Luật sư khẳng định FPT IS không trái luật khi cấm ngủ trưa

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - LS Đặng Văn Cường cho rằng, FPT IS không trái luật lao động khi cấm nhân viên của mình ngủ trưa trong văn phòng làm việc.

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, việc công ty hệ thống FPT (FPT IS) có quy định mới cấm nhân viên ngủ trưa trong văn phòng làm việc không trái với quy định của Bộ luật lao động hiện hành và các văn bản hướng dẫn.

"Theo tôi, quy định này của FPT IS không trái quy định của pháp luật. Bộ luật lao động quy định rất rõ thời giờ làm việc (Mục 1, chương VII), thời giờ nghỉ ngơi (Mục 2, chương VII). Theo đó, Điều 108 BLLĐ quy định: “Người lao động làm việc liên tục 08 giờ hoặc 06 giờ theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật này được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút, tính vào thời giờ làm việc.

Trường hợp làm việc ban đêm, thì người lao động được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút, tính vào thời giờ làm việc; Ngoài thời gian nghỉ giữa giờ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người sử dụng lao động quy định thời điểm các đợt nghỉ ngắn và ghi vào nội quy lao động.”.

Như vậy pháp luật chỉ quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi chứ không quy định về việc “nằm ngủ” hay không trong giờ nghỉ ngơi.

Vì vậy, FPT IS chỉ cần đảm bảo thời giờ nghỉ ngơi đúng quy định của Bộ luật lao động là được. Còn việc người lao động có ngủ hay không thì không cần phải quy định.

Việc cấm người lao động “nằm ngủ” tại phòng làm việc cũng không trái quy định pháp luật trên và không trái các quy định khác của pháp luật. Nếu FPT IS chỉ cấm ngủ vào thời gian nghỉ trưa thì mới là điều đáng nói. Nếu ai đó có thói quen ngủ trưa thì có thể lựa chọn cho mình những giải pháp khác vẫn có thể có giấc ngủ trưa, không nhất thiết là cứ phải ngủ trong phòng làm việc...

Chức năng của phòng làm việc là nơi thực hiện, triển khai công việc chứ không phải là “phòng ngủ”. Nếu kết hợp phòng làm việc với “phòng ngủ’, dù chỉ là ngủ trưa có lẽ sẽ không tạo ra sự chuyên nghiệp", Luật sư Cường nói.

Luật sư Đặng Văn Cường.
Luật sư Đặng Văn Cường.

Cũng theo Luật sư Cường, thời gian gần đây báo chí đưa nhiều tin về việc nhân viên văn phòng ngủ cả trưa, ngủ qua đêm, cùng với mọi sinh hoạt như ăn uống, tắm giặt...tại phòng làm việc trong những ngày nắng nóng (dùng điều hòa của công ty)... Việc làm này gây tâm lý không tốt trong lực lượng lao động và tạo ra tác phong thiếu chuyên nghiệp, thiếu văn minh trong thời đại mới...

"Do tính chất đặc thù của ngành nghề, lĩnh vực lao động nên nhiều doanh nghiệp có thể tiếp khách hàng vào cả giờ nghỉ trưa, sau giờ làm việc nên nếu biết văn phòng làm việc thành nơi ngủ nghỉ, sinh hoạt thì sẽ ảnh hưởng tới công việc và làm xấu đi ý thức của người lao động. Có lẽ cũng vì lý do đó mà lãnh đạo FPT IS đã có quyết định như vậy.

Một điều đáng nói là, nếu ở các nước phương Tây, các nước công nghiệp phát triển thì các quy định như thế không có gì là lạ nhưng ở nước ta, một đất nước xuất phát từ lao động nông nghiệp lạc hậu với một thời gian dài sống trong cơ chế bao cấp, làm việc tập thể... thì việc quy định như vậy đã gây ra phản ứng của số đông là không tránh khỏi. Thói quen ngủ trưa và sự tùy tiện trong sinh hoạt sẽ được thay đổi khi thực hiện các quyết định này.

Thói quen ngủ trưa không phải là thói quen xấu nhưng ngủ trưa trong phòng làm việc và gây ảnh hưởng tới sự hoạt động của công ty thì cũng nên điều chỉnh và lãnh đạo công ty có quy định như vậy là phù hợp", Luật sư Cường nhấn mạnh.

Bộ luật lao động quy định về thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi như sau:

Điều 104. Thời giờ làm việc bình thường

1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần .

Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.

3. Thời giờ làm việc không quá 06 giờ trong 01 ngày đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

Điều 108. Nghỉ trong giờ làm việc

1. Người lao động làm việc liên tục 08 giờ hoặc 06 giờ theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật này được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút, tính vào thời giờ làm việc.

2. Trường hợp làm việc ban đêm, thì người lao động được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút, tính vào thời giờ làm việc.

3. Ngoài thời gian nghỉ giữa giờ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người sử dụng lao động quy định thời điểm các đợt nghỉ ngắn và ghi vào nội quy lao động.

Điều 109. Nghỉ chuyển ca

Người lao động làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác.

Điều 110. Nghỉ hằng tuần

1. Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.

2. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày chủ nhật hoặc một ngày cố định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại