Xe tăng Ai Cập ồ ạt áp sát Libya, "hồi chuông báo tử" của phe thân Thổ ở chiến địa Sirte?

DK |

Kể từ năm 2011, thành phố cảng Sirte - quê hương của nhà lãnh đạo Gaddafi đã chứng kiến 5 trận đánh ác liệt với kết quả hầu hết là sự sụp đổ trên toàn cõi Libya của kẻ chiến bại.

Tại sao TP Sirte lại quan trọng với LNA và GNA?

Trận Sirte diễn ra vào năm 2011 là "trận chung kết" giữa các tay súng nổi dậy của Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia và tàn quân của Quân đội Libya trung thành với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi ở thành phố quê hương ông.

Từ tháng 9/2011, Sirte và Bani Walid là những thành trì cuối cùng của những người trung thành với Gaddafi và với sự sụp đổ của Sirte, Hội đồng Chuyển tiếp hy vọng sẽ chấm dứt tình trạng chiến tranh ở Libya.

Sau hơn 1 tháng giao tranh, Sirte đã lọt vào tay lực lượng chống Gaddafi và cùng với cái chết của Gaddafi, trận chiến đánh dấu sự sụp đổ chế độ đã cầm quyền ở Libya hơn bốn thập kỷ.

Xe tăng Ai Cập ồ ạt áp sát Libya, hồi chuông báo tử của phe thân Thổ ở chiến địa Sirte? - Ảnh 1.

Bản đồ chiến sự Tripoli năm 2011 và ống cống gần đường cao tốc nơi quân nổi dậy của Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia bao vây trước khi bắt sống nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.

5 năm sau đó, trận Sirte diễn ra vào năm 2016 (trận Sirte thứ 3) cũng đánh dấu sự sụp đổ của nhóm khủng bố IS trước một liên quân gồm Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) và các lực lượng đặc biệt, thủy quân lục chiến, hải quân và không quân Mỹ - Anh - Italia.

Trận tái chiếm Sirte diễn ra 1 năm sau khi IS chiếm thành phố cảng (trận Sirte thứ 2) cùng lúc với trận Mosul ở Iraq và trận al-Bab ở miền bắc Syria đánh dấu sự đảo ngược quá trình trỗi dậy của IS trên toàn Trung Đông và Bắc Phi trong giai đoạn 2014 - 2015.

Ngày 6/6/2020, một trận Sirte (được cho là thứ 5 kể từ năm 2011) đã nổ ra giữa GNA và Quân đội Quốc gia Libya (LNA).

Thay vì thế trận "một chiều" như 4 trận đánh nói trên ở Sirte, giờ đây chiến sự ở thành phố cảng sẽ đẫm máu hơn nhiều khi bên cạnh GNA là Thổ Nhĩ Kỳ còn về phía LNA là Ai Cập, UAE và có thể là Nga, Pháp...

Giao tranh ác liệt tại Sirte vào ngày 7/6/2020.

Thành phố Sirte bị tàn phá gần như hoàn toàn được cho là "đấu trường" thích hợp để diễn ra các trận quyết chiến giữa các phe tham chiến ở Libya trong hơn 9 năm qua. Nói cách khác, phe phái nào thất thủ tại Sirte đồng nghĩa với khả năng "biến mất" khỏi vũ đài chính trị Libya.

Một ngoại lệ duy nhất là việc GNA thất thủ Sirte vào tháng 1/2020 (trận Sirte thứ 4), tuy không sụp đổ hoàn toàn ở miền tây Libya nhưng với việc người Thổ ồ ạt can thiệp - thậm chí lấn lướt vai trò của GNA, có thể thấy tác động của việc thua trận tại Sirte nguy hiểm ra sao.

Chính vì vai trò của Sirte như vậy nên cả GNA lẫn LNA đều không chịu "buông bỏ" việc kiểm soát thành phố cảng và trước thương vong nặng tại mặt trận này, họ vẫn quyết chờ đợi tin thắng trận trước khi đàm phán chấm dứt xung đột với đối phương.

Đoạn phim được cho là xe cơ giới của GNA bị phá hủy ngoại vi Sirte sáng 7/6.

"Hồi chuông báo tử" cho lực lượng thân Thổ ở Sirte?

Sáng 8/6, trước việc các lực lượng do Thổ hậu thuẫn "phớt lờ" đề xuất ngừng bắn mới nhất của Ai Cập và tiếp tục đà tấn công ở phía tây Sirte, Quân đội Ai Cập đã lập tức điều động một lực lượng lớn, bao gồm nhiều xe tăng đến sát biên giới Libya.

Theo nguồn tin địa phương chưa được xác thực, Cairo đã gửi tối hậu thư tới Tripoli và Ankara rằng nếu GNA không rút lui khỏi Sirte trong vòng 48 giờ tới, Quân đội Ai Cập sẽ can thiệp trực tiếp vào chiến sự Libya.

Dựa vào cảnh quay do người dân ghi lại, cho tới thời điểm hiện tại có thể thấy ít nhất là 20 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) M1 Abrams của Ai Cập đang tập trung tại tuyến đường nối miền đông Libya với Ai Cập qua cửa khẩu Emsaed.

Đối đầu với những chiếc MBT của Ai Cập sẽ là một thách thức với GNA và Thổ Nhĩ Kỳ do các lực lượng này chủ yếu trang bị xe bán tải gắn hỏa lực phòng không và một số lượng nhỏ xe tăng T-55.

Xe tăng Ai Cập ồ ạt áp sát Libya, hồi chuông báo tử của phe thân Thổ ở chiến địa Sirte? - Ảnh 5.

Vị trí của xe tăng Ai Cập (vòng tròn đỏ) và giao tranh tại Sirte (các mũi tên đỏ và đen). Ước tính thời gian để xe tăng Ai Cập di chuyển tới Sirte vào khoảng 10 tiếng.

Máy bay không người lái (UAV) Thổ có thể "trám lỗ hổng" này bằng các tên lửa dẫn đường bằng laser MAM-L như cách mà chúng đã liên tiếp hạ gục cơ giới Syria trong chiến sự Idlib tháng 2-3/2020.

Nhưng Ankara cần phải tính tới việc tiêm kích F-16 và MiG-29 của Không quân Ai Cập có thể sẽ xuất kích và bắn rơi các UAV của họ.

Đây là một viễn cảnh cực kỳ đen tối, được thể hiện bằng "thông điệp" dưới định dạng của 2 UAV bị bắn rơi và cuộc phục kích khiến hàng chục xe cơ giới của GNA bốc cháy tại ngoại vi Sirte hôm 7/6.

Rõ ràng, dù có tung thêm hàng nghìn tay súng đánh thuê Syria, hàng chục xe cơ giới và hàng đoàn UAV trong cuộc chiến giành giật Sirte, kết quả có thể là "hồi chuông báo tử" đang gióng lên với lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Xe tăng M1 Abrams Ai Cập gần biên giới Libya sáng 8/6. Cairo được cho là đã ra tối hậu thư cho Tripoli và Ankara về việc rút quân khỏi Sirte trong vòng 48 giờ trước khi Quân đội Ai Cập can thiệp vào chiến sự Libya.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại