LTS: Vẫn tồn tại đâu đó trong nền kinh doanh đa cấp (KDĐC) đầy nhiễu loạn là không nhiều những tên tuổi lớn, có thương hiệu, tạo ra (hoặc phân phối) những sản phẩm đủ chất lượng để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng hoặc cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường.
Thế nhưng, thẳm sâu dưới đáy tảng băng huy hoàng, lại chính là những gam màu lạnh tăm tối mà các công ty này đang cố công giấu đi. Ở đó, thực sự là một thế giới lạ kỳ, tàn khốc và lấm lem thiện ác. Nơi mà có thể rất nhiều người chưa từng nghe nói tới…
Kỳ 1: Góc tối tàn khốc của gã khổng lồ đa cấp: Con "hổ giấy" nợ nần
Kỳ 2: Góc tối tàn khốc của gã khổng lồ đa cấp: Sự thật dần hé lộ!
Kỳ 3: Góc tối tàn khốc của gã khổng lồ đa cấp: Kẻ thù nguy hiểm
Mưu ma, chước quỷ
Tôi lại tìm gặp Nam sau khi đã hiểu được phần nào về sự khốc liệt trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp, ở cấp độ mà dường như chỉ có những thủ lĩnh cao nhất mới được dịp tận kiến.
Hóa ra, Nam - bạn tôi, lại là chỗ thân tình của "Kim cương" Bắc, một thủ lĩnh mệt mỏi sau khi tự choàng lên mình chiếc áo danh hiệu viển vông rộng thùng thình, rồi bây giờ đang phải oằn mình bù lỗ khoảng 30 triệu/tháng nhằm duy trì hệ thống.
Một buổi tôn vinh hoành tráng của công ty A tổ chức tại Mỹ Đình (Hà Nội)
Theo lời Nam, việc giá chợ đen xuống quá thấp khiến các nhà phân phối mới không thể bán được hàng và bỏ cuộc.
Tuy nhiên, với các thủ lĩnh, họ có nhiều phương pháp khác để duy trì sự ổn định doanh số. Một trong số đó chính là phương pháp "tuyển mới liên tục".
"Không phải thủ lĩnh nào cũng đủ dũng cảm ôm hàng. Ho chuyển gánh nặng đó bằng cách hô hào phía dưới. Đây là cách làm rất tàn nhẫn và đáng bị lên án. Tiếc thay, chẳng có chế tài nào để kiểm soát", Nam nói.
Theo lời cựu "Bạch kim" của công ty A, thay vì nỗ lực giao thương để giải phóng hàng hóa, những thủ lĩnh dạng này tập trung mạnh vào mảng tuyển dụng và truyền thông. Họ tỏa nhánh đi khắp nơi để liên tục tuyển người mới vào hệ thống.
Sau đó, thông qua những buổi đào tạo tự phát, họ "nhồi nhét" vào đầu người mới tư tưởng "ôm" hàng để thể hiện bản lĩnh kinh doanh và quyết tâm làm giàu.
"Họ quan niệm, người mới vẫn còn dồi dào tài chính nên có cơ hội phải lợi dụng ngay.
Những câu nói quen thuộc nhóm thủ lĩnh này với người mới thường là: Kinh doanh ngành nào chẳng phải bỏ vốn đầu tư và sợ hãi không phải là bản tính của người giàu", cậu bạn thân thông tin.
Thế nhưng, cũng theo Nam, với kinh nghiệm rút ra từ bản thân, cuộc chiến trụ hạng bằng việc ăn xổi, tuyển mới liên tục vẫn chỉ là câu chuyện của những thủ lĩnh làng nhàng về trình độ và nhẫn tâm.
Còn với những lão làng thực sự trong lĩnh vực kinh doanh đầy thị phi này, đẳng cấp nhất phải nói đến phương pháp “đánh cả cụm”. Tức là tuyển dụng cùng một lúc cả một hệ thống từ công ty đa cấp khác về dưới trướng của mình.
Nhiều người xếp hàng đóng tiền để được làm “đại lý” cho một công ty đa cấp. Ảnh: Người lao động
Cuộc chiến thủ lĩnh
Cậu bạn giải thích, mỗi thủ lĩnh sẽ có ít nhiều tuyến dưới trung thành. Hệ thống càng lớn thì càng nhiều người trung thành. Những người này sẵn sàng đi theo thủ lĩnh nếu cấp trên của họ chuyển sang công ty đa cấp khác.
Chính vì vậy, khi phát hiện bất cứ thủ lĩnh nào có dấu hiệu mệt mỏi và muốn chuyển hướng, lập tức trong thế giới đa cấp lại xảy ra một cuộc long tranh hổ đấu, giành giật rất khủng khiếp.
Những cuộc tranh cướp này đã tạo ra cuộc chiến vô tiền khoáng hậu giữa các thủ lĩnh.
"Thủ lĩnh" luôn là điều được thèm khát trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp
Nó cũng giống như việc chiêu mộ hiền tài ở kinh doanh truyền thống, nhưng có lẽ ở cấp độ cao hơn và khốc liệt hơn. Bởi các thủ lĩnh đa cấp đều là bậc thầy về nghệ thuật diễn thuyết và thuyết phục lòng người”, Nam nhận xét.
Cũng trong buổi trò chuyện với tôi, Nam - với những trải nghiệm thực tế của gần 3 năm máu lửa, đã khẳng định rằng, trong giới kinh doanh đa cấp đã và đang tồn tại những nhóm người vô cùng đặc biệt, gọi là "nhóm hớt váng".
Theo mô tả, “nhóm hớt váng” được thành lập từ nền tảng những thủ lĩnh thủa sơ khai của nền kinh doanh đa cấp tại Việt Nam, công bằng mà nói, đều là những cá nhân xuất sắc và thiện chiến.
Họ tụ lại với nhau thành một nhóm kiểu biệt kích, chỉ "đánh phá" các trọng điểm rồi rút quân. Chính vì vậy, họ có xu hướng "hớt váng" thị trường khi biết một công ty đa cấp chuẩn bị đổ bộ vào Việt Nam. Họ được trả rất nhiều tiền cho việc này.
"Họ ăn lương của các công ty đa cấp mới để đi lôi kéo các thủ lĩnh mệt mỏi từ các công ty khác về dưới trướng. Sau đó, khi đã có một hệ thổng đủ ổn định, họ sẽ trao trả lại cho công ty trên các nguyên tắc thỏa thuận trước đó", Nam giải thích.
Cay đắng nhớ lại thời kỳ đen tối phải căng mình ra giữ hệ thống, rồi trở thành con nợ của các đường dây tín dụng đen, Nam nhìn xa xăm về phía cuối phố, kết luận:
“Tôi ước rằng, mình chưa từng biết đến đa cấp. Cuối cùng thì tôi cũng đã có một công việc thực sự, làm công ăn lương thôi, nhưng nhờ nó tôi nuôi sống được bản thân và gia đình. Đó là hạnh phúc”.
Tự bao giờ, một cơn gió lạnh đã ùa đến len lỏi vào ngực áo tôi, xua đi chút hơi ấm vừa kịp tụ lại đến. Người tôi bỗng run lên sau hàng loạt những "cơn sóng dữ" mang tên đa cấp...
Những phản hồi đầu tiên
Để phục vụ tư liệu cho tuyến bài này, ngày 14/9, với đầy đủ thủ tục theo luật báo chí, PV đã đặt lịch làm việc với công ty đa cấp A tại văn phòng ở quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Tại đây, PV được nhân viên phụ trách truyền thông của công ty hướng dẫn cách sử dụng thư điện tử để gửi câu hỏi, đồng thời cho biết cũng sẽ xin ý kiến với lãnh đạo công ty để bố trí lịch làm việc sớm với PV.
Tuy nhiên cho đến nay, ngoài một bức thư phúc đáp của nhân viên tên Đào Thị Bích Thủy gửi ngày 21/9 cho biết lãnh đạo đang đi họp ở nước ngoài, công ty A vẫn chưa có bất cứ một phản hồi nào khác cho những vấn đề PV đưa ra.