Vụ thảm sát ở Yên Bái: Vì sao ngày càng nhiều sát thủ máu lạnh?

Phong Nguyên |

Các Đại biểu Quốc hội cho rằng, tội phạm đang ngày càng trẻ hóa và hầu hết là đối tượng lêu lổng, không được gia đình quản lý chặt chẽ.

Chiều tối 12/8 xảy ra vụ thảm sát rúng động dư luận, hung thủ giết 4 người trong một gia đình tại xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, Yên Bái.

Qua điều tra ban đầu, cơ quan điều tra xác định, đối tượng Đặng Văn Hùng (SN 1989) là nghi phạm gây ra vụ thảm sát. 

Đây là vụ thảm sát thứ 3 trong khoảng 1 tháng trở lại đây. Trước đó, ngày 7/7 diễn ra vụ thảm sát tại Bình Phước, hung thủ giết 6 người.

Ngày 2/7 xảy ra vụ thảm sát xảy ra tại Nghệ An làm 4 người trong gia đình tử vong.

Tội phạm đang ngày càng trẻ hóa

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Mạnh Hùng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, nguyên nhân trực tiếp dẫn tới các vụ thảm sát gần đây là do một số người bị ảnh hưởng từ lối sống bạo lực, thái độ quá khích.

“Đây cũng là hiện tượng thường gặp trong một bộ phận người dân thiếu được giáo dục.

Còn một nguyên nhân khác nữa là do những mâu thuẫn xã hội, xung đột leo thang, một bộ phận lớp trẻ tiếp cận với nhiều thông tin bạo lực trong khi trình độ chắt lọc, lựa chọn thông tin của họ còn thấp”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, ở nhiều địa phương, tình trạng này đang ở mức đáng báo động nhất là ở các khu đô thị, các vùng có tỷ lệ tệ nạn xã hội cao.

Các cơ quan có trách nhiệm, các Bộ, ngành, Chính phủ không thể xem thường chuyện này và cần sớm có giải pháp đồng bộ để ngăn chặn thực trạng này.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương hiện là Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình khóa XIII, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ:

"Tôi cảm thấy rất bất an, lo lắng khi vừa qua xảy ra liên tiếp các vụ thảm sát gây rúng động dư luận, khiến người dân hoang mang".

Hiện trường vụ thảm sát

Ông cho rằng có 3 nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng trên. Thứ nhất là do việc phát hiện, quản lý các đối tượng nghiện chưa tốt.

Thứ hai là việc quản lý xã hội, đặc biệt ở các lĩnh vực an ninh chưa chặt chẽ khiến bọn tội phạm thỏa sức lộng hành. Thứ 3 là lật chưa thật sự nghiêm, chưa có tính răn đe...

Ông Phương cũng cho rằng tội phạm đang ngày càng trẻ hóa và hầu hết thủ phạm đều là những đối tượng lêu lổng trong xã hội, không được gia đình quản lý chặt chẽ dẫn đến hư hỏng.

“Quản lý xã hội đối với thanh niên hiện nay chưa được chặt chẽ nên các bạn trẻ dễ vi phạm.

Chẳng hạn, sự tràn lan của các game online bạo lực kèm theo các tệ nạn khác như ma túy, thuốc lắc…dễ làm người ta sa ngã”.

Đại biểu Phương nêu quan điểm: “Tôi thấy nhiều gia đình chỉ chú trọng làm ăn mà không quan tâm tới con cái dẫn đến chuyện con cái hư hỏng.

Khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng cũng làm phát sinh sự phân chia đẳng cấp. Tệ nạn từ đó mà ra”.

Cần chương trình giáo dục lối sống cho lớp trẻ

Nói về các giải pháp để ngăn chặn tình trạng này, ông Hùng nêu quan điểm, với những địa phương đó, cấp ủy chính quyền phải có giải pháp để đấu tranh, ngăn chặn tích cực, chủ động hơn.

Theo ông, người ta đã nói nhiều về tình trạng tội phạm ngày càng trẻ hóa và điều đó ngày càng biểu hiện rõ hơn.

Do vậy, hãy bắt đầu từ việc tăng cường giáo dục lối sống lành mạnh, trình độ, bản lĩnh, kiến thức cho lớp trẻ để họ có cách ứng xử văn minh, có văn hóa.

"Cùng với đó phải tăng cường công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nhất là đối với những tội phạm trẻ để có thể giảm thiểu được những vụ án có tính chất nghiêm trọng”, ông Hùng nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông Hùng, quản lý nhà nước về các phương tiện truyền thông, thông tin trên mạng internet cũng phải tốt hơn, phải có sự sàng lọc thông tin để ngăn chặn sự tiếp cận của giới trẻ với những trang web xấu, có tính bạo lực.

Trong khi đó, Đại biểu Trần Ngọc Phương đề xuất Quốc hội nên có nghị quyết để chủ động rà soát lại tình hình xã hội hiện nay ở từng lĩnh vực, nhất là an ninh chính trị, giáo dục, văn hóa… để tránh việc khi có một vụ việc nào đó xảy ra mới rà soát.

Phải rà soát lại 30 năm đổi mới, tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và tổng kết nhiệm kỳ 13 của quốc hội về vấn đề quản lý, chỉ đạo. Tìm được lỗ hổng thì mới đưa ra giải pháp xử lý được.

"Nếu không rà soát toàn bộ thì tình trạng này còn tiếp tục xảy ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực từ tham nhũng đến các vấn đề kinh tế, xã hội, đạo đức khác”, ông Phương khẳng định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại