Sửa lời Quốc ca: “Quốc ca mang tính bền vững, không nên sửa đổi”

Hoàng Sơn |

(Soha.vn) - “Bản chất của Quốc ca là mang tính bền vững, không nên sửa đổi. Ý kiến sửa lời Quốc ca cũng chỉ của một đại biểu đưa ra, không phải là ý kiến đa số đại biểu Quốc hội” – ĐBQH Lê Như Tiến (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) khẳng định.

Ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XIII.
Ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XIII.

“Chỉ là ý kiến cá nhân”

- Vừa qua có ý kiến của đại biểu Quốc hội đề xuất nên sửa đổi lời Quốc ca hiện nay cho phù hợp với tình hình mới, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Lê Như Tiến: Theo tôi việc sửa đổi lời Quốc ca hiện nay là không cần thiết. Bản chất của Quốc ca là mang tính bền vững, không nên sửa đổi. Ngoài ra, ý kiến đề xuất sửa đổi lời Quốc ca cũng chỉ là của một đại biểu đưa ra, là ý kiến cá nhân, không phải là ý kiến của đa số các đại biểu, của một tổ chức hay tập thể nào cả. Nó chỉ mang tính chất tham khảo còn quyết định có sửa hay không là do Quốc hội.

Nếu lấy lý do là sửa đổi lời Quốc ca để phù hợp với tình hình mới thì càng không được. Như trên tôi đã nói, bản chất của Quốc ca là mang tính bền vững, ổn định về mặt ca từ lẫn tiết tấu giai điệu.

Quốc ca không chỉ đơn thuần phản ánh hơi thở của thời đại mà nó ra đời mà còn mang trong đó cái hào khí, cái hồn cốt, hơi thở của cả một dân tộc, đó mới là điều khiến nó ổn định.

Không chỉ Việt Nam, mà tất cả các quốc gia khác trên thế giới, Quốc ca của họ cũng rất ít khi bị sửa đổi. Có quốc gia, Quốc ca của họ tồn tại hàng trăm năm qua mà không hề bị sửa đổi bất cứ một từ nào.

Bài
Bài "Tiến quân ca" của nhạc sĩ Văn Cao

- Nghĩa là Quốc ca mang tính bất biến với thời gian?

Ông Lê Như Tiến: Tôi cho là vậy. Quốc ca là thứ trường tồn. Nó trường tồn bởi nó mang hơi thở, hào khí, là mẫu số chung của cả dân tộc.

Quốc ca vừa thiêng liêng nhưng cũng vừa gần gũi với người dân, được người dân tiếp nhận và đi vào tâm thức của mỗi người từ bao năm qua, thay đổi là điều không dễ. Nó như là hằng số rồi.

Nếu nói Quốc ca không phù hợp với tình hình hiện nay nữa, phải sửa đổi để phù hợp là không đúng. Bởi nếu nói như thế thì cứ khoảng vài năm, vài chục năm, ta lại sẽ phải sửa đổi lời, thậm chí thay đổi Quốc ca một lần? Chẳng có quốc gia nào trên thế giới họ làm như thế cả.

“Quốc ca đã từng được sửa đổi”

- Đây có phải là lần đầu tiên ý kiến về sửa đổi lời Quốc ca được đưa ra Quốc hội không, thưa ông?

Ông Lê Như Tiến: Trước tiên phải khẳng định ý kiến đề xuất sửa đổi lời Quốc ca thực ra không phải là mới mẻ, là lần đầu tiên đâu. Đây là vấn đề cũ rồi.

Có thời kì trước khi tiến hành công cuộc Đổi mới khoảng mấy năm, cũng từng có người đề xuất vấn đề này. Lúc đó, ý kiến đề xuất không chỉ là sửa đổi lời Quốc ca mà còn kiến nghị nên thay Quốc ca bằng bài hát khác, không phải là ca khúc “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao. Thậm chí còn có hẳn cả một cuộc thi sáng tác riêng về Quốc ca hẳn hoi.

Nhưng rồi ý kiến này cũng không khả quan và không thực hiện được vì không tìm được bài hát nào phù hợp hơn để thay thế.

Bản thân ca từ của Quốc ca cũng rất đẹp và hào hùng rồi, ví dụ câu “Cùng tiến lên, nước non Việt Nam ta vững bền” rõ ràng đã thể hiện được khí thế, sức sống và dáng dấp của cả một dân tộc, không thể và cũng không cần phải dùng lời khác để thay thế.

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Văn Cao cũng đã tự tay sửa một số phần lời trong bài
Lúc sinh thời, nhạc sĩ Văn Cao cũng đã tự tay sửa một số phần lời trong bài "Tiến quân ca" của mình.

- Giả sử nếu sửa đổi lời Quốc ca hiện nay, ông nghĩ có khả quan không?

Ông Lê Như Tiến: Tôi cho rằng cũng không khả quan. Sửa như thế nào? Sửa về nội dung gì? Tại sao lại phải sửa? Sửa rồi thì sau đó có phải sửa tiếp nữa không?... hàng loạt câu hỏi được đặt ra và để trả lời nó thì không dễ.

Tôi được biết, trước đó, khi “Tiến quân ca” mới được lựa chọn làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam), cũng đã có ý kiến đề nghị nên sửa đổi một số ca từ ở phần lời để phù hợp hơn. Ý kiến trên đã được tác giả - nhạc sĩ Văn Cao khi đó đồng ý.

Chính tác giả khi đó cũng đã tự tay sửa lại một số đoạn trong phần nội dung bài hát như ở câu thứ 6, lời 1 “Thề phanh thây uống máu quân thù” được sửa thành “Đường vinh quang xây xác quân thù” hoặc như câu kết “Tiến lên! Cùng thét lên! Chí trai là nơi đây ước nguyền!” được sửa thành “Núi sông Việt Nam ta vững bền”. Việc chỉnh sửa trên theo tôi là hoàn toàn hợp lý rồi, không cần sửa thêm nữa.

Ngoài ra, việc sửa lời Quốc ca bây giờ cũng phức tạp vì còn liên quan đến vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ của tác giả. Khi tác giả không còn nữa thì việc sửa đổi lời bài hát còn phải xét đến yếu tố xem thân nhân tác giả - người đang hưởng quyền thừa kế bản quyền tác phẩm xem có đồng ý hay không nữa. Nếu thân nhân tác giả không đồng ý thì không thể tự ý sửa đổi được.

Xin cảm ơn ông.

 

Bạn có cho là nên sửa lời quốc ca cho phù hợp với tình hình phát triển hiện tại của Đất nước không?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.



Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Không nên sửa đổi lời Quốc ca

Việc đề nghị chỉnh sửa câu “Đường vinh quang xây xác quân thù” trong lời 1 bài Quốc ca cho phù hợp với thời kỳ phát triển mới của đất nước, theo chúng tôi là một đề nghị đáng ghi nhận, nhưng rất nên suy nghĩ, cân nhắc thận trọng.

Theo tôi là không nên sửa nếu không thực sự cần thiết vì lời ca đã in sâu vào tâm trí của bao thế hệ đồng bào và chiến sĩ cả nước, trở thành biểu tượng của lòng yêu nước và tự hào dân tộc. Việc thay ca từ mới có thể phù hợp với yêu cầu của cuộc sống hôm nay, nhưng chưa chắc đã ăn nhập với văn cảnh tổng thể của tác phẩm.

Luật sư Lê Minh Hải - Trưởng VP Luật sư Royal (Hà Nội): Cần tôn trọng bản quyền tác giả

Luật Sở hữu trí tuệ quy định tác giả có quyền giữ nguyên vẹn tác phẩm của mình (quyền nhân thân), nếu muốn thay đổi nội dung thì phải có trao đổi và được phép của người có quyền sở hữu tác phẩm.

Với việc thay đổi lời của Quốc ca, trong trường hợp có những yêu cầu cấp thiết khác vì lợi ích quốc gia thì Nhà nước vẫn có quyền thay đổi, nhưng vẫn nên có thông báo với chủ sở hữu tác phẩm.

Vấn đề này được quy định rất rõ tại điều 19 về Quyền nhân thân của Luật Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, với tư cách một công dân, tôi cho rằng, không cần thiết phải thay lời của Quốc ca, bởi Quốc ca đã được coi như một dấu ấn lịch sử, đi cùng lịch sử khai sinh ra nhà nước Việt Nam.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại