Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2A Cát Linh - Hà Đông được khởi công ngày 10/10/2011. Dự án đường sắt này được đầu tư từ nguồn vốn vay Trung Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Tuyến sẽ đi qua hồ Đống Đa, ngõ Thái Thịnh 1 tới đường Láng rẽ trái men theo sông Tô Lịch và tiếp tục đi dọc đường Nguyễn Trãi về Hà Đông.
Theo thiết kế, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được xây dựng với chiều dài 13km, gồm 12 nhà ga, có năng lực vận chuyển tối đa 28.000 khách/giờ/hướng.
Đây được coi là trục giao thông xương sống góp phần giải quyết căn bản bài toán giao thông từ nội đô ra cụm đô thị vệ tinh ở khu vực phía Đông Hà Nội.
Tuyến đường sắt chạy trên đường trên cao vành đai 3.
Đến nay, tiến độ dự án đã có tiến triển đáng kể, gồm kết cấu phần dưới 5 nhà ga, phê duyệt thiết kế kỹ thuật 296/434 trụ cầu… với tổng khối lượng công việc đạt 39%.
Tiến độ này là chậm so với yêu cầu, nhất là công tác GPMB tại P.Phú Lương, Q.Hà Đông, việc hạ ngầm đường điện cao thế La Thành Láng, bàn giao mốc GPMB đoạn qua các quận Đống Đa, Thanh Xuân...
Nếu trong thời gian tới, công tác GPMB tiếp tục chậm trễ thì khả năng dự án chậm tiến độ là rất lớn.
Hiện tại khó khăn lớn nhất hiện nay của dự án là mới giải phóng được 9,2km/13,5km. Các đường điện 110KV và 220KV đoạn từ ga La Thành đến đường Láng và xây dựng bãi đúc dầm, xử lý nền đất yếu trong khu Depot đã chậm khoảng 2 tháng so với tiến độ yêu cầu.
Ông Trần Văn Lục, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường sắt (Cục Đường sắt Việt Nam – Bộ GTVT) cho biết, nếu các điều kiện về nguồn vốn, GPMB, đảm bảo theo yêu cầu thì công tác xây lắp và cung cấp thiết bị dự kiến có thể hoàn thành vào cuối năm 2014, chạy thử toàn tuyến vào năm 2015 và đến quý I/2015 sẽ vận hành chính thức tuyến đường sắt trên cao này.