Clip bảo mẫu hành hạ dã man trẻ được ghi lại tại Trường Mầm non Phương Anh (Quận Thủ Đức, TP. HCM) đang là tâm điểm gây bức xúc, phẫn nộ lớn trong dư luận về những hành vi đánh đập, hăm dọa trẻ của những người được gọi là “cô giáo”.
Sau vụ việc này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT) đã trả lời, lý giải trên báo chí ngày 19/12. Tuy nhiên, theo PGS Văn Như Cương – Hiệu trưởng Trường Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, phần trả lời của đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục hoàn toàn “phủi tay” và vô trách nhiệm trước sự vụ bảo mẫu hành hạ trẻ tại trường.
“Tôi thấy các vị đứng đầu ngành giáo dục có trách nhiệm lớn như thế mà tại sao trả lời hoàn toàn phủi trách nhiệm. Không thể cứ làm sai thì mình phủi tay và đổ hoàn toàn trách nhiệm cho địa phương được.
Chẳng lẽ cấp lãnh đạo Bộ chỉ có ra chỉ thị, quy định về chuẩn giáo viên, về việc mở trường lớp…còn những việc khác là của địa phương? Từ việc kiểm tra, cấp giấy phép…Điều đó, cũng giống như việc Bộ Y tế đâu phải về địa phương trực tiếp tiêm vác xin cho trẻ để dẫn đến tử vong! Bộ phải có trách nhiệm chứ nếu không lập ra Bộ làm gì?”, PGS Văn Như Cương cho biết.
Tuy nhiên, điều khiến vị PGS tâm huyết với ngành giáo dục này bức xúc nhất chính là việc một trong những người đứng đầu ngành Giáo dục lại “đổ lỗi” cho phụ huynh vì thiếu hiểu biết: “Không thể nói phụ huynh không có trách nhiệm trong việc này…tại sao không chọn trường an toàn, tốt trước khi gửi?…”.
“Tôi thấy vô lý quá, điều đó cũng giống như việc tại sao người dân không xây nhà vững chắc, to để lũ không cuốn trôi đi. Nói như thế là vô trách nhiệm, người ta đâu có nhiều chỗ lựa chọn để gửi con, thực tế là thiếu trường lớp, cơ sở…Các cơ sở tự phát lập ra không giấy phép thì ào ạt, không kiểm tra được chất lượng, an toàn, quản lý thả lỏng…”, PGS Văn Như Cương bày tỏ.
Tiếp đó, Hiệu trưởng THPT Lương Thế Vinh “phản pháo” lại lời của vị Vụ trưởng Vụ Gíao dục Mầm non về ý kiến “có nên vì một người mà đánh giá cả nền giáo dục hay không?”:
“Tiếc thay tôi thấy không chỉ một người, một vụ mà rất nhiều từ việc trẻ bị đánh bầm tím, bị chấn thương não phải nhập viện hay sự vô trách nhiệm để xảy ra tai nạn khiến trẻ tử vong…Tôi cũng vừa đọc thông tin trẻ 16 tháng tuổi bị chấn thương não tại một trường ở Biên Hòa, chứ không phải 1 vụ như vị Vụ trưởng nói”.
Cũng theo lời kể của PGS, thời bao cấp chẳng có lớp mầm non tư nhân nào và cũng không có chuyện bảo mẫu đánh đập trẻ vì họ có lương tâm mặc dù lương chẳng được bao nhiêu.
Phẫn nộ trước hình ảnh cô bảo mẫu trẻ lại đánh đập, bạo hành đứa trẻ trong clip, là người giảng dạy nhiều năm, ông không cầm được lòng.
“Tôi không thể tưởng tượng được một người mang danh đi bảo mẫu trẻ mà lại hành hạ đứa trẻ, thật không ra một con người nữa, không thể chịu được. Tôi không hiểu tại sao người với người mà lại đối xử như thế”, ông nói trong xót xa.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng ngày càng nhiều bảo mẫu đánh đập, hành hạ trẻ, ông giải thích, phần lớn là do kinh tế, vì đồng tiền. Ngoài ra, họ đang chai lỳ cảm xúc, dần dần mất đi lương tâm.
“Đứa này khóc, đứa kia không chịu ngủ, đứa không ăn, nhè ra, đứa thì đái dầm…. Thời gian làm việc căng thẳng, một lần họ dùng cách dọa nạt, đánh đập để khuất phục đứa trẻ. Và những lần sau, họ tiếp tục làm vì nghĩ đó là cách chăm sóc trẻ thành công.
Tuy nhiên, tôi thấy tội nặng nhất là việc quản lý của các cấp không chặt chẽ. Những người đầu ngành giáo dục phải coi đây là vấn đề rất lớn, còn rất nhiều cơ sở chưa bị phát hiện, chúng ta có quyết tâm để làm những trường hợp khác hay không. Đây chính là cú sốc lớn, Bộ Giáo dục phải cương quyết làm mạnh để thoát khỏi tình trạng đáng tiếc này”, PGS nhấn mạnh.