Vì đâu giá trị 50 thương hiệu VN = 1/2 thương hiệu Malaysia?

Phương Nhi |

Chuyên gia kinh tế cho rằng, tổng giá trị thương hiệu của Top 50 ở Việt Nam không bằng ½ thương hiệu của Malaysia là chuyện tất yếu lịch sử.

Chuyên gia kinh tế: “Tôi không ngạc nhiên”

Theo công bố của hãng tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance, tổng giá trị thương hiệu của Top 50 ở Việt Nam là 5,5 tỷ USD, trong khi đó, một thương hiệu như Petronas của Malaysia có thể gấp đôi con số này.

“Điều này có nghĩa chúng ta không cạnh tranh được với các thương hiệu toàn cầu” - ông Samir Dixit - Giám đốc Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Brand Finance, cho biết.

Trao đổi với PV, TS.Đinh Thế Hiển - Viện trưởng viện Nghiên cứu tin học và Kinh tế Ứng dụng nhận xét, so sánh trên đã thể hiện được sự yếu kém của doanh nghiệp Việt.

Và điều này là hoàn toàn phù hợp và nhất quán với những nhận định của nhiều chuyên gia trước đó cho rằng: Việt Nam đang thua Thái Lan 50 năm.

“Nghe chuyện này, tôi cũng buồn vì năng suất lao động của Việt Nam nửa thế kỷ nữa mới đạt bằng Thái Lan.

Bản thân mình cũng ra kinh tế thị trường khoảng 20 năm, trong quá trình đó, những doanh nghiệp nhà nước lớn chưa thực sự xúc tiến nhiều trong vấn đề cổ phần hóa. Năm vừa rồi, mới quyết liệt hơn.

Do đó, kết quả mà Brand Finance công bố là chuyện tất yếu lịch sử” – TS.Hiển nói.


Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển

Vị chuyên gia kinh tế này cũng nhấn mạnh: “Tôi không lạ hay ngạc nhiên, bức xúc gì về thông tin trên”.

Ông phân tích, nếu so thị trường chứng khoán của Việt Nam và Malaysia thì thị trường chứng khoán ở Việt Nam rất nhỏ.

Thêm vào đó, thị trường chứng khoán nước ta và doanh nghiệp Việt còn nhiều vấn đề cần cải tổ lại.

Thị trường chứng khoán chưa thực sự như kỳ vọng, trở thành một “bệ đỡ” cho doanh nghiệp có quy mô lớn từ nền tảng, từ công nghệ, giá trị gia tăng tới sản phẩm gia tăng...

Những công ty lớn như Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai huy động vốn thực hiện kinh doanh, họ có vốn hóa lớn do huy động vốn lớn chứ không dựa trên chênh lệch đầu vào – đầu ra.

Bên cạnh đó, những công ty lớn nhất Việt Nam không nằm trên sàn mà nằm trong Tổng công ty Nhà nước và chưa có niêm yết như MobiFone, Tập đoàn Dầu khí…

Trong khi đó, ở Malaysia với đặc điểm kinh tế thị trường, các công ty lớn đều niêm yết. “Nếu ở Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí mà niêm yết thì kết quả đã khác” – ông Hiển cho hay.

Ngoài ra, theo quan điểm của ông, cho tới bây giờ, các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn hướng theo thị trường nội địa là chính trong khi Malaysia, họ hướng tới toàn cầu.

Xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là xuất khẩu thô – giá trị gia tăng không có, nếu có quy mô lớn thì do mua bán lớn chứ giá trị chênh lệch hình thành từ sản xuất hàng thương hiệu để xuất khẩu là không có.

Chính vì vậy nên giá trị thương hiệu thấp so với những công ty ở Malaysia.

Doanh nghiệp Việt nên làm gì để có giá trị thương hiệu lớn?

Để doanh nghiệp có giá trị thương hiệu lớn, theo TS.Hiển, tại Tp.HCM, nhiều năm nay đã định hướng vào những doanh nghiệp giá trị gia tăng, những doanh nghiệp sản xuất ra những sản phẩm cạnh tranh với thế giới.

“Nếu làm được điều đó thì thương hiệu mới thực sự dần có giá trị, đọ sức được với khu vực.

Còn nếu chúng ta chỉ tăng doanh nghiệp bằng tăng quy mô thôi, chứ không phải chất lượng sản phẩm thì chúng ta cũng không thể có được các giá trị thương hiệu lớn như Malaysia” – ông Hiển phân tích.

Cũng theo TS.Hiển, yếu tố quyết định giá trị thương hiệu không phải ở quản trị thương hiệu mà bản chất nằm trong nền tảng, nội lực của doanh nghiệp từ nghiên cứu sản phẩm, phát triển sản phẩm và kinh doanh sản phẩm đó.

Bởi khi định giá thương hiệu, người ta không định giá bởi quảng cáo hay, hoặc giới thiệu hay mà phụ thuộc vào nền tảng của doanh nghiệp.

Ông Hiển đưa ra ví dụ: “Doanh nghiệp A bán một chiếc tivi, đầu vào 3 triệu đồng, bán ra 5 triệu đồng, chênh lệch giá rất lớn, điều này hình thành nên giá trị thương hiệu.

Trong khi đó, công ty B xây căn nhà, đầu vào mất 50 triệu, đầu ra 55 triệu, như vậy, công ty rất khổng lồ, tuy nhiên, giá trị công ty có nhưng giá trị thương hiệu không có”.

Khi định giá thương hiệu, người ta tính bằng cách: Cùng một sản phẩm, nếu công ty nào bán được giá cao hơn (do người tiêu dùng tin tưởng hơn) và doanh số bán nhiều hơn thì công ty đó sẽ hình thành giá trị thương hiệu lớn hơn.

Xét ở góc độ này, ông Hiển cho rằng, rõ ràng bia Sài Gòn có giá trị thương hiệu, Vinamilk cũng có giá trị thương hiệu, trong khi đó, một số công ty khác “khổng lồ” hơn Vinamilk nhưng cũng chưa chắc đã có giá trị thương hiệu cao.

Thép Hòa Phát, một trong những doanh nghiệp đứng đầu ngành thép Việt Nam là một ví dụ. Giá trị thương hiệu của Hòa Phát không đáng kể khi chỉ đáng 5% trên tổng giá trị doanh nghiệp.

Bởi lẽ, “thương hiệu thép Hòa Phát ai cũng biết nhưng nó vẫn là dạng bán nguyên liệu.

Bao giờ thép Hòa Phát làm được những thép mà thị trường không ai làm được, bán giá rất cao hơn so với giá đầu vào thì mới hình thành giá trị thương hiệu, nếu không, đó mới chỉ là giá trị công ty thôi” – ông Hiển giải thích.

Một số thương hiệu mà TS.Đinh Thế Hiển kỳ vọng trong thời gian tới.
Một số thương hiệu mà TS.Đinh Thế Hiển kỳ vọng trong thời gian tới.

Khác với Apple, so với giá trị công ty, giá trị thương hiệu của Apple lại rất lớn, tiến tới 146 tỷ đô la.

Apple sản xuất 1 cái iPhone, 1 cái điện thoại, các công ty khác có thể chạy theo sản xuất giống y như thế nhưng không thể bán được với giá cao và bán nhiều như Apple.

Do đó, giá trị thương hiệu của Apple mới gia tăng.

Với câu hỏi, tại sao người Việt chưa chú trọng việc xây dựng thương hiệu – tài sản vô hình quan trọng nhất để tạo ra những giá trị lớn cho bản thân doanh nghiệp giống như Malaysia, TS.Hiển lý giải: "Vì chúng ta chưa thể làm được các sản phẩm chất lượng cao như vậy".

Việt Nam mới chỉ làm được các sản phẩm cạnh tranh về giá chứ chưa sản xuất ra được các sản phẩm cạnh tranh về chất lượng.

Để nâng cao giá trị thương hiệu của doanh nghiệp Việt trong tương lai, TS.Hiển cho rằng, doanh nghiệp phải luôn luôn quảng cáo nhưng quảng cáo phải dựa trên nền tảng chất lượng sản phẩm và không ngừng cải thiện chất lượng sản phẩm.

Trong đó, chất lượng sản phẩm được định nghĩa ở 2 khía cạnh: Chất lượng sản phẩm và khả năng chăm sóc khách hàng.

“Nếu 2 công đoạn trên có rồi thì cộng thêm khâu quảng cáo - PR, gia tăng sự nhận biết của khách hàng. Cả 3 cái này cộng lại mới làm tăng giá trị thương hiệu.

Dù khâu cuối cùng tốt nhưng nếu 2 khâu đầu không tốt thì “không có bột không thể gột lên hồ”.

Ngược lại, nếu 2 khâu đầu tốt nhưng khâu quảng cáo dở sẽ làm cho giá trị thương hiệu không tương xứng với khả năng họ có” – ông Hiển nói.

Ở Việt Nam, hầu hết những doanh nghiệp có sản phẩm tốt nhưng đầu tư quảng cáo chưa tương xứng với chất lượng để tạo ra giá trị thương hiệu tương ứng, chủ yếu rơi vào doanh nghiệp nhà nước hơn là tư nhân.

Còn doanh nghiệp tư nhân lại đang đi ngược lại, chưa làm được nhiều nhưng lại quảng cáo lắm.

Những tên tuổi “sáng giá” được kỳ vọng

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết: Trên thế giới, nước ngoài thường ca ngợi những doanh nghiệp “từ không đến có” như Microsoft, Yahoo, Apple,… chứ không ca ngợi những doanh nghiệp thâm dụng vốn.

Ở Việt Nam, thời gian gần đây, ông Hiển kỳ vọng vào những tên tuổi “từ không đến có” tương tự, như Thế Giới Di Động, họ vươn lên tạo một giá trị thương hiệu rất tốt, đi đôi với chất lượng dịch vụ và cửa hàng.

"Mặc dù về quy mô công ty, Thế Giới Di Động không bằng công ty hùng mạnh như FPT nhưng về giá trị thương hiệu thì cửa hàng của Thế Giới Di Động “ăn đứt” FPT.

Trong sản xuất, rất tiếc là trước đây Kinh Đô đã hình thành được giá trị thương hiệu nhưng sau này không theo đuổi, không đi theo chiều sâu để trở thành một thương hiệu vững chắc về bánh kẹo, họ đã phải bán cho nước ngoài.

Còn Vinamilk, họ đã xây dựng được một giá trị thương hiệu nhưng trong thời gian tới, họ có thể phải vất vả để cạnh tranh với các công ty sữa khác.

Bia Sài Gòn cũng là công ty có thương hiệu. Trước đây, rất nhiều công ty bia lớn của thế giới vào Việt Nam như Carlsberg,… nhưng bia Sài Gòn vẫn đứng vững thì đó chính là một công ty có thương hiệu” – TS.Hiển nêu quan điểm.

Chuyên gia thương hiệu
Ông Võ Văn Quang
Về thương hiệu quốc gia, người ta chỉ nhớ Malaysia có 2 thương hiệu là Malaysia Airlines và Petronas. Mình có Vietnam Airlines “ăn đứt” Malaysia Airlines rồi. Còn về Petronas thì mình cũng có Petro Vietnam và Petrolimex cộng lại cũng gần bằng Petronas.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại