Nước mắt lính đảo ở Trường Sa

Đảo Đá Tây bốn bề là nước, nên không có chỗ để tổ chức an táng Lâm. Vì thế, anh em phải đưa Lâm sang đảo Trường Sa Đông...

Đảo Đá Tây B (quần đảo Trường Sa) “đón” chúng tôi bằng một trận mưa như trút nước. Trong bộ quân phục ướt sũng, tôi lại được nghe cán bộ, chiến sĩ nơi đây kể lại một câu chuyện khiến lòng mình như đổ thêm những cơn mưa, trào dâng những cơn sóng... Chuyện là, cuối tháng 3-2006, chiến sĩ Quách Hoàng Lâm đến với đảo Đá Tây. Chàng trai sinh năm 1984, quê ở phường 16, quận 10, TP Hồ Chí Minh có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Bố bỏ nhà đi, mẹ sớm hôm vất vả với gánh hàng rong tần tảo lo cho Lâm ăn học và nuôi anh trai bệnh tật. Học xong lớp 12, Lâm ngập ngũ rồi nhận nhiệm vụ ra Trường Sa công tác.

Ngày 4-8-2006, biển động dữ dội. Giữa đêm tối, Lâm và đồng đội vẫn nghiêm túc thực hiện vòng tuần tra quanh đảo. Bất ngờ, một cơn sóng lớn ập đến, cuốn anh vào lòng biển. Cả đơn vị được huy động để tìm và cứu Lâm nhưng vô vọng. Đến giữa trưa ngày hôm sau, một con sóng lớn chồm lên đảo “trả” Lâm lại với đồng đội…

Đảo Đá Tây B sừng sững, hiên ngang trước sóng gió.

Giữa đảo chìm đầy khó khăn, không tìm đâu ra gỗ, đồng đội phải tháo những thanh gỗ chứa đạn ĐKZ để cưa cắt, ghép lại, đóng thành chiếc áo quan cho Lâm. Không có sơn đỏ, anh em dùng sơn xanh để sơn lên chiếc quan tài. Anh em mặc cho Lâm bộ quân phục Hải quân mới nhất. Đảo Đá Tây bốn bề là nước, nên không có chỗ để tổ chức an táng Lâm. Vì thế, anh em phải đưa Lâm sang đảo Trường Sa Đông. Nhưng thật xót xa, biển động dữ dội đến ba ngày liền, chiếc tàu trực Trường Sa 18 neo mấy ngày trời vẫn không thả được xuồng vào đảo vì sóng quá lớn. Mãi đến trưa ngày thứ tư kể từ khi tìm được thi thể, anh em mới đưa được Lâm sang Trường Sa Đông.

Nghe câu chuyện về Lâm, lòng chúng tôi quặn đau. Có nỗi đau nào hơn thế cho những người ở lại. Nghĩ đến đây, hình như tất cả các đợt sóng cấp 7, cấp 8 của biển đang hoành hành ngoài kia bỗng trở nên yếu ớt so với cơn bão trong lòng tôi!

Đó là chuyện về một người đồng đội trẻ hy sinh. Đó là niềm đau quá lớn cho người ở lại. Đó là đóng góp được tổ chức, xã hội trân trọng ghi nhận. Cùng với đó, những cán bộ, chiến sĩ nơi đây còn đối mặt với những mất mát không được gọi là "hy sinh". Ví như trường hợp của Thiếu tá QNCN Lê Văn Hiến, nhân viên cơ yếu của đảo. Năm nay là năm thứ hai anh đón Tết ở đảo, vợ con vẫn ngoài miền Bắc, nhưng khi được hỏi, Hiếu khảng khái:

- Mình là bộ đội, phải đặt nhiệm vụ lên trên hết. Ai cũng nghĩ về bản thân thì ai sẽ chọn việc mình đang làm.

Thượng úy Bùi Duy Việt, Đảo trưởng đảo Đá Tây B rắn rỏi hơn so với tuổi. Anh tâm niệm: “Đã xác định cuộc đời gắn bó với biển đảo thì mình phải xem “đảo là nhà, biển là quê hương”. Tuy vậy, vẫn có một nét buồn thoáng qua mặt người sĩ quan trẻ. Vào dịp Tết không phải là không có những lúc nhớ nhà, nhớ gia đình và người thân. Nhất là điều ước bình dị nhìn thấy đứa con chưa tròn tháng tuổi của mình mà vẫn chưa thành hiện thực. Anh thổ lộ: “Bây giờ, mình chỉ ước được ôm con thật chặt vào lòng”.

Cũng như Việt, Đại úy Phan Quang Ninh, Chính trị viên đảo đã từng một lần không được ở kề vợ lúc chị sinh hạ đứa con đầu lòng. Giờ anh đang bám đảo, còn vợ và con phải sống tận ngoài quê Yên Nghĩa (Ý Yên, Nam Định). Điều kiện kinh tế khó khăn, “mái ấm nhỏ” của anh phải tá túc khi thì bên nội, lúc về bên ngoại. Năm nay, một lần nữa anh Ninh cũng chưa về được dẫu biết rằng chỉ gần tháng nữa thôi đứa con thứ hai của vợ chồng anh sẽ chào đời...

Đến với Đá Tây, tôi cảm nhận những khoảng lặng của người lính biển. Thế nhưng, nếu không khéo hàn huyên chắc các anh sẽ không trải lòng. Bởi lẽ, hiện hữu ở các anh là những nụ cười rạng rỡ, “vô tư, hồn nhiên” đến độ, một nữ phóng viên phải cất lời: “Anh ơi! Nhìn các anh vui vui thế này, có khi nào các anh rơi lệ vì nhớ quê hương, nhớ một người?”. “Có chứ”-Đại úy Phan Quang Ninh hùa cùng suy nghĩ chân chất kia: “Không chỉ những chiến sĩ mới toanh đâu mà ngay cả bọn mình cũng thế. Nhưng đó chỉ là những cảm xúc trong tâm hồn như biển vậy, dữ dội nhưng lắm lúc cũng yếu mềm, cô đơn...”.

Tháng 12, mùa biển động, thế nhưng tối hôm ấy biển lại lặng sóng đến kỳ lạ. Chính trị viên Ninh đứng lặng đưa mắt nhìn ra xa, rồi nói với tôi mà như thì thầm cùng biển: “Bình yên! Giá như biển cứ bình yên như thế này thì hay biết mấy!".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại