Năm 2013 qua đi với nhiều sự kiện chấn động xen lẫn xúc động của đời sống xã hội. Có sự phẫn nộ dành cho hai bảo mẫu đánh trẻ ở quận Thủ Đức (TP.HCM) hay bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường phi tang xác nạn nhân ở sông Hồng... Có những giọt nước mắt đắng ngắt của độc giả cả nước cho những đại tang do lũ lụt, hỏa hoạn, tai nạn gây ra… Cuối 2013, chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh về những sự kiện bi, hài, phẫn nộ, xúc động…nhất trong năm qua.
Mặc dù ở tuổi 76, ông vẫn còn xúc động khi tôi nhắc đến sự kiện Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào đầu tháng 10/2013.
Ngày Đại tướng ra đi - Người Việt như gần nhau hơn trong nỗi đau chung của dân tộc.
- Thưa PGS, ông cảm thấy ấn tượng, xúc động với sự kiện nào nhất trong năm 2013 vừa qua?
PGS Văn Như Cương: Tôi cho rằng Quốc tang Đại tướng là sự kiện xúc động và điển hình năm 2013. Hàng nghìn người ngày đêm lặng lẽ đến thắp nến sáng rực, đặt hoa tại nhà Đại tướng thể hiện tình cảm, sự biết ơn đối với người có công với đất nước.
Trong hàng dài vô tận ấy không chỉ có những vị tướng quân đội, người già, trẻ em mà còn có giới trẻ lặng lẽ, thành kính đến viếng, hàng vạn người dân ở các tỉnh thành dõi theo, khóc thương đưa Đại tướng về quê hương. Lần đầu tiên có một đám tang như thế sau sự ra đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một con người được lòng dân và đám tang Đại tướng chính là thể hiện lòng dân, thức tỉnh tinh thần dân tộc, ý thức cộng đồng.
- Điều làm nên sự đặc biệt, xúc động ở sự kiện này là gì thưa ông?
PGS Văn Như Cương: Có ba điểm đặc biệt đó là lần đầu tiên một người không thuộc diện Quốc tang mà được cử hành Quốc tang. Và người xin không an táng tại nghĩa trang Mai Dịch mà lại có mong muốn được an nghỉ tại quê hương Quảng Bình.
Hơn nữa, trước và sau lễ tang diễn ra, những bông hoa của nhân dân mang đến lặng lẽ đặt trước cổng nhà Đại tướng thể hiện sự thành kính, tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của người.
- Nhà sử học Dương Trung Quốc nói trong sự kiện này rằng: “Cả dân tộc đang nắm tay nhau” khi thấy những dòng người vào viếng Đại tướng. Là một nhà giáo dục, ông nghĩ sao về nhiều bạn trẻ xếp hàng chờ đợi được vào từ biệt Đại tướng?
PGS Văn Như Cương: Mặc dù trước đó những thông tin về đánh nhau, cách cư xử thiếu văn hóa, phong trào “a dua” …đôi khi tôi có hơi thất vọng về giới trẻ. Nhưng sau sự kiện này, đối với một nhà giáo dục, tôi tin thêm vào thế hệ trẻ hiện nay cũng có suy nghĩ đúng đắn.
Hôm đến viếng, tôi rất cảm động khi thấy rất đông bạn trẻ, đặc biệt là những em sinh viên học sinh, thậm chí nhiều em chỉ 7,8 tuổi nhưng cũng theo chân thầy cô, bố mẹ xếp hàng dài chờ đợi.
Tôi xúc động bởi khi nghe tin Đại tướng mất, rất nhiều bạn trẻ mặc dù không sống cùng thời, không được gặp người nhưng chỉ nghe lại những câu chuyện, xem trên báo đài nhưng tại sao lại có cảm xúc, tình cảm đặc biệt với Đại tướng như thế?
- Rất nhiều người hụt hẫng, khóc thương khi vị tướng của nhân dân đã ra đi mãi mãi. Đến giờ, ông có thể chia sẻ về cảm xúc của mình khi nhớ tới sự ra đi của Đại tướng?
PGS Văn Như Cương: Khi người ra đi, cả nhân dân tiếc thương và tôi cũng không ngoại lệ. Tôi vẫn luôn coi đó là thần tượng của mình: một vị tướng tài, một con người trí thức. Thỉnh thoảng tôi vẫn suy nghĩ, vẫn tin về mặt tâm linh rằng Đại tướng vẫn ở cạnh giúp đỡ nhân dân, đất nước.
Qua sự kiện này tôi thấy đánh giá của nhân dân là vĩnh cửu, bất diệt. Sự ngưỡng mộ của dân về những gì mà người mang lại cho nhân dân là không thể xóa nhòa. Tôi tin sẽ còn rất nhiều câu chuyện hay được lưu truyền về con người Đại tướng.
- Là người đã từng gặp Đại tướng, ấn tượng nào khiến ông nhớ nhất?
PGS Văn Như Cương: Tôi có cơ duyên gặp Đại tướng một vài lần đến giờ tôi không thể quên. Lần nhớ nhất là cuộc gặp ở Nga khi tôi đang làm nghiên cứu sinh bên đó. Tôi cùng một người bạn vinh hạnh được Đại tướng mời cơm cùng với gia đình ông tại nhà nghỉ Trung ương Đảng Cộng Sản Liên Xô, sau đó tôi được người mời xem vở “Hồ Thiên Nga”.
Tôi ấn tượng nhất ở Đại tướng là một vị tướng nhưng lại là một con người cực kỳ nhân văn bởi ông cũng là một thầy giáo. Khi nói chuyện với chúng tôi, người chỉ nói về giáo dục, khoa học.
Năm 1989, tôi thành lập trường Lương Thế Vinh, Đại tướng cũng định dự khai giảng đầu tiên của trường nhưng do có việc về Quảng Bình nên Đại tướng gửi cho tôi bức thư chúc thầy trò Trường Lương Thế Vinh dạy tốt học tốt. Điều đó cho thấy, ông không chỉ là một vị tướng tài ba lỗi lạc mà còn là người rất nhân văn, trí thức.
- Tuy nhiên, trong năm qua, không ít sự kiện đáng buồn, phẫn nộ, hài hước cũng đã xảy ra từ chuyện hôi bia, bảo mẫu đánh trẻ cho đến phanh phui nhà ngoại cảm, cộng điểm ưu tiên cho bà mẹ Việt Nam anh hùng…Vậy đâu là sự kiện khiến ông bức xúc, âu lo nhất?
PGS Văn Như Cương: Năm nay giáo viên bạo hành học sinh xuất hiện khá nhiều đặc biệt là với trẻ nhỏ. Điển hình là vụ việc hai bảo mẫu Trường Mầm non tư thục Phương Anh đã có hành vi đánh đập, hăm dọa tàn bạo đối với trẻ.
Tôi không thể tưởng tượng được một người mang danh đi bảo mẫu trẻ mà lại hành hạ đứa trẻ như thế, thật không ra một con người nữa, không thể chịu đựng được. Tôi không hiểu tại sao người với người mà lại đối xử như thế.
Tuy nhiên, qua sự việc này cũng chính là “cú hích” tích cực từ TP Hà Nội và nhiều nơi khác đã tiến hành rà soát, kiểm tra gắt gao những cơ sở giáo dục, ngăn chặn tình trạng bạo hành. Tôi cho rằng sự kiện đáng buồn nhưng có tác động tích cực cũng như đã lay động đến cấp quản lý.
Ngoài ra, vụ “hôi bia” ở Đồng Nai vừa qua cũng gây chấn động dư luận. Đó là bài học lớn về tâm lý đám đông, về thói xấu và sự xấu hổ của người Việt. Ban đầu khi nghe thông tin tôi cảm thấy rất xấu hổ, buồn vì không ngờ người ta lại có hành động ăn cướp ngang nhiên như thế. Không thể nói là “hôi của” mà rõ ràng là hành vi cướp trắng trợn.
Mặc dầu vậy, sau đó hành động treo băng rôn tự cảm thấy hổ của một người đân TP Biên Hòa, những người hôi bia cảm thấy hối hận trả lại tiền hay việc mọi người gom tiền giúp anh lái xe…cũng chính là những hành động đẹp và không thể đánh giá đạo đức người dân xuống cấp.
- Vậy bước sang năm 2014, ông có hy vọng, kỳ vọng gì cho sự chuyển biến của nước nhà?
PGS Văn Như Cương: Tôi xin phép được nói về giáo dục. Nếu không có sự kiện Đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục được Trung ương thông qua thì tôi nghi ngờ rằng chiều hướng của giáo dục sẽ càng ngày càng đi xuống. Trước tiên đây là cú chặn đứng, từ đó sẽ tiếp tục xây dựng cách toàn diện. Ta bắt đầu thực hiện đổi mới giáo dục, tập trung lực lượng làm tốt điều đó và hy vọng sẽ tốt đẹp, giải quyết những vấn đề tồn đọng.
Tôi không nói là tốt đẹp hơn nhưng tôi thấy ngành giáo dục chúng tôi đang chuyển động, cựa mình… chứ không nằm im nữa. Nếu cứ nằm im là bại liệt.
Trân trọng cảm ơn PGS vì những chia sẻ của ông. Năm mới chúc ông và gia đình mạnh khỏe!