TRỰC TUYẾN QUỐC TẾ: ĐẠI TƯỚNG VÀ BÀI HỌC LÒNG DÂN (Phần 5)

Ban Biên Tập |

(Soha.vn) - Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ một số quan điểm về việc chọn ra một con đường tương xứng để lấy tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

ĐỌC PHẦN 1

ĐỌC PHẦN 2

ĐỌC PHẦN 3

ĐỌC PHẦN 4

Xin trân trọng kính mời quý vị độc giả tiếp tục theo dõi cuộc Giao lưu trực tuyến Quốc tế với chủ đề "Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bài học lòng dân" của Báo điện tử Trí Thức Trẻ được tổ chức vào sáng 15/10:

Vũ Hải Hà - Hà Nội

Thưa ông Dương Trung Quốc, đến thời điểm hiện tại thì việc chọn ra một con đường tương xứng để lấy tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tiến hành tới đâu rồi và bao lâu thì việc này mới đi đến quyết định cuối cùng thưa ông?

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Tôi cũng là thành viên trong Hội đồng đặt tên đường phố của Hà Nội, phiên họp gần đây nhất diễn ra vào thời điểm Đại tướng chưa qua đời nhưng đã được nhiều vị nhắc đến như để lưu ý lãnh đạo thành phố Hà Nội phải coi việc đặt tên một khi Đại tướng qua đời không thể theo những quy định hiện hành về điều kiện liên quan đến khoảng cách thời gian phải 10 năm mới đặt tên đường phố. Điều này được nhất trí rất nhanh và rất cao nhưng cũng có cảm giác là chưa được dự liệu sớm nên vào thời điểm này, chọn được một con đường tương xứng không đơn giản vì thường việc chọn con đường đặt tên phải tương xứng với tầm vóc của nhân vật hoặc những yếu tố mang tính chất lịch sử có liên quan.

Tuy nhiên, những thông tin gần đây từ phía lãnh đạo Hà Nội cho thấy nguyện vọng này đang được khẩn trương đáp ứng. Theo tôi rất có thể là một con đường đang hoàn thành nối trung tâm thành phố tới sân bay Nội Bài đang mở rộng, cũng là con đường hướng về chiến khu Việt Bắc mà Đại tướng rất gắn bó. Lại cũng có ý kiến nhắc đến tên gọi của những sân bay nhiều nước đặt tên những danh nhân xứng đáng như sân bay Kennedy ở Mỹ hay Charles de Gaulle ở Pháp.

TRỰC TUYẾN QUỐC TẾ: ĐẠI TƯỚNG VÀ BÀI HỌC LÒNG DÂN (Phần 5)
 
Một bạn đọc giấu tên

Từ đám tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hàng triệu người lại xích gần nhau hơn. Theo ông sự xích lại gần này chủ yếu là do tài năng, đức độ của một cá nhân hay chủ yếu là bản tính nhân ái, cộng đồng của người Việt?

Ông Lương Sơn Thành

Theo tôi thì chủ yếu là do mọi người đều ngưỡng mộ tài năng và đức độ của Đại tướng. Đám tang của Đại tướng là đám tang của mọi người, mọi nhà không hẳn chỉ là  Quốc tang.

Hiền Lương – Long An

Thưa thiếu tướng Hồ Phương, những “chữ vàng” mà QĐND Việt Nam đang học tập và noi theo Đại tướng là gì?

Thiếu tướng Hồ Phương

Tôi chưa thấy ai nói thống nhất về điều này, nhưng đây là ý của riêng tôi và những ý kiến khác của các đồng chí trong sư đoàn 308 chúng tôi.

Những chữ vàng đó là: Sáng suốt tuyệt vời. Anh dũng tuyệt vời. Tài năng lỗi lạc. Gần gũi quần chúng.

Người xứng đáng là vị anh hùng, thần tượng của chúng tôi và tất cả tuổi trẻ Việt Nam

Minh Tuyết - Sinh viên

Theo nhà thơ, liệu sau này còn có ai được nhân dân tin yêu như Đại Tướng Võ Nguyên Giáp và Bác Hồ nữa hay không, nếu không thì tại sao?

Nhà thơ Anh Ngọc

Mình chưa sống tới ngày mai đừng vội nói, dân ta rất lạc quan: Thời nào anh hùng nấy.

Bản chất của lịch sử là lạc quan, luôn đi tới, quy luật của lịch sử là đi tới mặc dù đi tới trên nhiều chông gai, mất mát nhưng cuối cùng nụ cười duy lý do mình dùng kinh nghiệm sống để nắm được quy luật vận động của cuộc sống là đi lên.

Lạc quan vì nắm được quy luật, thất bại có thể tạm thời nhưng cuối cùng lẽ phải sẽ chiến thắng.

Đại tướng vẫn bình tĩnh trước mọi thăng trầm nên người đã hoàn thành xong việc lớn trong đời. Nhưng người đã đi ra xa là đạo để thấy được lẽ cuối cùng của sự sống tồn tại trên trái đất này là gì nên trong fb của mình, tôi ví phẩm chất của người với phẩm chất của thượng hoàng Trần Nhân Tông vì đây là vị vua duy nhất giữ 2 ngôi vị vua.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đạt tới tột cùng của đạo và đời. Tôi chưa thấy ai sau Bác Hồ đạt được điều đó.

“Dĩ bất biến ứng vạn biến”, “Vạn biến như lôi nhất tâm thiền định” đó là hai câu nói của Bác Hồ mà Đại tướng đã làm được.

Cái quan trọng nhất là hai tiếng CON NGƯỜI vang lên trong con người Đại tướng.

Thu Thương – Thanh Trì – Hà Nội

Cháu chào bác Việt Nga, cháu được biết Dược Hậu Giang là một doanh nghiệp lớn nhưng khởi đầu khá khó khăn. Trong quá trình phát triển của công ty, những chiến lược chiến tranh tài ba của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có giúp ích cho công ty gặt hái được nhiều thành công như hôm nay? 

Tiến sĩ Phạm Thị Việt Nga

TS Phạm Thị Việt Nga: Chiến lược mà Dược Hậu Giang thành công nhất là lúc mình còn nhỏ, mình không đủ sức mạnh để cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn nhưng mình dùng chiến lược “đánh du kích”, tìm những chỗ thị trường trống để thọc sâu vào đó, khai thác thị trường ngách, từ đó lớn dần lên.

Trong đấu tranh, bài học lớn nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “đánh du kích”. Dược Hậu Giang cũng đã vận dụng được bài học này. Ngoài ra, để thành công được như ngày hôm nay, Dược Hậu Giang luôn nêu cao bài học về sự đồng tâm, đồng cam cộng khổ, khai thác được trí tuệ của người dân.

Thanh Thiên - Hà Tĩnh

Thưa ông Lương Sơn Thành, theo ông, vì sao người dân mình lại ngưỡng mộ Đại tướng đến như vậy? Tình cảm của bản thân ông đối với Đại tướng như thế nào?

Ông Lương Sơn Thành

Đại tướng là một người tài năng, đức độ, sống trong sạch, suốt đời thực sự vì nước vì dân. Bản thân tôi rất cũng ngưỡng mộ và kính phục Đại tướng.

Bùi Thị Thu Hiền - Hải Phòng

Thưa ông Dương Trung Quốc, theo ông, điều gì tạo cảm hứng lớn nhất trong sự nghiệp của tướng Giáp?

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Trước khi trở thành một người lính, Đại tướng là giáo viên lịch sử, một luật sư, Đại tướng không có nền tảng về quân sự, nhưng những gì mà ông đã thể hiện trong đường lối chiến lược quân sự của mình đã để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc.

Tôi đã tự hỏi rằng, điều gì có thể biến một giáo viên, một luật sư trở thành một vị Đại tướng huyền thoại của dân tộc. Và rồi tôi đã tìm ra câu trả lời cho mình: Nhờ có những kiến thức lịch sử sâu rộng, hiểu biết sâu sắc về nhân dân, về truyền thống đấu tranh lâu đời của dân tộc mà Đại tướng đã tìm ra phương hướng, chiến lược, kêu gọi nhân dân đồng lòng chiến đấu chống quân thù. Thêm nữa, người cũng đã nghiên cứu sâu sắc về đường lối chính trị, quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, người đã có thể kêu gọi được sức mạnh toàn dân từ mọi tầng lớp trong xã hội cùng đồng lòng đứng lên, tạo nên sức mạnh to lớn của dân tộc Việt Nam.

TRỰC TUYẾN QUỐC TẾ: ĐẠI TƯỚNG VÀ BÀI HỌC LÒNG DÂN (Phần 5)
 
Linh Nga – ĐH Sư phạm

Thưa nhà văn, trong văn nghiệp của mình, ông đã có những tác phẩm nào về chiến dịch Điện Biên Phủ thần kỳ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp? 

Thiếu tướng Hồ Phương

Ô, không ít đâu, dù không nhiều lắm. Truyện ngắn và ký sự tôi không nhớ hết đâu. Nhưng tiểu thuyết thì nhớ 2 cuốn là “Trận đánh cuối cùng”, “Điện Biên lửa sáng”.

Vĩnh Hải - Hà Nam

 Ông có tin thế hệ trẻ của Việt Nam đủ sức làm nên những Điện Biên Phủ khác về kinh tế xã hội?

Ông Lương Sơn Thành

Tôi tin vì thế hệ trẻ Việt Nam có tài, thẳng thắn, dám nghĩ dám làm       

Phùng Minh Khang - Quảng Bình

Trong số những bài thơ mà Đại tướng sáng tác, mọi người có nhắc nhiều đến bài thơ chữ Nhẫn của Đại tướng, ông có thể chia sẻ với chúng tôi 1 chút suy nghĩ của mình về chữ Nhẫn của Đại tướng không ạ?

Nhà thơ Anh Ngọc

Chữ Nhẫn là chữ mà mọi người hay dùng, nhẫn có mặt phải và mặt trái.

Mặt phải là chấp nhận hoàn cảnh biết rằng mọi sự có quy luật, cứ tự tin, bình tĩnh, thanh thản, từng bước, từng bước để đẩy cuộc sống tiến tới. Chịu đựng, mục đích là để chiến thắng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng đi lên từ zero, từng bước một và cuộc chiến đấu của chúng ta bao giờ cũng tận dụng một sức mạnh kì lạ đó là sức mạnh của thời gian.

Theo nhà văn Nguyễn Khải: Trên đời này mọi sự kì lạ đều có thể tưởng tượng được nhưng không ai tưởng tượng nổi là Việt Nam thắng Mỹ.

Lúc mình yếu, địch mạnh, lúc mình khó khăn mình phải nén lại, mình căng lên và chịu đựng. Nhưng lúc mình mạnh dần, mạnh dần và khi đánh đường Nam Lào, mệnh lệnh của tướng Giáp: Phải cho chúng nó biết mãnh lực của pháo binh Việt Nam.

Lịch sử có những thời điểm như thế, thời điểm chín muồi. Đại tướng đã nắm được quy trình từ không tới có và vận hành cho nó tuân thủ quy luật và thúc đẩy cho quy luật vận động đi lên phía trước theo đúng hướng. Hồn thiêng dân tộc luôn đứng phía sau chúng ta.

TRỰC TUYẾN QUỐC TẾ: ĐẠI TƯỚNG VÀ BÀI HỌC LÒNG DÂN (Phần 5)
 
Lã Hương Thảo - Hà Nội

Thưa ông Dương Trung Quốc, đức tính nào ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ông cảm thấy khâm phục nhất? Theo ông, các bạn trẻ ngày nay có thể học được gì từ Đại tướng?

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Theo tôi, Đại tướng có những đức tính đáng quý:

Một là, người có nghị lực phi thường. Ngay từ thời niên thiếu, dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng bác đã vượt lên tất cả để học tập tốt và đạt tới trình độ Cử nhân Luật. Việc bác là một thầy giáo dạy Sử cũng thể hiện sự quyết tâm cao để có đủ kiến thức truyền đạt cho học sinh. Rất nhiều những học sinh sau này đã trưởng thành và có nhiều công lao đóng góp cho đất nước mà vẫn nhớ như in từng lời dạy của Đại tướng.

Biểu hiện cao nhất của nghị lực này đã được bộc lộ trong trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Như Đại tướng đã từng nói: Đây là một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời. Những quyết đoán quan trọng đó đã tạo nên thắng lợi vĩ đại của chiến dịch Điện Biên Phủ: “Vang động năm châu, chấn động địa cầu”.

Hai là, sự khiêm tốn. Tôi hiểu được rằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn rèn luyện cho mình có một đức tính khiêm tốn, vì đó là đức tính của người Cộng sản chân chính. Như Lê- nin đã từng có câu nói nổi tiếng: “Bệnh kiêu ngạo là nguy cơ lớn nhất đối với những người Cộng sản”.

Bác Hồ nói: Những người Cộng sản là công bộc của dân. Tôi cho rằng Đại tướng là người đã thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Lê – nin cũng như Chủ tịch Hồ Chí Minh nên suốt cuộc đời của bác, bác luôn gắn bó, gần gũi với nhân dân.

Ba là, sự trong sáng trong đạo đức bác Giáp đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì độc lập tự do của đất nước. Bác là một tấm gương về sự liêm khiết. Nói điều này tôi liên tưởng tới tình hình hiện nay, tệ nạn tham nhũng vẫn tồn tại rất nặng nề. Vì thế, đây là một vấn đề thời sự. Và để thể hiện sự tiếc thương đối với bác Giáp, mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là những người có chức có quyền cần phải noi theo tấm gương của bác.

Vũ Nam - Sinh viên

Ông thấy người Việt, đặc biệt là lãnh đạo, cần rút ra bài học gì từ sự kiện lòng dân hướng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

Ông Lương Sơn Thành

Làm thế nào để dân tin, dân quý, dân thương

Tiến Mạnh – Thanh Trì – Hà Nội

Ông đã có bộ tiểu thuyết "Cha và con" rất hay về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thời gian tới, ông có định viết 1 bộ tiểu thuyết về Võ đại tướng không? 

Thiếu tướng Hồ Phương

Trước đây, viết rải rác về bác Giáp chung với các nhân vật khác thì tôi đã viết nhiều.Tôi cũng đã có kế hoạch sẽ viết riêng về bác Giáp. Qua Quốc tang bác Giáp, những  xúc đông càng thôi thúc tôi viết. Bởi tôi còn có nhiều tài liệu về bác. Tôi cũng có duyên may, tôi rất hay được gặp bác cả trong chiến trường lẫn hậu phương từ rất lâu, ngay từ đầu chống Pháp và sau này hòa bình tôi cũng nhiều lần được bác gọi đến nhà riêng trò chuyện.Cho nên tôi có cảm giác thân tình như người anh cả với người em út chứ không chỉ như người chỉ huy với người lính. Bác mất tôi không ngăn được nước mắt, ngay khi ngồi 1  mình ở nhà riêng chứ không phải đứng trước ban thờ…

TRỰC TUYẾN QUỐC TẾ: ĐẠI TƯỚNG VÀ BÀI HỌC LÒNG DÂN (Phần 5)
 
Phan Ngọc Minh - Sinh viên

Thưa ông, ông có thể cho biết người Anh nói gì về Đại tướng của chúng ta?

Ông Lương Sơn Thành

Báo trong nước đã dịch nhiều tôi chỉ nêu ví dụ: Hãng thông tấn Reuters giật một cái tít: “Napoleon Đỏ của Việt nam, Võ Nguyên Giáp mất ở tuổi 102”. Họ ca ngợi Đại tướng là một vị tướng tự học, đã đánh bại Pháp và Mỹ và trở thành một trong những nhà cầm quân nổi tiếng  nhất trong thế kỷ 20. Họ trích dẫn lời các sử gia đánh giá Đại tướng vĩ đại như các tướng Montgomary, Rommel  và MacArthur ( Danh tướng của Anh, Đức, Mỹ trong thế chiến thứ 2).

Hương Tiên - Hà Nội

Người dân đã tôn sùng Đại tướng như một vị Thánh, vị Thánh trong lòng dân, sưởi ấm trái tim hàng vạn con dân Việt cũng như những người yêu mến trên toàn thế giới. Theo quan điểm của ông, Đại tướng lại có thể khiến nhiều người yêu mến đến như vậy và Đại tướng có xứng đáng là một vị Thánh không, tương tự như Đức Thánh Trần Hưng Đạo chẳng hạn, thưa ông Dương Trung Quốc?

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Trong lịch sử của dân tôc, Trần Hưng Đạo được nhân dân suy tôn là Đức Thánh Trần dù không qua bất kỳ một thể thức nào của Nhà nước. Và chúng ta thấy sự suy tôn của nhân dân là hoàn toàn đúng đắn.

Ngày nay, nhân dân ta và bạn bè quốc tế cũng suy tôn Đại tướng Võ Nguyên Giáp như vậy. Tôi thấy đây là một niềm tự hào của dân tộc Việt Nam chúng ta.

Nguyễn Thị Minh Thư - Hà Nội

Thưa ông, nhiều ý kiến của chính người Việt cho rằng, người Việt không đoàn kết, không kéo nhau lên cùng thịnh vượng như người Nhật, người Trung Quốc. Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng: Đoàn kết vốn là truyền thống của người Việt Nam. Ông nghĩ sao về những ý kiến này? Người Việt tại Anh có đoàn kết? 

Ông Lương Sơn Thành

Đoàn kết vốn là truyền thống của người Việt Nam nhưng trong từng lĩnh vực có phân biệt đội chút. Trong các cuộc chiến tranh  chúng ta đã rất đoàn kết để bảo vệ tổ quốc, còn trong làm ăn  chúng  ta chưa có kinh nghiệm để đoàn kết như người Nhật, người Trung Quốc chứ không phải không đoàn kết như họ. Chúng ta hay lẫn lộn giữa tình càm và công việc, ngại nói thẳng thắn, sòng phẳng nên khó hợp tác làm ăn. Nếu có các hợp đồng, giao ước chi tiết, minh bạch, sòng phẳng chắc sự hợp tác, đoàn kết sẽ vững chắc hơn.

Người Việt ở Anh có thể nói là khá đoàn kết. Hầu như không còn sự phân biệt kỳ thị địa phương xuất thân, nhà quê-thành phố, Nam-Bắc.

Nguyễn Bá Mạnh - Hà Nội

Theo chiều dài lịch sử của Việt Nam, có rất nhiều danh tướng lẫy lừng được ghi danh muôn đời như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng ... Dưới góc độ của một người nghiên cứu lịch sử, ông có xếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào danh sách những "vị thánh" của dân tộc mình?

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Tôi có quyền gì mà “xếp”! Theo tôi, việc suy tôn làm anh hùng dân tộc hay hiển Thánh là việc của dân. Thời gian sẽ trả lời và tôi tin rằng, sự phán xét của người dân cùng thời gian là sáng suốt hơn cả.

TRỰC TUYẾN QUỐC TẾ: ĐẠI TƯỚNG VÀ BÀI HỌC LÒNG DÂN (Phần 5)
 
Vũ Luân, học sinh lớp 5, trường Tiểu học Yên Từ, Ninh Bình

Thưa cô Nga, mấy ngày qua báo chí cũng dùng rất nhiều các mỹ từ nói về Đại tướng. Cháu có xem bộ phim tài liệu và cháu rất thích cách Bác nói chuyện với mọi người: “Bà con nông dân về đi cày đi, tôi phải về Hà Nội đây. Nói về các trận đánh thì nói cả ngày không hết nhưng các cháu nhỏ nhớ là không được đánh nhau đâu nhé” – Lúc đó, mọi người cười vang, rất gần gũi, ấm áp. Với riêng cô, cô thích nhất hình ảnh (bức ảnh) hoặc câu chuyện, lời nói nào của người anh hùng dân tộc Võ Nguyên Giáp? 

Tiến sĩ Phạm Thị Việt Nga

Cái mà cô thích nhất là quyết tâm sắt đá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi kiên định với chiến lược chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc” – Đó là điều mà cô thích nhất.

Ngoài ra, cô cũng thích việc Đại tướng chỉ nhận mình là “Đại tướng của Nhân dân”. Đó là 2 điều nổi bật làm nên tính cách của một người sống hết mình vì nhân dân, luôn cân nhắc sinh mạng, sự tiêu hao của lực lượng mình. Người quyết tâm “không trả giá” xương máu của anh em đồng bào, chiến sỹ bằng bất cứ giá nào. Qua đó cho thấy, Đại tướng luôn lấy nhân dân làm gốc, là một người học trò vĩ đại, xuất sắc của Bác Hồ.

ĐỌC PHẦN 1

ĐỌC PHẦN 2

ĐỌC PHẦN 3

ĐỌC PHẦN 4

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại