Góc tối tàn khốc của gã khổng lồ đa cấp: Kẻ thù nguy hiểm

Long Nguyễn |

Dường như nhận ra việc thị trường chợ đen bị thả nổi và cơn bão bán phá giá đang đe dọa trực tiếp vị thế vững chãi của mình, công ty A mới đây đã liên tục có giải pháp cứng rắn.

LTS: Vẫn tồn tại đâu đó trong nền kinh doanh đa cấp (KDĐC) đầy nhiễu loạn là không nhiều những tên tuổi lớn, có thương hiệu, tạo ra (hoặc phân phối) những sản phẩm đủ chất lượng để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng hoặc cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường.

Thế nhưng, thẳm sâu dưới đáy tảng băng huy hoàng, lại chính là những gam màu lạnh tăm tối mà các công ty này đang cố công giấu đi. Ở đó, thực sự là một thế giới lạ kỳ, tàn khốc và lấm lem thiện ác. Nơi mà có thể rất nhiều người chưa từng nghe nói tới…

Kỳ 1: Góc tối tàn khốc của gã khổng lồ đa cấp: Con "hổ giấy" nợ nần
Kỳ 2: Góc tối tàn khốc của gã khổng lồ đa cấp: Sự thật dần hé lộ!

Những nỗ lực khôi phục lòng tin

Không lâu sau lời hứa sẽ giúp tôi tường tận ngọn ngành công việc của những "người giàu có thực sự", Hữu cho tôi xem một thư đề nghị, do giám đốc kinh doanh của công ty A ký ngày 8/8/2015, gửi tới một thành viên trong nhóm cậu.

Đó là một bức thư có nội dung yêu cầu người nhận phải dừng ngay các hoạt động chào bán giá rẻ các sản phẩm của công ty A trên website, bởi như vậy là xâm phạm quyền và ích lợi hợp pháp của công ty này, bao gồm thương hiệu và giá bán.


Bức thư đề nghị của công ty đa cấp được coi là một nỗ lực khôi phục lòng tin của nhà phân phối

Bức thư đề nghị của công ty đa cấp được coi là một nỗ lực khôi phục lòng tin của nhà phân phối

Theo Hữu, đây chính là những động thái vội vã của công ty A, nhằm chấn chỉnh lại bộ máy phân phối cồng kềnh đầy bất cập, phần vì phát triển nóng và cũng phần vì không được kiểm soát.

Hữu phân tích: "Công ty thì chỉ biết bán và bán đúng giá. Do đó có thể thấy, các nhà phân phối càng "ôm" nhiều hàng thì công ty lại càng có lợi.

Tuy nhiên đến nay, khi thị trường bị phá nát vì có quá nhiều sản phẩm bị bán phá giá, nhiều nhà phân phối lao đao và quyết định dừng hợp tác thì dường như công ty A mới nhận ra đâu là vấn đề.

Họ đang cố điều chỉnh lại thị trường bằng nhiều cách cứng rắn, và cũng để đe nẹt chúng tôi nữa. Tuy nhiên, đó không phải tất cả, cốt lõi là phải ngăn được tình trạng "ôm" hàng từ các nhà phân phối".

Rồi đầu nậu gom hàng đa cấp giá rẻ này cũng lật giở một xấp tài liệu được phát hành chính thức bởi công ty A và chỉ cho tôi xem phần gọi là "các quy tắc ứng xử".

Trong đó, công ty này khẳng định, họ sẽ có những chế tài rất nặng (cao nhất là cắt hợp đồng) với những nhà phân phối có biểu hiện bán phá giá.

"Về nguyên tắc, các công ty đa cấp đều cho phép nhà phân phối trả lại hàng sau một thời hạn nhất định và chỉ bị trừ trên dưới 10% tổng giá trị đơn hàng.

Tuy nhiên, với những người bị xoáy vào guồng quay này, chẳng mấy ai dũng cảm làm điều đó vì như vậy đồng nghĩa với việc sẽ họ bị cắt mã số, chấm dứt kinh doanh, xấu hổ ê chề với các tuyến dưới", Hữu nói.

Chia sẻ quan điểm về những động thái mạnh mẽ từ công ty A, Hữu nói, chẳng đáng lo ngại vì việc các nhà phân phối tháo chạy khỏi núi hàng hóa bằng cách bán phá giá là nhu cầu có thực, có cấm cũng chẳng được.


Các lãnh đạo cao cấp của công ty đa cấp đang gặp gỡ một đầu nậu bán phá giá (áo cam) để thương thuyết (Ảnh chụp tháng 8/2015)

Các lãnh đạo cao cấp của công ty đa cấp đang gặp gỡ một đầu nậu bán phá giá (áo cam) để thương thuyết (Ảnh chụp tháng 8/2015)

Cũng theo lời đầu nậu 28 tuổi, ngoài việc đồng loạt gửi thư cảnh báo cho tất cả các chủ sở hữu những website bán phá giá sản phẩm, các lãnh đạo cao cấp của công ty này còn tìm mọi cách gặp những đầu mối tín dụng đen để đưa "tối hậu thư".

Hữu không tiết lộ cho tôi nội dung thương thảo, nhưng nói rằng không nhiều đầu mối bán phá giá và tín dụng đen đồng ý với những điều kiện công ty A đưa ra. Hoặc nói đúng hơn là họ thách thức với các nỗ lực mà công ty này đang triển khai...

Một số thành viên mạng lưới bán hàng đa cấp. Ảnh: Pháp luật Xã hội
Một số thành viên mạng lưới bán hàng đa cấp. Ảnh: Pháp luật Xã hội

Rũ chân khỏi bùn lầy

Câu chuyện giữa tôi và Hữu bỗng bị gián đoạn bởi sự xuất hiện của một người đàn ông chừng 40 tuổi, có dáng vẻ mệt mỏi. Hữu giới thiệu, đó là anh Bắc, một "Nhà phân phối Kim cương" của công ty A, thuộc hệ thống F, bắt nguồn từ Đài Loan.

Hữu giải thích ngắn gọn rằng, mạng lưới nhà phân phối A tại Việt Nam không tự sinh ra, mà hầu hết được bắt nguồn từ các hệ thống A đến từ các thị trường lâu đời hơn như Đài Loan, Thái Lan hay Malaysia.

Việc này được hiểu là các nhà phân phối ngoại quốc có quyền sang Việt Nam tuyển dụng người vào hệ thống, qua đó cũng được hưởng phần trăm doanh số. Những người này được gọi là bảo trợ quốc tế.


Hữu (trái) chia sẻ với PV những thông tin về mặt trái ánh hào quang của các thủ lĩnh đa cấp, ảnh chụp tháng 8/2015.

Hữu (trái) chia sẻ với PV những thông tin về mặt trái ánh hào quang của các thủ lĩnh đa cấp, ảnh chụp tháng 8/2015.

Hữu thỏa thuận và anh Bắc cũng nhanh như cách cậu thỏa thuận với Triều dạo nọ. Theo đó, Hữu nhận “chạy điểm” cho anh Bắc thêm 3 tháng nữa, mỗi tháng 7.000 điểm, tương đương với gần 200 triệu đồng. Tuy nhiên, cách thực hiện có nhiều khác biệt.

Theo đó, Hữu sẽ nhận trước của vị thủ lĩnh 60 triệu đồng vào mỗi đầu tháng, sau đó sẽ chia đều để mua thêm vào mã sỗ anh Bắc cung cấp khoảng 140 triệu đồng nữa trước ngày cuối tháng và lấy về toàn bộ số hàng hóa.

“Với mức chiết khấu 30% như này, tôi chỉ cần bỏ ra 140 triệu đồng là sẽ thu về 200 triệu tiền hàng. Cách làm này rất hợp lý trong bối cảnh công ty A tuyên bố sẽ để mắt đến những mã số "chốt" quá nhiều hàng vào cuối tháng", Hữu giải thích.

Cũng theo lời người thanh niên này, những thủ lĩnh già như anh Bắc có thể dự đoán được gần đúng sức mua cả tháng của hệ thống mình. Do đó, ngay từ đầu tháng đã lên phương án "chạy điểm" chứ không phải chờ đến lúc chốt doanh số.

Hữu nhẩm tính rồi nói: "Với mức chi trả hoa hồng hiện tại của công ty A cho việc ôm hàng để giữ ổn định doanh số, anh Bắc đang lỗ khoảng 18 triệu/tháng. Tính cả các chi phí đi lại, hội họp..., thì con số này không dưới 30 triệu/tháng".


Một mẩu rao vặt cho vay tín dụng được rải ngay trong buổi hội nghị tôn vinh của một công ty đa cấp.

Một mẩu rao vặt cho vay tín dụng được rải ngay trong buổi hội nghị tôn vinh của một công ty đa cấp.

Một chuyên viên công ty đa cấp đang tư vấn các khách hàng là sinh viên. Ảnh: Người đưa tin
Một chuyên viên công ty đa cấp đang tư vấn các khách hàng là sinh viên. Ảnh: Người đưa tin

Trước thắc mắc của tôi là tại sao anh Bắc không nghỉ hẳn đi cho đỡ khổ sở, Hữu cười, giải thích rằng vị thủ lĩnh này cũng tâm sự muốn "rũ bùn đứng dậy" lắm, nhưng lâm vào cảnh há miệng mắc quai.

Theo đó, trong một nỗ lực lên chức để hiện thực hóa giấc mơ giành phần thưởng đi du lịch nước ngoài, "Kim cương" Bắc do đã quá kiệt quệ tài chính, mới ngỏ ý vay tiền của người bảo trợ quốc tế.

Thoản thuận được thông qua với điều kiện "Kim cương" Bắc phải giữ vững được doanh số hệ thống trong ít nhất 6 tháng. Như vậy, sau chuyến du lịch đẳng cấp 5 sao, cái giá phải trả của vị thủ lĩnh "Kim cương" là triền miên những tháng ngày lao tâm khổ tứ để bù điểm.

Hữu cũng chia sẻ rất thật tâm rằng, trong số các thủ lĩnh nợ nần mà cậu gặp, trường hợp tiến thoái lưỡng nan như anh Bắc không hiếm gặp. Rồi Hữu ngao ngán:

"Xét cho cùng, họ vẫn chỉ là những thủ lĩnh có trách nhiệm và đáng thương. Trong nền kinh doanh này, còn có nhiều cách khác để duy trì doanh số hệ thống và "ôm" hàng chỉ là một trong những cách ít tàn khốc nhất...".

(Còn nữa)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại