LTS: Tác giả Nguyễn Đình Thành đã có một góc nhìn rất riêng xung quanh vụ bảo mẫu hành hạ trẻ ở Q. Thủ Đức (TPHCM) gây chấn động dư luận thời gian qua trên trang Nguyendinhthanh.com. Chúng tôi xin chia sẻ góc nhìn này tới độc giả.
Điều gì xảy ra trong đầu của những sỹ quan SS (lính Đức Quốc xã - PV) - được học đại học và nhiều người học sau đại học, thích âm nhạc, tranh tượng – gí súng vào gáy những người Do Thái bị tập trung rồi bóp cò, rồi ngó đồng hồ, rồi bóp cò, rồi ngó đồng hồ đợi đến lúc về nhà chơi với vợ, với con?
Điều gì xảy ra trong đầu những người nông dân - rồi thành viên của Polpot khi cầm cuốc bổ vào đầu những người “trí thức”, rồi cả nông dân khác, tạo ra những cánh đồng hoang khủng khiếp trong lịch sử nhân loại.
Rồi những người lính Nhật trong thảm sát Nam Kinh, trong cuộc diệt chủng ở Việt Nam năm 1945; của lính Thổ Nhĩ Kỳ ở Ác mê nia; của Lính Nga trong thảm sát ở Ukraina, Ba Lan; của lính Bosnia trong thanh trừng sắc tộc ở Nam Tư cũ, của lính Mỹ trong thảm sát Mỹ Lai; của quân nổi dậy trong nhiều cuộc chiến ở châu Phi …
Tất cả bọn họ đều cho rằng mình không sai, rằng mình làm theo lệnh của cấp trên, của hệ thống, rằng mình làm việc cần cần phải làm, rằng cái Ác theo cách hiểu của người đời là không tồn tại, là ở ngoài mình.
Hannah Arendt (1904-1975, người từng nghiên cứu các vấn đề của bạo lực liên quan đến phong trào sinh viên vào thập niên 60 ở Mỹ và Cộng hòa Liên bang Đức - PV) đã phân tích cho mọi người thấy con người sẽ man rợ thế nào khi cái Ác trở thành việc thường nhật, trở thành cái phổ biến không đáng phải bận tâm. Một trong những điều thường trực trong đầu của những con người làm nên cái ác tận cùng này đều là tước bỏ tính người trong “đối tượng bị/cần phải xử lý”; nói cách khác là họ từ bỏ tính thấu cảm (empathy) của mình để coi “đối tượng bị/cần phải xử lý” không phải là đồng loại của mình để từ đó có những việc làm vượt ra khỏi các quy tắc đạo đức thông thường.
Quay trở lại trường hợp của 2 cô bảo mẫu bạo hành các cháu bé trong clip mới được công bố, tôi không cho là họ mất hết nhân tính khi hành động với các cháu bé như vậy dù rằng hành động của họ là đáng lên án và phải bị pháp luật trừng trị.
Đây có thể là một sự lựa chọn (rõ ràng là tồi tệ) để hoàn thành việc mình phải làm, và rõ ràng là có tính toán (các cháu bé không hề bị bầm dập thương tích bên ngoài). Họ cũng không phải là hành hạ các cháu bé cho thỏa “thú tính” hay để tiêu khiển (như trường hợp lính Mỹ hành hạ tù binh Alqueda trong tù).
Họ là kẻ thủ ác, sẽ bị pháp luật trừng phạt. Nhưng sự trừng phạt lớn nhất họ sẽ phải chịu cả cuộc đời chính là sự xa lánh của bạn bè, người thân thậm chí là bố mẹ, chồng con, sự nhục nhã của bố mẹ họ. Đó mới chính là sự trừng phạt lớn nhất. Chính vì thế, thêm những lời chửi rủa, thêm những sự khủng bố tới họ cũng không làm họ đau khổ hơn. Cũng không nên tưởng rằng treo ngược họ lên bây giờ ném đá (theo cả nghĩa đen) hay đánh đập họ sẽ làm gia đình của các cháu bé bị bạo hành hả hê hơn.
Các nghiên cứu về bỏ án tử hình đã cho thấy: Các gia đình của nạn nhân không hề cảm thấy thỏa mãn hay hạnh phúc hơn khi tận mắt chứng kiến kẻ thủ ác bị tử hình như thế nào. Thời của tứ mã phanh thây, voi giày ngựa xé đã qua rồi. Hãy để cho pháp luật xử lý và sự trừng phạt của xã hội sau đó làm nốt việc của mình.
Hai bảo mẫu chụp chung với các bé tại trường.
Thay vì treo cổ hai người này lên hãy thử nghĩ xem nguyên nhân của vụ việc ở đâu? Nếu hệ thống trường công đủ chỗ, đủ cô giáo mầm non được đào tạo đầy đủ thì có xảy ra việc như hôm nay không? Nếu chính quyền địa phương kiểm tra thường xuyên, hàng xóm quan tâm thì có xảy ra việc đó không? Nếu điều kiện cơ bản của mọi cô bảo mẫu (kể cả không được đào tạo chính quy) là phải học qua lớp đào tạo chăm sóc trẻ được đưa vào quy định thì có xảy ra việc này không?....
Ấy thế mà vẫn có người vỗ ngực tự xưng Việt Nam là cường quốc dân số mới nực cười không! Trường học, từ mầm non đến PTTH thiếu không gian, thiết bị, giáo viên, sao không lo đầu tư? Các doanh nghiệp, thay vì đổ dồn hết vào tài trợ bóng đá nam, ca nhạc tưng bừng,…doanh nhân xây chùa, xây lăng mộ… sao không có một số tài trợ cho xây trường, dựng lớp, tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc cho các thầy cô giáo,…đó chẳng phải là CSR (chữ viết tắt tiếng Anh của cụm từ Corporate Social Responsibility - hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp - PV) hay sao ?
Tóm lại, khi bị ghẻ, người ta nên bôi thuốc chứ đừng ngày gãi ghẻ, đêm soi đèn đốt đuốc tìm con ghẻ (cái này mượn ý về một chuyện khác của bạn Cù Trọng Xoay). Không những, Like và share cũng phải học, mà cả thể hiện sự chia sẻ, quan tâm (ví dụ vụ hôi bia) hay thể hiện sự tức giận (như trong vụ này, vụ Lê Văn Luyện) cũng phải học nữa. Dù gì cũng phải thượng tôn pháp luật.
Tôi vẫn tin là nhân chi sơ tính bản thiện, có điều xã hội cũng phải có quy định và tạo điều kiện cho người ta sống tử tế với nhau mà thôi.
Nguyễn Đình Thành
Kính mời quý độc giả cung cấp thông tin, hình ảnh, clip về những vụ bạo hành trẻ em. Những thông tin tốt sẽ được tòa soạn trả nhuận bút trong vòng 24h.
Quý độc giả muốn bình luận, nêu ý kiến về vấn đề này, xin gõ vào ô Viết bình luận phía dưới bài báo. Trân trọng!