Luật sư phân tích về cáo buộc quan chức VN nhận hối lộ 16,5 tỷ

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - Luật sư Bình cho rằng, nếu xác định đúng người nước ngoài phạm tội đưa hối lộ ở Việt Nam thì có thể xét xử theo luật của chúng ta với mức cao nhất là chung thân.

>>> Đang kiểm tra “cáo buộc” quan chức VN nhận hối lộ 16,5 tỷ đồng

Tờ Yomiuri Shimbun đưa tin, thứ Ba tuần trước (18/3), Chủ tịch Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) ông Tanio Kanikuma thừa nhận công ty mình đã "lại quả" tổng cộng 130 triệu Yên để dành được hợp đồng trong 5 dự án ODA tại Việt Nam, Uzbekistan và Indonesia.

Trong đó, một nguồn tin cho Yomiuri Shimbun biết, JTC đã hối lộ 80 triệu Yên (khoảng 16,5 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại) cho một quan chức tại Việt Nam. Đổi lại, JTC trúng thầu một dự án ODA trị giá 4,2 tỷ Yên (~867 tỷ đồng).

Tổng số tiền hối lộ 130 triệu Yên này được đưa thành 40 lần từ tháng 2 năm 2008 đến tháng 2 năm nay. Khi bị thẩm vấn tại Văn phòng Công tố Tokyo, Chủ tịch Kanikuma đã khai chi tiết tới từng lần hối lộ vào thời gian nào, và hối lộ bao nhiêu.

Theo JTC, cả bốn dự án mà họ đưa hối lộ để trúng thầu đều có liên quan tới thiết kế công trình đường sắt, khảo sát xây dựng, và các dịch vụ khác. Ông Kanikuma đã ký bản nhận tội nhưng nói ông không biết gì về các vụ hối lộ kể trên.

Trao đổi với chúng tôi về thông tin này, Luật sư Trịnh Cẩm Bình, Giám đốc Công ty Luật Biển Đông (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, đây mới là thông tin từ phía Nhật Bản đưa ra còn phía Việt Nam chưa có thông tin chính thức nên cần phải chờ các cơ quan chức năng Việt Nam kiểm tra và làm rõ.

Luật sư Trịnh Cẩm Bình, Giám đốc Công ty Luật Biển Đông.
Luật sư Trịnh Cẩm Bình, Giám đốc Công ty Luật Biển Đông.

"Với số tiền "lại quả" như vậy là rất lớn và rất nghiêm trọng, tuy nhiên ở đây mới là thông tin từ phía Nhật Bản đưa ra nên tôi cho rằng, cần phải chờ các cơ quan chức năng của Việt Nam điều tra, xác minh, làm rõ.

Về mặt pháp lý, nếu những thông tin này là đúng, chính xác thì đây hoàn toàn có thể đưa về xử lý theo tội danh đưa hối lộ và nhận hối lộ theo quy định tại Bộ Luật hình sự của nước CHXHCN Việt Nam.

Theo đó, đối với cá nhân dù là người nước ngoài nhưng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam thì vẫn sẽ bị xử lý hình sự theo Bộ Luật hình sự của Nhà nước Việt Nam.

Ở đây, nếu xác định đúng là hành vi đưa hối lộ như vậy sẽ bị xem xét xử lý theo Điều 289 Bộ Luật hình sự về tội đưa hối lộ. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của việc đưa hối lộ này mà cơ quan chức năng sẽ xử lý với khung hình phạt cao nhất là chung thân. 

Cũng cần nói thêm, ở đây, cơ quan chức năng sẽ phải xem xét, nếu người nước ngoài đó là người được hưởng quyền miền trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi khác theo các công ước quốc tế, hiệp định mà Việt Nam tham gia ký... thì vấn đề trách nhiệm hình sự sẽ phải được xem xét, giải quyết qua con đường ngoại giao. 

Còn đối với cá nhân người Việt Nam được xác định là đã nhận hối lộ thì tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi này mà cơ quan chức năng có thể xử lý với khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Trong trường hợp này, nếu xác định là chính xác thì với số tiền cá nhân là người Việt Nam nhận hối lộ được nêu ra ở đây là tương đương với 16,5 tỷ đồng thì sẽ bị xem xét xử lý theo khoản 4 của Điều 279 Bộ Luật hình sự với mức phạt tù là hai mươi năm, chung thân, tử hình...", Luật sư Bình cho hay.

Luật sư Bình cũng cho hay, thực tế, trong thời gian qua, cũng đã có một số vụ việc xảy ra tương tự như thông tin được nêu trên và các cá nhân vi phạm sau đó đều đã bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Đồng ý với ý kiến của luật sư Bình về việc xử lý hình sự các cá nhân nếu thông tin trên là đúng sự thật, tuy nhiên, luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng luật sư Interla, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cũng cho rằng, nếu người nước ngoài thực hiện hành vi đưa hối lộ đó tham gia tích cực trong việc tố giác đối tượng nhận hối lộ thì có thể xem xét việc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Trương Quốc Hòe.
Luật sư Trương Quốc Hòe.

"Nếu trong trường hợp, cơ quan chức năng Việt Nam xác minh thông tin trên là chính xác thì việc đưa các đối tượng vị phạm, dù là người nước ngoài về xử lý theo tội danh đưa và nhận hối lộ quy định tại Bộ Luật hình sự của nước CHXHCN Việt Nam là hoàn toàn đúng.

Tuy nhiên, nếu người nước ngoài đang đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam thực hiện hành vi hối lộ nhưng sau đó đã tích cực tham gia tố giác tội phạm nhận hối lộ thì theo quy định của pháp luật, cơ quan chức năng có thể xem xét giảm nhẹ, thậm chí là không khởi tố hình sự đối với những người này", luật sư Hòe cho biết.

Cũng theo luật sư Hòe, trong trường hợp ngược lại, nếu những thông tin này được điều tra, xác minh là không đúng thì những người, tổ chức đưa ra thông tin có thể bị xử lý về tội vu khống theo quy định của pháp luật Việt Nam.

"Nếu trong quá trình xác minh, cơ quan pháp luật của Việt Nam xác định được những thông tin này là không chính xác thì người phát ngôn cũng như tờ báo đưa thông tin này, dù ở nước ngoài nhưng làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể là người Việt Nam thì vẫn có thể bị xử lý theo tội vu khống được quy định tại điều 122 Bộ Luật hình sự của Việt Nam.

Và việc này sẽ được thực hiện thông qua các hiệp định về tương trợ tư pháp, ngoại giao...", luật sư Hòe nói.

Điều 279. Tội nhận hối lộ

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Gây hậu quả nghiêm trọng;

b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội nhiều lần;

d) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

đ) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:

a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Điều 289. Tội đưa hối lộ

1. Người nào đưa hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần,  thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;

d) Phạm tội nhiều lần;

đ) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm  mươi triệu đồng;

e ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm:

a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ.

6. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được  trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại