Liên quan đến"nghi án nhận hối lộ 16 tỷ đồng" tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho hay, cho tới thời điểm hiện tại, công việc thanh tra làm rõ nghi án “đưa hối lộ” 785.000 USD để trúng thầu vẫn chưa xong, chưa có kết quả.
Ông Huyện cho day, khi thành lập tổ thanh tra, việc thanh, kiểm tra dự kiến mất khoảng 10 đến 14 ngày. Tuy nhiên, khi thực hiện cho tới nay đã gần một tháng nhưng vẫn chưa xong vì một số người Nhật về nước.
Thanh tra Bộ GTVT đã mời những người này làm việc nhưng phải tuần tới họ mới sang và sẽ tiếp tục làm việc để làm rõ.
"Cho tới thời điểm hiện tại thì phía Nhật Bản vẫn chưa cung cấp danh tính những cán bộ Việt Nam nhận hối lộ trong sự việc.
Nếu khi có chính thức và đầy đủ thì phía bạn sẽ chuyển qua đường đối ngoại và chuyển cho công an. Còn không có thì phía bạn sẽ thôi luôn. Vì đây là nghi vấn và bây giờ phía bạn vẫn đang tiến hành điều tra. Nếu có thì phía bạn đã khởi tố. Hiện tất cả đang phải chờ phía Nhật Bản”, ông Huyện nói.
Cũng theo ông Huyện, trong trường hợp không làm rõ được danh tính và không có thì cũng không làm gì được bởi nó chỉ là nghi vấn. Như vậy thì phía bạn sẽ phải kiểm điểm ở nước bạn vì gây ảnh hưởng tới quan hệ của Việt Nam – Nhật Bản.
"Nếu việc hối lộ số tiền 785.000 USD không có thật thì đương nhiên Việt Nam sẽ không cho họ tham gia đấu thầu các dự án tại Việt Nam nữa", ông Huyện nhấn mạnh.
Trước đó, liên quan đến "nghi án nhận hối lộ 16 tỷ đồng" này, ngày 26/3, Bộ GTVT đã có Công văn số 3222/BGTVT-TCCB yêu cầu thêm một số các cán bộ, công chức làm báo cáo về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Cụ thể, những cán bộ, công chức đang công tác gồm: ông Nguyễn Đức Thắng, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông); ông Trần Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (nguyên Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông); bà Nguyễn Minh Tuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông; ông Lê Quyết Tiến, Trưởng phòng Pháp chế - Đấu thầu, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông.
Ngoài ra, ông Phan Hữu Biên, Chuyên viên Phòng Pháp chế - Đấu thầu, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông; ông Vũ Nam Nguyên, Chuyên viên chính Vụ Kế hoạch - Đầu tư; ông Triệu Khắc Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nguyên Phó Trưởng phòng Thẩm định 1, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông) cũng phải làm báo cáo.
Những người đã nghỉ hưu gồm ông Lê Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; ông Nguyễn Hữu Bằng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; ông Hà Khắc Hảo, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư.
Cùng với đó, đã có 4 lãnh đạo ngành đường sắt bị tạm dừng công việc phục vụ công tác kiểm tra, xác minh tin đưa hối lộ mà báo chí Nhật Bản nêu, bao gồm: Ông Ngô Anh Tảo, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đường sắt của Tổng Công ty; Ông Trần Quốc Đông, Phó Tổng giám đốc, nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt (giai đoạn 2009); Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt, Cục đường sắt Bộ GTVT; Ông Trần Văn Lục, nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt (giai đoạn 2000-2009), hiện là Trưởng ban dự án của Cục Đường sắt (Bộ GTVT).