"Xanh mắt mèo" khi con sốt co giật: Bác sĩ mách cha mẹ cách bình tĩnh xử lý

Ngọc Anh |

Trẻ nhỏ bị co giật luôn khiến cha mẹ lo lắng thậm chí nhiều bé cứ sốt là co giật khiến cả nhà "xanh mắt mèo". Khi con có dấu hiệu co giật các bác sĩ khuyến cáo nên bình tĩnh xử lý.

Sợ hãi vì con co giật

Chị Nguyễn Thị Hà – Hà Đông, Hà Nội luôn sợ chưa sinh thêm bé thứ hai vì con trai chị 6 tuổi mỗi lần sốt là bé lại co giật khiến chị rất sợ. Từ lúc 7 tháng tuổi, bé bị sốt và lên cơ co giật. Vợ chồng chị Hà vừa ôm con khóc vừa vào bệnh viện.

Từ đó, năm 2 - 3 lần sốt và mỗi lần sốt chỉ cần lên 39 độ là bé sốt gây co giật. Chị Hà được bác sĩ tư vấn nên chuẩn bị sẵn thuốc chống co giật tại nhà khi bé sốt thì cho uống luôn. Tuy nhiên, đây là biện pháp tức thời còn thực tế những cơn co giật vẫn đến.

Trường hợp bé Khánh An con gái chị Đào Thị Hồng Vân (Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) cũng tương tự, chị Vân kể bé 3 tuổi và có tiền sử sốt là co giật. Vì thế, mỗi lần bé sốt là chị Hồng Vân phải xin nghỉ để ở nhà chăm. Những ngày đầu thấy con co giật chị hoảng loạn ôm con ra ngoài trạm y tế phường cầu cứu bác sĩ.

Xanh mắt mèo khi con sốt co giật: Bác sĩ mách cha mẹ cách bình tĩnh xử lý - Ảnh 1.

Con bị co giật có thực sự nguy hiểm

Sau nhiều lần gặp con bị co giật, bà mẹ này bình tĩnh hơn. Chị Vân kể chị phải xem rất nhiều hướng dẫn đối với trẻ co giật. Dù có kinh nghiệm nhưng mỗi lần con co giật khi sốt vợ chồng chị cũng tái mặt. Một lần, bé ở nhà với bố và bị sốt cao kèm co giật, chồng chị mất bình tĩnh không biết làm gì với bé.

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Phong, chia sẻ cơn co giật thường xuất hiện khi trẻ bị sốt, nhiệt độ trên 38 độ. Độ tuổi hay gặp là từ 3 tháng đến 5 tuổi. Trẻ nam thường có nguy cơ co giật nhiều hơn bé gái.

Bác sĩ Phong lưu ý trường hợp trẻ lớn hơn mà co giật, sốt, cần loại trừ bệnh lý nhiễm trùng thần kinh như các bệnh lý nhiễm trùng thần kinh trung ương như viêm não, viêm màng não và các bác bệnh lý rối loạn chuyển hóa.

Khi trẻ bị sốt lên tới 39 độ C, cơn co giật có thể xuất hiện nhất là lúc thân nhiệt trẻ tăng nhanh. Những đứa trẻ có nguy cơ bị co giật phụ thuộc vào các yếu tố sau:

- Thứ nhất, co giật có tính chất gia đình, khi bố, mẹ, hoặc anh chị trong gia đình đã có người bị co giật do sốt.

- Thứ hai, trẻ đi tiêm chủng các mũi phối hợp cũng có khả năng co giật hơn đặc biệt Sởi, Quai bị, Rubella, Ho gà.

- Thứ ba, những trẻ bị suy dinh dưỡng; tiền sử liên quan quá trình chuyển dạ hoặc ngạt có nguy cơ cao bị co giật khi sốt hơn trẻ bình thường.

Phòng và xử lý như thế nào?

Bác sĩ Phong chia sẻ mùa đông xuân trẻ thường hay bị ốm và có thể xuất hiện cơn co giật. Nếu con bạn thuộc yếu tố nguy cơ cần chú ý gấp đôi trong các trường hợp khác.Tất cả trẻ khi sốt cần thật sự chú ý; đặc biệt giai đoạn đầu khi thân nhiệt đang lên, trẻ rất dễ co giật. Phụ huynh cần chuẩn bị sẵn thuốc hạ sốt; và cặp nhiệt độ, không sờ tay chân.

Xanh mắt mèo khi con sốt co giật: Bác sĩ mách cha mẹ cách bình tĩnh xử lý - Ảnh 2.

Làm gì khi con bị co giật

Khi con xuất hiện cơn co giật, cha mẹ bình tĩnh, không hoảng loạn. Xử lý bằng cách đặt con nằm nghiêng (đảm bảo mặt nghiêng, thân mình thẳng, thoáng). Tuyệt đối không giữ tay giữ chân mà chỉ đảm bảo tay chân con không bị va đập tổn thương thêm khi giật. Không nhét bất cứ vật gì như gạc, tay, đũa vào miệng trẻ.

Nhiều người sợ trẻ co giật cắn lưỡi nhưng thực sự trẻ co giật không cắn vào lưỡi. Vì xu thế giật lưỡi sẽ tụt xuống gốc lưỡi nên nhét vật vào càng làm cản trở sự hô hấp và con sẽ cắn chặt làm tổn thương tay, nới lỏng quần áo cho trẻ.

Song song một người gọi cấp cứu. Lau nhớt dãi, dị vật thức ăn có thể trào ra để con thở. Bác sĩ Phong cho biết trẻ nhỏ sốt có co giật, sau cơn co giật thường không để lại di chứng.

Khi trẻ qua cơn co giật, cha mẹ bắt buộc phải đưa con lên viện để bác sĩ kiểm tra. Hoặc khi có xe cấp cứu đến thì đến trung tâm cấp cứu gần nhất nếu con còn giật. Trẻ có tiền sử co giật cần được khám và điều trị cẩn thận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại