>>> Đang kiểm tra “cáo buộc” quan chức VN nhận hối lộ 16,5 tỷ đồng
>>> Luật sư phân tích về cáo buộc quan chức VN nhận hối lộ 16,5 tỷ
>>> Vụ "hối lộ 16,5 tỷ": Dừng công tác Giám đốc BQL Dự án đường sắt
Thông tin trên báo chí của Nhật Bản về việc nhà thầu Nhật Bản đưa hối lộ 16 tỷ đồng cho một quan chức ngành đường sắt Việt Nam đang là điểm nóng dư luận. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Ngô Ngọc Trai, Trưởng văn phòng luật sư Ngô Ngọc Trai và cộng sự (Đoàn Luật sư Nam Định) để phân tích rõ hơn về một số vấn đề liên quan.
Thưa Luật sư, ông đánh giá như thế nào về việc xử lý thông tin “nghi án” của các cơ quan chức năng Việt Nam sau khi có thông tin được báo chí phản ánh?
Luật sư Ngô Ngọc Trai: Hành động của Tổng công ty đường sắt Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải là đáng khen nhưng đó mới là sơ bộ, chúng ta đòi hỏi cần phải sớm có hoạt động khác để có thể mau chóng xử lý làm rõ sự việc.
Nhật Bản là quốc gia đứng đầu trong hoạt động đầu tư vốn ODA cho Việt Nam, giữa hai nước có nhiều mối quan hệ giao thương về kinh tế và thực tế hai bên đã ký nhiều Hiệp định về kinh tế (Hiệp định về tự do, xúc tiến và bảo hộ đầu tư năm 2003, Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản năm 2008 và nhiều thỏa thuận kinh tế khác), nhưng lại chưa ký Hiệp định về tương trợ tư pháp.
Nhật Bản đầu tư vào Việt nam mấy chục năm qua, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản trúng thầu và thi công những dự án có nguồn vốn từ chính Nhật Bản, nguy cơ phát sinh hành vi đưa và nhận hối lộ là có, tiền lệ xấu đã xảy ra vậy tại sao hai bên vẫn chưa ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp?
Tuy chưa có hiệp định tương trợ tư pháp nhưng căn cứ Luật tương trợ tư pháp năm 2007 thì cơ quan chức năng vẫn có thể liên hệ với phía cơ quan chức năng Nhật Bản để xử lý vụ việc, mà đầu mối ở đây là Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao. Tất cả các hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự ở Việt Nam đều phải qua VKSND tối cao (Chương III Luật tương trợ tư pháp năm 2007).
Trong cuộc họp của Bộ GTVT lại không có sự tham gia của đại diện cơ quan này.
Một số ý kiến cũng cho rằng, thông tin từ phía Nhật Bản hoàn toàn có thể coi là một nguồn tin báo tố giác tội phạm và các cơ quan điều tra Việt Nam khi nhận được thông tin phải xử lý như là “thông tin tố giác tội phạm” theo quy định của bộ luật Tố tụng hình sự, luật sư đánh giá thế nào về ý kiến này? Và ở đây, các cơ quan chức năng của chúng ta cần phải vào cuộc để sớm khởi tố vụ án?
Luật sư Ngô Ngọc Trai: Hiện tại, trong sự việc này thì thông tin trên báo chí Nhật Bản có thể được đánh giá là nguồn thông tin về tội phạm. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Điều 100 quy định được phép khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm, mà việc xác định dấu hiệu tội phạm lại căn cứ vào Tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Luật không nói rõ là thông tin đại chúng trong nước hay cả nước ngoài, cho nên không loại trừ việc áp dụng cho cả thông tin đại chúng nước ngoài.
Tuy nhiên để chuẩn chỉnh hơn cơ quan chức năng nên làm bước xác minh trước khi khởi tố vụ án, mà cũng không khó gì. VKSND Tối cao có văn bản gửi cho cơ quan chức năng Nhật Bản, đề nghị cung cấp thông tin tài liệu về những lời khai báo đưa hối lộ của công dân Nhật Bản. Sau khi có trả lời chính thức rồi thì có thể tiến hành khởi tố điều tra. Trước đây có tiền lệ vụ Đại lộ Đông Tây rồi, các cơ quan biết rõ phải làm gì.
Thưa Luật sư, nhiều ý kiến cho rằng, thực tế, việc điều tra, khởi tố các quan chức nhận hối lộ thường rất khó, do phải có đầy đủ chứng cứ xác thực. Trong khi đó, trong trường hợp này, nhiều lãnh đạo cũng phủ nhận việc nhận hối lộ và phía Nhật Bản cũng chưa thông tin bằng con đường chính thức cho Việt Nam. Luật sư đánh giá như thế nào về việc này?
Luật sư Ngô Ngọc Trai: Liên quan đến sinh mệnh pháp lý của công dân thì pháp luật không được giải quyết dễ dàng. Không có việc bỏ tù nào là dễ cả, làm thế là đáng lo ngại.
Trong vụ việc này cứ từng bước xác minh điều tra thì sẽ ra vấn đề, làm từng bước sẽ rõ ràng. Cơ quan chức năng ở Việt Nam đừng đợi phía Nhật cung cấp thông tin mà phải chủ động liên hệ với họ đề nghị phối hợp giải quyết, trong đó việc cung cấp thông tin chỉ là một việc, sau này có khi cần dẫn độ nữa.
Theo tôi Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần có hành động sớm đề nghị phía Nhật cung cấp thông tin tài liệu. Nếu VKSND tối cao không làm sớm là thiếu trách nhiệm (Điều 64 Luật tương trợ tư pháp, Điều 25, 26 Bộ luật tố tụng hình sự).
"Nghi án" này gợi nhớ lại vụ đã xảy ra ở dự án đại lộ Đông - Tây TP.HCM trước đây, khi cũng một nhà thầu tư vấn của Nhật Bản là Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) đã hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sỹ, nguyên Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, Giám đốc Ban Quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP.HCM, để được trúng thầu gói tư vấn thiết kế của dự án.
Luật sư nhận định thế nào về sự tương đồng giữa hai vụ việc này và trong thời gian tới, chúng ta cần phải làm gì để tránh cho những trường hợp tương tự như thế này có thể xảy ra?
Luật sư Ngô Ngọc Trai: Đúng là tương đồng giữa hai vụ việc, xem ra vụ án trước xử lý đã không đủ sức răn đe, pháp luật vẫn bị chế nhạo coi thường.
Ngay bây giờ cần khẩn trương làm rõ và xử lý nghiêm khắc hành vi tham nhũng để làm gương.
Xin cảm ơn Luật sư!
Trước đó, liên quan đến những thông tin về nghi án “nhận hối lộ 16 tỷ đồng”, chiều 24/3, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ xác nhận: Văn phòng Chính phủ đã phát Thông báo số 1940/VPCP-V1 về ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu làm rõ thông tin đưa hối lộ tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
Theo đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện KSNDTC, Bộ GTVT, Bộ Ngoại giao chủ động xác minh, làm rõ và liên hệ với các cơ quan chức năng phía Nhật Bản để thu thập hồ sơ tài liệu về việc Chủ tịch Tập đoàn tư vấn giao thông Nhật Bản khai báo đưa hối lộ cho cán bộ thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố, điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Cho đến thời điểm hiện tại đã có 4 lãnh đạo ngành đường sắt bị tạm dừng công việc phục vụ công tác kiểm tra, xác minh tin đưa hối lộ mà báo chí Nhật Bản nêu, bao gồm:
1. Ông Ngô Anh Tảo, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đường sắt của Tổng Công ty.
2. Ông Trần Quốc Đông, Phó Tổng giám đốc, nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt (giai đoạn 2009).
3. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt, Cục đường sắt Bộ GTVT.
4. Ông Trần Văn Lục, nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt (giai đoạn 2000-2009), hiện là Trưởng ban dự án của Cục Đường sắt (Bộ GTVT).