PV đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Hoàng Dũng, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Tổng tham mưu,người trực tiếp cập nhật và báo cáo tình hình chiến sự cho Tổng tham mưu trưởng Đoàn Khuê khi ấy, để hiểu hơn về chiến sự ở Gạc Ma 26 năm trước.
. Phóng viên: Là người cập nhật và trực tiếp báo cáo tình hình chiến sự đang diễn ra tại cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao khi ấy, xin Thiếu tướng cho biết không khí tại Bộ Tổng tham mưu lúc đó như thế nào?
+ Thiếu tướng Hoàng Dũng: Khi đó không khí làm việc trong Bộ Tổng tham mưu rất khẩn trương. Thông tin chiến sự đang diễn ra tại Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin từ Cục Tác chiến và Bộ Tư lệnh Hải quân dồn dập báo về. Không khí rất căng thẳng nhưng Bộ Tổng tham mưu đã bình tĩnh đánh giá tình hình và đưa ra chỉ đạo nhất quán để xử lý tình huống lúc đó: Thứ nhất là không để mất đảo, không cho binh lính Trung Quốc lên đảo.
Thứ hai, dùng loa kêu gọi đối phương rời xa đảo, trong tình huống xấu nếu đối phương nổ súng đánh trước thì giáng trả ngay lập tức.
Thứ ba, đấu tranh trên trường ngoại giao để thế giới thấy chủ quyền các đảo này là của Việt Nam. Để kịp thời ứng đối với tình hình, Bộ Tổng tham mưu cũng quyết định thành lập Bộ Tư lệnh tiền phương tại Cam Ranh (Khánh Hòa), sở chỉ huy đặt tại Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 4. Đồng thời, điều Bộ Tư lệnh Hải quân cơ bản vào TP.HCM (3A Tôn Đức Thắng) để tiếp cận gần hơn với chiến sự. Còn tại Hải Phòng chỉ để lại Bộ Tư lệnh Hậu cần.
Thiếu tướng Hoàng Dũng.
. Khi đó tương quan lực lượng giữa ta và Trung Quốc thế nào? Và Bộ Tổng tham mưu đã tiên liệu gì về diễn biến chiến sự ở thời điểm ấy?
+ Thời điểm đối đầu, lực lượng của ta khá mỏng với ba tàu, chủ yếu là tàu vận tải chở công binh gồm tàu 604, 605 và 505.
Thực ra chiến sự khi ấy diễn ra trong thời gian ngắn, quy mô vừa phải, bởi chúng ta đã tiên liệu tình hình từ nhiều năm trước đó. Vì đây là cụm đảo nhỏ nên ta không thể tung cùng lúc nhiều lực lượng tàu chiến lớn đổ dồn vào để giải quyết tình huống. Tuy nhiên, lân cận các cụm đảo gần đó các tàu pháo, tàu tên lửa, tàu phóng lôi, tàu vận tải đã bố trí sẵn sàng cho một trận chiến nếu tình hình tiếp tục đẩy lên cao.
Nhìn nhận thực tế thì trong trận hải chiến này hai bên đều có tổn thất và thương vong. Ta bị Trung Quốc chiếm mất bãi đá Gạc Ma nhưng giữ được bãi Len Đao và Cô Lin và nhất là giữ được thế trận, khẳng định chủ quyền của mình ở toàn khu vực này.
. Vậy sau khi Trung Quốc chiếm bãi đá Gạc Ma, Bộ Tổng tham mưu đã có đối sách gì?
+ Những năm trước đó và thời điểm đối đầu, Bộ Tổng tham mưu đã chỉ đạo lực lượng hải quân nhanh chóng triển khai đóng quân và lập thế trận ở các đảo còn lại để ngăn chặn từ đầu. Riêng trong trận chiến này chúng ta hoàn toàn làm chủ tình hình, nắm cụ thể hướng di chuyển, số hiệu các tàu Trung Quốc vây đánh các đảo lúc đó.
Chúng ta cũng đã chuẩn bị cho những tình huống có thể xảy ra, nhất là kể từ tháng 2-1979, tình hình quan hệ bắt đầu xấu đi khi Trung Quốc tấn công Việt Nam trên đất liền và tấn công một tàu thuyền đánh cá của ta. Tiếp đó từ tháng 2-1988, họ đã lên kế hoạch đánh chiếm bãi đá Châu Viên. Vì vậy ta đã chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống xung đột nếu Trung Quốc quay lại chiếm các đảo.
Các thương binh và chiến sĩ trong trận Gạc Ma được đưa về đất liền. Ảnh: Tư liệu
. Từ trận hải chiến năm 1988 cho đến những gì đang diễn ra trên ở biển Đông thời gian qua, Thiếu tướng nhìn nhận gì về cách hành xử của Trung Quốc?
+ Xuyên suốt âm mưu cố cựu của họ là chủ nghĩa đại Hán, bành trướng. Tuy nhiên, trong thời đại bây giờ không phải họ muốn làm gì thì làm. Bản thân ta cũng phải hết sức đề phòng và chuẩn bị những đối sách để đối phó với những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Nhất là không để xảy ra bị động.
Nhưng trên bình diện chung cần phải giữ hòa khí. Trong đấu tranh ngoại giao phải chủ động, độc lập không theo bên nào, kích động nên nào.
Về mặt đối nội, ta cần phải làm cho dân ta, nhất là các thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về những sự kiện lịch sử này. Có một thời chúng ta e dè, ngại thông tin nhưng bây giờ cần phải nói, nói mạnh mẽ để cho nhân dân, thanh niên hiểu đúng bản chất của các sự kiện đó, rằng họ đã đưa quân tràn qua biên giới phía Bắc, thọc sâu vào Lạng Sơn như thế nào, gây hấn trên biển ra sao. Các sự kiện lịch sử này diễn ra trong thời gian ngắn nhưng để lại hệ lụy trong quan hệ ngoại giao căng thẳng thế nào. Quan điểm của tôi là lịch sử chỉ có một nên phải nói đúng, cho thỏa đáng bản chất của lịch sử.
. Xin cảm ơn Thiếu tướng.