Hải chiến Trường Sa 1988: Những tàu chiến mang dã tâm Trung Quốc

Hà Dũng |

(Soha.vn) - Năm 1988, với dã tâm sử dụng vũ lực để xâm chiếm quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã huy động một lực lượng lớn tàu chiến tới khu vực này.

 Thông tin - hình ảnh - video clip giá trị, độc quyền về HẢI CHIẾN TRƯỜNG SA 1988

Dã tâm của Trung Quốc

Vào những năm 1980, lợi dụng tình hình Việt Nam khó khăn, trang thiết bị thiếu thốn do vừa trải qua kháng chiến chống Mỹ đã lại phải căng mình bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam, Trung Quốc huy động lực lượng lớn các tàu quân sự, sử dụng vũ lực gây căng thẳng trên biển Đông nhằm thực hiện âm mưu xâm chiếm quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tháng 1/1984 Hạm đội Nam Hải (TQ) cho tàu hoạt động khảo sát ở quần đảo Trường Sa và tổ chức diễn tập hiệp đồng hành quân tác chiến trên biển từ Hoàng Sa đến Trường Sa của Việt Nam.

Cuối năm 1986, Trung Quốc đã cử một tàu dưới dạng đánh cá, không số của nước ngoài đến vùng biển Đông, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu biển xuống phía Nam. Bên cạnh đó họ tăng số lần tàu chiến, tàu vận tải hoạt động trinh sát, thăm dò ở khu vực Trường Sa. Đồng thời thả ngầm các tấm bê tông có khắc chữ Hán lên các bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Đặc biệt là từ ngày 24 đến 30/12/1986, máy bay và tàu chiến của Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động trinh sát từ đảo Song Tử Tây đến khu vực đảo Thuyền Chài, gây nên tình hình căng thẳng về tranh chấp chủ quyền vùng biển của Việt Nam.

Đầu năm 1987, Trung Quốc tăng cường đưa tàu chiến đi lại gần khu vực đảo Thuyền Chài.

Ngày 3/9/1987, Quốc hội Trung Quốc thông qua quy chế đưa đảo Hải Nam thành tỉnh, trong đó bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Giữa tháng 10, đầu tháng 11/1987, tàu Hải Dương 4 và một số tàu của Trung Quốc đã tiến hành trinh sát phần lớn các đảo thuộc quần đảo Trường Sa vĩ độ 06°20΄ độ vĩ Bắc, trong đó có cả những đảo ta đang giữ; huy động tàu qua lại khu vực các đảo An Bang, Thuyền Chài, Trường Sa, Trường Sa Đông, Song Tử Tây, có lúc chỉ cách ta khoảng một hải lý; đồng thời tăng cường các hoạt động trinh sát, xâm nhập, khai thác trái phép tài nguyên vào sâu vùng nội thủy của ta.

Ngày 22/1/1988, Trung Quốc đưa 4 tàu gồm: hộ vệ tên lửa, tuần dương, tàu dầu, tàu đổ bộ và một số tàu khác đến chiếm đóng đảo Chữ Thập. Ngày 31/1/1988, 4 tàu chiến của Trung Quốc (trong đó có 2 tàu pháo 502,503) đến đảo Chữ Thập của Việt Nam và chiếm đảo.

Sau đó, Trung Quốc ngang ngược tiến hành khảo sát và thi công ở Đá Chữ Thập rồi đưa một lực lượng lớn gồm 2 tàu hộ vệ tên lửa, 2 khu trục tên lửa, 4 tàu bảo đảm đậu xung quanh đảo, khống chế không cho tàu thuyền các nước qua lại.

Ngày 14/2/1988, Trung Quốc tiếp tục đưa 3 tàu (2 tàu hộ vệ tên lửa 551, 552 và 1 tàu khu trục) định chiếm đảo Đá Lớn, nhưng bị tàu ta ngăn chặn, nên chỉ thả neo theo dõi tàu ta.

Ngày 18/2/1988, Trung Quốc tiếp tục thực hiện mưu đồ bành trướng khi ồ ạt đưa 7 tàu (1 tàu khu trục 162, 4 tàu hộ vệ 502, 503, 508 và 556) chiếm đá Châu Viên.

Ngày 26/2/1988, Trung Quốc đưa 1 tàu hộ vệ pháo 503, 1 tàu kéo, 2 tàu đổ bộ và 2 tàu vận tải chiếm đá Ga Ven.

Ngày 28/2/1988, Trung Quốc dùng 1 tàu hộ vệ pháo 502 và 1 tàu vận tải chiếm đá Tư Nghĩa.

Hải quân Trung Quốc còn tổ chức các cụm tuyến hoạt động gồm: Cụm phía sau lấy Hoàng Sa làm căn cứ thường xuyên có tàu hộ vệ pháo, hộ vệ tên lửa, khu trục tên lửa, tuần dương, các tàu ngầm và tàu hộ tống nhằm ngăn cản, uy hiếp lực lượng tàu hải quân ta hoạt động ở vịnh Bắc Bộ, gây khó khăn cho ta trong việc triển khai hoạt động bảo vệ vùng biển phía Nam. Cụm ngăn chặn lực lượng hải quân ta ở đông bán đảo Cam Ranh, Cù Lao Thu và cụm Chữ Thập âm mưu khống chế ta ở khu vực Trường Sa, nếu có thời cơ phát triển lực lượng xuống khu vực phía Nam.

Nhìn vào lực lượng và cách tổ chức lực lượng có thể thấy Trung Quốc đã vạch rõ từ trước cách thực hiện âm mưu xâm chiến quần đảo Trường Sa của Việt Nam chứ không phải là những va chạm đơn thuần trên biển. Chỉ cần dựa vào số hiệu của những tàu mà chúng ta thu thập được cũng đủ thấy dã tâm của Trung Quốc khi huy động nhiều tàu chiến hiện đại với hỏa lực mạnh.

Tàu khu trục tên lửa số hiệu 156, 162 thuộc lớp Type 051 lớp Lữ Đại, lớp tàu khu trục lớn nhất và hiện đại nhất của Trung Quốc thời bấy giờ. Cho đến năm 1991, đã có 16 tàu lớp Type 051 được đóng và hiện nay 12 tàu còn đang hoạt động.

Type 051 có trọng tải choán nước là 3.670 tấn, dài 132 mét, rộng 12,8 mét, mớn nước 4,6 mét. Tốc độ di chuyển cao nhất là 32 hải lý/giờ và tầm hoạt động 2970 hải lý. Thủy thủ đoàn gồm 280 người.

Về vũ trang, tàu được trang bị 16 tên lửa đối hạm SY-1 tầm bắn 150 km, 8 tên lửa phòng không, 6 ống phóng ngư lôi, 2 hệ thống phóng tên lửa chống tàu ngầm type 75 , thủy lôi, pháo 2 nòng 130 mm, 4 hệ thống cao xạ phòng không 2 nòng 37 mm type 76A, 1 đến 2 trực thăng.

Tàu khu trục số hiệu 162 của Hải quân Trung Quốc

Tàu khu trục số hiệu 162 của Hải quân Trung Quốc

Tàu 551, 552 thuộc Type 053H lớp Giang Hộ và tàu 556 thuộc Type 053H1 lớp Giang Hộ có lượng choán nước tiêu chuẩn 1.425 tấn; đầy tải 1.702 tấn; dài 103,2 m, rộng 10,8 m, mớm nước 3,05 m. Tốc độ 26 hải lý/h, thủy thủ đoàn 190 người, trang bị 6 tên lửa chống hạm SY-1 tầm bắn 150 km, 2 pháo 100 mm, 4 súng hai nòng 37 mm, 2 hệ thống pháo phản lực phóng loạt chống ngầm 5 nòng Type 81 (RBU-1200) ASW RL (30 quả đạn)

Tàu 531 thuộc lớp Giang Đông - Type 053K và các tàu 502, 503 thuộc lớp Giang Nam Type 065 là tiền thân của type 053K. Đây là lớp tàu khu trục hạng nhẹ được Hải quân Trung Quốc phát triển và chế tạo với số lượng lớn làm tàu hộ vệ tên lửa.

Tàu có lượng choán nước tiêu chuẩn 1.600 tấn, khi đầy tải là 1700 tấn, dài 103 m, rộng 10,8 m, mớm nước 3,1 m, tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ, thủy thủ đoàn 200 m, vũ khí gồm 2 pháo 100 mm tầm bắn 22 km, 2 súng phòng không 2 nòng 37mm tầm bắn 8,5 km, 2 hệ thống phóng tên lửa phòng không tầm bắn 10 km, 2 hệ thống pháo phản lực phóng loạt chống ngầm Type 62 gồm 5-ống phóng ASW RL tầm bắn 1.2 km.

Tàu khu trục hạng nhẹ 535 thuộc lớp 053 cùng lớp tàu với các tàu 551, 552, 531 của Hải quân Trung Quốc

Tàu khu trục hạng nhẹ 535 thuộc lớp 053 cùng lớp tàu với các tàu 551, 552, 531 của Hải quân Trung Quốc

Chiến dịch CQ-88 của Việt Nam: Tất cả vì Trường Sa

Trước tình hình Trung Quốc gia tăng căng thẳng, Bộ Chính trị và Đảng ủy Quân sự Trung ương đã chỉ thị cho Quân chủng Hải quân đưa lực lượng ra củng cố, giữ vững các đảo đang chốt giữ, tăng cường thế phòng thủ các đảo theo từng cụm, từng khu vực, bảo đảm khi có chiến sự xảy ra có thể chi viện hỗ trợ kịp thời giữ vững đảo; đưa lực lượng đóng giữ một số bãi ngầm mới trong khu vực quần đảo Trường Sa.

Ngày 24/10/1987, Tư lệnh Hải quân ra mệnh lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng bảo vệ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, tránh âm mưu khiêu khích của tàu nước ngoài; đồng thời chỉ thị cho các Lữ đoàn 125 chuẩn bị tàu, pông-tông sẵn sàng đưa lực lượng ra Trường Sa, chuyển các tàu của Lữ đoàn 172 vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, cơ động ra phía trước và Trung đoàn 83 chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng cơ động đến xây dựng đảo.

Những tháng cuối năm 1987, Quân chủng điều chuyển một số tàu thuộc các Lữ đoàn 146, 125 đưa bộ đội đến tăng cường lực lượng đóng giữ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Ngày 28/10, tàu 613 đưa một phân đội chiến đấu thuộc Lữ đoàn 146, một trung đội công binh ra đóng giữ đảo Đá Tây. Đây là nhiệm vụ đầu tiên trong chiến dịch CQ-88 nhằm bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa trước sự xâm chiếm của Trung Quốc và các nước khác.

Tàu 613, tiền thân là PGM-73 của Mỹ, chuyển giao cho Hải quân Việt Nam cộng hòa với tên gọi HQ-613 Thị Tứ. Sau chiến thắng 30-4, tàu chuyển sang phục vụ trong Hải quân nhân dân Việt Nam với một số thay thế vê hệ thống vũ khí. Sau khi cải tiến tàu có lượng giãn nước: 122 tấn, kích thước dài 31 m, rộng 6,4 m, mức mớm nước 1,83m. Thủy thủ đoàn 27 người, vận tốc tối đa 17 hải lý/h. Vũ khí bao gồm 2 pháo 37 mm, 2 súng máy 14,5 mm, 1 cối 81mm.

Do sóng to gió lớn, gặp khó khăn trong xây dựng công sự chốt giữ, nên sau một thời gian, tàu 613 chở bộ đội về Cam Ranh.

Ngày 2/12/1987, tàu HQ 604 thuộc Lữ đoàn 125 đưa bộ đội cùng vật liệu đến xây nhà cấp 3 ở đảo Đá Tây.

HQ-604 là loại tàu vận tải nhỏ, cũ, với lượng giãn nước cỡ 50 tấn, trên tàu không có lấy một khẩu súng 12,7 mm, vũ khí chỉ là dạng cá nhân AK và B40. Trong chuyến công tác này, đa số lính trên tàu là lực lượng công binh, chỉ có một phân đội lính thủy đánh bộ cùng thủy thủ đoàn 22 người. Sau một thời gian lao động khẩn trương, cán bộ, chiến sĩ đã hoàn thành khu nhà ở, nhà trực, tổ chức canh gác, bảo vệ đảo.

Tàu HQ-604 của Hải quân Việt Nam trong chiến dịch CQ-88

Tàu HQ-604 của Hải quân Việt Nam trong chiến dịch CQ-88

Trong biên chế lực lượng Hải quân của ta khi đó, các tàu chiến đa số là cũ kỹ, lạc hậu, nhiều tàu là chiến lợi phẩm của Hải quân Việt Nam Cộng hòa để lại.

Số tàu hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam khi đó là ba tàu Petya II và hai tàu Petya III nhận về sau khi giải phóng miền nam.

Petya II này có độ giãn nước 1077 tấn, kích thước 81.8 x 9.2 x 2.85 m. Tốc độ 29 hải lý/giờ. Hệ thống vũ khí bao gồm: hai tháp pháo với súng hai nòng 76.2mm AK-726 với tầm bắn thẳng mục tiêu trên biển xa 8.2 km. Mục tiêu trên không ở độ cao từ 500 – 6000 m, tầm bắn tối đa là 18,3 km., 2 ống phóng ngư lôi 15.8 inch, hai dàn phóng tên lửa chống ngầm RBUU-6000 ASWRL với 12 ống phóng mỗi dàn, sử dụng rocket cỡ 213 mm RGB-60 không điều khiển có khả năng bắn xuống mặt nước sâu từ 10-500m với tốc độ 11,5 m/s, tầm xa từ 350 – 5800 m. RBU-6000 được điều khiển bởi hệ thống Burya, ngoài nhiệm vụ chính là chống tàu ngầm và tàu chiến khác, RBU-6000 còn dùng để oanh kích các mục tiêu bờ biển.

Tàu Petya III có độ giãn nước 1.040 tấn, kích thước 81.8 x 9.2 x 2.72 m. Tốc độ 29 hải lý/giờ. Hệ thống vũ khí của Petya-III gồm có 2 tháp pháo với đại bác đôi 76,2 mm AK-726 và 2 dàn Rocket chống ngầm RBU-6000.

Còn tàu có lượng choán nước lớn nhất khi đó là HQ-505, hơn 4.000 tấn, tuy nhiên đây chỉ là một tàu vận tải đổ bộ, không phải là tàu chiến với hệ thống vũ khí đồng bộ có thể tác chiến độc lập.

Theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến trên biển và khu vực quần đảo Trường Sa, ngày 9/1/1988, Đảng ủy Quân chủng Hải quân họp nhận định: Hải quân Trung Quốc sẽ tiến hành các hoạt động quân sự tranh chấp chủ quyền hải đảo chiếm một số bãi san hô nổi hoặc chìm khi nước lên, xen kẽ với các đảo của ta

Trên cơ sở ta đề ra chủ trương: Tranh thủ thời gian, triệt để triển khai lực lượng đóng giữ trên các đảo. Không để nước ngoài thực hiện ý đồ cho lực lượng đóng xen kẽ với ta, hoàn thành việc đóng giữ các đảo trong ba năm (1988-1990). Trong năm 1988, triển khai lực lượng đóng giữ phải hết sức bí mật, đóng đảo nào, bảo đảm phòng thủ tốt trên đảo đó.

Ta chủ trương không sử dụng tàu chiến tránh để đối phương tạo cớ đánh chiếm toàn bộ quần đảo khi ta chưa đủ lực lượng chốt giữ mà sử dụng các tàu vận tải đưa lực lượng công binh xây dựng công sự cùng lực lượng chốt giữ.

Đảng ủy Quân chủng xác định: "Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển và quần đảo Trường Sa là nhiệm vụ quan trọng nhất, khẩn trương nhất và cũng là vinh dự của Quân chủng".

(Theo “Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam” và hồi ký “Miền sóng vỗ” của Phó đô đốc Mai Xuân Vĩnh)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại