Mặc xe cũ, nhét chật ních vẫn phóng... ầm ầm
Thống kê chưa đầy đủ của PV, hiện trên địa bàn Hà Nội có khoảng trên dưới 70 tuyến xe buýt chạy từ 5 giờ sáng đến sau 22 giờ đêm nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Hiện đang có 5 doanh nghiệp cùng tham gia cung cấp dịch vụ xe buýt trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong đó, đóng vai trò chủ đạo, chiếm 90% về lượng xe và lượng khách vận chuyển là Tổng công ty vận tải Hà Nội - Transerco (gồm cả Xí nghiệp Xe điện, Hanoibus…).
Bên cạnh đó là các doanh nghiệp khác như Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến (buýt Bảo Yến), Công ty xe buýt Bắc Hà...
Vào giờ cao điểm, xe buýt luôn trong tình trạng quá tải.
Thực tế, trong những năm qua, những mặt tích cực trong việc giúp giảm thiểu phương tiện cá nhân, ô nhiễm, tiết kiệm, thuận tiện... mà xe buýt mang lại cho người dân thủ đô không thể phủ nhận. Tuy nhiên, thực tế, tình trạng chất lượng của một bộ phận xe buýt xuống cấp, phóng nhanh, vượt ẩu, gây tai nạn... đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân.
Theo ghi nhận của PV, dù thời gian qua, nhiều tuyến xe buýt đã được nâng cấp, phương tiện được thay mới nhưng vẫn còn đó không ít xe buýt có "thâm niên" lâu năm ở tất cả các đơn vị đang tham gia cung cấp dịch vụ.
Xe xuống cấp, thành xe, cửa xe, ghế ngồi long, vênh, một số cũ kỹ, xộc xệch, nhếch nhác, hôi hám, chạy rung lắc, phát tiếng ồn lớn, điều hòa không hoạt động, phả khói đen ngòm…
Cũ kỹ, gây tiếng ồn lớn, khói đen phả ra nhiều... phải kể đến các xe buýt số 60 thuộc buýt Bảo Yến hay những xe đã bắt đầu hư hỏng, xộc xệch, chạy rung lắc, nhếch nhác... ở các xe tuyến 44 của công ty xe buýt Bắc Hà hay các xe tuyến 20, 26, 29, 49, 07, ... của Transerco.
Việc các xe buýt cũ, xả khói đen ngòm... vẫn thoải mái chạy trên đường cũng đặt ra một vấn đề, đó là công tác đăng kiểm đối với các xe này đang bị xem nhẹ (?!).
Chiếc xe buýt tuyến 60 của Bảo Yến Bus xả khói đen ngòm trên đường Phạm Hùng (Ảnh chụp: chiều 10/5).
Mặc dù đã có "thâm niên" như vậy nhưng vào những giờ cao điểm, cảnh người chật ních bên trong, thậm chí cả trăm người chen chúc, lèn như gà, vịt... khiến xe nghiêng về một phía khi di chuyển không còn là điều mới lạ với người dân thủ đô.
Ngay trên đoạn đường từ điểm trung chuyển xe buýt Cầu Giấy về Nhổn vào giờ tan tầm, cảnh những chiếc xe 32, 34, 26, 20... đông nghẹt người nhưng phụ xe vẫn cố nhồi nhét thêm người lên diễn ra thường xuyên.
"Nhiều hôm đứng gần như bất động trên xe buýt vì xe quá đông, đã thế, đến một vài điểm, chỉ một vài khách xuống nhưng phụ xe lại nhét thêm đến chục khách mới lên, làm cho dù điều hoà, quạt gió bật mạnh nhưng mồ hôi vẫn chảy ướt cả áo.
Vẫn biết là ai cũng muốn về nhanh, nhưng xe đã nghiêng cả về một bên rồi thì lái, phụ xe phải biết để điều chỉnh khách cho hợp lý, đảm bảo an toàn cho khách, chứ làm như vậy, nếu chẳng may gặp sự cố thì rất nguy hiểm", chị Trần Lan Anh (trú tại đường Trần Bình, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Xe cũ kỹ, người trên xe đông nhưng theo ghi nhận của PV trên nhiều tuyến đường như Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Phạm Hùng, Nguyễn Trãi, Hà Đông, Nguyễn Văn Cừ... cảnh lái xe không ít tuyến xe buýt vẫn phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, chèn các phương tiện khác trên đường, bóp còi inh ỏi... đã không còn quá xa lạ với người dân.
Ngay tại đoạn chân cầu vượt Mai Dịch, theo quan sát của PV, vào các buổi tối, mặc đèn đỏ, không ít xe buýt các tuyến 29, 05... vẫn ầm ầm phóng qua, chạy thẳng về hướng đường Hồ Tùng Mậu.
Không ít vụ tai nạn thương tâm do xe buýt gây ra đã khiến phương tiện này trở thành nỗi ám ảnh và thậm chí còn được người dân thủ đô ví với cái tên "hung thần".
Coi thường, hành hung hành khách
Bên cạnh đó, thái độ phục vụ của không ít lái, phụ xe buýt hiện nay vẫn đang thể hiện sự coi thường đối với khách hàng.
Tại khu vực đỗ xe buýt của bến xe Mỹ Đình, mặc cho trời nắng chang chang nhưng lái, phụ xe buýt của một số tuyến như 34, 16... vẫn ung dung, đóng chặt cửa ngồi trong hưởng điều hoà của xe mặc cho hàng chục khách hàng phải chịu cảnh đợi trong nắng nóng.
Chỉ đến khi xuất phát mới mở cửa xe để đi ngay, tạo nên một cảnh tượng chen lấn, hò hét, xô đẩy rất hỗn độn.
Cảnh lái xe bỏ bến và hơn thế là nhiều biểu hiện của lái, phụ xe về thái độ, ngôn ngữ, hành vi thô bạo, coi thường hoặc vô lễ với hành khách, thậm chí hành hung hành khách đã khiến không ít người ... hoảng hồn.
Ngay trong năm 2012, nhiều vụ lái, phụ xe hành hung dã man hành khách như vào sáng 5/5/2012 Phụ xe (bán vé) đánh sưng mặt hành khách tên là Đông lên xe buýt ở đường Trần Cung chỉ vì gọi mà không chịu đi xuống cuối xe mua vé.
Hay như ngày 28/3/2012, phụ xe tuyến 27 đi qua Láng đánh hành khách tên là Chung bị thương nặng ở đầu vì làm kẹt cửa, phải khâu 15 mũi tại Bệnh viện Đống Đa.
Đó chỉ là 2 trong rất nhiều vụ việc hành hung hành khách của lái, phụ xe buýt trong thời gian qua mà báo chí cũng như dư luận xã hội đã lên tiếng.
(Còn tiếp)