100 sự kiện về vị tướng huyền thoại trăm tuổi Võ Nguyên Giáp (P2)

Ban Biên tập |

(Soha.vn) - Năm 1946, Võ Nguyên Giáp kết hôn với Đặng Bích Hà là con gái đầu của người thầy đáng kính - Giáo sư Đặng Thai Mai.

Cuốn sách: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp : Tư lệnh của các Tư lệnh, Chính ủy của các Chính ủy - 100 sự kiện về vị tướng huyền thoại trăm tuổi" do Công ty sách Thái Hà phát hành đã tái hiện chi tiết cuộc đời vị tướng đại tài của dân tộc Việt Nam. Có được công trình này là nhờ những đóng góp rất lớn của gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp : ông Võ Điện Biên, ông Võ Hồng Nam, bà Võ Hạnh Phúc và Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp : Đại tá Trịnh Nguyên Huân, Đại tá Nguyễn Văn Huyên, Trung tá Lê Văn Hải cùng Trung tướng Phạm Hồng Cư, nhà sử học-Đại tá Trần Trọng Trung.

Chúng tôi xin được gửi tới quý độc giả một số trích đoạn đặc sắc từ cuốn "Đại tướng Võ Nguyên Giáp : Tư lệnh của các tư lệnh, Chính ủy của các chính ủy - 100 sự kiện về vị tướng huyền thoại trăm tuổi".

Phần I - Từ ấy (1911-1941)

Phần II - Những năm tháng không thể nào quên (1941-1946)

“Ông Giáp là vị tướng duy nhất trong lịch sử hiện đại tiến hành chiến đấu chống kẻ thù từ thế vô cùng yếu.”

Nhà sử học Cecil Currey,

Victory at any cost (Chiến thắng bằng mọi giá)

Ở giai đoạn 1941-1946, có thể nói dòng chảy chủ đạo của lịch sử Việt Nam đã định hình, đó là công cuộc giành độc lập dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Tuy nhiên, ngay từ đầu ta đã thấy đây là một cuộc chiến không cân sức giữa một lực lượng cách mạng mới thoát thai chưa được bao lâu với những thế lực ngoại bang tầm cỡ thế giới.

Chẳng hạn sau ngày Quốc khánh đầu tiên, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa chào đời đã phải đối phó với nhiều kẻ thù: với danh nghĩa Đồng minh giải giáp quân Nhật, ở miền Bắc 20 vạn quân Tưởng vào đóng quân từ bắc vĩ tuyến 16 đến biên giới Việt-Trung, tìm mọi cách lật đổ chính quyền cách mạng để tạo điều kiện cho lực lượng tay sai lên nắm quyền; ở miền Nam, nhằm giúp Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam, quân đội Anh thậm chí trang bị lại vũ khí cho cả quân Nhật để tiếp tay cho quân Pháp.

Khi đó, trên đất nước ta vẫn còn 6 vạn quân Nhật. Chưa kể lúc bấy giờ tình hình kinh tế trong nước tiêu điều, ngân khố trống rỗng, toàn dân vừa trải qua nạn đói khủng khiếp, trên 90% dân số mù chữ và hàng loạt tệ nạn xã hội khác. Thế và lực nhỏ yếu ấy của Việt Nam còn kéo dài trong suốt cuộc kháng chiến trường kì 30 năm tiếp theo. Cho nên không lạ nếu có một tổng kết chiến tranh cho rằng một trong những đặc điểm của cuộc chiến tranh cách mạng của Việt Nam (1945-1975) là lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông, dựa vào sức dân làm chủ để chiến thắng.

Nhận xét trên cũng tương tự như đánh giá về Võ Nguyên Giáp của Cecil Currey: “Ông Giáp là vị tướng duy nhất trong lịch sử hiện đại tiến hành chiến đấu chống kẻ thù từ thế vô cùng yếu…” Yếu tố hoàn cảnh và truyền thống quân sự có ý nghĩa vô cùng quan trọng để hình thành nên nghệ thuật đánh trận của một đạo quân, nhưng cũng không thể phủ nhận vai trò cá nhân của vị tướng chỉ huy đạo quân đó – ở đây chính là Võ Nguyên Giáp.

Ngoài ra, trong giai đoạn này,Võ Nguyên Giáp còn thể hiện tài năng và bản lĩnh của mình ở các lĩnh vực an ninh và ngoại giao. Với vai trò Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ông đã kí sắc lệnh tổ chức Tổng tuyển cử, xử lí nghiêm minh những hoạt động phản cách mạng,… Với tư cách là nhà ngoại giao, ông thay mặt Chính phủ Việt Nam kí Hiệp định với Pháp, làm Phó trưởng đoàn đàm phán tại Hội nghị Đà Lạt,…

Những hoạt động trên của Võ Nguyên Giáp diễn ra liên tục trên nhiều phương diện khác nhau trong một quãng thời gian tương đối ngắn phần nào đã phản ánh sự vận động và chuyển mình nhanh chóng của một chế độ mới thành hình đang phải ra sức để bảo vệ thành quả độc lập, tự do cho toàn dân tộc. Quả thực những năm tháng ấy không thể nào quên.

BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG

	Chân dung Võ Nguyên Giáp năm 1948

Chân dung Võ Nguyên Giáp năm 1948

Tháng 10 - 11/1946, tại kì họp thứ hai Quốc hội khóa I, ông Hồ Chí Minh được Quốc hội ủy nhiệm đứng ra thành lập chính phủ mới theo nguyên tắc đoàn kết và tập hợp nhân tài, không phân biệt đảng phái. Người tuyên bố trước Quốc hội: “Lần này là lần thứ hai mà Quốc hội giao phó cho tôi phụ trách chính phủ một lần nữa. Việt Nam chưa được độc lập, chưa được thống nhất thì bất kì Quốc hội ủy cho tôi hay cho ai cũng phải gắng sức mà làm. Tôi xin nhận”…, “Chính phủ sau đây phải là một chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái. Tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước Quốc dân, trước thế giới: Tôi chỉ có một đảng Việt Nam”, “Chính phủ sau đây phải là một chính phủ liêm khiết,… một chính phủ biết làm việc, có gan góc, quyết tâm đi vào mục đích: trong thì kiến thiết, ngoài thì tranh thủ độc lập và thống nhất của nước nhà”.

Quốc hội đã biểu quyết tán thành chính phủ mới do ông Hồ Chí Minh thành lập. Chính phủ mới có 14 thành viên, trong đó Võ Nguyên Giáp là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (cho đến tháng 7/1947 và từ tháng 7/1948 trở đi).

CUỘC HÔN NHÂN THỨ HAI

	Vợ chồng ông Võ Nguyên Giáp và bà Đặng Bích Hà cùng 5 người con

Vợ chồng ông Võ Nguyên Giáp và bà Đặng Bích Hà cùng 5 người con

Năm 1946, Võ Nguyên Giáp kết hôn với Đặng Bích Hà là con gái đầu của người thầy đáng kính - Giáo sư Đặng Thai Mai. Ông hơn bà 17 tuổi và khi họ lấy nhau tại Hà Nội, bà vừa mới bước sang tuổi 18. Đặng Bích Hà sinh năm 1928, là học sinh trường Albert Sarraut những năm 1940.

Đầu những năm 1960, bà sang Liên Xô học ngành Lịch sử. Sau đó bà về công tác tại Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và được phong hàm Phó giáo sư. Bà Đặng Bích Hà kể lại lần gặp gỡ với Võ Nguyên Giáp: “Lúc đó (1946) gia đình tôi ở Sầm Sơn, chính phủ thân Nhật mời cha tôi (Giáo sư Đặng Thai Mai) giữ một chức bộ trưởng. Cha tôi không nhận. Ông chuyển ra Hà Nội. Anh Giáp tìm tới thăm”.

Khi ấy, Võ Nguyên Giáp đã không khỏi ngỡ ngàng vì Đặng Bích Hà lúc này không còn là một cô bé con nữa mà đã trở thành một thiếu nữ dịu dàng, thông minh. Sau khi cưới nhau, Võ Nguyên Giáp cùng chính phủ kháng chiến lên căn cứ địa Việt Bắc. Đặng Bích Hà theo chồng đi kháng chiến. Tại đây 3 người con lần lượt ra đời: Hòa Bình (1951), Hạnh Phúc (1952), Điện Biên (1954). Khi trở về Hà Nội, họ có thêm người con trai út là Hồng Nam (1956).

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại