TRỰC TUYẾN QUỐC TẾ: ĐẠI TƯỚNG VÀ BÀI HỌC LÒNG DÂN (Phần 3)

Ban Biên Tập |

(Soha.vn) - "Sức mạnh tiềm ẩn của dân tộc nếu được giải phóng thì nhiều Phù Đổng hay Điện Biên mới đều có thể trở thành hiện thực. ", Tiến sĩ Trần Bắc Hải tin tưởng vào thế hệ trẻ.

Xin trân trọng kính mời quý vị độc giả tiếp tục theo dõi cuộc Giao lưu trực tuyến Quốc tế với chủ đề "Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bài học lòng dân" của Báo điện tử Trí Thức Trẻ được tổ chức vào sáng nay (15/10)

ĐỌC LẠI PHẦN 1

ĐỌC LẠI PHẦN 2

TRỰC TUYẾN QUỐC TẾ: ĐẠI TƯỚNG VÀ BÀI HỌC LÒNG DÂN (Phần 3)
 
Nguyễn Thị Minh - Hà Nội

Trong những năm tháng sống và làm việc tại Việt Nam, Đại sứ có kỷ niệm nào sâu sắc với Đại tướng? Xin ông chia sẻ một vài kỉ niệm của mình.

Đại sứ Venezuela tại Việt Nam - Jorge Rondón Uzcátegui

Tôi có vinh dự được gặp lại Đại tướng khi Liên hiệp tổ chức hữu nghị Việt Nam mời đoàn du kích Venezuela, những chiến sĩ đã bắt cóc Trung tá Mỹ để đòi trả tự do cho anh Nguyễn Văn Trỗi. Khi đó, Đại tướng đã nhắc lại nghĩa cử này và nói rằng đó là món nợ tinh thân mà nhân dân Việt Nam phải trả cho nhân dân Venezuela. Sau đó, người nói rằng món nợ đó chỉ có thể trả được bằng một cách duy nhất - đó là tiếp tục giữ gìn, xây dựng mối quan hệ hữu nghị, anh em giữa Việt Nam và Venezuela ngày càng thêm bền chặt và phát triển bền vững.

Một lần nữa, trong cuộc gặp không chính thức đó, tôi lại cảm nhận được ở Người một tình cảm bình dị, thân mật giữa Đại tướng với một người dân ngưỡng mộ người, chứ không phải giữa một Đại tướng và một Đại sứ.

Một Việt Kiều tại Mỹ

Ông rất am hiểu về Việt Nam, về Đại tướng của chúng tôi. Xin hỏi, ông đã sống ở Việt Nam bao lâu và điều gì đã khiến ông ở lại sống và làm việc tại Việt Nam trong suốt thời gian đó?

Tiến sỹ Michael Gerard Parsons

Tôi đã sống ở đây 6 năm. Chừng nào chính phủ Việt Nam còn cần sự giúp đỡ của tôi, tôi sẽ còn làm việc ở đây, góp phần vì một nước Việt Nam thịnh vượng.

Nguyễn Quốc Huy - Sinh viên Đại học Nông Nghiệp

Nhiều người không mấy tin tưởng ở một bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ. Họ nói rằng thế hệ trẻ quen sung sướng, không có lý tưởng, ít quan tâm đến vận mệnh đất nước, chứ không thể xả thân, quên mình vì đất nước như thế hệ Đại tướng. Anh nghĩ sao?

Tiến sĩ Tạ Minh Trí

Đúng là hiện tại có 1 bộ phận nhỏ thế hệ trẻ đã quen với tự do, sung sướng, không có lý tưởng sống tuy nhiên đa phần thanh niên đều thấu hiểu được rằng nhờ có sự hy sinh to lớn của cha ông thì mới có được hòa bình như ngày hôm nay,

Lễ viếng Đại tướng còn có rất nhiều bạn trẻ tham dự. Trong dòng người lịch sử ấy, nổi bật lên màu áo xanh thanh niên tình nguyện, nổi bật lên tình cảm tha thiết và lòng biết ơn vô hạn của những người trẻ tuổi đối với vị Đại tướng kính yêu của mình. Cũng như mọi người thấy trong tất cả mọi thời điểm đất nước gặp khó khăn thì nhân dân việt Nam luôn biết đoàn kết, đặc biệt là thế hệ trẻ, luôn sẵn sàng xả thân quên mình và đi đầu trong công cuộc bảo vệ đất nước.

Tôi tin rằng, sau những ngày này, sẽ có những nhìn nhận khác về người trẻ.

TRỰC TUYẾN QUỐC TẾ: ĐẠI TƯỚNG VÀ BÀI HỌC LÒNG DÂN (Phần 3)
 
Lại Thị Hồng Lam - Quy Nhơn

Thưa ông Hải, cộng đồng người Việt tại Australia đã làm gì để tưởng nhớ Đại tướng?

Tiến sĩ Trần Bắc Hải

Tôi không dám đại diện cho số đông để trả lời câu hỏi của bạn. Bạn bè, người thân của tôi ở đây cũng như đa số người dân thường trong nước. Đường xa, không có điều kiện đến 30 Hoàng Diệu, thì chỉ bái vọng trong lòng thôi.

Trường Thịnh - Quảng Bình

Xin bà cho biết ý kiến của mình về vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong việc gắn kết tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Nga trong thời chiến và cả thời bình?

Tiến sĩ người Nga Daria Mishukova

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá cao việc các cố vấn quân sự Liên Xô tham gia cuộc chiến của nhân dân Việt Nam chống Mỹ và bày tỏ sự cảm ơn đối với nhân dân Nga về sự giúp đỡ vật chất to lớn những năm tháng chiến tranh. Thời bình, trong những chuyến thăm Liên Xô nói riêng và các nước khác nói chung, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thể hiện phẩm chất của nhà ngoại giao tài giỏi. Tuy nổi tiếng khắp thế giới vì góp phần quan trọng vào chiến thắng của Việt Nam trong 2 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nhưng bản thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn tự nhận mình là Đại tướng của hoà bình.

Hoàng Long – Hải Dương

Điều mà bà ngưỡng mộ nhất ở Đại tướng?

Tiến Sĩ Phạm Thị Việt Nga

Tôi ngưỡng mộ nhất là cách cầm quân. Người ta hay nói “Thương trường là chiến trường”. Chính vì vậy, với vai trò là một Tổng giám đốc, một Chủ tịch Hội đồng quản trị như tôi, việc cầm quân – không phải cầm quân đi đánh trận mà là cầm quân trên thương trường, cũng là một việc phải suy nghĩ và học hỏi rất nhiều.

Tôi ngưỡng mộ Người - một vị tướng vĩ đại nhưng lại có một lối sống giản dị, vừa có kiến thức uyên thâm, lại là một nhà văn, giỏi đàn hát và có nhiều năng khiếu khác.

Hà Hồng Đăng - Sinh viên Đại học Y Hà Nội

Thưa bác, mỗi lần về thăm quê, Đại tướng được nhận tình cảm của bà con thế nào? Đại tướng thăm hỏi láng giềng những câu hỏi gì khiến họ cảm thấy Đại tướng là người gần gũi?

Ông Võ Đại Hàm

Mỗi lần thăm quê, người dân đến nhiều lắm. Cụ yêu cầu xe dừng cách xa cổng rồi cụ tự đi bộ vào.

Khi nghe tin Đại tướng mất, từ ngày mùng 4, người dân, đoàn thể ở khắp các tỉnh, thành đến viếng, thắp nhang cho cụ kể cả đêm hôm. Tình cảm của mọi người hết sức trân trọng, bày tỏ sự kính trọng với Đại tướng. Theo thống kê, tính đến 17 giờ ngày 12/10, có 2570 đoàn, số người gần 40 ngàn người.

TRỰC TUYẾN QUỐC TẾ: ĐẠI TƯỚNG VÀ BÀI HỌC LÒNG DÂN (Phần 3)
 
Trần Hải Đăng - Hà Nội

Anh đang sống ở một đất nước Châu Âu, anh thấy lãnh đạo, công chức của họ vì dân như thế nào?

Tiến sĩ Tạ Minh Trí

Những tấm gương lãnh đạo vì dân ở nước nào, thời nào cũng có. Ví dụ như tổng thống J.Chirac chưa năm nào bỏ lỡ hội chợ về nông nghiệp của Pháp, nơi trưng bày các mà các sản phẩm của nông dân…

Nguyễn Thị Dự - Hà Nội

Thưa nhà sử học Dương Trung Quốc, theo ông, tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp nên đặt ở đâu, Hà Nội, Quảng Bình hay Điện Biên? Chúng ta nên xây dựng tượng đài là hình ảnh Tướng Giáp trong hòa bình hay trong chiến trận?

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Việc làm tượng đài cũng là một cách thể hiện theo ngôn ngữ hiện đại. Tập quán truyền thống của dân ta thường là những ngôi đền thờ hay tượng thờ khiêm nhường nhưng gần gũi với người dân. Và tôi nghĩ cái tượng đài lớn nhất chính là lòng người và sức trao truyền tấm gương ấy qua thời gian.

Việc xây dựng tượng đài như bạn hỏi chắc chắn sẽ được bàn tới nhưng cũng cần rút kinh nghiệm việc xây dựng tượng đài ở nước ta trong thời gian qua đôi khi tốn kém mà hiệu quả rất hạn chế. Cái khó nhất để tạo hình vị Đại tướng của chúng ta chính là làm sao toát lên ở ông cả hai phẩm chất tưởng như trái ngược nhau, thể hiện trong điều mà chính ông tự nhận “tôi là vị tướng của hòa bình”, hay như người nước ngoài đã ví ông là “ngọn núi lửa phủ tuyết”… Vấn đề là tài năng của các nghệ sĩ tạo hình.

Nguyễn Thị Hồng Minh - Đà Nẵng

Thưa ông Alain Ruscio, tên tuổi Đại tướng gắn liền với chiến dịch Điện Biên Phủ. Nước Pháp thua trận, nhưng nước Pháp nghĩ gì về Võ Nguyên Giáp?

Nhà sử học Alain Ruscio

Đại tướng không bao giờ nói "nước Pháp đã bị đánh bạị", mà ông nói "chủ nghĩa thực dân Pháp đã bị đánh bại". Ông tuyệt nhiên không hề coi thường các tướng lĩnh Pháp, đặc biệt là Navarre, bởi đối với ông, chính hệ thống thực dân đã tạo ra tình huống này, đẩy các tướng lĩnh vào những ngõ cụt liên tiếp.

Nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của những con người vĩ đại, đã chiến thắng, bởi vì sự nghiệp giải phóng dân tộc đã được khắc ghi vào lịch sử.

Trần Quang Hùng - Phú Yên

Anh có nghĩ rằng, tương lai, người Việt có thể làm nên những chiến công tầm cỡ “Điện Biên phủ trong các lĩnh vực kinh tế - văn hóa – khoa học công nghệ”?

Tiến sĩ Tạ Minh Trí

Việt Nam hiện là một nước đang phát triển, chúng ta mới thoát khỏi chiến tranh được vài chục năm. Để có thể theo kịp được các nước đã phát triển từ nhiều thập kỷ thì chúng ta cần có 1 phương hướng đúng đắn cũng như quyết định sáng suốt của Đại tướng đổi cách đánh trong trận Điện Biên Phủ. Người Việt có rất nhiều người tài giỏi nên việc làm nên những chiến công tầm cỡ như Điện Biên Phủ trong các lĩnh vực kinh tế - văn hóa – khoa học công nghệ là hoàn toàn có thể.

Nguyễn Việt Hưng - Hà Nội

Nếu được nói một điều gì đó với Đại tướng, thì ông, một người con xa quê hương, sẽ nói điều gì?

Tiến sĩ Trần Bắc Hải

“Xin anh linh Người giúp giữ được Trường Sa, cho một ngày con cháu Người trở lại Hoàng Sa”.

Nguyễn Hương Ly - Hà Tây

Bài thơ “Vị tướng già” có phải là tác phẩm hay nhất của đời ông?

Nhà thơ Anh Ngọc

Tôi như một người bố mẹ sinh con ra yêu tất cả những đứa con của mình nên nói yêu ai nhất thì không nên nhưng đây là bài mà tôi ưng ý và tâm huyết nhất vì những ai hiểu biết nó cũng yêu nó như tôi, những ai chưa hiểu biết mà hiểu theo cách khô cứng thì sẽ không hiểu và thậm chí còn ghét tôi.

Nhiều người viết thư gửi các báo để giễu tôi và gửi cho các báo như câu “Một chân ông đã đặt vào lịch sử” và họ nói, họ viết là: “Không, ta đã đặt hai chân vào lịch sử”.

Viết được chân dung, hồn vía của người mình rất yêu, rất kính. Thứ hai, nói được về chính tâm hồn của tôi qua việc nói về Đại tướng bởi vì nhà thơ dù viết về ai cuối cùng cũng là thể hiện chính mình.

TRỰC TUYẾN QUỐC TẾ: ĐẠI TƯỚNG VÀ BÀI HỌC LÒNG DÂN (Phần 3)
 
Nguyễn Thế Nam - Hải Phòng

Theo ông, có nên lập riêng cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp 1 viện bảo tàng để tưởng nhớ người?

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Theo thông lệ ở nhiều nước, người ta rất coi trọng đời sống riêng của những danh nhân, nơi sống của danh nhân thường trở thành những bảo tàng hoặc nhà lưu niệm. Nhưng theo tôi, tôn vinh Đại tướng không thể tách rời nhân dân, Bác Hồ và những người đồng đội thân thiết của ông, đặc biệt là các tướng lĩnh rất tài năng của quân đội ta. Tôi hình dung một bảo tàng về ông phải nhận ra ông trong cái cộng đồng cùng chia ngọt sẻ ngọt bùi và tạo nên những chiến công lừng lẫy.

Do vậy, ngoài những phần trưng bày về ông trong các bảo tàng mang tính chất lịch sử, ngôi nhà mà ông đã sống ngót một nửa thế kỷ nên trở thành một bảo tàng hay nhà lưu niệm (tùy theo quy mô thực tế) bảo tồn không chỉ đời sống cá nhân và gia đình mà còn là nơi tụ hội trí tuệ và tình cảm của nhân dân, của quân đội trong những ngày chiến tranh gian khổ, cũng như những năm tháng cuối đời đầy thử thách của ông.

Nguyễn Thị Bích Minh - Hà Nội

Kỷ niệm nào của ông với Đại tướng là sâu sắc nhất?

Ông Võ Đại Hàm

Tôi được gần Đại tướng từ thuở còn học phổ thông. Tôi tiếp xúc với Đại tướng nhiều lần và có nhiều kỷ niệm sâu sắc với Đại tướng. Đối với nhân dân Đại tướng không bao giờ quên họ. Và mỗi lần về quê là mỗi lần Đại tướng có dịp tỏ lòng mình với nhân dân và nhân dân tỏ lòng với Đại tướng.

Mỗi lần Đại tướng về quê thì khung cảnh khi đó là người dân đứng chật hai bên đường và mỗi khi đó Đại tướng đều xuống xe chào bà con từ ngoài cổng xa. Ông đến ôm hôn nhân dân, rất vui vẻ… Đó thực sự là một ngày hội với nhân dân ở làng An Xá. Khi mọi người hay tin Đại tướng về quê thì mọi người đều mong.

Khi Đại tướng về quê nhà, mọi người đều cảm thấy thời gian trôi qua rất nhanh. Mỗi khi đó, trong nhà Đại tướng đều không còn chỗ ngồi và Đại tướng đều đứng để trò chuyện với nhân dân.

Tôi nhớ có một lần, khi Đại tướng về quê, trời mưa, người dân đứng chào Đại tướng hai bên đường. Đại tướng bảo là xuống để chào nhân dân nhưng các cán bộ đi cùng can ngăn vì trời mưa. Đại tướng bảo rằng trời mưa người dân còn đứng được thì tôi phải xuống để chào nhân dân chứ không thể ngồi trong xe vẫy tay chào nhân dân được. Thế là Đại tướng xuống xe chào nhân dân. Vì sau đó mưa quá to nên Đại tướng mới lên xe.

Mỗi lần quê hương bị mưa bão, Đại tướng đều hỏi thăm về tình hình quê hương và gia đình Đại tướng cũng có những món quà hết sức tình cảm gửi tới người dân ở quê bị bão lụt.

Phan Thị Hồng Liên - Lạng Sơn

Thưa nhà sử học Dương Trung Quốc, được biết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng là Chủ tịch danh dự Hội Sử học và ông đã từng có thời gian làm việc cùng với Đại tướng, ông đã có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với Người. Cho tôi hỏi: Lời dặn dò nào của Người khiến ông nhớ nhất. Ông học hỏi được từ Đại tướng điều gì?

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Từ năm 1988, Đại tướng nhận lời làm chủ tịch danh dự của Hội Sử học. Ông là một chủ tịch danh dự thực sự chứ không chỉ hình thức. Ông đóng góp rất nhiều vào hoạt động của hội và của giới sử học. Ông thực thụ là một nhà sử học lớn của thời đại chúng ta.

Đúng là tôi có nhiều cơ hội được tiếp xúc với ông và học hỏi ở ông rất nhiều điều. Về nghề nghiệp, lời căn dặn sâu sắc nhất mà tôi ghi nhận là ông luôn nhắc nhở chúng tôi về tính nghiêm túc, khách quan, có dũng khí nhưng không bao giờ ảo tưởng rằng có một thứ lịch sử “phi chính trị”. Ông nhấn mạnh rằng nhận thức lịch sử chính là một chính trị cao nhất vì nó tạo ra tính liên tục, trao truyền những giá trị của quá khứ cho hiện tại mà phải luôn luôn phục vụ sự tiến bộ xã hội, cũng là phục vụ nhân dân.

Ngô Thị Thiên Lý - Hà Nội

Anh đi nhiều nước, anh đánh giá nhân dân Việt Nam thế nào về tính cách, độ thông minh, tình thương yêu đồng loại, sức mạnh dân tộc?

Tiến sĩ Tạ Minh Trí

Người Việt Nam có đặc tính thông minh, siêng năng và sáng tạo, luôn được các thầy cô giáo và các bạn đồng nghiệp đánh giá cao trong học tập và cách làm việc. Không thua kém gì các bạn bè quốc tế, luôn biết đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau khi có khó khăn. Tuy nhiên tự tin khi giao tiếp còn yếu nên nhiều khi còn bỏ lỡ nhiều cơ hội.

Ngô Xuân Trung - Hà Nội

Tôi xin có 2 câu hỏi gửi Tiến sĩ Trần Bắc Hải như sau:

- Thưa Tiến sĩ, sau khi Đại tướng mất, đồng bào trong nước đang rất quan tâm đến việc đặt tên đường mang tên Người. Kiều bào ở Úc có quan tâm tới vấn đề này không? Ý kiến của họ như thế nào?

- Theo tiến sỹ, thế hệ trẻ Việt Nam nên học gì từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

Tiến sĩ Trần Bắc Hải

Cảm ơn bạn Trung đã gửi câu hỏi, trước hết, tôi không dám trả lời thay mặt bất kỳ ai. Nếu bạn hỏi ý kiến cá nhân, thì tôi xin rằng đừng lấy đi những cái tên đã đi vào lịch sử, cho dù để tặng cho người tôi yêu mến.

Về câu hỏi thứ 2, tôi xin trả lời ngắn gọn như sau: Hy sinh vì lý tưởng. Nhẫn, nhưng đừng đến mức hy sinh tất cả.

Lý Quốc Huy - Sơn La

Thưa ông Dương Trung Quốc, tôi từng nghe ông chia sẻ rằng: Ông ấn tượng với cách nói chuyện nhẹ nhàng, bình thản mà sâu sắc của Đại tướng. Ông có thể chia sẻ nhiều hơn về điều này, được không?

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Tôi cảm thấy rất khó chia sẻ vì nói về một điều, cũng là một phẩm chất, một phong cách của Đại tướng được thể hiện một cách rất tự nhiên, thường nhật, vì thế cũng rất sâu sắc.

Theo tôi, điều đó cho thấy những gì ông nói ra là sự tích tụ của một quá trình nhận thức, rất ít khi thấy ông bộc lộ điều gì như một cảm xúc nhất thời. Nhiều câu chuyện tôi thường được nghe từ những người trợ lý của ông nhưng có mặt ông ở đó. Ông ít nói và chỉ nói khi thấy cần thiết. Tôi có cảm nhận ông thích đọc hơn thích nghe. Nói cách khác, ông chỉ nghe từ những người đã đọc rất nhiều.

Có một nhà ngoại giao kể với tôi rằng trong chuyến đi 9 nước châu Phi, ông mang theo mấy va li sách. Trên máy bay, trong suốt hành trình, ông lấy những cuốn sách mang theo trao cho những thành viên am hiểu trong đoàn, yêu cầu đọc rồi tóm thuật cho ông và thảo luận cùng ông vào những lúc rảnh rỗi.

Phạm Quang Huy - Vĩnh Phúc

Thưa ông Alain Ruscio, để viết được cuốn sách "Võ Nguyên Giáp - Một cuộc đời" mừng sinh nhật 100 tuổi của Đại tướng, ông phải mất thời gian bao lâu? Trong suốt quá trình tìm hiểu để viết sách, ông nhận thấy, điểm gì khác biệt nhất ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp so với những tướng tài thế giới?

Nhà sử học Alain Ruscio

Cuốn sách này không được viết xong ngay trong 1 lần. Nó được hình thành dần dần, từng chút từng chút một sau mỗi lần tôi được gặp Đại tướng. Rồi sau đó, cuốn sách còn ở dạng bản thảo khá lâu trước khi chúng tôi hoàn thiện và Đại tướng cho phép tôi xuất bản nó.

Điều đặc biệt ở Đại tướng là ông chưa từng tốt nghiệp một trường lớp quân sự chính quy nào. Tuy nhiên, tất cả những nhà quan sát, kể cả những người từng ở bên kia chiến tuyến với Đại tướng đều thừa nhận ông là một thiên tài về chiến lược.

Bùi Thị Hoài - Thành phố Hồ Chí Minh

Thưa nhà thơ, trong những ngày qua, sau khi hay tin Đại tướng qua đời, bài thơ của ông đã được người dân nhắc tới và chia sẻ nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Có báo gọi đó là bài thơ bất hủ về Đại tướng. Đặc biệt phần đông những chia sẻ là từ phía các bạn trẻ. Theo ông, giới trẻ nên kế thừa đức tính gì ở Đại tướng?

Nhà thơ Anh Ngọc

Cha ông ta nói "thời nào anh hùng nấy", tôi nhìn thấy trong bạn trẻ hôm nay những gương mặt. Tôi viết về hình dung, vẻ đẹp, tài năng, trí tuệ của nhân vật anh hùng của các bạn trẻ hôm nay qua hình ảnh 1 nhà toán học. Các bạn sẽ thấy trong đó niềm tin, hi vọng của tôi dành cho lớp trẻ đã có từ 30 năm trước.

“Ý nghĩ điên rồ nào đã khiến cho tôi

Kết thúc bản trường ca này bằng những vẫn thơ gửi 1 nhà toán học

Lại một mối tình mà tôi đã mất

Tôi giơ tay mà không sao với được

Cái tình yêu tinh khiết tựa trẻ thơ

Yêu hết trời xanh, mây bay cùng hoa nở

Nhưng yêu nhất là những chùm con số…

Rất thông minh nhưng thường hay mất cắp

Trừ một thứ mà anh quý nhất:

Thời gian

Trận đánh diễn ra trên những mặt bàn

Trận đánh này anh một mình đơn độc

Qua một đêm có thể thành bạc tóc

Tư lệnh là anh

Chiến sĩ cũng là anh

Anh dấn mình giữa trang giấy vô danh

Những cái vạch dọc ngang đầy ma lực

Những con số không làm nên vật chất

Nhưng làm cho vật chất hóa giầu thêm

Có phải rằng vì thế đêm đêm

Anh vật lộn với những hàng con số

Cái vạch bút chì mảnh mai bé nhỏ

Xuyên qua đêm như tia nắng mặt trời

Đã trở thành lý tưởng của thơ tôi

Những con người với niềm say mê tìm kiếm

BỞI HẠNH PHÚC CHÍNH LÀ BÀI TOÁN LỚN

TRÁI CAM TREO BÍ ẨN TRƯỚC CON NGƯỜI

MÀ CHÚNG TA ĐANG PHẤN ĐẤU SUỐT ĐỜI

ĐỂ TÌM RA ĐÁP SỐ”

(Trường ca “Điệp khúc vô danh” – 1983)

Sau tất cả mọi sự kiện, tôi thấy cần phải dùng tới lời của nhạc sĩ của Trịnh Công Sơn mà tôi tâm huyết:

“CHÚNG TA PHẢI SỐNG SAO ĐỂ KHI SỐNG THÌ ĐẦY ẮP SỰ CÓ MẶT, KHI MẤT ĐI THÌ ĐẦY ẮP SỰ VẮNG MẶT”.

Sự ra đi của những con người vĩ đại để lại 1 khoảng trống không lồ không gì có thể bù đắp được và chỉ có chúng ta mới đắp được vào đó.

TRỰC TUYẾN QUỐC TẾ: ĐẠI TƯỚNG VÀ BÀI HỌC LÒNG DÂN (Phần 3)
 
Vũ Nguyên Khang - Hà Tĩnh

Đại tướng Võ Nguyên Giáp được báo chí phương Tây gọi là “Napoleon Đỏ”. Ông có thể nói về sự khác biệt giữa Đại tướng và Napoleon?

Tiến sỹ Michael Gerard Parsons

Tất nhiên là khác biệt hoàn toàn. Biệt danh “Napoleon Đỏ” theo tôi là một sự xúc phạm đối với Đại tướng. Biệt danh này xuất phát từ một bài viết trên tạp chí Time số ngày 17/6/1966. Họ đã lấy tên “Napoleon Đỏ” từ một cuốn tiểu thuyết cùng tên của Floyd Gibbons xuất bản năm 1929. Cuốn sách này là một phần của chiến dịch tuyên truyền chống lại chủ nghĩa cộng sản. Nó sử dụng văn phong nặng mùi phân biệt đối xử để vẽ ra một giả tưởng phi lý về việc Liên Xô chinh phạt châu Âu và xâm lược nước Mỹ.

Hãy nhìn vào thực tế lịch sử: Napoleon chỉ hành động vì tham vọng và lợi ích cá nhân. Ông ta làm mọi thứ đều vì mình. Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp vì lòng yêu nước, nhằm giành độc lập cho đất nước. Napoleon đem quân đi đánh các nước khác để lập nên một vương quốc mà ông ta có thể lên ngôi làm hoàng đế. Ông ta thậm chí còn tự tấn phong cho mình.

Còn Tướng Giáp, ông chỉ bảo vệ Tổ quốc trước sự xâm lăng của nước khác. Ông không bao giờ rời bỏ đất nước mình để đi xâm chiếm nước khác. Ông chưa bao giờ, không bao giờ chiến đấu vì quyền lợi cá nhân, mà luôn làm tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Thành phố Hồ Chí Minh

Để đất nước bay cao như mong đợi của Đại tướng, theo anh người Việt cần gạt bỏ những thói xấu nào? Cần phải phát huy thế mạnh nào?

Tiến sĩ Tạ Minh Trí

Trăn trở nhắc lại lời căn dặn của Đại tướng với thanh niên: “Cha anh đã rửa được mối nhục mất nước thì thế hệ hôm nay phải rửa được mối nhục nghèo nàn, lạc hậu”. Tuổi trẻ hôm nay, mỗi người bằng nhiệt huyết và sức trẻ của mình, cần siêng năng học hỏi nỗ lực rèn luyện, phấn đấu lập thân, lập nghiệp xây dựng quê hương, đất nước.

Thế hệ trẻ cần noi theo gương sáng của các bậc cha anh, biết tôn trọng quá khứ và lịch sử... trở thành điểm tựa vững chắc cho Tổ quốc trường tồn.

Ngô Quang Trưởng - Đông Anh - Hà Nội

Thưa ông Dương Trung Quốc, hôm nọ đọc báo cháu thấy có ý kiến đề nghị phong hàm Nguyên Soái cho Đại tướng, ông thấy có nên không? Cả chuyện tôn vinh Đại tướng là Anh hùng dân tộc, ông nghĩ sao?

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Tôi đã có một lần lấy ý của bạn để hỏi Đại tướng về nguyện vọng của nhân dân muốn nhà nước phong Đại tướng là Nguyên Soái thì thấy ông cười và nói rằng đấy không phải là việc của tôi phải suy nghĩ, tôi tự hào là “Đại tướng Bác phong” (Trong đội ngũ tướng lĩnh của ta, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đầu tiên và sau này chỉ có Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là “Đại tướng Bác phong”). Đặt vấn đề này ra, hay vấn đề bạn nói đến danh xưng “Anh hùng dân tộc”, theo tôi, chỉ có nhân dân mới đủ quyền để phong thánh cho những người có công huân tương xứng. Thời gian sẽ trả lời bạn, cũng như tôi.

Tô Thị Ánh Ngọc - Hà Nội

Nguyên là đại úy QĐND Việt Nam, với tâm thế của 1 người lính, ông đã học tập được gì về nhân cách và sự nghiệp quân sự của người Đại tướng nhân dân?

Tiến sĩ Trần Bắc Hải

Tôi chỉ là lính hậu phương thôi không dám lạm bàn.

Hồ Thu Nga - Bình Dương

Thưa nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam. Cháu là một người rất kính trọng ông và những tư tưởng của ông. Nhất là những phát biểu của ông về lịch sử, về biển đảo. Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi, những thế hệ sau như cháu dù chưa được trải qua những bom đạn, cũng chưa một lần được gặp Đại Tướng. Nhưng đến hôm nay, cháu vẫn đau lòng khi Đại Tướng phải nằm dưới lòng đất lạnh lẽo. Cháu cứ băn khoăn mãi, tự đặt câu hỏi cho mình: Đến bao giờ dân tộc ta mới có thể có một lần nữa thấy được lòng dân như Lễ Quốc Tang của Đại Tướng? Đến bao giờ những người dân như cháu mới có thể rơi nước mắt vì một vị lãnh đạo như vậy? Thưa nhà sử học, liệu những tư tưởng, những giá trị nhân văn vĩ đại của Đại tướng có tiếp tục được xây dựng trong thời đại này? Chúng ta sẽ xây dựng như thế nào khi lòng dân ngày càng xa Đảng?

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Mong bạn đừng nghĩ rằng nằm dưới đất là lạnh lẽo. Đại tướng chọn mảnh đất quê hương là nơi an nghỉ cuối cùng của mình, theo tôi, cũng là một quyết định rất sáng suốt. Tôi tin rằng lòng đất ấy rất ấm cúng vì nó còn được sưởi ấm bởi lòng người hướng tới ông. Chắc chắn, theo quy định nhà nước, sẽ có nhiều lễ tân Quốc tang được diễn ra cùng với thời gian nhưng cũng chắc chắn Quốc tang trong lòng dân quan trọng hơn những nghi thức rất nhiều.

Nguyễn Quang Thắng - Hà Nội

Có thể nói rằng tướng Giáp là một trong những nhân vật cực kỳ quan trọng trong những nhân vật làm nên lịch sử của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX, vậy nếu không có ông liệu rằng lịch sử Việt Nam sẽ đi đến đâu nhất là sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời? Và bây giờ Đại tướng mất đi, tương lai và vận mệnh đất nước này sẽ đi về đâu nhất là trong bối cảnh thế giới đầy những biến động phức tạp, nhân dân ngày càng mất niềm tin ở các vị lãnh đạo đương thời. Câu hỏi gửi ông Dương Trung Quốc.

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Lịch sử là cái đã qua, không thể làm lại được. Vì thế, với sử học, cũng không bao giờ đặt ra những giả thuyết “nếu như”. Nhưng tương lai là cái chúng ta có thể tạo dựng được. Điều băn khoăn của bạn nếu các nhà lãnh đạo đọc được chắc sẽ phải suy nghĩ để tạo dựng tương lai đất nước xứng đáng với những người đã nằm xuống như Đại tướng và biết bao nhiêu anh hùng liệt sĩ khác. Hãy học ở Đại tướng là không nên thất vọng.

Nguyễn Thị Lý - Hà Nội

Thưa ông, tôi rất muốn biết người Úc nói gì về Đại tướng của chúng ta?

Tiến sĩ Trần Bắc Hải

Sáng 5/10/2013, tờ “The Australian” đưa tin thế này: “Võ Nguyên Giáp, Napoleon Đỏ, người đã đuổi Pháp và Mỹ khỏi Việt Nam, đã từ trần... Một vị tướng tự học, chỉ huy những đoàn quân đi dép lốp chiến thắng người Pháp tại Điện Biên Phủ dẫn đến nền độc lập không những của Việt Nam mà thúc đẩy sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân ở Đông Dương và những nơi khác, sau đó buộc cả người Mỹ từ bỏ cuộc chiến ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam”.

Đỗ Duy Khiêm - Nam Hà

Thưa Đại sứ, ông đánh giá nhân dân Việt Nam thế nào về tính cách, độ thông minh, tình thương yêu đồng loại, sức mạnh dân tộc? Ông có nghĩ rằng, tương lai người Việt có thể làm nên những chiến công tầm cỡ “Điện Biên Phủ trong các lĩnh vực kinh tế - văn hóa – khoa học công nghệ”?

Đại sứ Venezuela tại Việt Nam - Jorge Rondón Uzcátegui

Để có được độc lập, tự do và nhiều thành tựu như ngày hôm nay, Việt Nam đã không chỉ trải qua nhiều cuộc chiến tranh trong quá khứ mà còn trải qua những đấu tranh không ngừng nghỉ trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Điều này đã chứng tỏ rằng người Việt Nam có tri thức, rất đồng lòng và đoàn kết.

“Điện Biên Phủ trong các lĩnh vực kinh tế - văn hóa – khoa học công nghệ” là một trận chiến khác, trên mặt trận khác. Trận chiến này đòi hỏi nhiều tri thức hơn, nhiều sự đồng lòng hơn trong nhân dân. Song từ truyền thống của nhân dân Việt Nam, tôi tin tưởng rằng, sự đồng lòng, hiệp lực của toàn thể dân tộc Việt Nam vì ấm no, hạnh phúc sẽ giúp Việt Nam đặt được chiến công vang dội trên mặt trận này.

Hồ Thị Quỳnh Nga - Hà Nội

Với vai trò tư lệnh binh chủng pháo binh, chắc hẳn ông hiểu hơn ai hết những khó khăn khi kéo pháo vào Điện Biên. Và chắc ông cũng là người hiểu rõ quyết định kéo pháo ra thời điểm đó của Đại tướng để có được chiến thắng chấn động địa cầu?

Thiếu tướng Đỗ Quốc Ân

Khi chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra, tôi còn nhỏ, đang đi học cấp 1. Nhưng sau này trưởng thành từ một người chiến sĩ pháo binh lên tới Tư lệnh pháo binh tôi cũng đọc sách báo và tranh thủ tìm hiểu thông qua các đồng chí lãnh đạo của binh chủng qua các thời kì.

Theo tôi, đây là một quyết định vô cùng sáng suốt, vô cùng mưu lược của Đại tướng. Không có quyết định thay đổi này chưa biết cục diện ở Điện Biên Phủ sẽ diễn ra như thế nào. Quyết định thay đổi này của Đại tướng đã đưa dân tộc ta tới một thắng lợi lớn lao, chấn động địa cầu, lừng lẫy năm châu.

Lúc đầu phương châm của ta là giải quyết nhanh, tức là “đánh nhanh thắng nhanh”. Trong một số ngày ngắn, tập trung lực lượng đánh nhanh, giải quyết nhanh. Pháo binh cũng được đưa vào với tinh thần tập trung lại với nhau để đánh địch. Vì thế nên chưa có điều kiện để quan tâm việc xây dựng trận địa hầm kiên cố cho pháo binh ẩn nấp.

Nhưng khi Đại tướng quyết định thay đổi phương châm đánh địch sang “Thắng chắc tiến chắc”, buộc phải kéo pháo ra mặc dù kéo vào là vô cùng gian nan vất vả, đèo cao vực thẳm, khẩu pháo nặng hơn 2 tấn mà kéo bằng sức người, giờ kéo pháo ra lại phải chuẩn bị lại.

Nhưng phương châm ấy đã tạo khả năng đánh chắc thắng ở chỗ, pháo binh không tập trung cao độ ở một khu vực mà các trận địa bắn vây quanh lòng chảo Điện Biên Phủ, bố trí nhiều hướng, tầm bắn pháo xe kéo 105 bắn được trên 10km nhưng có điều kiện đặt vào nhiều hơn trận địa cách địch 3 - 5km, lên tới nửa tầm bắn mà càng gần hiệu quả bắn càng chính xác, đặc biệt trận địa bắn được xây dựng kiên cố, hầm có nắp.

Đại tướng rất quan tâm tới hỏa lực pháo binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồng chí Trung Kiên là Tiểu đoàn trưởng của một tiểu đoàn pháo lúc đó kể lại: Khi Đại tướng giao nhiệm vụ cho các cán bộ, thường thì trung đoàn trưởng các đơn vị bộ binh trực tiếp nghe nhiệm vụ, nhưng với pháo binh thì tiểu đoàn trưởng đã được đi nghe trực tiếp nhiệm vụ từ Đại tướng. Chính vì vậy, trận đánh diễn ra thắng lợi giòn giã như thế. Pháo binh đã phát huy được tối đa sức mạnh của mình làm cho quân Pháp từ tướng Đờ cát cho tới Đại tá Pi – rớt – chỉ huy pháo binh của quân địch hết sức bất ngờ là sao pháo của Việt Nam lại có thể vào được lòng chảo Điện Biên Phủ. Thất trận, Đại tá Pi - rớt đã phải tự sát.

Thắng lợi của chúng ta là vô cùng lớn lao. 24 khẩu pháo xe kéo là lực lượng, là sức mạnh chủ yếu của pháo binh trên trận địa Điện Biên Phủ vẫn được bảo toàn, không bị địch làm sát thương, làm cho tổn thất. Mặc dù, địch đánh vào trận địa nhưng ta có công sự trận địa kiên cố.

TRỰC TUYẾN QUỐC TẾ: ĐẠI TƯỚNG VÀ BÀI HỌC LÒNG DÂN (Phần 3)
 
Nguyễn An Huy - Sinh viên

Bà đánh giá như thế nào về di sản tinh thần mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại cho nhân dân Việt Nam?

Tiến sĩ người Nga Daria Mishukova

Người Việt Nam có một điều may mắn vì Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sống và gắn bó với họ trong thời gian rất dài. Trong số người sinh ra sau khi Bắc – Nam thống nhất vẫn có nhiều người đã có cơ hội gặp vị Đại tướng này. Với một số người trẻ tuổi sinh ra trong thời bình không có may mắn đó và chỉ có kiến thức chung chung về thời chiến tranh, hy vọng sau tang lễ Đại tướng - được tổ chức trọng thể và thú hút nhiều sự chú ý của báo chí và công chúng - người Việt trẻ cảm thấy sự thôi thúc muốn quan tâm hơn đến lịch sử Việt Nam thế kỷ XX.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại