Xe buýt Hà Nội: Khi lái xe không nghĩ mình là... lái xe

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện có tới hơn 30% số lượng xe buýt có trợ giá tại Hà Nội có tuổi đời trên 9 năm tuổi...

Hơn 30% xe buýt có tuổi trên 9 năm tuổi

Theo thống kê của Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, hiện trên địa bàn thủ đô có 67 tuyến buýt có trợ giá với 1124 xe.

Hiện, ngoài Tổng công ty Vận tải Hà Nội, còn có 4 doanh nghiệp xã hội hoá khác cùng tham gia cung cấp dịch vụ vận tải xe buýt có trợ giá gồm: Công ty Cổ phần xe khách Hà Nội (thuộc Tổng công ty Vận tải Hà Nội); Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến (buýt Bảo Yến); Công ty TNHH Bắc Hà (Chi nhánh Hà Nội) và Công ty Cổ phần Vận tải Thương mại & Du lịch Đông Anh.

Xe buýt tuyến 60 của công ty Bảo Yến xả khói đen ngòm trên đường Phạm Hùng (Ảnh chụp ngày 10/5).
Xe buýt tuyến 60 của công ty Bảo Yến xả khói đen ngòm trên đường Phạm Hùng (Ảnh chụp ngày 10/5).

Trong đó, đóng vai trò chủ đạo trong các tuyến có trợ giá là Tổng công ty vận tải Hà Nội tham gia vận chuyển ở 49 tuyến: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17,18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40, 47, 48, 50, 52, 53, 54, 55, 56 , 62

Công ty TNHH Bắc Hà (Chi nhánh Hà Nội) tham gia vận chuyển ở 5 tuyến gồm: 41,42,43,44,45. 

Công ty Cổ phần Vận tải Thương mại & Du lịch Đông Anh tham gia một tuyến số 46. 

Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến tham gia 6 tuyến gồm: 57, 58, 59, 60, 61, 76. 

Công ty Cổ phần xe khách Hà Nội (thuộc Tổng công ty Vận tải Hà Nội) tham gia 2 tuyến: 49, 51.

Thuận chiều với số tuyến cung cấp là số lượng xe buýt nhiều nhất thuộc về Tổng công ty Vận tải Hà Nội với 934 xe, trong đó, có 357 xe buýt có độ tuổi dưới 5 năm; 221 xe tuổi từ 5 - 9 năm; 356 xe trên 9 năm.

Tiếp đó là buýt Bảo Yến có 102 xe, với 55 xe có độ tuổi dưới 5 năm, 47 xe có độ tuổi từ 5 - 9 năm. Buýt Bắc Hà với 73 xe, trong đó có 53 xe có độ tuổi từ 5 - 9 năm, 20 xe có tuổi trên 9 năm. Đông Anh có 15 xe với độ tuổi từ 5 - 9 năm.

Cũng theo con số thống kê, hiện trên toàn hệ thống có 412 xe buýt có độ tuổi dưới 5 năm (chiếm 36,6%); 336 xe từ 5 - 9 năm (chiếm 29,8%); 376 xe có tuổi trên 9 năm (chiếm 33,4%)...

Các xe buýt của các doanh nghiệp chạy trên tuyến có trợ giá, hầu hết đều là các xe lớn, có thể chở tối đa lên tới 80 người/ lượt vận chuyển. 

Xuất xứ của các xe gồm cả nhập khẩu nguyên chiếc và lắp ráp trong nước.

Giá vé xe buýt có trợ giá được áp dụng từ 5.000 đồng (cho tuyến dưới 25km), 6.000 đồng (cự ly từ 25 - 30km), 7.000 đồng (trên 30km)...

Sẽ xử lý nghiêm các doanh nghiệp có phương tiện gây ô nhiễm

Đánh giá về chất lượng phương tiện xe buýt hiện nay, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội thừa nhận, mặt bằng chung, chất lượng các xe đều đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật cho phép, nhưng vẫn có một số xe không đảm bảo mà nguyên nhân chính từ khâu bảo trì, bảo dưỡng của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hoàng Hải,

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội.

"Các xe muốn chạy đều phải được đăng kiểm tiến hành kiểm định tổng thể định kỳ, nếu đạt yêu cầu thì mới được dán tem lưu hành. Nhưng không có nghĩa được dán tem rồi là cứ thế chạy mà ở đây, mỗi doanh nghiệp đều phải có một hệ thống đảm bảo kỹ thuật để định kỳ duy trì, sửa chữa, đảm bảo theo đúng yêu cầu.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua đã nổi lên nhiều vấn đề xung quanh chất lượng của xe như gây tiếng ồn lớn, xả khói đen... thì đây là vấn đề bảo trì, bảo dưỡng của doanh nghiệp chưa đạt", ông Hải cho hay.

Liên quan đến vấn đề xả khói đen của xe buýt, ông Hải cho rằng, việc có khói đen xả ra là do: "Chất lượng của động cơ xuống và có thể do nhiên liệu đốt không hết cũng làm xả khói đen. Nhưng tựu chung cả hai nguyên nhân này chính là do phương tiện chưa được doanh nghiệp bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời".

Cũng có một thực tế được ông Hải đưa ra về vấn đề xuống cấp nhanh của xe buýt hiện nay, đó là tần suất sử dụng lớn: "Thực tế hiện nay, tần suất chạy của mỗi xe buýt là rất lớn, thêm vào đó việc liên tục phải dừng đỗ vào các điểm đón, trả khách ở khoảng cách ngắn, cộng với hạ tầng giao thông chưa đảm bảo dẫn đến động cơ hoạt động không đều. Nếu không được bảo trì, bảo dưỡng kịp thời thì việc xuống cấp sẽ càng nhanh hơn".

Ông Hải cũng cho biết, trong thời gian qua, các lực lượng chức năng cũng đã thường xuyên tiến hành kiểm tra chất lượng các phương tiện, đặc biệt trong việc xả khói đen gây ô nhiễm môi trường, cũng nhờ vậy, mà hiện nay, việc xe buýt xả khói đen cũng đã giảm nhiều so với vài năm về trước.

"Ngay dịp 30/4 vừa qua, chúng tôi cũng đã phối hợp với Thanh tra Sở GTVT, Cục Đăng kiểm tiến hành kiểm tra cơ động về việc xả khói. Nhưng thực tế, việc kiểm tra cũng chỉ được một phần bởi lượng xe buýt hiện nay rất lớn. 

Đối với những xe, tuyến khi kiểm tra không đạt chất lượng đều bị dừng không được chạy và ngoài việc xử phạt, chúng tôi cũng yêu cầu doanh nghiệp phải tiến hành bảo trì, bảo dưỡng đảm bảo tiêu chuẩn mới tiếp tục được lưu thông", ông Hải nói.

Đánh giá chung về chất lượng phương tiện xe buýt của các doanh nghiệp hiện nay ông Hải cho rằng: "Thực tế chất lượng phương tiện hiện nay, nhìn chung đã được nâng cao hơn so với trước. Tuy nhiên, nếu xét về quá trình bảo trì, bảo dưỡng, chất lượng xe thì Tổng công ty vận tải Hà Nội có phần hơn do lịch sử và hệ thống xưởng sữa chữa bảo dưỡng khá hoàn chính, còn các doanh nghiệp xã hội khác có phần đuối hơn".

Doanh nghiệp "tiết kiệm" tiền trợ giá của Nhà nước

Về vấn đề trợ giá xe buýt, ông Hải cho biết, về nguyên tắc vận tải đường bộ hiện nay, các doanh nghiệp đều phải tự bỏ tiền mua phương tiện, nhà nước không hỗ trợ việc này.

"Việc trợ giá hiện nay là trợ giá cho hành khách, để hành khách có một vé rất rẻ đi xe buýt. Vì giá rẻ nên nhà nước sẽ phải bù tiền vào để doanh nghiệp đảm bảo đủ những chi phí, trong đó tính đủ các yếu tố cơ bản để đủ tiền trả lương, đủ tiền nguyên liệu, bảo trì, sữa chữa phương tiện... 

Tuy nhiên, có những khi, doanh nghiệp lại không tuân thủ việc đó chặt chẽ, họ 'tiết kiệm' những khoản tiền trợ giá của Nhà nước. Hiện nay, việc kiểm tra, kiểm soát cũng đang hướng đến vấn đề này", ông Hải nhấn mạnh.

Đồng thời với đó, ông Hải cũng thừa nhận thực tế hiện nay, thái độ phục vụ của nhiều lái, phụ xe buýt còn chưa đúng mực, thiếu văn hoá... dẫn đến sự bức xúc, phản ứng của hành khách, dư luận xã hội.

"Việc này có nhiều nguyên nhân trong đó có phần do áp lực công việc lớn, do xuất phát điểm trước khi vào nghề của các lái, phụ xe là khác nhau... Nhưng cái chính vẫn là họ chưa có sự nhận thức đúng đắn về nghề mình đang làm, đó là nghề phục vụ. 

Việc này, ngoài tiến hành thanh tra, kiểm tra thường xuyên trên các xe, xử phạt đối với doanh nghiệp, chúng tôi còn tiến hành nhiều lớp đào tạo về kỹ năng, nghiệp vụ, ứng xử, phục vụ hành khách cho lái, phụ xe...", ông Hải chia sẻ.

Ông Hải cũng khẳng định, với hình ảnh mà PV cung cấp liên quan đến việc xe buýt một số tuyến như 60, 26... xả khói đen ra đường gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến người đi đường, trung tâm sẽ tiến hành xử lý nghiêm doanh nghiệp. Và nếu người dân có những hình ảnh về những vi phạm của xe buýt cũng như chất lượng xe, phục vụ có thể báo về trung tâm để xử lý kịp thời.

Theo số liệu của Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, từ năm 2009 đến nay, các doanh nghiệp vận tải xe buýt đã bổ sung 396 phương tiện mới. Trong đó, Tổng công ty Vận tải Hà Nội thay 361 xe; Công ty Bảo Yến thay mới 35 xe.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại