Góc tối tàn khốc của gã khổng lồ đa cấp: Con "hổ giấy" nợ nần

Long Nguyễn |

Ngoài dáng vẻ bóng mượt thường bị gọi xách mé là "hổ giấy", những thủ lĩnh kinh doanh đa cấp còn sở hữu nhiều thứ khác, như những khoản nợ hoặc đống hàng tồn chất cao như núi...

LTS: Vẫn tồn tại đâu đó trong nền kinh doanh đa cấp (KDĐC) đầy nhiễu loạn là không nhiều những tên tuổi lớn, có thương hiệu, tạo ra (hoặc phân phối) những sản phẩm đủ chất lượng để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng hoặc cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường.

Thế nhưng, thẳm sâu dưới đáy tảng băng huy hoàng, lại chính là những gam màu lạnh tăm tối mà các công ty này đang cố công giấu đi. Ở đó, thực sự là một thế giới lạ kỳ, tàn khốc và lấm lem thiện ác. Nơi mà có thể rất nhiều người chưa từng nghe nói tới…

“Bùa đa cấp”

Tôi lần đầu nghe đến cái tên công ty A, khi một người bạn của tôi – anh Nguyễn Hải Nam, quyết định gia nhập mạng lưới bán hàng đa cấp của công ty này vào cuối năm 2011.

Cũng giống như những gì các bạn từng nghe về một "tín đồ đa cấp" thứ thiệt, trong suốt quãng thời gian đắm chìm trong khát vọng đổi đời nhanh chóng, anh Nam cùng vợ - chị Mai, dường như lột xác thành những con người khác hẳn.

Trong nỗ lực vỗ về giấc mộng lầu son gác tía thông qua con đường KDĐC, cứ hễ hai vợ chồng mở miệng, là chỉ thấy một tình yêu bất diệt với công ty A, lúc nào cũng hừng hực cuộn chảy như dòng sông Đà đầy sóng gió.


Một buổi lễ vinh danh thưởng đầy hoành tráng của công ty đa cấp được tổ chức tại Hà Nội (Ảnh: LN)

Một buổi lễ vinh danh thưởng đầy hoành tráng của công ty đa cấp được tổ chức tại Hà Nội (Ảnh: LN)

Thế nhưng, những chuyện cười ra nước mắt đó đã là của quá khứ.

Hôm nay, ngồi trước mặt tôi, Nam đã trở lại công việc cũ, đoạn tuyệt hẳn với công ty đa cấp nọ, đồng thời thừa nhận, cảm giác “đặt lại chân xuống mặt đất sau nhiều tháng bay trên giời” không hề là trải nghiệm thú vị.

Nam cũng chia sẻ thẳng thắn, sau gần 3 năm, vợ chồng cậu đã kịp "nướng" hết gần 200 triệu đồng mà chẳng thu về được một đồng một cắc nào, ngoài đống hàng tồn vẫn còn chất cao như núi, không thể bán hết.


Kho hàng tại nhà một thủ lĩnh công ty đa cấp, gồm nhiều thực phẩm chức năng và hóa mỹ phẩm, chụp tháng 9/2015 (Ảnh: LN)

Kho hàng tại nhà một thủ lĩnh công ty đa cấp, gồm nhiều thực phẩm chức năng và hóa mỹ phẩm, chụp tháng 9/2015 (Ảnh: LN)

Rồi Nam cho tôi xem những "vinh quang còn sót lại" sau khi 2 vợ chồng bùng cháy hết mình để leo đến chức danh "Nhà phân phối Bạch kim" (Platinum) của công ty A, với doanh số khoảng 300 triệu đồng/ tháng.

Đó là đủ các loại chai lọ, thùng hộp vứt ngổn ngang trong gian phòng tối, phủ mờ bụi thời gian, một số đã hết hạn sử dụng, có giá trị lên tới nhiều trăm triệu đồng.

Nam bảo, sau khi nghỉ làm, cậu cũng đã cố công thanh lý, nhưng chỉ được phần nào, bởi lượng hàng tồn ngoài thị trường là quá lớn trong khi sức mua thấp. Bán rẻ cũng chẳng mấy người hỏi mua.

Trước ánh mắt ái ngại của tôi, cựu thủ lĩnh của công ty có hơn 50 năm lịch sử này gượng gạo cho biết, tất cả là do quá trình dài hai vợ chồng cậu gắng gượng "ôm" hàng để "chạy điểm", hòng đạt và giữ vững được danh hiệu.

"Ôm hàng là việc tự bỏ tiền để mua thêm hàng vào hệ thống, qua đó đạt được doanh số quy định trả thưởng hoặc lên chức. Nếu không, sẽ vỡ cả hệ thống!", Nam nói.

Hình ảnh người dân kéo đến một công ty đa cấp đòi tiền. Ảnh cắt từ clip của CTV
Hình ảnh người dân kéo đến một công ty đa cấp đòi tiền. Ảnh cắt từ clip của CTV

Nghệ thuật giữ hệ thống

Theo giải thích, doanh số của một nhà phân phối trong lĩnh vực KDĐC được tính bằng tổng lượng hàng của cả hệ thống từ khi người đó mua vào trong một tháng. Trên cơ sở đó, công ty sẽ xét danh hiệu, thu nhập, cùng các phần thưởng.

Trong trường hợp tháng kế tiếp không đạt được mốc doanh số như tháng trước, nhà phân phối sẽ bị đánh tụt hạng. Thu nhập và cơ hội đạt các phần thưởng cũng vì đó mà giảm đi.

"Việc bị tụt hạng là điều rất khó chấp nhận trong ngành nghề kinh doanh có đặc tính sao chép rất cao này. Tuyến trên bị tụt, tuyến dưới lập tức sẽ mất tinh thần và tụt theo, kiểu quân bài đổ domino.

Vì lẽ đó, không ít nhà phân phối quyết định tự mình "ôm" hoặc huy động tuyến dưới cùng "ôm" một lượng hàng lớn để giữ hệ thống và tôi cũng không ngoại lệ", Nam lý giải cặn kẽ hơn về lý do cậu "ôm" cả núi hàng.


Thẻ thành viên bán hàng đa cấp mà công ty cấp cho tác giả.

Thẻ thành viên bán hàng đa cấp mà công ty cấp cho tác giả.

Nhưng Nam không phải là con nợ duy nhất trong lĩnh vực kinh doanh đầy thị phi này. Trong quá trình thu thập dữ liệu để hoàn thiện tuyến bài, tôi thậm chí đã trở thành thành viên một công KDĐC, qua đó gặp và tiếp xúc với rất nhiều trường hợp tương tự.

Họ đều là những thủ lĩnh cao cấp của các công ty đa cấp danh tiếng, hào nhoáng bề ngoài, nhưng ẩn chứa thẳm sâu là những bộn bề lo lắng.

Khốn khổ hơn, nhiều người trong số họ thậm chí còn nợ chồng chất, bởi thêm khoản chi tiêu quá đà cho tiệc tùng và trang phục, những thứ khiến một thủ lĩnh nghĩ rằng, trông họ giàu có và thành đạt hơn.

"Việc sinh hoạt và ăn mặc như người giàu có, sẽ giúp các nhà phân phối tăng cao khả năng tuyển dụng được những người thành đạt, có nhiều tiền", Nam chia sẻ.


Thùng hàng chứa đầy mỹ phẩm có giá cả trăm triệu đồng tại nhà một thủ lĩnh của công ty đa cấp, chụp tháng 9/2015 (ảnh: LN)

Thùng hàng chứa đầy mỹ phẩm có giá cả trăm triệu đồng tại nhà một thủ lĩnh của công ty đa cấp, chụp tháng 9/2015 (ảnh: LN)

"Chốt doanh số" cuối tháng

Trong quá trình thâm nhập công ty A để tận thấy những gì tàn khốc và tăm tối nhất của lĩnh vực kinh doanh đa cấp, tôi được đự một buổi họp "chốt doanh số" của một thủ lĩnh đạt danh hiệu "Ngọc lục bảo" (Emerald), tên Triều.

Xung quanh chiếc bàn gỗ tròn đã sờn cũ, 4 “đầu nhánh” của Triều đã có mặt đủ cả, ai cũng cười nhưng không giấu nổi nét suy tư. Triều ghé sát tai giải thích với tôi, vốn là thành viên mới nhất trong hệ thống:

“Thời điểm cuối tháng rất quan trọng, đây là lúc hệ thống máy tính sẽ thống kê doanh số của từng nhà phân phối. Vì thế, mọi người nên ngồi lại với nhau để tính toán, nếu thiếu thì "cố một tí", đỡ phí công cả tháng".


Công ty luôn chật cứng người mua hàng vào mỗi dịp cuối tháng (Ảnh: LN)

Công ty luôn chật cứng người mua hàng vào mỗi dịp cuối tháng (Ảnh: LN)

Việc "cố một tí" được hiểu là mua thêm hàng vào hệ thống cho đủ chỉ tiêu đạt thưởng. Hay còn gọi là "chốt hàng", "chốt doanh số", "chạy điểm"...

Trong trường hợp cụ thể của Triều, “cố một tí” đồng nghĩa với việc gần 2000 người trong hệ thống của anh ta (thực ra chỉ có khoảng 50, 60 người hoạt động) sẽ cùng “chốt hàng” tới mức mong muốn của mỗi cá nhân họ. Thông qua đó, doanh số của Triều cũng tăng theo.

Triều vẽ vào cuốn sổ tay một vòng tròn nhỏ rẽ nhánh ra tứ phía, rồi điền tên mình vào giữa. Ở những đầu nhánh, anh ta lại vẽ thêm nhiều vòng tròn khác, rồi cũng điền vào đó các tên và ghi doanh số của từng người ngay bên cạnh.

Nhìn vào bản đồ vừa được vẽ, tôi thấy rằng, tất cả các đầu nhánh của Triều đều chưa ai đủ mức doanh số tương đương tháng trước. Với Triều, anh ta còn thiếu tới hơn 120 triệu đồng để giữ vững vị trí "Ngọc lục bảo".

Tất cả khoản thiếu hụt này sau đó được Triều thuyết phục các thành viên tự bỏ tiền túi để mua thêm hàng vào mã số, người ít nhất là 12 triệu đồng.

Những chiếc bàn được kê sẵn thuận tiện cho việc các nhà phân phối đào tạo, tuyển dụng hoặc bàn bạc kế hoạch chốt hàng (Ảnh: LN)
Những chiếc bàn được kê sẵn thuận tiện cho việc các nhà phân phối đào tạo, tuyển dụng hoặc bàn bạc kế hoạch "chốt hàng" (Ảnh: LN)

Lại một lần nữa, Emerald Triều cùng hệ thống không phải là hội nhóm duy nhất tại công ty hùng mạnh A giữ vững hệ thống bằng cách "chốt hàng" gian trá. Chính từ những buổi "chốt hàng" kiểu này đã cho ra đời một thị trường chợ đen cực kỳ sôi động.

Ở đó, có đầy rẫy những con buôn toan tính, trở lên giàu có bằng cách phá nát thị trường các dòng sản phẩm đa cấp và cũng có cả những thủ lĩnh đớn hèn...

(Còn nữa)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại