TRỰC TUYẾN QUỐC TẾ: ĐẠI TƯỚNG VÀ BÀI HỌC LÒNG DÂN (Phần 1)

Ban Biên Tập |

(Soha.vn) - 9h sáng ngày 15/10/2013, Báo điện tử Trí Thức Trẻ tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến Quốc tế với chủ đề "Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bài học lòng dân".

Nhà báo Bùi Ngọc Hải - Phó Tổng Biên Tập báo Điện tử Trí Thức Trẻ: Kính thưa các vị khách quý!

Có một thiên tài đã dừng bước nơi cõi tạm.

Nhưng những huyền thoại thì vẫn tiếp diễn.

Quốc tang ông diễn ra trong hai ngày nhưng với nhiều triệu người dân, “quốc tang” chính thức bắt đầu từ cái thời khắc ngưng đọng 18h09 phút ngày 4/10/2013. Và cho đến hôm nay, “lá cờ rủ trong lòng người” vẫn chưa hề hạ xuống. Khắp mạng xã hội vẫn rơi nước mắt khi nhắc về Người.

ĐANG TRỰC TUYẾN QUỐC TẾ: ĐẠI TƯỚNG VÀ BÀI HỌC LÒNG DÂN
 

Sau lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, chưa bao giờ người Việt lại đổ nước mắt nhiều như thế, nhưng cũng chưa bao giờ người Việt lại xích lại gần nhau như thế. Nói như nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc: “Dường như cả dân tộc đang nắm tay nhau”.

Có một người, ở tuổi 103, sau khi nằm xuống, vẫn còn làm nên một “Điện Biên phủ thứ hai” chấn động địa cầu. Đó là Điện Biên phủ trong lòng dân, trong lòng dư luận. Điện Biên Phủ thứ hai ấy càng ý nghĩa trong thời buổi suy thoái kinh tế và suy thoái niềm tin.

Chúng ta đang nói đến một người có những chiến công của một Thần Võ nhưng cả đời lại sống như một Thánh Văn.

Thật may mắn cho chúng tôi, cách đây hơn 1 tháng, đúng dịp sinh nhật của Con người huyền thoại, chúng tôi đã kịp tổ chức cuộc Giao lưu trực tuyến về Đại tướng. Và hôm nay, rất vinh dự cho Báo, lại được đón các vị khách Quý tới đây, dâng một nén tâm nhang cho người nằm xuống.

Điều gì khiến Đại tướng trở thành bất tử trong lòng nhân dân như vậy?

Đại tướng đã để lại di sản gì, bài học gì về lòng dân cho các công bộc hôm nay?

Việt Nam cần làm gì để khơi dậy sức mạnh của toàn dân tộc, tiếp tục chiến thắng những Điện Biên phủ lớn nhỏ trong các mặt trận kinh tế, văn hóa xã hội, khoa học công nghệ, quốc phòng?

Đó là chủ đề cuộc Giao lưu trực tuyến quốc tế: ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ BÀI HỌC LÒNG DÂN.

Xin trân trọng cảm ơn và kính mời các vị khách quý bắt đầu cuộc giao lưu ý nghĩa này.

ĐANG TRỰC TUYẾN QUỐC TẾ: ĐẠI TƯỚNG VÀ BÀI HỌC LÒNG DÂN
 

Các vị khách tham gia buổi Giao lưu trực tuyến quốc tế: ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ BÀI HỌC LÒNG DÂN:

I. Đầu cầu VIỆT NAM:

1. Hà Nội:

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Bolivar Venezuela tại Việt Nam, ngài Jorge Rondón Uzcátegui

Ông Vũ Mão – Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Nhà sử học Dương Trung Quốc – Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam

Thiếu tướng – Nhà văn quân đội Hồ Phương

Thiếu tướng Đỗ Quốc Ân – nguyên Tư lệnh Binh chủng Pháo binh

Nhà thơ Anh Ngọc – Tác giả bài thơ “Vị tướng già” nổi tiếng

Dịch giả Nguyễn Văn Sự - dịch giả cuốn sách “Võ Nguyên Giáp – chiến thắng bằng mọi giá”, “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - danh tướng của thời đại qua tư liệu nước ngoài” của GS sử học người Mỹ Cecil B. Currey.

Tiến sỹ Michael Gerard Parsons - tình nguyện viên Australia đang công tác tại Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam

2. Quảng Bình:

Ông Võ Đại Hàm (70 tuổi), cháu gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng ông

3. Thành phố Hồ Chí Minh:

Phạm Thị Việt Nga - Chủ tịch Công ty Dược Hậu Giang

II. Liên bang NGA:

Daria Mishukova, Tiến sĩ Việt Nam học người Nga

III. ÚC

Tiến sĩ Trần Bắc Hải hiện đang sống và làm việc tại Australia

IV. PHÁP

Nhà sử học Alain Ruscio

Tiến sĩ Tạ Minh Trí, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp UEVF

V. Vương quốc ANH

Ông Lương Sơn Thành - Chủ tịch Hội người Việt Nam ở Vương Quốc Anh

 

Video toàn cảnh buổi Giao lưu trực tuyến quốc tế: ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ BÀI HỌC LÒNG DÂN

Lại Thị Hương Giang - Phan Thiết

Thưa nhà sử học Alain Ruscio, chứng kiến lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Việt Nam, có lẽ ông cũng hiểu được tình cảm, sự kính trọng và ngưỡng mộ của người dân Việt Nam đối với Đại tướng của chúng tôi. Theo ông, điều đó có ý nghĩa thế nào trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam qua 2 thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ?

Nhà sử học Alain Ruscio

Một dân tộc vĩ đại như Việt Nam có đủ phẩm chất để khuất phục và đẩy lùi mọi kẻ thù xâm lược, trước tiên là thực dân Pháp (1945 – 1954), sau đó là đế quốc Mỹ (1954 – 1975). Nhưng điều quan trọng là phải có các nhà lãnh đạo có khả năng khơi dậy, sử dụng, tổ chức, tập hợp những sức mạnh này. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhân vật hàng đầu trong số các nhà lãnh đạo ấy.

	Nhà sử học Dương Trung Quốc

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Lê Hải Hà - Thành phố Hồ Chí Minh

Ông từng nói ở đời có hai thước đo lớn nhất là thời gian và lòng người. Và ông cũng đã được chứng kiến những tình cảm thương tiếc của người dân trong thời gian tang lễ dành cho Đại tướng. Theo ông, liệu trong tương lai, đất nước Việt Nam có còn ai có thể được lòng dân như thế nữa không?

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Chúng ta luôn mơ ước có những con người như thế xuất hiện để truyền được cảm hứng và niềm tin cho nhân dân. Nhưng theo tôi, thời đại đã có nhiều thay đổi. Thay vì sự xuất hiện những nhân vật xuất chúng, những thiên tài kiệt xuất cần có những cơ chế, môi trường, hệ thống giá trị để từ trong nhân dân sẽ xuất hiện những con người đáp ứng được yêu cầu của đời sống hiện đại. Suy đi tính lại thì chỉ có một cơ chế dân chủ thực sự chúng ta sẽ có những thế hệ đảm bảo thực hiện được ý nguyện của những bậc tiền nhân như Võ Nguyên Giáp.

Nguyễn Thị Thu Trang - Hòa Bình

Thưa chú Anh Ngọc, cháu rất thích khổ thơ trong bài “Vị tướng già”

"Trong góc vườn mùa thu

Cây lá cũng như ông lặng lẽ

Tám mươi tuổi ông lại như đứa trẻ

Nở nụ cười ngơ ngác thơ ngây."

Hình tượng “như đứa trẻ” rất là hay ạ. Nhưng có thể cháu chưa hình dung hết được vì sao ông lại gọi Đại tướng là “như đứa trẻ”, ông có thể giải thích lại cho cháu và độc giả biết được không?

Nhà thơ Anh Ngọc

Câu hỏi này đã thay mặt cho nhiều người. Vì như tôi đã nói, tôi đang đi tìm cái bình thường trong con người khác thường, con người bình thường như cha ông nói: “Một người già mà hai lần trẻ con”, đó là minh triết của cha ông tích lũy từ mấy ngàn đời được thời gian xác nhận nên không sai, điều đó không hề hạ thấp nên chúng ta biết nhìn bằng cả hai nửa của con người.

Chính Đại tướng đã nói: Có lần người ta hỏi Đại tướng, công việc hàng ngày của Đại tướng là gì. Sau khi kể 1 vài công việc quan trọng như đọc báo, bàn luận về thời cuộc… thì Đại tướng nở 1 nụ cười rất đắc đạo, Đại tướng nói: “Tôi tập yoga…”. Thế là có những lúc công việc quan trọng của một vị Đại tướng lại chính là tập thể dục dưỡng sinh. Đó mới là nghệ thuật.

Cho nên phương Tây có câu: “Không ai là vĩ nhân với người hầu phòng của mình cả”.

Đó chính là sự vừa đồng nhất, lại vừa độc lập giữa tuyên truyền và nghệ thuật. Cái điển hình của nghệ thuật đó là cái bình thường có tỉnh phổ quát ở mọi nơi, mọi lúc, có tính vĩnh cửu.

Tôi tin rằng, tôi là một người cụ thể, nên những điều tôi nói chắc chắn còn những hạn chế, có điều đúng và điều chưa đúng, tôi rất mong các bạn góp ý cho tôi và tôi xin tiếp thu tất cả một cách hoàn toàn không tự ái.

Thu Hiền, sinh viên trường ĐH Sư Phạm Hà Nội

Cô Nga ơi, cháu rất tò mò: Sinh viên như bọn cháu thì thể hiện tình cảm với Bác bằng cách thắp nến, xếp hàng hồi lâu để được vào viếng Bác. Còn với các doanh nhân, doanh nghiệp, cháu rất muốn biết, các cô thể hiện tình cảm của mình với Bác như thế nào ạ?

Tiến sĩ Phạm Thị Việt Nga

TS Phạm Thị Việt Nga: Thực ra hôm đó, dù là doanh nhân hay người dân, chắc chắn điều đầu tiên, ai cũng theo dõi các bài viết, các thông tin liên quan tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên báo đài để tự mình nhìn nhận lại mình.

Đối với doanh nhân như cô, là người từng đi kháng chiến, từng theo dõi bác Giáp từ khi còn sống, cô thể hiện tình cảm bên ngoài bằng cách cùng với cán bộ công nhân viên, lực lượng trẻ, cựu chiến binh đi tới một số địa điểm linh thiêng tại Cần Thơ để kính viếng Người.

Còn trong thâm tâm, một người doanh nhân như cô phải suy nghĩ làm sao để học hỏi những binh pháp của Đại tướng để vận dụng trong kinh doanh. Tự ngẫm lại bản thân, xem trong thời gian qua đã sống như thế nào, có xứng đáng hay không để từ đó điều chỉnh lại phong cách sống, lối hành xử và quan hệ với mọi người. Từ đó, lấy làm bài học để huấn luyện cho anh em cán bộ công nhân viên và các Đảng viên tại đơn vị mình.

ĐANG TRỰC TUYẾN QUỐC TẾ: ĐẠI TƯỚNG VÀ BÀI HỌC LÒNG DÂN
 
Phan Việt Hằng - Thanh Hóa

Thưa ông Võ Đại Hàm, ông có thể kể lại kỷ niệm sâu sắc nhất về Đại tướng và cây khế của người?

Ông Võ Đại Hàm

Chúng tôi được nghe kể rằng, ở góc nhà cụ có một cây khế. Cây khế này có từ lúc ông sinh ra, là nơi gắn bó với các trò chơi đánh đáo, chơi bi, chơi khăng…rồi cụ thường xuyên mang sách ra đây đọc, học dưới gốc khế.

Khi được cụ Giáp giao nhiệm vụ trông coi ngôi nhà, tôi mới biết, cây khế đối với cụ Giáp rất quan trọng, là nơi ghi dấu thời thơ ấu của cụ. Tôi có trọng trách giữ gìn làm sao cây khế, ngôi nhà còn mãi mãi vì đó là dấu ấn của tuổi thơ của cụ, cũng là kỷ vật duy nhất gắn liền với Đại tướng từ nhỏ.

Khi sức khoẻ của cụ yếu, không về thăm quê được nhưng cụ vẫn thường gọi điện về hỏi thăm nhà mình thế nào, dân mình ra sao khi trời mưa bão. Câu mà tôi không quên được là: “Cây khế mình vẫn tốt chứ?”.

Ngôi nhà này vẫn lưu giữ hình bóng của Đại tướng!

Nguyễn Thị Vân Anh - Bắc Ninh

Lần cuối cùng ông được gặp Đại tướng là khi nào ạ?

Dịch giả Nguyễn Văn Sự

Kỉ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, khi ấy bác Giáp tham dự một hội nghị khoa học và tôi đã được gặp Đại tướng ở đó.

Một lần nữa là tại nhà riêng số 30 Hoàng Diệu, Alain Ruscio đến đưa sách và xin chữ kí, cũng vào dịp 50 năm kỷ niệm Điện Biên Phủ năm 2004.

	Dịch giả Nguyễn Văn Sự

Dịch giả Nguyễn Văn Sự

Phạm Thị Hiển - Thành phố Hồ Chí Minh

Đối với nhà thơ, một vị tướng giữa chiến tranh và 1 vị tướng giản dị giữa đời thường thì hình ảnh nào khiến ông ấn tượng hơn?

Nhà thơ Anh Ngọc

Do tôi làm nghệ thuật nên tôi nhìn thấy cái lõi, cái bản chất. Bản chất của người anh hùng trong chiến tranh và anh hùng trong thời bình không khác nhau.

Hai ấn tượng đó đều mạnh và đều có sức hấp dẫn, không thể tùy tiện nói cái nào ấn tượng hơn cái nào nhưng hai cái đó thực chất chỉ là một nếu biết nhìn. Và chúng tôi đã nhìn ra cái là một đó. Lúc người lính chiến đấu trên chiến trường đã mang sức mạnh, vẻ đẹp của 1 con người bình thường, tinh túy. Do đó khi họ trở về thời bình, họ lại mang phẩm chất trí dũng, xả thân của người lính trong con người bình thường.

Hai cái đó bình thường và anh hùng cộng lại chính là câu trả lời của tôi.

Hương Thảo, 45 tuổi, cán bộ Ngân hàng

Thưa ông Vũ Mão, theo quan điểm của ông, nên chọn con đường nào ở Hà Nội để đặt tên là đường Võ Nguyên Giáp? Có người đề xuất là chọn Quốc lộ 1A đổi tên thành Quốc lộ Võ Nguyên Giáp, cá nhân ông thấy có đồng tình không?

Ông Vũ Mão – Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Tôi rất đồng tình với việc ở Hà Nội sẽ có đường mang tên Võ Nguyên Giáp, xứng tầm với tên tuổi của Đại tướng.

Có người đề xuất là chọn Quốc lộ 1A đổi tên thành Quốc lộ Võ Nguyên Giáp, tôi thấy đây là một ý tưởng hay. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu trong một tổng thể và cần lấy ý kiến đóng góp của nhân dân.

	Ông Vũ Mão

Ông Vũ Mão

Hoàng Thị Huyền - Hải Dương

Ông nhận mình là một người em thân thiết của Đại tướng, vậy thời gian tới ông dự định sẽ tiếp tục viết gì về người anh vừa mới đi xa?

Nhà sử học Alain Ruscio

Tôi chưa bao giờ dám nhận mình là "em" của Đại tướng. Như vậy ngạo mạn quá. Nhưng tôi tin rằng đối với Đại tướng và phu nhân Bích Hà, tôi đã gần được coi như một "người cháu", một người bạn trung thành. Điều đó, đối với tôi đã là một vinh dự lớn suốt cả cuộc đời.

Lưu Hồng Liên - Nam Hà

Thưa nhà thơ Anh Ngọc, đọc bài thơ về "Vị tướng già" tôi thấy vô cùng xúc động và đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng khó quên. Chỉ vài dòng thơ nhưng nhà thơ đã tóm gọn cả cuộc đời của Đại tướng. Vậy ông có thể kể chi tiết về hoàn cảnh ra đời của bài thơ này, có điều gì đặc biệt không?

Nhà thơ Anh Ngọc

Bài thơ này viết từ năm 1994 nhân dịp kỉ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhân dịp đó tạp chí Văn nghệ Quân đội cử hai nhà văn là Lê Lựu và Trần Đăng Khoa tới phỏng vấn và xin viết bài về Đại tướng.

Lúc đó, tôi đang ngồi trên cơ quan thì nhận được cuộc điện thoại của nhà văn Lê Lựu gọi về và nhờ tìm giúp một phóng viên ảnh. Tôi gọi cho Lê Nhật là phóng viên ảnh của báo QĐND tới cổng của nhà tướng Giáp. Tôi nói với anh Nhật: “Anh vào đi, tôi chờ anh ngoài này vì tôi không phải khách mời nên tôi không vào”.

Lê Nhật chỉ vào một phút, sau đó chạy ra và nói với tôi: “Đại tướng mời anh vào!”.

Tôi được vào. Gặp Đại tướng tôi chào: “Chào thủ trưởng ạ!”. Đại tướng cười và giơ tay chỉ vào ghế và nói: “Mời đồng chí ngồi!”.

Tôi thực sự cảm động vì không chỉ được gặp Đại tướng mà Đại tướng hiện ra trước mắt tôi là một hình ảnh mới mẻ vô cùng về những vị tướng trong lịch sử. Vì đằng sau vẻ đẹp của một vị chỉ huy lập chiến công lừng lẫy, Đại tướng là 1 con người rất bình thường với tất cả những tình cảm rất nhân hậu, thông minh. Đặc biệt, Đại tướng rất yêu mến các trí thức văn nghệ sĩ, Đại tướng nói chuyện không phân biệt, không khoảng cách, mọi câu chuyện chúng tôi đều có thể nói với Người - 1 con người tinh hoa,

Tôi ngồi quan sát, nghe một phần nội dung, tôi quan sát thần thái con người trước mặt mình, đằng sau những chi tiết mà tướng Giáp kể cho Lê Lựu và Trần Đăng Khoa… tôi còn nghe cả những tấm lòng, sự băn khoăn, lo lắng… của Đại tướng.

Nói như tướng Trần Văn Trà: Tướng Giáp là tướng tiếc từng giọt máu của lính. Sở dĩ ông chuyển từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, thắng chắc" còn vì một lý do là tiếc xương máu của các chiến sĩ.

Đây là phương pháp chưa từng có trên thế giới, tự mình dùng đất của Tổ quốc che cho mình, dùng đất quê mẹ tạo nên sức mạnh. Đất và con người là hai hình ảnh làm tôi xúc động.

Lê Lựu và Trần Đăng Khoa về viết ngay. 5 năm sau tôi mới viết vào ngày 21/9/1994. Lúc đầu bắt nguồn từ hình ảnh tướng Giáp. Tôi là nhà thơ nên nhìn thấy cái lõi đặc điểm của nghệ thuật là tính triết học, điển hình của văn học là điển hình chung của CON NGƯỜI.

	Đại sứ Venezuela tại Việt Nam - Jorge Rondón Uzcátegui

Đại sứ Venezuela tại Việt Nam - Jorge Rondón Uzcátegui

Phạm Văn Mến - Phú Thọ

Trong chuyến thăm lịch sử đến Việt Nam năm 2006, Tổng thống Venezuela khi đó là ngài Hugo Chavez đã tặng Đại tướng phiên bản thanh gươm của người anh hùng dân tộc Simon Bolivar. Theo ngài, giữa Simon Bolivar, cố Tổng thống Hugo Chavez và Đại tướng Võ Nguyên Giáp có điểm gì giống nhau?

Đại sứ Venezuela tại Việt Nam - Jorge Rondón Uzcátegui

Ngài Simon Bolivar, cố Tổng thống Hugo Chavez và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều là người lính, đều cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do hạnh phúc cho nhân dân trong Quốc gia mình và trên thế giới. Người anh hùng Simon Bolivar đã giải phóng 5 nước Mỹ Latinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lãnh đạo chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, đánh đuổi thực dân Pháp và có nhiều ảnh hưởng tới sự nghiệp đấu tranh giải phóng của Lào và Campuchia. Trong khi đó, ông Chavez cũng đã tập hợp các nước, xây dựng nên khối liên minh trong cộng đồng châu Mỹ Latinh, giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội ở khu vực này.

Bằng việc trao tặng phiên bản thanh gươm của người anh hùng dân tộc Simon Bolivar cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2006, cố Tổng thống Chavez đã công nhận Đại tướng là một người anh hùng dân tộc của Venezuela.

Trong năm nay, từ trước khi Đại tướng qua đời, Chính phủ Venezuela đã thông qua quyết định trao tặng Huân chương giải phóng hạng Nhất Simon Bolivar cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây là huân chương cao quý nhất của Venezuela trao tặng cho người đã có cống hiến cho sự ấm no, hạnh phúc của nhân loại.

Theo dự định ban đầu, Tổng thống Venezuela Nicolas Manduro đã tới thăm Việt Nam và trao tặng huân chương này cho Đại tướng. Tuy nhiên, vì nhiều vấn đề khách quan mà ông Manduro đã phải hoãn chuyến thăm này của mình. Cũng rất tiếc vì Chính phủ chúng tôi đã không thể thực hiện được điều này khi Đại tướng còn sống.

Trong một dịp thích hợp tới đây, Chính phủ Venezuela sẽ trao tặng huân chương này cho gia đình Đại tướng.

Lê Quang Trưởng - Quảng Bình

Sự ra đi của Đại tướng đã khiến nhiều người nhận thấy tình đoàn kết đáng quý của những người dân Việt Nam. Theo ông, do đâu việc Đại tướng ra đi lại khiến lòng dân đoàn kết như thế?

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Trong lịch sử đã từng có những con người mà cái chết lại nhen lên sức sống. Tôi muốn nói đến đám tang của nhà yêu nước Phan Chu Trinh cách đây đã gần một thế kỷ (1926). Ngay trong hoàn cảnh đất nước còn là thuộc địa của thực dân. Sự ra đi của ông đã để lại cả một cao trào “đám tang Phan Chu Trinh” được ghi nhận trong lịch sử như cuộc tập hợp lực lượng nhân dân không chỉ để thương tiếc mà thực hiện những ý nguyện của người đã mất…Đám tang của cụ Phan đã tập hợp rất nhiều người dân, đặc biệt là lớp trẻ, trong đó, có cả thế hệ của Võ Nguyên Giáp đã từ sự kiện này mà dấn thân lên đường cứu nước.

Sự ra đi của chủ tịch Hồ Chí Minh vào giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang dang dở cũng tiếp thêm sức mạnh để toàn dân tộc đi tới thắng lợi cuối cùng.

Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng vậy, nó sẽ góp phần tu tâm những con người yêu nước, yêu Đại tướng để thực hiện những ý nguyện của một con người gắn cuộc sống của mình với đất nước và dân tộc của mình.

Nguyễn Thị Thu Ngà - Quảng Ninh

Điều gì ông ngưỡng mộ nhất ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

Tiến sỹ Michael Gerard Parsons

Có điều gì ở Đại tướng không đáng ngưỡng mộ đâu. Ông là người anh hùng của Việt Nam cũng như của nhân dân toàn thế giới đấu tranh để thoát khỏi chủ nghĩa thực dân cũ và mới.

Phạm Quy - 68 tuổi - Hà Nội

Ông có tình cảm, cảm xúc như như thế nào khi nghe tin Đại tướng đã ra đi?

Thiếu tướng Đỗ Quốc Ân

Mặc dù biết Đại tướng tuổi cao sức yếu nên cái gì đến ắt nó phải đến nhưng tôi vẫn mong tuổi thọ Đại tướng kéo dài. Bởi thế hệ những cán bộ được Bác Hồ dìu dắt, đào tạo không còn nhiều. Tấm gương của Bác Hồ rất vĩ đại và tấm gương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng vô cùng đẹp đẽ và cao lớn.

Tôi hoạt động trong hội Cựu chiến binh, đi đâu cũng thế, không chỉ dân mà cựu chiến binh mọi nơi đều tôn trọng, yêu mến Đại tướng. Trong những buổi sinh hoạt thường kì hay sinh hoạt hàng năm, các đồng chí vẫn hỏi thăm về Đại tướng và sức khỏe của người.

Đại tướng ra đi là nỗi đau chung của cả dân tộc chứ không riêng gì Cựu chiến binh hay cá nhân tôi.

Trương Trí Vinh - Hà Nội

Bà đánh giá thế nào về tình cảm của nhân dân Việt Nam đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp? Đây liệu có thể là một đề tài trong những nghiên cứu về đất nước, con người Việt Nam tiếp theo của bà?

Tiến sĩ người Nga Daria Mishukova

Tôi tin tưởng rằng những nhận xét cá nhân giúp tác giả vẽ bức chân dung của nhân vật. Trong những cuốn sách của mình, tôi viết về những nơi tôi đã đến và những người tôi đã gặp và sử dụng hình ảnh tôi tự chụp để minh họa. Rất tiếc, tôi đã không có cơ hội gặp Đại tướng để tự mình khắc họa một chân dung vĩ đại. Nhưng ở Nga có một số người được vinh dự biết Đại tướng Võ Nguyễn Giáp từ thập niên 60 thế kỷ XX và đã sưu tập nhiều tư liệu quý. Tôi sẽ chờ đợi những cuốn sách mới do những người đã từng biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà lãnh đạo quân sự huyền thoại Việt Nam viết về ông.

Đinh Thị Hải Anh - Bình Định

Rất nhiều người nói rằng: Sự ra đi của Đại tướng đã để lại một bài học về lòng dân cho hậu thế. Theo cá nhân anh, bài học đó sẽ là bài học gì?

Tiến sĩ Tạ Minh Trí

Sự vĩ đại được cảm nhận ở phút Người ra đi, ngọn lửa của lòng tự hào dân tộc, lòng yêu nước, của đoàn kết dân tộc và ý chí Việt Nam lại bùng cháy. Trong lòng nhân dân, những lãnh đạo, những con người vì nước vì dân luôn sống mãi.

Nguyễn Thị Ngọc Dung - Giảng viên Trường Đại học Hùng Vương

Thưa nhà sử học Alain Ruscio, ông đánh giá như thế nào về hình ảnh hàng ngàn người đội nắng, xếp hàng đến tận khuya tiễn đưa vị Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng? Cảm xúc của ông khi xem những hình ảnh đó? Trên cương vị 1 nhà sử học, ông nhìn nhận hiện tượng trên như thế nào?

Nhà sử học Alain Ruscio

Dân tộc Việt Nam có truyền thống uống nước nhớ nguồn. Dân tộc này mang ơn thế hệ những người đã chiến đấu vì đất nước. Thế nên, cũng là lẽ thường khi người dân bày tỏ sự tôn kính đến vậy với một con người đã đấu tranh không mệt mỏi trong suốt hơn một thế kỷ cho độc lập và tự do của dân tộc.

ĐANG TRỰC TUYẾN QUỐC TẾ: ĐẠI TƯỚNG VÀ BÀI HỌC LÒNG DÂN
 
Lê Bá Ngọc - Thái Nguyên

Thưa ông Vũ Mão, ông có thể chia sẻ những cảm xúc của ông khi nhận được bức thư đặc biệt của Đại tướng vào tháng 6/1987, khi ông còn là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn thanh niên?

Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Trước hết, tôi cảm ơn bạn đã quan tâm đến câu chuyện tôi đã kể về bức thư mà Đại tướng đã gửi cho tôi. Đối với tôi, đây là một kỉ niệm đặc biệt vì Đại tướng dù bận trăm công ngàn việc mà vẫn nhớ tới tôi để giao nhiệm vụ.

Đại tướng rất quan tâm đến phong trào của thanh niên Việt Nam. Tại thời điểm đó, đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn. Công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình trên sông Đà là một trọng điểm, là một cứu cánh để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công trường đó được mang tên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Chính vì thế, phong cách của những người lao động trên công trường phải là phong cách của những người Cộng sản. Ở thời điểm đó, toàn công trường phải quyết tâm vượt qua đỉnh lũ 81 nhưng khó khăn chồng chất khó khăn, nếu không có quyết tâm sẽ không thể đạt được mục tiêu đó.

Chính bức thư của Đại tướng đã khích lệ chúng tôi, như một mệnh lệnh giao nhiệm vụ. Và tinh thần cố gắng của mọi người trên công trường, chúng tôi đã hoàn thành được mục tiêu - tiến độ đã đặt ra.

Lê Đình Bình Minh - Hà Nội

Ngoài Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong lịch sử của mình, Venezuela đã từng ra một nghị quyết tưởng nhớ một vị tướng hoặc chính khách nước ngoài nào khác hay chưa? Lí do vì sao Quốc hội Venezuela lại đưa ra một nghị quyết đặc biệt này dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

Đại sứ Venezuela - Jorge Rondón Uzcátegui

Khi một chính khách trên thế giới qua đời, Venezula sẽ gửi thư chia buồn tới Chính phủ của Quốc gia đó. Song, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người đặc biệt đối với người dân Venezuela. Nhà nước Veneuzela đã ra thông cáo, Quốc hội đưa ra nghị định, đồng thời, Đảng Cộng sản Venezuela và Nhà hữu nghị Venezuela - Việt Nam đã gửi thư chia buồn tới Nhà nước và nhân dân Việt Nam, bày tỏ sự tiếc thương đối với Đại tướng. Bởi đối với người Venezuela, Đại tướng là tấm gương sáng về tài năng và nhân cách trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Ở Veneuzela có rất nhiều đảng phái, việc thông qua một nghị định thông thường sẽ mất thời gian và phần lớn không nhận được sự đồng thuận. Tuy nhiên, đối với nghị quyết về Đại tướng, cả Đảng cầm quyền và phe đối lập, cánh tả và cánh hữu đều nhất trí bỏ phiếu thuận.

ĐANG TRỰC TUYẾN QUỐC TẾ: ĐẠI TƯỚNG VÀ BÀI HỌC LÒNG DÂN
 
Bác Lê Minh, 65 tuổi, Hà Nội

Thưa ông Vũ Mão, Đại tướng có ảnh hưởng tới suy nghĩ, cách sống của cá nhân ông không?

Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Tôi có may mắn được đi theo cha và tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp từ thời niên thiếu ở chiến khu Việt Bắc. Tôi đã có một số lần được gặp Đại tướng.

Tôi và chị Võ Hồng Anh, con gái của Đại tướng là những học viên của trường Thiếu Sinh quân Việt Nam. Được tiếp xúc với bác, tôi thấy ở con người bác Giáp có một nghị lực phi thường, cốt cách thanh cao, lối sống giản dị và gần gũi với mọi người.

Chính vì vậy, cho nên tấm gương của Đại tướng đã tác động đến tôi và đồng đội của tôi rất nhiều. Lớp trẻ chúng tôi từ hồi đó về sau này đã trưởng thành và là những cán bộ cốt cán của đất nước trong các lĩnh vực như đồng chí Vũ Khoan, Lê Xuân Tùng, Trần Đình Hoan, Vũ Quốc Hùng, Ma Văn Kháng, Đặng Nhật Minh…

Bản thân tôi, luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ cũng như sự dạy bảo của Đại tướng nên đã phấn đấu không ngừng, học hỏi và cải thiện bản thân để trở thành người cán bộ tốt, có ích cho nhân dân, cho đất nước. Đặc biệt, khi đứng trên cương vị là Bí thư thứ nhất Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, tôi luôn mang tấm gương của Bác Hồ và bác Giáp để giáo dục thế hệ trẻ sống sao cho xứng đáng với thế hệ thanh niên Hồ Chí Minh.

Bây giờ, tôi đã nghỉ hưu và khi nhìn lại quãng thời gian đã qua, tôi thấy mình không có gì phải hối tiếc. Những năm tháng còn lại của cuộc đời, tôi vẫn luôn tâm nguyện rằng: Hãy sống cho xứng đáng là một chiến sĩ cách mạng, là học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

	Ông Vũ Mão

Ông Võ Đại Hàm

Bùi Thị Ngọc Hà - Lai Châu

Là một nhà nghiên cứu về lịch sử, ông đã có dịp tiếp xúc và tìm hiểu về cuộc đời, nhân cách và sự nghiệp của Đại tướng. Vậy theo ông, tại sao Đại tướng lại thành công trong việc được "Dân tin, dân yêu, dân quý"?

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Thành thật, tôi chưa dám nhận là một người nghiên cứu sâu sắc về Đại tướng như các chuyên gia nghiên cứu về tiểu sử nhưng những gì tôi được đọc từ những công trình của người khác viết và nhất là những cơ hội được tiếp xúc với Đại tướng, tôi hiểu rằng Đại tướng thấm nhuần rất sâu sắc những giá trị truyền thống của dân tộc và trực tiếp là từ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cái “cẩm nang” để một con người có thể trở thành một biểu tượng để tập hợp sức mạnh của nhân dân đó là cái phương châm mà chính Đại tướng nhiều lần đã nhắc tới như một mục tiêu phấn đấu của mình. Đó là “Dĩ công vi thượng” mà chính Bác Hồ đã truyền trao và căn dặn. Bên cạnh đó là một tính cách giản dị và khiêm nhường ngay khi đã đạt tới đỉnh cao không phải của quyền lực mà là đỉnh cao uy tín trong lòng dân.

Bùi Hương, 54 tuổi, Quảng Bình

Tang lễ của Đại tướng là một trường hợp hiếm có, thể hiện lòng tôn kính của người dân dành cho bác. Thưa ông, ông có thể cho biết ông có tâm sự gì khi chứng kiến cảnh tượng vậy?

Thiếu tướng - Nhà văn Hồ Phương

Tôi theo dõi đầy đủ từ đầu cho đến kết thúc sự kiện lịch sử này. Bằng những tình cảm xúc động nhất tự đáy lòng, từ trái tim của mỗi con người Việt Nam đã tự nguyện xếp hàng nghiêm chỉnh, không quản khí trời nóng bức, dù phải đợi chờ đến cả chục giờ đồng hồ vẫn kiên trì đến cùng để đến thắp nén nhang kính dâng lên Đại tướng. Tất cả điều đó đã cho tôi hiểu rằng, tình cảm của cả dân tộc đối với Đại tướng là vĩ đại, xứng đáng với tầm vóc của một vị tướng mang tầm vóc của Việt Nam và của thế giới qua mọi thời đại.

Tôi tự hào về Đại tướng, tôi tự hào về đất nước Việt Nam đã có một người con vĩ đại đến thế

Nghiêm Thị Thanh Nga - Hà Nội

Theo dõi báo chí, truyền hình đưa tin về người dân đối với Đại tướng, anh thấy đau đớn hay tự hào ?

Tiến sĩ Tạ Minh Trí

Chắc hẳn ai cũng thấy tự hào khi dân tộc Việt Nam có một vị tướng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sự ra đi của Đại tướng là một tổn thất lớn của cả dân tộc Việt Nam. Mình thấy đau buồn vì đất nước vừa mất đi một Đại tướng đã từng góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Một vị tướng mà cả thế giới đều ngưỡng mộ vì cả tài năng và đức độ.

Tuy nhiên xen lẫn cảm giác đau thương thì còn có cảm giác tự hào vì bạn bè quốc tế không lãng quên tầm vóc vĩ đại của Đại tướng thông qua cách bày tỏ tình cảm của họ.

Phan Thị Kim Nhung - Biên Hòa

Thưa bà, bà đã nghiên cứu nhiều về Việt Nam, về đất nước và con người nơi đây. Qua đám tang Đại tướng diễn ra những ngày qua, bà có nhận xét gì về tinh thần và phẩm chất người Việt Nam? Điều đó có làm bà ngạc nhiên so với những gì bà đã nghiên cứu suốt thời gian qua không?

Tiến sĩ Daria Mishukova

Tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức không chỉ tại Việt Nam, mà ở nhiều nước trên thế giới. Theo thông tin báo chí, Đại sứ quán Việt Nam, Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài đều tổ chức lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại trụ sở cơ quan, tạo điều kiện để mọi người ở khắp nơi đến bày tỏ sự tiếc thương trước sự ra đi của Đại tướng và nói chào tạm biệt người con vĩ đại của đất nước Việt Nam.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành một trong những biểu tượng cho Việt Nam trong thế kỷ XX. Quy mô tang lễ, sự xúc động và ngưỡng mộ của người dân trong những ngày qua với Đại tướng một lần nữa đã khiến ông trở thành một trong những biểu tượng cho Việt Nam trong thế kỷ XXI.

Bùi Thu Hồng - Hải Dương

Thưa ông Trần Bắc Hải, là một người con của Việt Nam đang sống tại nước ngoài, tâm trạng của ông như thế nào khi nghe tin Đại tướng từ trần?

Tiến sĩ Trần Bắc Hải

Tôi rất hân hạnh được quý báo phỏng vấn. Về câu hỏi này cũng như các câu hỏi khác, cho phép tôi nói thật. Là người ngưỡng mộ Đại tướng nên tôi đã tự chuẩn bị trước cho ngày này. Là con cháu, chúng ta hãy mừng cho một người cha thọ vượt thế kỷ, cuối cùng đã ra đi bình an trong lòng yêu mến của nhân dân.

Phan Công Luận - Thành phố Hồ Chí Minh

Trong những ngày qua, ông đã thấy hàng triệu người Việt Nam bày tỏ sự tiếc thương Đại tướng. Theo ông, phẩm chất nào của Đại tướng đã khiến ông được nhiều người ngưỡng vọng như vậy?

Tiến sỹ Michael Gerard Parsons

Tôi cho rằng, lòng trung thành, sự kiên định, tài năng, ý chí bền bỉ, nhẫn nại và tấm lòng bao dung độ lượng vô bờ đã khiến tướng Giáp nhận được nhiều tình cảm cao quý như vậy của mọi người. Ở tướng Giáp, người ta bắt gặp những phẩm chất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khi xuống đường tham gia các cuộc biểu tình chống sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam, tôi đã cùng mọi người hô vang “Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh. Dám đấu tranh. Dám chiến thắng!”

Đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi rất tâm đắc câu đối mà Bộ Nội vụ Việt Nam đã chúc thọ khi Đại tướng 100 tuổi:

“Tâm sáng, Đảng tin, đời trường thọ

Trí cao, dân mến, sử lưu danh”

	Thiếu tướng Hồ Phương

Thiếu tướng Hồ Phương

Lan Anh, 23 tuổi, Hà Nam

Thưa thiếu tướng Hồ Phương, sự ra đi của tướng Giáp theo ông nước nhà mất mát điều gì lớn nhất?

Thiếu tướng - Nhà văn Hồ Phương

Theo tôi, đất nước chúng ta và nhân dân chúng ta mất đi một thần tượng vĩ đại. Nhân dân ta, tự đáy lòng mình đã suy tôn Đại tướng Võ Nguyên giáp là một con người vĩ đại, là một trong những học trò xứng đáng nhất của Bác Hồ. Tuy nhiên, nói đến sự mất mát thì chúng ta cũng cần thiết nói đến những cái được qua sự kiện này. Phải nói rằng, đây là thời điểm lịch sử mà tất cả mọi người dân Việt Nam từ trong nước đến nước ngoài xiết chặt tay nhau trong một ngôi nhà Việt Nam ấm áp. Thế giới có thể thấy rằng, đây là thời điểm lịch sử mà mọi người dân Việt Nam đồng tâm, nhất trí; hào khí Việt Nam dâng trào cao nhất.

Bùi Hùng Hào - Quảng Trị

Kỉ niệm Đại tướng thăm các đơn vị thuộc Tư lệnh Pháo Binh của ông?

Thiếu tướng Đỗ Quốc Ân

Trong những năm chiến tranh, tôi không được dự những buổi mà Đại tướng tới thăm Tư lệnh Pháo binh, nhưng thông qua các đồng chí nguyên là Tư lệnh thời đánh Pháp, Mỹ, các đồng chí kể lại nhiều câu chuyện cảm động. Đại tướng thường xuyên quan tâm tới tổng lực pháo binh, nên sau những buổi tập kết đồng chí thường xuyên thăm, nhắc nhở anh em.

Đọng lại trong tôi hình ảnh: Khi đất nước ta chuẩn bị đánh Mỹ cứu nước, Bác Hồ có đặt yêu cầu với Bộ Chính trị, Ban chấp hành Đảng Cộng sản Liên Xô giúp Việt Nam một loại pháo có thể mang vác được bằng sức người nhưng tầm bắn xa và uy lực ko thua kém các loại pháo cỡ lớn.

Bộ Chính trị, Ban chấp hành Đảng Cộng sản Liên Xô đã đáp ứng yêu cầu của ta. Sau một thời gian, họ tổ chức nghiên cứu, sản xuất loại pháo theo đúng yêu cầu của ta. Khi loại pháo đó được đưa về Việt Nam, Bác Hồ và cả Quân ủy Trung ương trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp xuống xem diễn tập bắn đạn thật vào năm 1964 của Binh chủng pháo binh trước khi đưa vào chiến trường.

Loại vũ khí ấy sau khi kiểm tra ở miền Bắc đã được được trang bị cho bộ đội pháo binh ở miền Nam, gây nỗi kinh hoàng cho Mỹ ngụy trong chiến tranh. Pháo này ta đã luồn lủi vào trong các sân bay và hậu phương sâu của quân địch mà xe kéo pháo không vào được.

Nguyễn Trần Bích Ngọc - Sinh viên Đại học Sư Phạm Hà Nội

Thưa TS, sự ra đi của Đại tướng được học sinh, sinh viên Việt Nam tại Pháp đón nhận như thế nào? Điểm nào của Đại tướng khiến anh khâm phục nhất?

Tiến sĩ Tạ Minh Trí, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp UEVF

Đối với du học sinh xa xứ thì việc cập nhật thông tin về các vấn đề thời sự của quê hương là việc làm hàng ngày. Thông tin về Đại tướng qua đời được các phương tiện truyền thông của Pháp thông báo khá sớm.

Mặc dù vẫn luôn dõi theo tình hình sức khỏe của Đại tướng trong thời gian gần đây nhưng cộng đồng sinh viên, thanh niên Việt Nam đang sống và học tập tại Pháp phần đông đều hết sức bất ngờ và tiếc thương như “đất nước Việt Nam mất đi một khai quốc công thần, một người đã cống hiến cả cuộc đời cho đất nước”. Cùng với văn hóa online, sự đồng cảm của những người con xa xứ cũng có cách thể hiện riêng của mình vừa kịp thời nhưng không kém phần sâu sắc. Thông qua việc đổi avatar trên tài khoản online, chia sẻ những dòng cảm xúc hay đăng hình ảnh, bài viết về Đại tướng trên trang cá nhân, các bạn sinh viên Việt đang học tập ở Pháp cũng gửi gắm những tình cảm của mình với vị Đại tướng của nhân dân. Tại các thành phố tại Pháp, các chi hội sinh viên như Montpellier, Toulouse, Lyon… đã kết hợp cùng với các Hội đoàn khác tổ chức lễ viếng và tọa đàm “Học tập tấm gương bác Võ Nguyên Giáp”.

Chỉ được nghe về Đại tướng qua lời kể của ông bà, cha mẹ, biết đến chiến tranh giành độc lập dân tộc qua sách báo và các phương tiện đại chúng nhưng đối với các bạn trẻ như mình thì hình ảnh vị tướng ấy rất đỗi gần gũi và đã trở thành huyền thoại. Sự vĩ đại của nhân cách Đại tướng được thể hiện ở tài năng thao lược, đạo đức sáng ngời, ở tinh thần vì nước, vì dân và tác phong gần gũi nhân dân.

Nguyễn Quốc Thịnh - Hà Tĩnh

Ông có suy nghĩ gì về tình cảm và sự ngưỡng mộ mà nhân dân Việt Nam dành cho Đại tướng? Ông đã từng thấy một nhân vật nào trên thế giới nhận được sự tôn kính như vậy chưa?

Tiến sỹ Michael Gerard Parsons

Tôi vô cùng cảm kích trước tình cảm và sự ngưỡng mộ của người dân Việt Nam dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không chỉ trong lễ Quốc tang mà còn cả những ngày trước đó, khi người dân xếp hàng rất dài, chờ đợi được vào viếng Đại tướng. Bản thân tôi cũng đã xếp hàng 6 tiếng đồng hồ để vào tiễn biệt Đại tướng và chia buồn với gia đình ông.

Nguyễn Thị Nhị - Sinh viên Trường Đại học Quốc gia Hà Nội

Thưa bà Daria Mishukova, bà có thể cho biết cảm nghĩ của mình về Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

Bà Daria Mishukova, Tiến sĩ Việt Nam học người Nga

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người Việt Nam vĩ đại ghi tên mình vào cuốn sách lịch sử đương đại như một trong những nhà chỉ huy quân sự vĩ đại nhất thế kỷ 20. Tên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành danh thiếp của nước Việt Nam, giống như tên của Bác Hồ, Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nguyễn Thị Việt Phương - Việt kiều Nhật

Thưa ông Dương Trung Quốc, trong suốt 1 tuần qua kể từ khi Đại tướng từ trần, hình ảnh nào, câu chuyện nào về tình cảm của người dân đối với Đại tướng mà ông cảm động nhất?

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Chắc chắn không ai có thể chứng kiến được tất cả những gì đã diễn ra trong một tuần qua nhưng hình ảnh mang lại cho tôi cảm xúc tốt đẹp nhất chính là hành xử của các bạn trẻ, những người tưởng chừng có khoảng cách rất xa với người đã khuất. Chính các bạn trẻ làm cho tôi hiểu rằng Đại tướng sẽ thực sự sống mãi trong lòng nhân dân và nó sẽ được trao truyền qua nhiều thế hệ tựa như thế hệ chúng ta đối với những bậc tiền nhân đã “hiển thánh” trong lòng dân tộc của mình.

Phan Thị Thúy Anh - Giáo viên - Hà Nội

Điều gì ở Đại tướng khiến ông yêu mến nhất?

Ông Võ Đại Hàm

Đại tướng đối với nhân dân, chiến sỹ, đó là một vị tướng nhân văn.

Đối với gia đình, điều ghi đậm trong lòng tôi nhất là hình ảnh một người cụ, người ông, người cha rất đỗi yêu thương của cả gia đình. Cụ quan tâm đến hết thảy mọi người trong gia đình từ những việc rất nhỏ như ăn mặc, sinh hoạt đi lại.

Tôi là người giữ nhà cho Đại tướng đã lâu, nhiều dịp tiếp xúc với cụ thì cảm thấy sự nhân văn của cụ tăng thêm sức mạnh cho mình. Trong những lúc khó khăn chỉ cần nghĩ đến Đại tướng, tôi cảm thấy sức mạnh của mình tăng lên rất lớn và có thể hoàn các nhiệm vụ.

Tâm niệm sâu sắc của bản thân tôi đối với cụ, cụ đã trùm lên tất cả cuộc sống của con cháu một lòng nhân ái đồng thời đó là hướng để con cháu đi theo con đường mà cụ đã chọn, không hổ thẹn với tấm lòng cao cả của cụ.

Ngô Xuân Chân - Đà Nẵng

Xin Thiếu tướng chia sẻ một kỉ niệm sâu sắc về tình cảm Tướng – Quân với Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

Thiếu tướng Đỗ Quốc Ân

Tôi cũng được gặp Đại tướng nhiều lần. Lần gần đây nhất là năm 2009 nhân dịp kỉ niệm 20 năm thành lập hội Cựu chiến binh Việt Nam. Lúc đó tôi là thường trực của hội Cựu chiến binh Thành phố Hà Nội. Tôi cùng một số đồng chí khác trong Ban cựu chiến binh thành phố đến chúc mừng Đại tướng. Và cũng là báo cáo với Đại tướng những gì mà Hội Cựu chiến binh TP. Hà Nội làm được trong những năm gần đây để Đại tướng vui.

Được gặp Đại tướng, tôi thấy Đại tướng là người rất vui vẻ, hiền và cởi mở… Lúc đó tôi có rất nhiều cảm xúc. Khi tôi nói “Kính thưa Đại tướng, kính thưa bác Hà - phu nhân Đại tướng…” thì Đại tướng ngắt lời tôi và cười: “Không có phu nhân Đại tướng ở đây mà chỉ gọi là chị Hà cho tình cảm”.

Cuộc nói chuyện hôm đó với Đại tướng rất giản dị, tràn đầy tình cảm gia đình. Tất cả mọi người đều rất vui. Và đó cũng là kỉ niệm với Đại tướng mà tôi không bao giờ quên vì báo cáo tới đâu, Đại tướng lại cười và khen tới đó.

Bùi Hương, 54 tuổi, Quảng Bình

Tang lễ của Đại tướng là một trường hợp hiếm có, thể hiện lòng tôn kính của người dân dành cho bác. Thưa thiếu tướng Hồ Phương, ông có thể cho biết ông có tâm sự gì khi chứng kiến cảnh tượng đó?

Thiếu tướng - Nhà văn Hồ Phương

Tôi theo dõi đầy đủ từ đầu cho đến kết thúc sự kiện lịch sử này. Bằng những tình cảm xúc động nhất tự đáy lòng, từ trái tim của mỗi con người Việt Nam đã tự nguyện xếp hàng nghiêm chỉnh, không quản khí trời nóng bức, dù phải đợi chờ đến cả chục giờ đồng hồ vẫn kiên trì đến cùng để đến thắp nén nhang kinh dâng lên Đại tướng. Tất cả điều đó đã cho tôi hiểu rằng, tình cảm của cả dân tộc đối với Đại tướng là vĩ đại, xứng đáng với tầm vóc của một vị tướng mang tầm vóc của Việt Nam và của thế giới qua mọi thời đại.

Tôi tự hào về Đại tướng, tôi tự hào về đất nước Việt Nam đã có một người con vĩ đại đến thế

Trần Thu Nghĩa - Nữ - Du học sinh tại Pháp

Thưa Đại sứ Venezuela, ngài có thể chia sẻ cảm giác của mình khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần?

Đại sứ Venezuela tại Việt Nam - Ngài Jorge Rondón Uzcátegui

Chỉ một thời gian ngắn sau khi Tướng Giáp mất, tôi đã biết tin. Và đó là cảm giác rất đau đớn và buồn bã. Lúc đó tôi cảm thấy như đó là sự mất mát của chính người thân trong gia đình mình. Với tư cách là người bạn của Việt Nam, tôi rất buồn. Toàn thể chính phủ và người dân Venezuela cũng có cảm giác như vậy. Vì với tư cách là 1 đại sứ, tôi và Đại tướng đã gặp gỡ và trò chuyện với nhau và giữa chúng tôi có tình cảm bạn bè, tình anh em, đồng chí.

Hoàng Mai – sinh viên ĐH Ngoại ngữ

Thưa dịch giả Nguyễn Văn Sự, trong quá trình dịch tài liệu, ông thấy sách báo nước ngoài nói về tướng Giáp như thế nào? Điểm nào ở Đại tướng khiến họ ấn tượng nhất?

Dịch giả Nguyễn Văn Sự

Sách nước ngoài nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất nhiều, nhưng tôi thạo tiếng Pháp nên quen các tác phẩm bằng tiếng Pháp, tôi cũng biết tiếng Anh nên cũng đọc đc 1,2 cuốn bằng tiếng Anh. Nói rằng quyển nào hơn quyển nào rất khó vì mỗi cuốn có giá trị riêng của nó. Sự so sánh nào cũng là khập khiễng. Tôi thì tôi thích và tâm đắc nhất là cuốn “Chiến thắng bằng mọi giá” của tác giả Gouges Bourael, quyển này đã được xuất hiện trên truyền hình nhiều hôm nay. Cuốn sách được giới thiệu nhiều tất nhiên có lý của nó bởi vì trong cuốn sách đó ở trang 31 bản tiếng Việt dòng thứ 7 đến dòng 22 là 1 cái khóa để giải đáp câu hỏi: Tại sao chiến công của vị Đại tướng - Tổng tư lệnh QĐND Việt Nam, người anh cả của QĐND Việt Nam lại hiển hách như thế, được nhân dân quý mến như thế, thế giới khâm phục như thế mà phải có khoảng lặng nói ra cũng khó.

Tôi nghĩ rằng các bạn độc giả đọc kỹ 15 dòng đó cũng hiểu phần nào, nếu ko hiểu hoặc hiểu chưa hết thì tôi xin được hầu chuyện vì có cái nói ra cũng không tiện. Tôi ở Quảng Bình về, tôi đã sống những thời khắc không được trực tiếp làm quan khách mà phải tự bắt xe đi nhưng tôi đã thấy được lòng dân, họ quý vị Đại tướng của chúng ta. Họ đã khóc rất nhiều. Tôi tự nghĩ cũng phải cố gắng theo gương Đại tướng, phải "dĩ công vi thượng" như lời Bác Hồ đã căn dặn Đại tướng trong hang Pắc Bó, theo ông Võ Hồng Nam kể lại với tôi.

Độc giả gửi từ Quảng Bình

Thưa TS Phạm Thị Việt Nga, cô cho cháu hỏi: người đàn ông Việt Nam cần học hỏi những điểm gì từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

Tiến sĩ Phạm Thị Việt Nga

Cô nghĩ là không phải riêng người đàn ông mà tất cả những người khác đều phải học hỏi ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thứ nhất là sự hòa đồng, sống chân thành với mọi người.

Thứ hai là bản lĩnh. Bản lĩnh của người quyết thắng – điều này cần cho tất cả người Việt Nam đặc biệt là người đàn ông. Trong hoàn cảnh nào cũng phải rèn luyện những đức tính đó!

Trần Việt Dũng - Nam 36 tuổi - Hà Nội

Thưa nhà sử học Dương Trung Quốc, ông nghe tin Đại tướng mất trong hoàn cảnh nào? Ông có thể chia sẻ cảm giác của mình về giây phút đó?

 

Có lẽ chỉ vài phút sau khi Đại tướng qua đời, tôi đã nhận được thông tin nhưng ý thức rằng đây là một sự kiện rất hệ trọng nên khi một đài nước ngoài đề nghị phỏng vấn, tôi xin phép được lùi thời gian. Khi đã nhận được thông tin đích xác về việc Đại tướng đã ra đi, trong lòng lẫn lộn hai cảm xúc: tiếc thương và mong ông sống lâu hơn nữa, nhưng lại cũng cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng khi thấy ông ra đi một cách trọn vẹn. Hoàn cảnh có nhiều dịp được gặp ông ở những năm tháng ông đã cao tuổi, cái cảm xúc ấy tựa như đối với những người thân trong nhà và theo tập quán của dân ta thì ông đã trở về cõi vĩnh hằng một cách thanh thản khi đã làm tròn tất cả những trách nhiệm của mình đối với nước, với dân và với thời đại ông sống.

ĐANG TRỰC TUYẾN QUỐC TẾ: ĐẠI TƯỚNG VÀ BÀI HỌC LÒNG DÂN
 
Nguyễn An Khánh - Đông Anh - Hà Nội

Khoảnh khắc đưa linh cữu Đại tướng xuống lòng đất mẹ, cảm xúc của ông thế nào?

Ông Võ Đại Hàm

Ngồi trên xe tang từ nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông về Đồng Hới. Rồi từ Đồng Hới đi Vũng Chùa, tôi thấy hai bên đường chỗ nào cũng có người dân, chỗ nào cũng có di ảnh của Đại tướng. Họ tự nguyện đứng hai bên đường để tiễn biệt Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng. Là một người con, một người cháu của Đại tướng, tôi đã tưởng tượng ra sẽ có những cảnh tượng như thế nhưng không thể ngờ được sự nhiệt tâm và đông đảo của người dân với ông tôi đến thế. Tôi nghĩ rằng Đại tướng đã vì dân nên được dân luôn yêu mến. Việc này đã thức tỉnh mỗi chúng ta lời dạy của Bác Hồ: có dân là có tất cả, không có dân thì không làm được gì.

Lúc sinh thời, Đại tướng hết sức gắn bó với quê hương. Mỗi năm ông đau đáu nỗi niềm được về sống với đất mẹ nhưng đến khi mất, tâm niệm của Đại tướng là về Quảng Bình và được sự nhất trí của Bộ Chính trị thì Đại tướng đã về Quảng Bình. Khung cảnh đưa Đại tướng đến nơi an nghỉ cuối cùng như một biển người như thế ai cũng muốn nhìn thấy khoảnh khắc cuối cùng của Đại tướng trên mặt đất nhưng do điều kiện nên chỉ một số người toại nguyện. Điều đó thể hiện tấm lòng của nhân dân hết sức tràn đầy và chân thành, muốn Đại tướng về với quê hương. Lúc đó, cảm xúc của tôi khó tả lắm. Lúc đó tôi không cầm được nước mắt, vừa thương tiếc vị Đại tướng nhưng cũng vừa tự hào, ngưỡng mộ về người ông của mình. (Ông Hàm khóc)

Phạm Đình Hương Thu - Nữ 36 tuổi

Trong chiến tranh, khi chưa gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hình ảnh Đại tướng trong ông như thế nào?

Thiếu tướng Đỗ Quốc Ân

Tôi sinh ra và lớn lên trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhưng trưởng thành, đi bộ đội trong cuộc khánh chiến chống Mỹ. Ngay từ ngày bé và lớn lên đi bộ đội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tôi là Tổng tư lệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, một con người văn võ song toàn. Đại tướng đã cùng Trung ương Đảng, Bác Hồ và toàn thể dân tộc Việt Nam làm nên nhiều kì tích trong công cuộc giải phóng dân tộc. Đặc biệt là trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tôi đã trưởng thành và hiểu biết hơn. Tôi hiểu, Đại tướng là người Tổng tư lệnh, là Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng… Đại tướng là người toàn năng. Chiến dịch nào cũng có sự lãnh đạo của Đại tướng và Quân ủy Trung ương.

Là người lính khi xung trận tôi luôn tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng, trong đó có sự lãnh đạo của Đại tướng, cho dù cuộc kháng chiến đó có gian nan và trường kì tới đâu.

 

  Thiếu tướng Đỗ Quốc Ân bên bức ảnh quý kỉ niệm chụp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Thiếu tướng Đỗ Quốc Ân bên bức ảnh quý kỉ niệm chụp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nguyễn Chiến Thắng - Nam - 42 tuổi - Hà Nội

Thưa ông, ông có thể chia sẻ với độc giả cảm xúc của ông khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần?

Tiến sỹ Michael Gerard Parsons

Mặc dù biết rằng Đại tướng đã cao tuổi và sức khỏe không được tốt nhưng khi nghe tin ông qua đời, tôi vẫn cảm thấy vô cùng đau buồn. Khi ấy, nước mắt tôi cứ ứa ra, không sao kiềm chế được.

Jennifer Ngo Y Lan - Nữ 29 tuổi - Việt kiều tại Mỹ

Là người được giao trọng trách trông coi nhà lưu niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông ấn tượng nhất với kỷ vật nào của người?

Ông Võ Đại Hàm (70 tuổi), cháu gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng ông

Trong khu nhà lưu niệm của Đại tướng hầu như không còn một kỷ vật nào vì đã bị Thực dân Pháp đốt từ năm 1947. Nhưng trong khuôn viên còn một kỷ vật gắn bó với Đại tướng là cây khế hơn 100 năm tuổi.

Lê Mạnh - ĐH Thủy Lợi

Theo Thiếu tướng Hồ Phương, các nhân vật trọng yếu trong nhà nước Việt Nam hiện tại cần học hỏi gì từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp để được nhân dân thêm tin yêu?

Thiếu tướng - Nhà văn Hồ Phương

Với bác Giáp có nhiều bài học quý, nói thì nhiều lắm nhưng tôi nói vắn tắt thế này thôi:

Thứ nhất là lòng dũng cảm tuyệt vời trước kẻ thù, thời nay chúng ta dũng cảm trước những khó khăn của bản thân và của xã hội.

Thứ 2 là lòng yêu dân của bác mênh mông không khác gì bác Hồ. Tôi có điều kiện gặp bác nhiều trong chiến tranh, gần đây tôi vẫn thỉnh thoảng vẫn đến chơi với bác, nên tôi rất hiểu bác, bác có lòng thương dân bao la, yêu nước thương dân chỉ đứng sau cụ Hồ thôi.

Thứ 3 là làm việc hết sức khoa học, không tùy tiện cao hứng. Đã làm phải quyết thành công.

  Tiến sĩ Phạm Thị Việt Nga

Tiến sĩ Phạm Thị Việt Nga

Thanh Mai - Hà Đông - Hà Nội

Kể từ khi Đại tướng từ trần, hình ảnh nào, câu chuyện, hình ảnh nào về tình cảm của người dân đối với Đại tướng mà bà cảm động nhất?

TS Phạm Thị Việt Nga

Hình ảnh của những cụ già ngồi khóc, những em thiếu nhi nhỏ nhưng vẫn chen vào để có mặt. Nhất là lễ truy điệu, nhìn hình ảnh những người dân ở phía ngoài của nhà tang lễ, cô rất xúc động. Cô nghĩ lâu lắm rồi mới có hình ảnh như vậy!

Ngô Thị Thanh Tú - Nữ - 31 tuổi - Giảng viên trường Đại học Hùng Vương - Phú Thọ

Thưa ông Alain Rusco, ông đã gặp Đại tướng nhiều lần. Nếu để nói thật ngắn gọn về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thì ông muốn nói gì?

Nhà sử học Alain Ruscio

Tôi không có cơ hội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng tôi vô cùng may mắn và vinh dự được gặp gỡ và trò chuyện nhiều lần trong 30 năm với người mà tôi gọi là "một trong những người con được yêu mến nhất của Hồ Chủ tịch" - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Vũ Văn Huynh - Hà Nội

Trong suốt thời kì chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân Việt Nam không chỉ sẵn sàng nhập ngũ, chiến đấu giành độc lập mà còn luôn đồng lòng, nhất trí, ủng hộ quân đội Việt Nam và người anh cả của Quân đội - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo ông, điều gì ở Đại tướng đã khiến người nhận được sự ủng hộ và yêu mến của người dân tới vậy?

Ông Võ Đại Hàm

Đến bây giờ, tất cả mọi người đều có một nhận thức thống nhất Đại tướng Võ Nguyên Giáp là đại tướng của nhân dân. Từ lúc ông chưa là Đại tướng cho đến khi hơn 30 năm làm Đại tướng ông luôn quan tâm đến mọi người, cùng chia sẻ với chiến sỹ những đau buồn, no đói có nhau nên ông đã gây dựng được trong lòng dân cho nên những kế hoạch và phương châm của ông đều được ủng hộ nhiệt tình, hết sức hết lòng để thực hiện được ý đồ chiến lược của ông. Ông không những là một Võ tướng mà ông còn là một người hết sức nhân văn và chính sự nhân văn ấy đã thu hút mọi người đến với ông. Và ông đã tập hợp được những người cùng chí hướng với ông, dưới sự lãnh đạo của ông làm tròn sứ mệnh cách mạng.

ĐỌC TIẾP PHẦN 2

ĐỌC TIẾP PHẦN 3

Bạn đọc gửi câu hỏi giao lưu cho khách mời vào hộp câu hỏi ở trên hoặc email vào địa chỉ sohanews1@gmail.com

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại