Xem bóng đá kịch tính có thể nghẹt thở, truỵ tim, đột quỵ không?

Linh Trang |

Niềm đam mê cuồng nhiệt bóng lăn không chỉ hiện diện ở đường phố, các góc quán cà phê mà còn hào hứng, bùng nổ ngay trong bệnh viện với nhiều đối tượng bệnh nhân khác nhau.

Có ý kiến cho rằng những người mắc bệnh tim dễ bị nghẹt thở, trụy tim, đột quỵ khi xem các trận đấu quá kịch tính như các trận đấu của đội U23 Việt Nam vừa qua.

Liên quan đến những thắc mắc như: Tâm lý căng thẳng khi xem các trận bóng đá kịch tính sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe tim mạch, PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội chia sẻ:

"Trong ngày 23/1 vừa qua người hâm mộ bóng đá Việt Nam vừa trải qua mọi cung bậc cảm xúc khi đội tuyển U23 Việt Nam đá bán kết với đội U23 Qatar và trước đó là trận tứ kết với U23 Iraq, quả thực 2 trận tứ kết và bán kết mà tuyển U23 Việt Nam vừa trải qua, những pha bóng, hai lượt sút luân lưu đã bóp nghẹt con tim của rất nhiều người hâm mô Việt Nam.

Bệnh viện đã phân công bác sĩ trực cấp cứu 24/24h. Tuy nhiên, thực tế sau trận bán kết vừa qua, bệnh viện không ghi nhận trường hợp nào tới cấp cứu hoặc gọi tư vấn cấp cứu liên quan tới tim mạch do bóng đá gây ra".

Xem bóng đá kịch tính có thể nghẹt thở, truỵ tim, đột quỵ không? - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội

Về phía bệnh viện Tim Hà Nội, trong 2 trận bóng đá trước của đội tuyển U23 Việt Nam, đơn vị này vẫn tổ chức bố trí màn hình để các bệnh nhân xem đá bóng, trừ các bệnh nhân đang nằm hồi sức, thở máy. Việc đó, tạo điều kiện cho bác sĩ và bệnh nhân cùng xem và gần gũi nhau hơn.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn phân tích: "Quan điểm cho rằng tâm lý căng thẳng khi xem các trận bóng đá kịch tính sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe tim mạch là không chính xác.

Tất cả những biểu hiện như nghẹt thở, vỡ òa, đau tim… khi xem một trận bóng kịch tính đó hoàn toàn là cảm xúc. Trong thời khắc đó, trái tim của người thường và người mắc bệnh vẫn hoàn toàn chịu được".

Ngoài ra, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội còn chia sẻ sâu hơn về chuyên môn rằng, cảm xúc vỡ òa, đau tim khi xem bóng đá là một dạng stress dương tính theo chiều hướng tích cực, giúp cho chúng ta sống khỏe mạnh, yêu đời và gần gũi nhau hơn.

Mặt khác, khi chúng ta vui, cơ thể tiết ra một loại hoocmon hưng phấn kích thích cho tim đập nhanh hơn, lòng mạch giãn ra và máu đi nuôi cơ thể cũng nhiều hơn.

Điều mà PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn lo ngại từ những trận đấu của môn thể thao vua là tình trạng cá độ dẫn tới những hệ lụy khi thua độ như mất nhà, mất cửa, nhảy cầu tự tử... dẫn tới tâm lý cay cú thì lại có tác hại tới sức khỏe.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại