Kiến nghị thanh tra, kiểm toán các công trình có biểu hiệu thất thoát

Sơn Lâm |

(Soha.vn) - “Một trong những vấn đề gây lãng phí lớn cho Ngân sách Nhà nước và TPCP là tình trạng các dự án dở dang, kéo dài, không bảo đảm tiến độ trong thực hiện, thi công các dự án, chậm đưa công trình, dự án vào sử dụng”.

Ông Phùng Quốc Hiển (Ảnh: Tiền phong)
Ông Phùng Quốc Hiển (Ảnh: Tiền phong)

Sáng nay, 7/6, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012.

Cụ thể, trong khâu tổ chức thực hiện, bên cạnh những kết quả đã đạt được như đã hoàn thành 2029/2863 dự án với tỷ lệ giải ngân khác cao thì còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.

Ông Hiển nêu: “Thứ nhất là điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư (TMĐT) quá lớn ở hầu hết các dự án dẫn đến mất cân đối về nguồn vốn, nhiều dự án điều chỉnh TMĐT do tăng giá, điều chỉnh yếu tố kỹ thuật, tăng quy mô chưa hợp lý, không đúng với quy định của pháp luật.

Hầu hết các dự án đều có phát sinh, phải điều chỉnh TMĐT so với phê duyệt ban đầu. Lý do tăng TMĐT được đưa ra là do điều chỉnh yếu tố giá ở nhiều công trình, tăng thêm do xử lý kỹ thuật, tăng thêm do tăng quy mô dự án.

Thứ hai là việc phân bổ vốn TPCP trong giai đoạn 2006 - 2012 còn dàn trải; bổ sung nhiều mục tiêu, số lượng dự án và TMĐT tăng nhanh, dẫn đến thiếu vốn; nhiều dự án đang triển khai phải cắt, giảm, giãn, hoãn tiến độ, chuyển đổi hình thức đầu tư, gây lãng phí nguồn lực.

Thứ ba cơ chế phân bổ vốn TPCP chưa hợp lý, không có tiêu chí phân bổ cụ thể mà phân bổ theo dự án, dẫn tới chưa thực sự công bằng giữa các vùng, miền, giữa các địa phương, dễ tạo ra cơ chế “xin - cho”; nhiều dự án chưa bảo đảm tính cấp bách, cần thiết phải đầu tư bằng nguồn vốn TPCP theo mục tiêu ban đầu mà Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội đã quyết định”.

Trong việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn TPCP trong giai đoạn 2006 – 2012, báo cáo cũng chỉ ra những điểm chưa nghiêm, bộc lộ khá nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém.

Thứ nhất, chất lượng quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội ở một số bộ, ngành và địa phương chưa cao, thiếu sự phối hợp, lồng ghép và phù hợp với khả năng kinh tế và cân đối nguồn lực.

Thứ hai, thực tế cho thấy, có rất nhiều dự án trước khi quyết định đầu tư chưa đảm bảo thực hiện đúng quy định, nhiều dự án ở nhiều bộ, ngành và địa phương thường không cân đối đủ vốn đầu tư, vượt quá khả năng kinh tế, có quá nhiều dự án được phê duyệt nhưng không đủ nguồn lực thực hiện, dẫn tới thiếu vốn nghiêm trọng, nợ đọng XDCB, nhiều dự án dở dang, gây lãng phí lớn cho NSNN.

Thứ ba, chất lượng khảo sát, thiết kế ở một số dự án chưa đạt yêu cầu  hoặc do năng lực tư vấn còn hạn chế, thiết kế còn thiếu chính xác, chưa sát thực tế, giải pháp thiết kế chưa hợp lý dẫn đến trong quá trình triển khai nhiều dự án sử dụng vốn TPCP phải điều chỉnh phương án thi công, thiết kế, phát sinh thêm nhiều hạng mục, thay đổi địa điểm đầu tư làm tăng TMĐT.

Thứ tư một số địa phương, bộ, ngành cho phép đầu tư điều chỉnh, bổ sung quy mô dự án hoặc phê duyệt lại quy mô dự án quá mức, bổ sung thêm hạng mục, khối lượng so với kế hoạch ban đầu, làm tăng TMĐT, tăng mức bố trí vốn của dự án.

Thứ năm, nhiều trường hợp lựa chọn nhà thầu không bảo đảm năng lực; việc chỉ định thầu còn rộng, có hiện tượng lạm dụng cơ chế chỉ định thầu, có dự án được thực hiện cơ chế chỉ định thầu với TMĐT lớn; tính minh bạch trong đấu thầu chưa bảo đảm, làm giảm hiệu quả đầu tư.

Thứ sáu, một trong những vấn đề gây lãng phí lớn cho Ngân sách Nhà nước và TPCP là tình trạng các dự án dở dang, kéo dài, không bảo đảm tiến độ trong thực hiện, thi công các dự án, chậm đưa công trình, dự án vào sử dụng.

Thứ bảy là công tác quản lý, phân bổ, cấp phát, thanh toán và quyết toán vốn có lúc, có nơi còn buông lỏng, chưa tuân thủ quy định.

Trên các cơ sở đó, ông Phùng Quốc Hiển đã trình bày một số kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ban ngành, các địa phương để khắc phục những tồn tại và hạn chế trên. Đồng thời kiến nghị Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước thanh tra, kiểm toán toàn diện chương trình vốn TPCP, trong đó tập trung vào một số dự án, công trình có biểu hiện thất thoát…

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại