Sự thật về “ông chủ” của 5 triệu yen Nhật đến từ châu Phi

Đăng Hòa - Nguyễn Hiếu |

Cho rằng số tiền 5 triệu yen Nhật là của chồng mình, bà Phạm Thị Ngọt đã đến Công an Q.Tân Bình (TPHCM) cung cấp thông tin về ông Afolayan Caleb và nguồn gốc số tiền để “quên” trong loa. Thông tin này thật hay giả?

Qua tìm hiểu, phóng viên Báo CATP đã tìm ra được sự thật về người đàn ông gốc Phi có trình độ “cử nhân giáo dục” này và “cơ sở giáo dục” mà ông từng dạy học như trên giấy tờ bà Ngọt cung cấp. Tất cả chỉ là... “ảo”.

Công ty trường học "ma"

Theo hồ sơ mà bà Phạm Thị Ngọt cung cấp, trong thời gian lưu trú tại Việt Nam, chồng bà là ông Afolayan Caleb làm giáo viên, công tác tại Công ty TNHH MTV Úc Đại Lợi (từ tháng 6-2010 đến tháng 6-2013).

Bà Ngọt cũng đã cung cấp “giấy phép lao động” của chồng mình, trong đó có ghi về trình độ chuyên môn của người đàn ông gốc Nam Phi này là “cử nhân giáo dục”.

Số tiền 5 triệu yen trong vụ tỷ phú ve chai - Ảnh: Báo CATP

Sáng 14-5, phóng viên Báo CATP đã xác minh tại Sở Kế hoạch đầu tư TPHCM và được biết Công ty TNHH Úc Đại Lợi có đăng ký địa chỉ trụ sở tại số nhà 289 Trường Chinh, phường Tân Thới Nhất, Q.12 (ảnh).

Tuy nhiên khi xác minh tại địa chỉ này, không hề có công ty nào hoạt động với tên gọi như trên.

Trong hồ sơ quản lý của công an địa phương, được biết căn nhà số 289 Trường Chinh do vợ chồng bà Nguyễn Thị Hồng T. (SN 1980) - Nguyễn Tri Th. (SN 1976) làm chủ sở hữu.

Trong thời gian từ năm 2010 đến ngày 20-5-2013, Cty Dịch vụ bảo vệ 007 thuê làm trụ sở hoạt động. Từ ngày 8-8-2013, bà C.T.H (SN 1989) thuê lại.

Ông Afolayan Caleb - người mà bà Ngọt khai là chồng mình, đã dùng hộ chiếu giả vào Việt Nam - Ảnh: Báo CATP

Tại căn nhà này, hiện có Công ty TNHH MTV Samshin Vina hoạt động (chuyên mua bán máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác, giấy phép kinh doanh số 0312369949 do Sở Kế hoạch đầu tư TPHCM cấp ngày 15-7-2013, đăng ký thay đổi lần 1 vào ngày 4-5-2015) do bà Trần Bảo Thanh H. (SN 1990, ngụ TP.Phan Thiết, Bình Thuận) làm giám đốc.

Ngoài CAP Tân Thới Nhất, ông Nguyễn Đình Lạc là người sống lâu năm tại đây cũng xác nhận, địa chỉ nêu trên từ trước tới nay hoàn toàn không có Cty TNHH MTV Úc Đại Lợi trú đóng hoạt động trên địa bàn.

Ngoài ra, theo thông tin từ giấy phép kinh doanh của Công ty TNHH MTV Úc Đại Lợi, đại diện pháp nhân làm giám đốc là ông Trần Quang Minh (ngụ hẻm 133 Quang Trung, phường 10, Q.Gò Vấp).

Tuy nhiên, lai lịch của vị giám đốc này cũng thật “mơ hồ”.

Xác minh tại địa phương nơi vị giám đốc này đăng ký tạm trú, được biết ông Minh trước đây có mua căn nhà trong hẻm 133 Quang Trung để ở.

Tuy nhiên vào thời điểm đầu năm 2013, ông Minh đã bán căn nhà này và chuyển đi nơi khác sinh sống.

Như vậy, có thể khẳng định Công ty TNHH MTV Úc Đại Lợi, nơi Afolayan Caleb làm giáo viên thực chất chỉ là một cơ sở “ma”.

Tấm hộ chiếu mang tên Afolayan Caleb được xác định là giả - Ảnh: Báo CATP

"Cử nhân giáo dục" sài giấy tờ giả

Tìm hiểu thêm về người đàn ông gốc châu Phi này, phóng viên tiếp tục có thêm được những thông tin đầy bất ngờ. Ngay cả tên gọi Afolayan Caleb cũng chỉ là cái tên hư hư thực thực.

Vào năm 2010, Afolayan Caleb nhập cảnh vào Việt Nam và được Công ty TNHH MTV Úc Đại Lợi đứng ra bảo lãnh.

Với vỏ bọc là “cử nhân giáo dục” làm việc tại Cty Úc Đại Lợi, Afolayan Caleb được Sở LĐTB và XH TPHCM cấp giấy phép lao động với thời hạn 3 năm (từ 14-6-2010 đến 14-6-2013), chức danh công việc là “giáo viên”.

Thực tế vào thời điểm này, như chúng tôi đã đề cập, tại địa chỉ số 289 Trường Chinh (phường Tân Thới Nhất, Q12) không hề có Công ty Úc Đại Lợi hoạt động.

Chị Huỳnh Thị Ánh Hồng - Ảnh: Báo CATP

Nghi vấn về tên gọi của “cử nhân giáo dục” Afolayan Caleb, chúng tôi đã đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an TPHCM) và được biết thực tế người đàn ông này đã từng nhiều lần nhập cảnh vào Việt Nam từ năm 2007 và sinh sống tại nhiều địa điểm khác nhau.

Tại thời điểm giữa năm 2010, với tấm giấy phép lao động mang chức danh giáo viên, Afolayan chuyển về đăng ký lưu trú tại ấp Xuân Thới Đông 2, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn.

Đây cũng chính là địa chỉ sinh sống của bà Phạm Thị Ngọt - người đàn bà tự nhận là vợ của Afolayan Caleb - ông chủ “bỏ quên” 5 triệu yen Nhật trong thùng loa.

Khi đến Công an Q.Tân Bình cung cấp thông tin về người chồng gốc Phi của mình để chứng minh về nguồn gốc của 5 triệu yen Nhật, bà Phạm Thị Ngọt chỉ cung cấp được những giấy tờ photocopy là thẻ lưu trú và giấy phép lao động của người chồng mang tên Afolayan Caleb.

Thực tế trước đó, khi nghi ngờ về tấm hộ chiếu của người đàn ông gốc châu Phi này, các cơ quan chức năng tại TPHCM đề nghị đại diện nước bạn Nam Phi xác minh.

Kết quả, phía Nam Phi cho biết tấm hộ chiếu mang tên Afolayan Caleb là hộ chiếu giả.

Tuy nhiên lúc này vị “giáo viên” mang tên Afolayan Caleb đã xuất cảnh, rời khỏi Việt Nam từ ngày 14-6-2013 qua Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất - đúng vào ngày hết hạn của tấm thẻ lưu trú và giấy phép lao động của y.

Nhập cảnh và cư trú với tấm hộ chiếu giả, làm việc cho một công ty “ma”, với những thông tin khuất tất như trên, dư luận có quyền đặt câu hỏi người đàn ông Nam Phi có tên Afolayan Caleb phải chăng là chủ nhân đích thực của số tiền 5 triệu yen Nhật “bỏ quên” trong loa.

Rất mong các cơ quan chức năng sớm có câu trả lời.

>> Nữ sinh đánh bạn rơi nội y giữa đường ở Thanh Hóa òa khóc xin lỗi
>> Hình ảnh đẹp ngỡ ngàng của 2 hang động VN vừa lên truyền hình Mỹ

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại