Đa cấp lừa: "Độ dốt người Việt cao" hay “tiền làm lóa mắt”?

Gia Bảo |

Ở Việt Nam, hoạt động kinh doanh đa cấp đã bị biến tướng và nhiều người rơi vào “ma trận ảo” này.

Kỳ 1: Góc tối tàn khốc của gã khổng lồ đa cấp: Con "hổ giấy" nợ nần
Kỳ 2: Góc tối tàn khốc của gã khổng lồ đa cấp: Sự thật dần hé lộ!
Kỳ 3: Góc tối tàn khốc của gã khổng lồ đa cấp: Kẻ thù nguy hiểm
Kỳ 4: Góc tối tàn khốc của gã khổng lồ đa cấp: Cuộc long tranh hổ đấu

Bản chất của đa cấp: Người trước “ăn” trên lưng người sau

Vài năm trở lại đây, báo chí đề cập nhiều tới sự nở rộ của mạng lưới kinh doanh đa cấp và những biến tướng gây hại cho không chỉ các “nạn nhân” của mô hình này.

Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh – Phó Viện trưởng viện kinh tế và thương mại quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội) cho rằng:

Ở Việt Nam đa cấp nở rộ là do “khách hàng dễ bị lừa quá, kiếm ăn dễ quá, nếu có bị phạt thì phạt nhẹ quá…”.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh khẳng định: Trên thực tế, kinh doanh đa cấp ở đâu bản chất cũng như nhau, người trước "ăn" trên lưng người sau.

“Ở Việt Nam cũng thế, không có gì khác, nhưng ở đâu họ “lừa” được nhiều hơn là do người ở đó dốt hơn, tham hơn.

Người Việt tham gia kinh doanh đa cấp giống như người Việt vỡ nợ quỹ tín dụng đen vậy”, bà Ánh nêu quan điểm.

“Nhiều người Việt thích làm giàu nhanh, ăn xổi, không tốn công - PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh.
“Nhiều người Việt thích làm giàu nhanh, ăn xổi, không tốn công" - PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh.

Phân tích về những nguyên nhân khiến số lượng người tham gia hoặc trở thành nạn nhân của mạng lưới đa cấp chưa có dấu hiệu giảm, bà Ánh lưu ý tới 2 nguyên nhân chính:

“Nhiều người Việt thích làm giàu nhanh, ăn xổi, không tốn công.

Thêm vào đó, họ ít hiểu biết về luật pháp cho nên chẳng sợ hãi gì, thậm chí, nhiều khi biết luật cũng không tuân thủ.

Cũng giống như việc treo biển cấm đổ rác nhưng người ta vẫn đổ đầy ngay chỗ đó”, vị PGS.TS này nhấn mạnh.

Cũng theo bà Ánh, ở nước ngoài quy định pháp luật chặt chẽ hơn nên tránh được những biến tướng từ đa cấp làm hại khách hàng.

Khách hàng ở một số nước cũng hiểu biết hơn nên không thể lừa được họ theo cách dễ dàng như vậy.

Còn ở Việt Nam, Nhà nước đã có nhiều quy định, nhưng vấn đề là sự trừng phạt không đến nơi đến chốn nên người ta vẫn núp bóng hay trốn tránh được.

Khi được hỏi vì sao số lượng “nạn nhân” của mạng lưới đa cấp ở Việt Nam nhiều như hiện nay, bà Ánh chia sẻ:

“Chắc chắn trên thế giới cũng có nhiều người dốt chứ dốt không phải đặc quyền của người Việt Nam. Nhưng mà nói chung độ dốt của người Việt cũng hơi cao”.

Từ quan điểm trên, bà Ánh cho rằng, những ai từng phải trả giá vì đa cấp là “đáng đời”.

“Làm gì có chuyện lương cao mà chỉ việc ngồi nhà thu tiền. Nghe đã không thể chấp nhận được rồi.

Tiên trách kỉ hậu trách nhân, người ta đi chào mời như thế thiên hạ biết bao người từ chối tại sao mình không biết từ chối?

Làm sao lại đi tin là một tháng người ta có thể trả cho mình mấy chục % tiền lãi được? Làm gì mà ra được như thế? In tiền cũng chẳng ra được như thế. Người ta vẫn mua tại vì người ta tham.

Chắc chắn trước khi trở thành nạn nhân, người ta cũng được nhiều người khuyên bảo đừng nên, nhưng các nạn nhân đó vì thấy sung sướng quá không chịu được, lại cứ nghĩ mình giỏi hơn thiên hạ, chúng nó chết chứ mình không chết”, bà Ánh nhận xét.

Trước câu hỏi khi nào những biến tướng của kinh doanh đa cấp mới ngưng hoành hành, bà Ánh đặt ngược lại câu hỏi với phóng viên: “Khi nào mới hết người tham, hết người tưởng tiền rải ra đường cứ cúi xuống lấy là được?”.

“Không phải dốt mà tiền làm lóa mắt!”

Không đồng tình với quan điểm của bà Ánh, ông Vương Ngọc Tuấn - Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (VINASTAS) cho rằng không phải họ dốt mà do “đồng tiền làm lóa mắt họ thì đúng hơn”.

Ông Tuấn phân tích, bản thân việc kinh doanh đa cấp phải xuất phát từ giá trị nền tảng của một sản phẩm. Từ giá trị đó họ phân phối theo các tầng khác nhau.

Nhưng ở Việt Nam không vậy. Giá trị thực của sản phẩm chỉ là cái rất nhỏ, nó biến tướng thành những giá trị ảo và họ sử dụng những giá trị ảo đó để lừa dối lẫn nhau.

Theo ông Tuấn, các đối tượng tham gia vào mạng lưới gồm cả những người có học thức và có tiền. Vì lòng tham, họ lao theo mong muốn đó.

Số còn lại là những người vì khó khăn trong tiền nong, mong muốn kiếm tiền nên bị lôi kéo vào. Không chỉ sinh viên còn có cả những người đã về hưu rồi cũng tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp.

“Họ có điểm giống nhau đó là nhẹ dạ và lầm tưởng rằng tiền sinh ra một cách dễ dàng. Họ ý thức rõ thực tế, nhưng lại rất mất cảnh giác.

Thực tế, tiền không bao giờ sinh ra một cách dễ dàng theo cách ấy được. Tiền là sản phẩm từ tay người này sang tay người khác. Tự nhiên mà nảy ra tiền hoặc tiền lại vượt quá giá trị thực của nó thì chỉ là sự lừa dối.

Họ thừa hiểu rằng không phải đồng tiền sinh ra một cách dễ dàng. Họ rất có kiến thức, nhưng họ vẫn cố tình tham gia”, ông Tuấn khẳng định.

Theo ông Tuấn, các đối tượng tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp gồm cả những người có học thức và có tiền. Vì lòng tham, họ lao theo mong muốn đó. (Ảnh: Long Nguyễn)
Theo ông Tuấn, các đối tượng tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp gồm cả những người có học thức và có tiền. Vì lòng tham, họ lao theo mong muốn đó. (Ảnh: Long Nguyễn)

Nói về lý do họ “cố tình tham gia”, ông Tuấn cho rằng, họ bị các đối tượng liên quan lôi kéo. Khi đã vào cuộc và phải trả giá rồi, họ sẽ cuốn theo những người khác mà chủ yếu là người thân của chính họ.

“Tất nhiên, việc quản lý của cơ quan chức năng cũng là một vấn đề… Chúng ta nới lỏng quản lý nên hành vi kinh doanh đa cấp theo kiểu biến tướng vẫn tiếp diễn”, ông Tuấn nói thêm.

Để ngăn chặn sự biến tướng đó, theo ông Tuấn chỉ có cách tăng cường công tác quản lý, kiểm soát, tuyên truyền, giáo dục để mọi người hiểu rõ về chuyện kinh doanh đa cấp và không tham gia.

“Với các nạn nhân, tôi cho rằng họ phải đấu tranh trực tiếp với ông chủ doanh nghiệp đó đồng thời tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý.

Chúng tôi chỉ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính. Hội không thể tham gia vào chuyện đó được”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Giám đốc Công ty luật Thiên Minh
Luật sư Vi Văn Diện
Những công ty kinh doanh đa cấp vi phạm pháp luật là những công ty chưa được cấp phép nhưng vẫn hoạt động, nói đúng hơn, là hình thức kinh doanh trái phép, là hoạt động tội phạm hình sự. Hành vi phạm tội này được luật hoá cụ thể ở 3 tội danh: Kinh doanh trái phép; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trốn thuế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại