Vừa qua, liên quan đến giải pháp chống tham nhũng, cử tri tỉnh Tiền Giang đã kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng xử lý tham nhũng căn cứ theo giá trị tham nhũng. Cụ thể, người tham nhũng từ 1 tỷ đồng trở lên cần phải tử hình, thu hồi tài sản từ tham nhũng mà có. Đối với người tham nhũng dưới 1 tỷ đồng thì tùy mức độ mà áp dụng hình phạt tù tương xứng. Đồng thời, đối với những người tham nhũng thì không được hưởng các chính sách hưu trí theo luật bảo hiểm xã hội và các chính sách khác của Đảng và Nhà nước.
Về việc này, được biết, thời gian tới, trong quá trình thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Ủy ban Tư pháp sẽ lưu ý những nội dung này, bảo đảm chính sách hình sự nghiêm khắc đối với tội phạm tham nhũng, đáp ứng được yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong tình hình hiện nay.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này bên lề Quốc hội, ông Nguyễn Đình Quyền – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho hay: “Kiến nghị đó của cử tri là chính đáng vì người dân mong muốn những người làm thiệt hại tài sản của Đất nước, của nhân dân thì phải bị nghiêm khắc trừng trị. Tuy nhiên, sự nghiêm khắc trừng trị phải căn cứ vào nhiều yếu tố chứ không chỉ là số tiền”.
Ông Nguyễn Đình Quyền chia sẻ: “Về chủ trương áp dụng án tử hình, trong quá trình dân chủ hóa đời sống, những năm gần đây, Nhà nước ta giảm đến mức tối đa án tử hình nhất là đối với những án về kinh tế. Mới đây, khi sửa đổi Bộ luật Hình sự, một số tội có hình phạt tử hình đã được giảm mức án và chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với một số tội phạm cần thiết”.
Vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp này cho hay: “Đối với tội phạm về tham nhũng vẫn có hình phạt tử hình, còn bao nhiêu tiền mới tử hình thì không chỉ căn cứ vào giá trị của tài sản tham nhũng mà còn căn cứ vào tính chất của hành vi nguy hiểm cho xã hội tới mức như thế nào. Giá trị tài sản chỉ là một trong những yếu tố đánh giá mức độ nguy hiểm cho xã hội”.
Theo ông Nguyễn Đình Quyền, đối với những vụ án tham nhũng, có thể giá trị tài sản bị tham nhũng thấp nhưng vẫn tử hình do có những tác động xấu nghiêm trọng đến xã hội hoặc thủ đoạn tham nhũng nguy hiểm. Tuy nhiên, có những vụ thiệt hại lớn chưa chắc đã tử hình vì còn liên quan đến các tình tiết của vụ án cũng như mức độ của hành vi phạm tội.
Nhớ lại thời điểm Chính phủ trình Quốc hội dự thảo sửa đổi Luật Hình sự 1999 trước đây, ông Nguyễn Đình Quyền cho biết: “Ngày trước, khi Chính phủ trình Quốc hội bỏ hình phạt tử hình đối với tội phạm tham nhũng, chính tôi là người đề nghị giữ lại. Lúc đó, trong báo cáo thẩm tra, tôi đã cương quyết giữ lại vì người dân rất phẫn nộ với hành vi tham nhũng. Tôi cho rằng phải giữ lại hình phạt đó để khi cần thiết phải xử lý và Quốc hội đã đồng ý”.
“Điều quan trọng nhất khi áp dụng hình phạt là phải căn cứ vào mức độ nguy hiểm của hành vi”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền tái khẳng định.