100 sự kiện về vị tướng huyền thoại trăm tuổi Võ Nguyên Giáp (P3)

Ban Biên tập |

(Soha.vn) - Chưa bao giờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề cao cá nhân mình như một người đóng vai trò quyết định trong những sự kiện thường được gắn liền với tên tuổi của ông.

Cuốn sách: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp : Tư lệnh của các Tư lệnh, Chính ủy của các Chính ủy - 100 sự kiện về vị tướng huyền thoại trăm tuổi" do Công ty sách Thái Hà phát hành đã tái hiện chi tiết cuộc đời vị tướng đại tài của dân tộc Việt Nam. Có được công trình này là nhờ những đóng góp rất lớn của gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp : ông Võ Điện Biên, ông Võ Hồng Nam, bà Võ Hạnh Phúc và Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp : Đại tá Trịnh Nguyên Huân, Đại tá Nguyễn Văn Huyên, Trung tá Lê Văn Hải cùng Trung tướng Phạm Hồng Cư, nhà sử học-Đại tá Trần Trọng Trung.

Chúng tôi xin được gửi tới quý độc giả một số trích đoạn đặc sắc từ cuốn "Đại tướng Võ Nguyên Giáp : Tư lệnh của các tư lệnh, Chính ủy của các chính ủy - 100 sự kiện về vị tướng huyền thoại trăm tuổi".

Phần I - Từ ấy (1911-1941)

Phần II - Những năm tháng không thể nào quên (1941-1946)

Phần III - Đường đến Điện Biên Phủ (1946-1954)

“Vào năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tạo nên cuộc vây hãm 55 ngày máu lửa quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ - đánh dấu sự kết liễu của chủ nghĩa thực dân.”

- 60 năm những người hùng châu Á,

Tạp chí Time bình chọn, 2006

Khi nhìn nhận về những sự kiện ở các tầm mức khác nhau, đặc biệt là sự kiện lớn, một trong những cách tiếp cận từ trước đến nay là gắn sự kiện với nhân vật. Với cách tiếp cận trên, xu hướng thường thấy là người ta hoặc vận dụng thuyết vĩ nhân của Thomas Carlyle hoặc tuân theo lập luận của Herbert Spencer phản bác thuyết này.

Thomas Carlyle từng nói: “Lịch sử thế giới là gì nếu không phải là tiểu sử của những vĩ nhân.” Thuyết vĩ nhân do ông khởi xướng cho rằng lịch sử có thể được giải thích là kết quả tác động của những vĩ nhân hay những người hùng: nhờ uy tín, sự khôn ngoan hay năng lực chính trị, những cá nhân có ảnh hưởng lớn luôn sử dụng quyền lực của họ theo cách mà sẽ tạo ra những tác động lịch sử có ý nghĩa quyết định. Quan điểm trên trở nên phổ biến trong thế kỉ 19 và được nhiều nhà triết học tên tuổi như Hegel, Kierkegaard, Nietzsche, Spengler tán thành và cổ xúy.

Trái lại, Herbert Spencer coi những vĩ nhân chỉ là những sản phẩm của môi trường xã hội và các hoạt động của họ không thể xảy ra nếu thiếu những điều kiện xã hội đã được kiến tạo từ trước cả cuộc đời của họ. Lập luận trên được Spencer nêu ra từ năm 1860, gây ảnh hưởng trong suốt thế kỉ 20 và cho đến tận ngày nay.

Ở phần này của cuốn sách, dù muốn hay không chúng ta không thể phủ nhận hào quang rực rỡ của chiến thắng Điện Biên Phủ: ảnh hưởng của nó không chỉ giới hạn trong phạm vi của cuộc chiến tranh tại Việt Nam mà còn lan rộng ra phạm vi toàn thế giới. Trên thực tế, khi nhắc đến Điện Biên Phủ, người ta nói tới Võ Nguyên Giáp. Nhưng, khi đề cập tới vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp như người chỉ huy tối cao trên chiến trường, xoay chuyển tình thế, thay đổi chiến lược của chiến dịch Điện Biên Phủ, không ít người đã mắc phải cái bẫy “vĩ nhân”. Lại nhưng, tuy lịch sử không có chỗ cho giả thuyết, song cho phép đặt tình huống để nhìn nhận rõ hơn về những vấn đề gây tranh cãi: nếu không có sự quyết đoán chuyển hướng chiến dịch kịp thời của một thiên tài quân sự thì kết cục của trận Điện Biên Phủ sẽ ra sao?

Dù những ý kiến bình luận có theo chiều hướng nào thì chưa bao giờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề cao cá nhân mình như một người đóng vai trò quyết định trong những sự kiện thường được gắn liền với tên tuổi của ông. Ông từng nói: “Vị tướng dù có công lao đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả… Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình.”

ĐẠI ĐỘI ĐỘC LẬP, TIỂU ĐOÀN TẬP TRUNG

	Võ Nguyên Giáp trên đường đi chiến khu 12

Võ Nguyên Giáp trên đường đi chiến khu 12

Năm 1947, trước khi Võ Nguyên Giáp đi thị sát tình hình vùng phía nam Bắc Ninh, Hội đồng Chính phủ ra nghị quyết xây dựng đơn vị đại đoàn trong hệ thống quân đội. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu tại chỗ những thành công trong chiến đấu ở đây, vị Tổng chỉ huy suy nghĩ: “Chính lúc này, tôi chợt nhận ra: muốn đưa cuộc kháng chiến tiến lên vững chắc, bây giờ chưa phải là lúc tập trung bộ đội thành đại đoàn, chuẩn bị những trận đánh lớn, mà phải có một quá trình rèn luyện thích hợp cho bộ đội ta từ thấp đến cao, một quá trình kiên nhẫn, lâu dài.”

“Việc làm ngay chưa phải là tập trung bộ đội để xây dựng đại đoàn; mà ngược lại phải mạnh dạn phân tán một bộ phận bộ đội thành những đại đội đi sâu vào địch hậu, để phát động chiến tranh du kích. Bộ đội chủ lực thì cần được rèn luyện tác chiến ở qui mô tiểu đoàn, rồi trung đoàn, trước khi tác chiến ở qui mô lớn hơn. Đây là một hướng thay đổi phương châm tác chiến quan trọng đòi hỏi biện pháp tổ chức mới.”

Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh đã nhất trí với nhận định của Võ Nguyên Giáp, và công thức “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung” đã được vận dụng thí nghiệm trong chiến dịch Việt Bắc và mở rộng ra toàn quốc trong các năm 1948 - 1949, từ đó làm nên danh tiếng “đánh đâu được đấy” của Tiểu đoàn 307 (Nam Bộ).

TẬP TRUNG XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN LỰC LƯỢNG VŨ TRANG

	Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi dự lễ thành lập Đại đoàn 308

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi dự lễ thành lập Đại đoàn 308

Võ Nguyên Giáp trên đường đi chiến khu 12 Đại tướng Võ Nguyên Giáp dự lễ thành lập Đại đoàn 308 Tháng 2/1947, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp quy định công dân Việt Nam từ 18 đến 45 tuổi có nghĩa vụ tham gia dân quân du kích, đồng thời ra lời kêu gọi thanh niên xung phong tòng quân. Đến năm 1949, ta đã có khoảng 1 triệu dân quân, du kích. Từ năm 1949, ta lần lượt xây dựng các đại đoàn chủ lực mạnh (Đại đoàn 308 thành lập ngày 28/8/1949, 304 thành lập ngày 10/3/1950, 312 thành lập ngày 27/12/1950, 320 thành lập ngày 16/1/1951).

QUYẾT ĐỊNH KHÓ KHĂN NHẤT TRONG CUỘC ĐỜI CHỈ HUY

Sau khi đi khảo sát chiến trường, thu thập thông tin và lắng nghe ý kiến về tình hình tập đoàn cứ điểm đã được củng cố, không còn mang tính chất phòng ngự dã chiến lâm thời như trước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” mang nhiều tính chủ quan, không đánh giá đúng thực lực hai bên và không thể đảm bảo chắc thắng. Đại tướng kiên quyết thay đổi cách đánh theo phương án “đánh chắc, tiến chắc”.

[Sách] Đại tướng Võ Nguyên Giáp 3
 
[Sách] Đại tướng Võ Nguyên Giáp 3
 

Sáng ngày 26/1, Đảng ủy Mặt trận họp khẩn cấp, thay đổi phương án chiến lược, Đại tướng kết luận: Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”. Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết, và kéo pháo ra.

Trong vòng gần 2 tháng sau đó, pháo được kéo ra, bộ đội ta tiếp tục đánh nghi binh, mở đường rộng hơn, dài hơn chung quanh núi rừng Điện Biên Phủ, rồi lại kéo pháo vào, xây dựng công sự kiên cố hơn, hào được đào sâu hơn, tiếp cận gần hơn căn cứ của quân Pháp, lương thảo, vũ khí từ hậu phương dồn lên cho mặt trận nhiều hơn. Tất cả chuẩn bị cho trận đánh dài ngày, có thể sang đến cả mùa mưa.

[Sách] Đại tướng Võ Nguyên Giáp 3
 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại