính: Không thể đùa!

Trần Trung Việt |

Nếu là một tín đồ làm đẹp, hẳn bạn sẽ không lạ trào lưu “Bod-Mod” và sự thống trị của những chiếc khuyên trong vài năm gần đây.

Những chiếc khuyên tai, khuyên lông mày, khuyên mũi cho tới khuyên rốn, khuyên môi... đã khiến không chỉ nữ giới mà cả cánh mày râu mê mẩn. Và nếu đang có ý định bấm khuyên, bạn hãy tham khảo bài viết này để có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi nghiến răng chịu đau!

Bod-Mod thực chất là gì?

Bod-Mod đang là một xu hướng làm đẹp được giới trẻ yêu thích, tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ những nguy hiểm rình rập từ cách làm đẹp tưởng chừng như “đơn giản” này.

Thuật ngữ trong y học định nghĩa bấm khuyên cơ thể (còn gọi là xỏ khuyên) nghĩa là châm kim vào vùng sụn hay da trong cơ thể để mở ra sang thương giống như một lỗ dò và gắn vào đó những vật trang sức.

Còn giới trẻ gọi trò xăm mình và xâu đục cơ thể nói chung là Bod-Mod (Body Modification: Điều chỉnh cơ thể). Các nút kim loại, vòng khuyên nhỏ xíu đeo đầy trên người được coi là một thứ trang sức để chứng minh cá tính của người chơi và là một hình thức cho biết mình là dân... chịu chơi.

Hiện nay, Bod-Mod không chỉ là niềm đam mê của riêng dân chơi mà còn là một khái niệm làm đẹp cuốn hút cả giới văn phòng, kinh doanh và trí thức. Theo một thống kê tại Hoa Kỳ, khoảng 36% giới trẻ ở độ tuổi 18-25 có phong trào xỏ khuyên đeo ở nhiều vị trí đặc biệt trên cơ thể.

Nếu phái nam thường chỉ cài một chiếc móc ở mũi, lưỡi, cằm hoặc vành tai thì với các cô gái, dường như không có điểm nào trên cơ thể là vùng cấm cho Bod-Mod.

Không chỉ xỏ tai, xỏ lưỡi, nhiều cô tự cho là “sành điệu” còn xâu lỗ đeo khuyên ở cả nhiều nơi khác như rốn, chân mày, mi mắt, ngực, lưng hay ở vùng “tam giác bikini”...

Những nguy hiểm khó lường

Cũng như xăm mình, việc xỏ lỗ xuyên qua da ở vị trí nào cũng có nguy cơ đối với sức khỏe do phải dùng vật sắc nhọn đâm vào da, phá hủy hàng rào bảo vệ cơ thể.

Sai sót hay biến chứng rất thường xảy ra cho dù người thực hiện có kỹ thuật hoặc được đào tạo chuyên môn về y khoa. Nhiễm trùng da, các trường hợp dị ứng, chảy máu, viêm gan virut, lây truyền HIV... là rất khó tránh khỏi.

Biến chứng tại chỗ: Các biến chứng thường gặp là: chảy máu; nhiễm vi khuẩn (Staphylococcus, Streptococcus, Clostridium tetani, Mycobacterium...); nhiễm virut (viêm gan b-C, Herpes, HPV, HIV); rách mô; sẹo lồi; tổn thương thần kinh; dị ứng.

Tổn thương thứ cấp rất thường xảy ra với tỷ lệ thay đổi tùy vị trí xỏ khuyên: rốn (40%); tai (35%); mũi (12%); lưỡi, cằm, mi mắt, cơ quan sinh dục (8%); núm vú (5%).

Biến chứng toàn thân:

Chảy máu kéo dài ở những người xỏ khuyên có rối loạn đông máu hoặc đang sử dụng thuốc chống đông.

Nhiễm trùng huyết, viêm nội tâm mạc có thể xảy ra sau xỏ khuyên đeo, đặc biệt ở vùng rốn, lưỡi, dái tai, môi và núm vú... xảy ra do sự kích hoạt của vi khuẩn trên kim loại được xỏ vào, trong môi trường quanh vị trí xỏ hay do sự viêm nhiễm trong lúc xỏ.

Tùy vào từng bộ phận khác nhau trên cơ thể, thời gian lành vết thương có thể dao động từ vài tuần cho đến hơn một năm. Vết thương do xỏ lỗ phần sụn tai, cánh mũi... sẽ không lành nhanh như xỏ lỗ dái tai.

Xỏ khuyên cơ thể không phải lúc nào cũng thành công, một số trường hợp bị biến chứng như dị ứng hay viêm nhiễm kéo dài, việc gỡ bỏ vòng khuyên đã xỏ là điều bắt buộc phải thực hiện để bảo vệ sức khỏe.

Các cơ sở y tế sẽ không chấp nhận sử dụng máu và các sản phẩm của máu được lấy từ những người mới xỏ khuyên hay xăm mình trong vòng dưới 1 năm để ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường máu.

Những vị trí xỏ khuyên nên tránh

Mí mắt và lông mày: Vùng da mí mắt hoặc chân mày vô cùng mỏng manh và nhạy cảm vì có rất nhiều dây thần kinh và mạch máu tập trung, việc xỏ khuyên mắt sẽ đẩy cao khả năng vỡ mạch máu, hỏng dây thần kinh giác mạc gây giảm thị lực, thậm chí là mù lòa.

Mũi: Xỏ khuyên ở mũi là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển vì khoang mũi hẹp, luôn ẩm ướt và có rất nhiều lông tơ nhỏ, “vô tình” trở thành nơi giữ lại bụi bẩn, vi khuẩn,... Việc xỏ khuyên ở mũi còn ít nhiều ảnh hưởng đến cơ chế thở tự nhiên.

Lưỡi và quanh miệng: Với lưỡi, vùng xỏ lỗ lúc đầu sưng phồng lên, có nguy cơ nhiễm trùng hay dị ứng kim loại làm lưỡi sưng, đau.

Đôi khi kim loại xỏ trên lưỡi làm biến đổi giọng nói, ảnh hưởng xấu đến khả năng nhai và nuốt, thậm chí làm hình thành mô sẹo, gây thương tổn cho các dây thần kinh lưỡi.

Xỏ khuyên ở những vị trí quanh miệng dễ nhiễm trùng hơn bình thường vì đây là bộ phận dùng để ăn uống hàng ngày, các nguy cơ thường gặp là tắc các tuyến nước bọt, nghẽn đường hô hấp do viêm sưng hoặc gây chảy máu do cọ xát.

Đồ ăn khi tiếp xúc với vết xỏ sẽ làm vết thương lâu lành, nhiễm trùng liên tục, thậm chí là hoại tử.

Xỏ khuyên rốn: Đây là kiểu làm đẹp lâu lành nhất: ít nhất 4 tháng, đôi khi kéo dài cả năm. Rốn là vùng da đặc biệt mỏng manh, do đó khi khuyên được bấm vào rốn, lớp niêm mạc bảo vệ bên ngoài bị phá vỡ và dẫn đến hàng loạt vấn đề sức khỏe: nhẹ thì rách mô, để lại sẹo lồi, chảy máu nhiều gây đau đớn.

Nặng hơn cơ thể sẽ dễ bị nhiễm các loại vi khuẩn nguy hiểm như tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn, vi khuẩn mủ xanh, vi khuẩn uốn ván,... cùng những loại virut như viêm gan B-C, HPV, HIV,...

Vú và vùng sinh dục: Xỏ khuyên ở đầu núm vú ngoài chuyện gây đau còn có thể dẫn đến nhiễm trùng ống dẫn sữa. Xỏ lỗ ở vùng sinh dục có thể làm tổn thương các thần kinh cảm giác, cản trở việc vệ sinh hằng ngày và có thể gây ảnh hưởng đến các sinh hoạt riêng hay chuyện sinh đẻ sau này.

Tạm kết

Hiện nay ở nước ta, các cơ sở thực hiện những kỹ thuật xỏ khuyên hay xăm mình chỉ cần có giấy đăng ký kinh doanh là có thể hoạt động. Trong khi đó, ở một số quốc gia, các dịch vụ loại này muốn hoạt động phải có chứng chỉ học nghề và có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh của ngành y tế.

Vì thế, tốt nhất là trước khi định xỏ khuyên cơ thể bạn cần tìm hiểu thật kỹ và hãy tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để không mắc phải những biến chứng đáng sợ của việc “làm đẹp” này gây ra.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại