Tài liệu “Quân đội Nhân dân Việt Nam: Hiện đại hóa và Phát triển” của Giáo sư Carlyle A.Thayer – Học viện Quốc phòng Australia, được viết vào năm 2009 đã tiết lộ phần nào về những hợp đồng ít được biết tới của quân đội Việt Nam.
Phòng Không
Dựa theo điều khoản hợp tác kỹ thuật quân sự Việt Nam-Ukraine được ký năm 2002, trong lĩnh vực phòng không, nước này đã đồng ý cung cấp hỗ trợ nâng cấp hệ thống phòng không Việt Nam gồm radar, tên lửa đất đối không. Nhưng Ukraine không thông báo bất kỳ việc cung cấp tên lửa nào cho UNROCA (Cơ quan đăng ký vũ khí thông thường Liên Hiệp Quốc).
Năm 2008, Việt Nam đã mua 4 hệ thống trinh sát thụ động Kolchuga từ Ukraine, mỗi bộ có giá 27 triệu USD. Hệ thống này có khả năng phát hiện được máy bay tàng hình.
Hệ thống Kolchuga - "mắt thần" giúp Việt Nam không bị bất ngờ
Tháng 2/2002, doanh nghiệp quốc phòng LOMO (Nga) thông báo rằng, họ đang đàm phán hợp đồng hỗ trợ chuyển giao chông nghệ để Việt Nam sản xuất tên lửa vác vai Igla (NATO định danh là SA-18).
Hải quân
Năm 1997, Việt Nam đã mua 2 tàu ngầm mini lớp Yugo của Triều Tiên. Theo các điều khoản thỏa thuận hợp tác quốc phòng (DCA) ký tháng 3/2000 giữa Việt Nam và Ấn Độ bao gồm cả đào tạo thủy thủ tàu ngầm. Trong tháng 10/2002, Việt Nam đã yêu cầu Ấn Độ cung cấp hỗ trợ đào tạo thủy thủ tàu ngầm. Tuy nhiên, không rõ là để đào tạo thủy thủ tàu ngầm Yugo hay là lớp tàu ngầm nào khác (thông tin ghi chú trong tài liệu của Giáo sư Carl Thayer đề cập việc thời điểm đó Việt Nam bày tỏ sự quan tâm mua 2-3 tàu ngầm Kilo).
Hình ảnh tàu ngầm mini Yugo xuất hiện trên báo Trung Quốc
Dẫu vậy, gần đây báo chí Ấn Độ đã công bố việc hải quân nước này sẽ hỗ trợ Việt Nam đào tạo 500 thủy thủ tàu ngầm. Như vậy, có thể các thỏa thuận từ cách đây hơn 10 năm, mãi tới bây giờ mới thành hiện thực.
Năm 2008, có báo cáo cho biết Việt Nam bày tỏ sự quan tâm tới việc mua 6 tàu ngầm phi hạt nhân đã qua sử dụng từ Serbia. Tuy nhiên việc này đã không thành.
Cũng theo điều khoản của DCA, Hải quân Ấn Độ đồng ý việc sửa chữa nâng cấp tàu tuần tra cao tốc cho Việt Nam. Tháng 6/2005, Ấn Độ đã chuyển giao 150 tấn linh kiện tới Việt Nam phục vụ cho việc đại tu sửa chữa lớn tàu hộ vệ săn ngầm Petya và tàu tên lửa cỡ nhỏ Osa II.
Tháng 12/2007, trong chuyến thăm Hà Nội của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ AK Anthony, Ấn Độ đã đồng ý cung cấp cho Việt Nam 5.000 linh kiện cần thiết để sửa chữa, kéo dài thời gian sử dụng các tàu hộ vệ săn ngầm Petya.
Năm 2005, Việt Nam được cho là bày tỏ sự quan tâm tới việc mua 4 tàu hộ vệ lớp Gornik từ Ba Lan. Đây chính là lớp tàu Project 1241RE mà Việt Nam đã mua của Nga. Tuy nhiên là thương vụ này cũng không thành công.
Năm 2008, Việt Nam và Nga ký hợp đồng chuyển giao linh kiện và hệ thống vũ khí phục vụ cho việc đóng các tàu hải quân và tàu cảnh sát biển. Hợp đồng có tổng trị giá 670 triệu USD. Ngoài ra, Việt Nam có kế hoạch đóng 2 tàu hộ vệ Gepard ở Thành phố Hồ Chí Minh với các linh kiện cung cấp từ Nga.
Chiến hạm Gepard 3.9 Lý Thái Tổ gia nhập lực lượng hải quân nhân dân Việt Nam. Thủy thủ đoàn tại lễ tiếp nhận tàu ở Cam Ranh, ngày 22.8.2011.
Tên lửa đạn đạo
Tài liệu cũng thông tin việc Việt Nam từng mua một số lượng nhỏ tên lửa đạn đạo tầm ngắn Scud C từ Triều Tiên vào tháng 4/1995. Loại tên lửa này được cải tiến dựa trên tên lửa R-17E (NATO gọi là Scud) Liên Xô sản xuất, tăng tầm bắn lên 550km và lắp đầu nổ nặng 770kg.
Tháng 2/1999, Việt Nam đã có những đàm phán với Triều Tiên về việc nâng cấp tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud (Việt Nam nhận được từ Liên Xô những năm 1980).