Gặp những người lính trong trận hải chiến Trường Sa 1988 (Kỳ 1)

Những sự kiện từng xảy ra trên vùng biển, cũng như trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lại được đặc biệt quan tâm, trong đó đương nhiên có trận hải chiến Trường Sa.

 Thông tin - hình ảnh - video clip giá trị, độc quyền về HẢI CHIẾN TRƯỜNG SA 1988

Chúng tôi tìm về tỉnh Quảng Bình, nơi tập trung nhiều cựu chiến binh tham gia vào trận đánh bi hùng này. Họ là những người trực tiếp chiến đấu cùng anh Phương và anh Lanh, và trên chuyến tàu HQ-604 anh hùng, để được nghe tường tận hơn những câu chuyện rơi nước mắt chưa từng được biết đến.

Những ngày gần đây, tình hình Biển Đông đang căng thẳng. Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phức tạp. Người dân cả nước lại hướng trái tim ra vùng trời biển tổ quốc. Những sự kiện từng xảy ra trên vùng biển, cũng như trên hai quần đảo Hoàng SaTrường Sa lại được đặc biệt quan tâm, trong đó đương nhiên có trận hải chiến trên đảo Trường Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày 14/3/1988. Sự kiện được đề cập tới trong clip phim tài liệu 'vòng tròn bất tử' từng làm làm xôn xao cư dân mạng từ năm 2008.

Hình ảnh thiếu úy liệt sĩ Trần Văn Phương ngã xuống khi giành giật lá cờ tổ quốc, và Anh hùng Quân đội Nguyễn Văn Lanh tay không chiến đấu để bảo vệ cờ đã trở thành biểu tượng anh dũng trong công cuộc giữ gìn chủ quyền đất nước.

Gần đây Tuần Việt Nam đã đăng bài viết Phía sau những người đã ngã xuống vì Trường Sa ghi lại những câu chuyện cảm động về các gia đình, thân nhân liệt sĩ đã ngã xuống trong sự kiện ngày 14/3/1988.

Để tiếp nối câu chuyện và có cái nhìn trực diện hơn, chúng tôi tìm về tỉnh Quảng Bình, nơi tập trung nhiều cựu chiến binh tham gia vào trận đánh bi hùng này. Họ là những người trực tiếp chiến đấu cùng anh Phương và anh Lanh, và trên chuyến tàu HQ-604 anh hùng, để được nghe tường tận hơn những câu chuyện rơi nước mắt chưa từng được biết đến.

Vợ chồng anh Lê Văn Đông và Nguyễn Thị Thương, Ảnh: Hằng Nhom

Đầu xuân năm 1988, thượng sĩ Lê Văn Đông (Thôn Rẫy, xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch, Tỉnh Quảng Bình) được nghỉ phép hai tuần đón Tết Nguyên Đán. Không bỏ phí khoảng thời gian quý báu, anh chiến sĩ (khi ấy 22 tuổi - chỉ còn vài tháng nữa là hết kỳ nghĩa vụ quân sự) tranh thủ tổ chức đám cưới với người con gái cùng thôn đã chờ anh mấy năm quân ngũ.

Ngay trong ngày cưới, chú rể nhận lệnh của đơn vị và đúng 24 giờ sau, Lê Văn Đông quay lại đơn vị chuẩn bị làm nhiệm vụ. Bỏ lại cô dâu mới và đêm tân hôn còn nồng đượm, chàng trai lên đường và không biết hơn một tháng sau đó, cuộc đời binh nghiệp của anh có những lối rẽ không ngờ, gắn liền với một dấu mốc trong lịch sử chủ quyền đất nước.

Anh Mai Văn Hải đang 'ngắm' lại chính mình trong đoạn clip phim tài liệu. Lời bình trong phim cho rằng người này là chiến sĩ Trương Văn Hiền, nhưng các nhân chứng đều khẳng định đó là anh Mai Văn Hải. Hiện anh Hải đang sống tại xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Hoàng Hường

Đầu năm 1988, Trung Quốc bất ngờ đổ bộ chiếm đóng trái phép 5 đảo đá: Chữ Thập, Châu Viên, Xu Bi, Huy Gơ và Ga Ven trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, sát cụm đảo Sinh Tồn.

Trong khi đó, trên 3 đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao phía Tây Nam cụm đảo Sinh Tồn, giống ba góc tam giác có vị trí như trạm quan sát tuyến đầu, 'mắt thần' của Trường Sa, đã có nhà đóng giữ và cột mốc chủ quyền của Việt Nam.

Anh Nguyễn Văn Thống, anh là một trong những người bị thương nặng nhất trong trận chiến ngày 14/3/1988. Anh bị chìm cùng tàu HQ-604. Khi được vớt lên, chính đồng đội cũng không nhận ra anh. Anh Thống hiện là thương binh hạng 1. Anh sống cùng vợ con tại xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Ảnh: Hằng Nhom.

Chiều 13/3/1988, Việt Nam đưa ba tàu vận tải HQ-604, HQ-605, HQ-505 chở bộ đội ra đóng giữ ba đảo này. Lực lượng chủ yếu trên ba tàu này là các chiến sĩ thuộc Trung đoàn Công binh Hải quân Việt Nam E83, đơn vị của anh Lê Văn Đông. Trước đó đơn vị này đang đóng quân tại Đà Nẵng, được điều khẩn cấp ra Cam Ranh, Khánh Hòa.

Khá tình cờ, nhiều đồng hương của anh Đông tại Quảng Bình cùng đơn vị đều đi trên tàu HQ-604, được lệnh đóng giữ đảo Gạc Ma, con tàu bị tổn thất nặng nề nhất với gần như toàn bộ thủy thủ thương vong hoặc bị bắt, tàu bị bắn chìm.

Anh Lê Văn Đông chỉ vào cảnh anh đang bị lính Trung Quốc bắt trong đoạn phim tài liệu, Ảnh Hằng Nhom

Anh Đông kể lại, hầu hết chiến sĩ trên tàu thuộc trung đoàn công binh E83 và một số học viên của Học viện Hải quân. Tuổi đời hầu hết đều khoảng từ 20 - 23. Trong đó anh Đông thuộc diện 'may mắn' hơn vì đã kịp lấy vợ. Hầu hết những chiến sĩ khác đều chưa lập gia đình, để rồi nhiều người trong số họ đã ngã xuống khi chưa kịp có một mối tình nào mang theo.

Những đồng đội Quảng Bình như Mai Văn Hải, Nguyễn Văn Thống, Trần Văn Quyết, Lê Thanh Miễn và nhiều người đều 'bái phục' thành tựu tình yêu của anh Đông. Thế nhưng sau này, khi trải qua biến cố trên đảo Gạc Ma, bị báo tử khi còn sống. Trong các câu chuyện khi bị tù đày nơi xứ người. Anh Đông không khỏi day dứt về người vợ trẻ vừa cưới được một ngày của mình, khi vừa mang thai được vài tháng đã nhận tin chồng hy sinh.

Nhưng chị Nguyễn Thị Thương - vợ anh Đông - đã may mắn hơn nhiều người vợ lính khác trong sự kiện 14/3/1988 lại được đón chồng trở về, để trở thành nhân chứng của một câu chuyện lịch sử.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại