Quy rõ trách nhiệm khi dự báo thiên tai sai gây thiệt hại lớn

daquynh |

UB Thường vụ QH đã thảo luận rất sôi nổi về luật Phòng chống thiên tai.

Nhấn mạnh về yêu cầu cần có khung pháp luật làm cơ sở cho việc tăng cường công tác phòng chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát phân tích, trung bình mỗi năm thiên tai đã làm chết và mất tích khoảng 500 người, bị thương hàng nghìn người, thiệt hại về kinh tế từ 1,0 - 1,5% GDP của Việt Nam.

Xây dưng luật Phòng chống thiên tai vì vậy là yêu cầu cấp bách. Tuy nhiên, dự thảo luật do Bộ này thay mặt Chính phủ trình vẫn nhận nhiều ý kiến quan ngại. UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường- cơ quan thẩm định dự án luật - nhận định, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng chống thiên tai có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND các cấp.

quy-ro-trach-nhiem-khi-du-bao-thien-tai-sai-gay-thiet-hai-lon

Không ít lần dự báo bão không chính xác làm ngư dân lao thẳng vào vùng nguy hiểm.

“Cần quy định rõ thẩm quyền của UBND các cấp, đặc biệt cấp xã, phường, thị trấn nơi trực tiếp chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện trong việc huy động nguồn lực phòng chống thiên tai và trong ứng phó tình trạng khẩn cấp, di dời nhân dân ra khỏi vùng thiên tai; quy định rõ thẩm quyền, trình tự thủ tục cưỡng chế, di dời, huy động lực lượng, vật tư, phương tiện trong tình trạng khẩn cấp”- báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển tỏ ý chưa hài lòng vì cách hiến kế kiểu “luật kể việc”, liệt kê ra rồi nhưng không thể hiện phải xử lý vấn đề đó như thế nào, không xử lý thì ai chịu trách nhiệm? Thảm họa lớn thì ứng phó thế nào?…

Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa tán đồng, đề nghị phải xác định rõ cơ chế trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức với việc phòng chống thiên tai. Ông Khoa dẫn chứng, do dự báo sai về cơn bão Chanchu đã đưa đồng bào vào chính vùng bão, gây tổn thất lớn, nhưng sau đó không có ai chịu trách nhiệm, chỉ có báo chí và Quốc hội có ý kiến một chút mà thôi.

“Lãnh đạo địa phương không kiên quyết sơ tán nhân dân, không chuẩn bị phòng chống thiên tai chu đáo, để thiệt hại về người thì có xử lý người đứng đầu không?” - ông Khoa đặt câu hỏi và so sánh, ở nước khác chỉ ứng phó chậm người ta cách chức tỉnh trưởng rồi nên dự án luật phải có chế tài đầy đủ về nội dung này..

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý cần đưa vào luật chế tài nghiêm ngặt về chế độ trách nhiệm.

Một nội dung khác, quy định lập Quỹ Phòng chống thiên tai cũng là vấn đề được tranh luận khá sôi nổi.

Nói rõ quan điểm “không đồng ý” với việc cứ có luật là thành lập quỹ, ông Phùng Quốc Hiển cho biết, rất nhiều vị đại biểu tỏ thái độ bức xúc về việc lập quỹ, làm cho nguồn lực của quốc gia phân tán trong khi nhân dân vẫn phải đóng góp rất nhiều. “Các quỹ phòng chống bão lũ vừa qua chẳng đáng gì cả, phòng chống thiên tai chủ yếu vẫn là nguồn ngân sách” - ông Hiển nhấn mạnh.

Ngược lại, Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai tán thành quy định áp dụng bảo hiểm phòng, chống thiên tai, nhưng cho rằng Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo mua bảo hiểm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại