Luật KTTV: “Hô mưa, gọi gió” phải có kế hoạch và thông báo công khai

Hồng Chuyên |

Chiều nay (23/11), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Khí tượng Thủy văn với đa số đại biểu tán thành.

Số đại biểu tham gia biểu quyết là 412 đại biểu (chiếm 83,40%), 410 đại biểu tán thành (chiếm 83%), có 1 đại biểu không tán thành, 1 đại biểu không biểu quyết.

Luật Khí tượng thủy văn gồm 10 chương 57 điều với phạm vi điều chỉnh, quy định về hoạt động khí tượng thủy văn gồm: quản lý, khai thác mạng lưới trạm; dự báo, cảnh báo; thông tin, dữ liệu; phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn; giám sát biến đổi khí hậu; tác động vào thời tiết; quản lý nhà nước và quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khí tượng thủy văn.

Riêng vấn đề tác động thời tiết quy định, nguyên tắc tác động vào thời tiết như sau:

Thứ nhất, tác động vào thời tiết chỉ được thực hiện trong khu vực cụ thể, có điều kiện tự nhiên và cơ sở hạ tầng phù hợp, trong thời gian nhất định.

Thứ 2, tác động vào thời tiết không được làm cản trở hoặc gây tác động có hại đối với hoạt động kinh tế - xã hội.

Thứ 3, cơ quan, tổ chức tác động vào thời tiết phải có giải pháp bảo đảm an toàn, giảm thiểu tác động tiêu cực từ hoạt động tác động vào thời tiết.

Thứ 4, tác động vào thời tiết chỉ được thực hiện theo kế hoạch đã được phê duyệt; phải thông báo công khai cho cộng đồng dân cư trong khu vực biết.


Kết quả biểu quyết luật Khí tượng thủy văn.

Kết quả biểu quyết luật Khí tượng thủy văn.

Trong luật cũng ghi rõ các trường hợp được tác động vào thời tiết gồm: Tác động nhằm mục đích gây mưa hoặc tăng lượng mưa;

Tác động nhằm giảm cường độ mưa hoặc để không xảy ra mưa; Tác động nhằm mục đích phá hoặc giảm cường độ mưa đá; Tác động nhằm phá hoặc giảm cường độ sương mù.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật khí tượng, thủy văn tại hội trường, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nêu rõ: “Một số ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc: Việc tác động vào thời tiết phải tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp. 

Tiếp thu ý kiến của các vị ĐQBH, Ủy ban TVQH đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan bổ sung quy định Kế hoạch tác động vào thời tiết phải có ý kiến của cộng đồng dân cư chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hoạt động tác động vào thời tiết, như đã được thể hiện tại Điều 44 Dự thảo Luật”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại