Thương hiệu Việt không bằng Malaysia: “Chém gió gì thì kệ họ”

Gia Bảo |

Đó là nhận định của chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang trước công bố "sốc" gần đây của hãng tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance.

Nhiều thương hiệu của Việt Nam "ăn đứt" Malaysia

Theo công bố mới đây của hãng tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance, tổng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam là 67,3 tỷ USD – không tăng trưởng so với trước.

Chưa kể đến giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam sụt giảm tới 18%, từ 172 tỷ USD năm 2014 xuống còn 139,5 tỷ USD năm 2015. Tổng giá trị thương hiệu của Top 50 ở Việt Nam là 5,5 tỷ USD.

Từ thực tế trên, ông Samir Dixit - Giám đốc Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Brand Finance nhận định: “Một thương hiệu như Petronas của Malaysia có thể gấp đôi con số này”.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang nói: “Ở châu Á, mình chỉ nên ngưỡng mộ người Nhật Bản, Hàn Quốc là đủ rồi.

Còn xét cả một quá trình lịch sử thì Malaysia chẳng là gì cả”.

Cho rằng Brand Finance “chém gió” và chưa có cái nhìn tổng thể về giá trị của các thương hiệu Việt, ông Quang phân tích, thương hiệu gồm cả các yếu tố như văn hóa, di sản…

Ngay cả chiếc áo dài truyền thống của Việt Nam cũng là một thương hiệu.


Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cho rằng: Malaysia chỉ mạnh về dầu cọ, nhưng thương hiệu đó cũng chỉ bằng gạo với café của Việt Nam cộng lại chứ chúng ta chẳng kém gì. (Ảnh: Internet)

Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cho rằng: "Malaysia chỉ mạnh về dầu cọ, nhưng thương hiệu đó cũng chỉ bằng gạo với café của Việt Nam cộng lại chứ chúng ta chẳng kém gì". (Ảnh: Internet)

Thương hiệu của Việt Nam hơn Malaysia ở nhiều lĩnh vực. “Về ẩm thực, Malaysia có các thương hiệu nổi tiếng thế giới như phở, bánh mì của Việt Nam không?

Malaysia không có gì luôn trong khi đi bất kì đâu ở châu Phi, Mỹ, châu Âu…hỏi phở là người ta biết phở của Việt Nam.

Cả xứ Malaysia ăn cà ri nhưng cà ri có phải của họ đâu. Malaysia lệ thuộc văn hóa Ấn Độ thành ra quốc hồn quốc túy về ẩm thực của họ không có.

Nền ẩm thực Malaysia không có tính bản thể, di sản trong khi ẩm thực Việt Nam có từ món bánh chưng, bánh giày ngày Tết…”, ông Quang nói.

Về du lịch, theo ông Quang, họ quảng cáo 10, mình chỉ cần quảng cáo 5 thôi là mình có thể bằng họ. Mỗi năm họ mất khoảng 10 triệu USD chi cho việc quảng bá du lịch.

Việt Nam chỉ cần bỏ ra 3 – 5 triệu USD là ăn đứt họ về du lịch, nhưng hiện chúng ta mới chỉ chi được vài trăm USD cho việc đó.

Bù lại, Việt Nam có di sản vịnh Hạ Long – một trong bảy kì quan thiên nhiên của thế giới. Cái đó Malaysia không có.

Thiên nhiên của Malaysia nhiều chỗ cũng đẹp, nhưng cũng bình bình thôi chứ không có điểm nhấn như vịnh Hạ Long.

“Brand Finance có biết để đưa vào không?

Nếu cào bằng, cho các bãi biển ở Malaysia 10 điểm, thì các bãi biển ở Việt Nam được 7 điểm cộng với thương hiệu mạnh - vịnh Hạ Long chúng ta xứng đáng được 15 điểm tức là gấp rưỡi họ về thương hiệu biển, du lịch”, ông Quang khẳng định.

Ngoài ra, ông Quang cho biết, Malaysia chỉ mạnh về dầu cọ nhưng thương hiệu đó cũng chỉ bằng gạo với café của Việt Nam cộng lại chứ chúng ta chẳng kém gì.

"Nếu họ là cường quốc về dầu cọ thì chúng ta cũng nhất nhì thế giới về gạo. Malaysia cũng chẳng có thương hiệu café nào sánh được với Trung Nguyên, Vinacafe… của Việt Nam.

Còn ngành bia của Malaysia rất yếu vì đó là xứ đạo Hồi, thương hiệu bia nổi danh Malaysia không có trong khi thương hiệu bia của Việt Nam tính bằng tỷ USD. Sabeco khoảng 2,3 tỷ USD còn Habeco khoảng 2 tỷ USD.

Về thực phẩm như sữa, ở Malaysia làm gì có thương hiệu nào mạnh như Vinamilk?

Theo tôi biết sữa True Mass – công ty sữa lớn nhất có trụ sở ở Malaysia, nhưng đó không phải là thương hiệu của Malaysia mà của công ty nước ngoài đầu tư. Đó là thương hiệu của Thụy Điển gia công tại Malaysia.

Về thương hiệu quốc gia, người ta chỉ nhớ Malaysia có 2 thương hiệu là Malaysia Airlines và Petronas.

Mình có Vietnam Airlines ăn đứt Malaysia Airlines rồi. Còn về Petronas thì mình cũng có Petro Vietnam và Petrolimex cộng lại cũng gần bằng Petronas”, ông Quang nhấn mạnh.

Từ những phân tích trên, ông Quang cho rằng, Brand Finance “chém gió gì thì kệ họ”.

Chuyên gia thương hiệu kỳ vọng vào ông Đinh La Thăng

Trái ngược hoàn toàn với quan điểm của chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, dưới góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, họ lại cho rằng: Kết luận về giá trị thương hiệu của Top 50 doanh nghiệp số 1 ở Việt Nam như trên là có căn cứ.

“Muốn phản biện phải nghiên cứu tài liệu, nhưng tôi nghĩ điều đó rất có khả năng bởi các công ty của Malaysia phát triển hơn chúng ta nhiều.

Các thương hiệu lớn ở Việt Nam đã có sự trưởng thành, nhưng các nước khác họ quốc tế hóa và phát triển nhanh hơn”, trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế - TS.Lê Đăng Doanh nói.

Cũng theo ông Doanh, có nhiều lý do dẫn tới thực trạng trên chứ không chỉ do việc chúng ta chưa chú trọng quảng bá thương hiệu.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định: “Tất nhiên người ta đã công bố rộng rãi ở phạm vi quốc tế thì họ phải có cơ sở chứ không thể hồ đồ được”.

Tuy vậy, chuyên gia này cho rằng còn phải xem họ dựa vào tiêu chí, cách đánh giá như thế nào mới có thể phân định đúng sai được", chuyên gia này nói.


Hầu hết thương hiệu đặt giá tại Việt Nam đều là những thương hiệu rất thông dụng, được nhiều người biết tới (Ảnh: CafeBiz)

Hầu hết thương hiệu đặt giá tại Việt Nam đều là những thương hiệu rất thông dụng, được nhiều người biết tới (Ảnh: CafeBiz)

Khi chúng tôi đặt câu hỏi về những gương mặt doanh nhân có thể giúp nâng tầm giá trị thương hiệu Việt trên trường quốc tế trong thời gian tới, ông Quang cho hay, ông đặt nhiều kỳ vọng vào những cái tên như Bộ trưởng Đinh La Thăng, bà Mai Kiều Liên…

“Mỗi Bộ trưởng cũng là một CEO. Theo tôi ông Đinh La Thăng chính là người đã gây dựng thương hiệu Petro Vietnam.

Tôi đánh giá ông ấy là một CEO biết lấy tinh thần quản lý doanh nghiệp đưa vào quản lý nhà nước.

Ngoài ra, tôi đặt nhiều kỳ vọng vào những cái tên như bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)…”, ông Quang nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế
TS.Đinh Thế Hiển
Cả 3 khía cạnh: Chất lượng sản phẩm, khả năng chăm sóc khách hàng, PR – nhận diện thương hiệu, cộng lại mới làm tăng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp. Nếu chúng ta chỉ tăng doanh nghiệp bằng tăng quy mô thôi, chứ không phải chất lượng sản phẩm thì chúng ta sẽ không thể có được các giá trị thương hiệu lớn như Malaysia. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại