Chậm trễ + Thảm họa + Đội chi phí
Theo tổ chức tư vấn Jamestown Foundation (JF), trong hơn 1 thập kỷ qua, Tổng thống Vladimir Putin đã đưa chương trình phát triển tuyến Đường biển phía Bắc (NSR), cũng như vùng đáy biển – duyên hải Bắc Cực mở rộng trở thành trọng tâm trong chính sách quốc gia.
Các bước đi của Nga trong giai đoạn này gần như theo cùng một lộ trình: Tổng thống Putin công bố kế hoạch → phương Tây sốc trước màn trình diễn triển khai sức mạnh mới nhất của Nga → nhiều người không bận tâm tới tới nữa cho tới khi Kremlin đưa ra tuyên bố mới. Và rồi toàn bộ quá trình này lại lặp lại.
Song, trên thực tế, các dự án lớn của ông Putin tại vùng High North đã bị cản trở bởi sự chậm trễ, những thảm họa và tình trạng đội chi phí, làm dấy lên nhiều câu hỏi về khả năng thực hiện những tuyên bố được đưa ra.
Những vấn đề đó đã leo thang tới mức khiến một số nhà quan sát giờ đây bắt đầu tự hỏi liệu Nga thực sự có một chiến lược Bắc Cực nào hay không?
Theo JF, không ngạc nhiên khi những khó khăn như vậy phát sinh trong quá trình phát triển tuyến Đường biển phía Bắc, khi khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên từ đáy biển Bắc Cực hay khi thiết lập các cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn dọc vùng duyên hải phía bắc của Nga để hỗ trợ và triển khai sức mạnh của nước này.
Quy mô và số lượng các thách thức có liên quan thực sự đáng lo ngại. Ấy vậy mà những sự vụ xảy ra trong vài tháng gần đây, đặc biệt là trong vài tuần gần đây, cho thấy khả năng đáp ứng thách thức của Moscow đang suy giảm, ngay cả khi thời tiết ấm áp hơn đã giúp kéo dài mùa hoạt động của tàu thuyền ở Bắc Cực, và cho phép khai phá nhiều khu vực mới của biển để khai thác kinh tế.
Tàu phá băng nguyên tử lớp Arktika của Nga. Ảnh: Wiki
Danh sách các thảm họa đang tăng lên. Một trong những thất bại đáng nói nhất là: Arktika – tàu phá băng nguyên tử mới và được quảng cáo rùm beng của Nga – đã không thể đi ra biển đúng như kế hoạch, bởi một động cơ của nó gặp trục trặc và cần được thay thế.
Trong khi đó, Moscow lại đang dồn tiền từ kế hoạch đóng tàu Bắc Cực đang sửa chữa tàu sân bay duy nhất của nước này – Admiral Kuznetsov. Ụ khô bị chìm khi đang sửa chữa tàu Kuznetsov cuối năm 2019 đã gây hạn chế cho công tác chế tạo và sửa chữa các con tàu khác, buộc Kremlin phải cắt giảm nhiều kế hoạch.
Chưa hết, một chuyên gia quân sự Ba Lan đã ví von nhà máy điện hạt nhân nổi mà Moscow đưa ra biển Bắc Cực nhằm cung cấp năng lượng cho các dự án trên bờ biển vào cuối năm ngoái như "thảm họa Chernobyl" đang chực chờ nổ ra.
Mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Trong tuần qua có tới 3 vụ việc làm đổ dồn mối quan ngại về phía các vấn đề của Nga ở High North. Đầu tiên, vụ sập cầu ở Murmansk đã khiến cảng biển quan trọng phía bắc buộc phải đóng cửa, làm hạn chế khả năng triển khai tàu thuyền của Moscow vào Bắc Cực trong thời gian tới.
Thứ hai, sự cố tràn dầu xảy ra ở phía bắc có quy mô lớn và gây ảnh hưởng xâu tới khu vực gần Norilsk tới mức Kremlin đã lên tiếng chỉ trích giới chức địa phương vì không kiểm soát tốt sự cố.
Thứ ba, tình trạng đội chi phí, tham những và hỗn loạn đã khiến kế hoạch trọng tâm của Moscow, nhằm đưa những tuyên bố của mình vào sâu trong Bắc Cực – không thể thực hiện được trong năm nay, mà sớm nhất cũng phải tới năm 2022.
Nga thực sự có chiến lược nào cho Bắc Cực?
Chuỗi thảm họa này làm dấy lên nhiều câu hỏi về một loạt các dự án khác của Nga ở vùng cực bắc và châm ngòi một cuộc thảo luận về việc liệu Moscow thực sự có một chiến lược nào cho High North hay không.
Chiến lược không chỉ đơn giản là bảng liệt kê các mục tiêu, mà liên quan tới việc đưa các mục tiêu đó vào trong tương quan với các nguồn tài nguyên, bằng cách sửa đổi các tiêu chí hoặc tăng cường nguồn lực sẵn có.
Tuy nhiên, các tuyên bố của Moscow thường bị đánh đồng với chiến lược và trên thực tế, họ thường không có đủ nguồn lực để thực hiện những tuyên bố của mình. Tình trạng này diễn ra phổ biến trong các kế hoạch của Nga nhằm triển khai sức mạnh vào Bắc Cực.
Theo học giả Nga Sergey Sukhankin (hiện đang giảng dạy tại Canada) thì rõ ràng Moscow đang không có "chiến lược" Bắc Cực nào tương xứng với những tuyên bố mà họ đưa ra.
Sau khi bỏ bẵng Bắc Cực một thời gian dài, từ cuối thời Liên Xô cho tới năm 2007, Moscow đã đưa ra một loạt tài liệu "chiến lược" về khu vực này, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của Bắc Cực đối với Nga về mặt kinh tế và địa-chính trị.
Ông Sukhankin cho rằng, những tuyên bố và kế hoạch này của Nga đã khiến giới quan sát dấy lên nhiều lo ngại hơn, thay vì phân tích và nhìn nhận. Việc Nga "tăng cường hiện diện quân sự, đầu tư có chọn lọc vào các dự án dầu khí và kỳ vọng sự đầu tư lớn của nước ngoài" khó có thể gọi là "chiến lược toàn diện".
Moscow đang không có "chiến lược" Bắc Cực nào tương xứng với những tuyên bố mà họ đưa ra? (Ảnh: Lực lượng Nga ở Bắc Cực. Nguồn: VOA)
Theo vị học giả, không có tài liệu nào trong số này "đưa ra giải pháp cho những vấn đề quan trọng như cơ sở hạ tầng xuống cấp/không được phát triển đầy đủ, hay tình trạng nguồn lực bị thu hẹp nhanh chóng…".
Tất cả những điều này gây khó khăn không chỉ cho việc thu hút đầu tư nước ngoài, mà còn với cả việc huy động các nguồn tài chính trong nước, nhất là trong thời điểm giá dầu đang sụt giảm và ngân sách bị thắt chặt.
Do đó, ít nhất là trong ngắn hạn và trung hạn, Bắc Cực sẽ mang lại lợi nhuận hạn chế cho Nga, và theo ông Sukhankin, nguồn lợi này sẽ chủ yếu được Bộ Quốc phòng Nga trưng dụng để gia tăng áp lực đối với các quốc gia khác.
Vị học giả cho rằng, Bắc Cực khó có thể một sớm một chiều trở thành "vùng đất hứa" mà Kremlin tuyên bố. Nga quả thực đang tiến về phía bắc nhưng với ít sự táo báo và thành công hơn những gì giới lãnh đạo nước này tuyên bố, hay như những gì một số bên khác lo ngại.