Âm mưu xây dựng một Trung Quốc "nhỏ"
Tình hình Biển Đông trong những tuần gần đây vô cùng phức tạp khi Mỹ - Trung đụng độ trên biển, Trung Quốc tăng cường mở rộng xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam...
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên UVTƯ Đảng, nguyên Tư lệnh quân khu 4 nhận định, những hành động ngang ngược của Trung Quốc cho thấy, dường như nước này đang muốn có thêm một “Trung Quốc nhỏ” ngoài biển để khống chế Biển Đông.
"Trung Quốc đã đưa cả radar tầm xa, súng phòng không, cũng như tiến hành các chuyến bay giám sát để tăng cường sức mạnh quân sự trên các hòn đảo nhân tạo xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Chứng tỏ ý đồ muốn biến Biển Đông thành ao nhà của nước này đã khá rõ ràng.
Chúng ta phải cứng rắn, kiên quyết bền bỉ đấu tranh giữ cho bằng được những thứ thuộc chủ quyền của Việt Nam", tướng Thước nhấn mạnh.
Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Nhã cũng khẳng định, hành động cải tạo, xây dựng trái phép các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam đã thể hiện rõ mưu đồ bá quyền của nước này.
Những hành động đó không những xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam mà còn đi ngược lại luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
"Trung Quốc luôn rêu rao là một nước lớn mong muốn hòa bình, ổn định, cùng phát triển nhưng ngay sau đó, họ lại luôn gia tăng các hành động ngang ngược, sai trái để làm căng thẳng, phức tạp thêm tình hình, tạo những mối nguy khó lường.
Và việc biến các đảo chiếm đóng trái phép của Việt Nam thành các căn cứ quân sự là vô cùng nguy hiểm. Nó thể hiện rõ bản chất của Trung Quốc và âm mưu độc chiếm Biển Đông của nước này", Tiến sĩ Nguyễn Nhã nhấn mạnh.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép ở bãi Vành Khăn của Việt Nam - Ảnh: CSIS
TS Nguyễn Nhã cũng nhắc lại, tại một hội thảo về Biển Đông khi Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ông đã nêu phương châm hành động của Việt Nam, đó là “không sợ”.
"Tại sao lại không sợ, bởi lẽ, nếu có biến động xảy ra ở Biển Đông thì không bên nào có lợi nhưng quốc gia bị thiệt hại nhiều nhất chắc chắn là Trung Quốc.
Biển Đông là khu vực giao thông hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới nên không ai chấp nhận những hành động ngang ngược ở đây cả. Sự vào cuộc với những hành động tích cực của Mỹ hay sự lên tiếng mạnh mẽ của Ấn Độ đã cho thấy rõ điều đó.
Cũng phải nói rõ ràng, với Trung Quốc, Biển Đông rất quan trọng khi đây là con đường hàng hải mà hàng hóa xuất nhập khẩu của Trung Quốc đều đi qua.
Vì vậy, Trung Quốc rất muốn giữ ổn định ở đây để phát triển. Việc gây thêm căng thẳng để kéo đến đụng độ, thậm chí xung đột sẽ càng có hại cho nước này.
Thiệt hại đó, không chỉ về kinh tế mà lớn hơn là về chính trị, tầm của Trung Quốc sẽ càng bị đánh giá thấp trên trường quốc tế.
Còn Việt Nam chúng ta có thế mạnh là sự thật pháp lý chứng tỏ chủ quyền của chúng ta tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nếu chúng ta không sợ" nữa thì chắc chắn Trung Quốc không dám lấn tới", TS Nhã bày tỏ.
Cần thảo luận vấn đề Biển Đông công khai ở Quốc hội
Tiến sỹ Nhã cũng cho rằng, chính chủ nghĩa bá quyền, bành trướng Đại Hán đã ăn quá sâu trong một bộ phận lãnh đạo của Trung Quốc là một trong những lý do khiến nước này gia tăng các hành động ngang ngược trên Biển Đông trong thời gian qua.
Thêm vào đó, Trung Quốc đã không thể chần chừ trong việc vươn ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương để mong có thể cân bằng quyền lực với Mỹ trên đại dương.
Và con đường vươn ra đại dương của Trung Quốc tốt nhất là Biển Đông nên họ đã rốt ráo hành động bất chấp luật pháp quốc tế, bằng chứng lịch sử cũng như tình hữu nghị giữa Việt Nam chúng ta với họ.
"Nhưng họ đã nhầm, điều này thể hiện rõ qua các động thái tích cực của Mỹ trong thời gian qua, nhất là việc nước này cho máy bay do thám, tàu liên tục tuần tra, thậm chí tuyên bố sẽ đưa quân vào khu vực 12 hải lý.
Một lý do nữa, chính là do Trung Quốc đang có nhiều khó khăn trong nội bộ của họ. Những vấn đề ô nhiễm môi trường, phân hóa giàu nghèo, tham nhũng đang khiến cho người dân vô cùng bức xúc.
Vì vậy, để xử lý những điều này và đoàn kết người dân thì Trung Quốc hướng sự quan tâm của người dân ra bên ngoài.
Cũng cần nói thêm Trung Quốc đã vươn lên trở thành một nước có nền kinh tế lớn, GDP cao nhưng do dân số quá lớn, hơn 1 tỷ người nên từng đó cũng chưa đủ để lo cho người dân. Do đó, nước này, phải bành trướng để giải quyết bài toán này.
Biển Đông là một khu vực giàu tài nguyên, nhất là dầu khí, thủy sản... và hơn cả là vị trí chiến lược của vùng biển này được đánh giá là vô cùng quan trọng, đường trung chuyển của thế giới.
Muốn bành trướng, muốn trở thành siêu cường thì Trung Quốc phải thực hiện bằng được mưu đồ độc chiếm Biển Đông", TS Nhã phân tích.
Tuy nhiên, theo TS Nhã, xét về cả lịch sử, về cả quân sự và những gì đã, đang diễn ra cho thấy, việc Trung Quốc càng lấn sâu vào Biển Đông thì sẽ càng bất lợi.
"Mỹ và các nước có liên quan trong khu vực, trên thế giới sẽ không bao giờ ngồi nhìn để Trung Quốc ngang ngược.
Và khi xung đột có xảy ra thì thiệt hại sẽ rơi về Trung Quốc phần nhiều nhất. Các đảo mà họ cải tạo, xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam chính là những điểm đầu tiên chịu hậu quả.
Trong tình hình như hiện nay, tôi thấy rằng, chúng ta vừa phải tận dụng thời cơ là sự lên tiếng của cộng đồng thế giới phản đối những hành động phi lý của Trung Quốc, đồng thời, phải quảng bá nhiều hơn, rộng hơn về chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Nhất là với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Thêm vào đó, bài học đoàn kết toàn dân vẫn là bài học mà tôi cho rằng luôn cần kíp.
Ngoài trong nước thì việc đoàn kết, hòa giải, hòa hợp dân tộc và tận dụng hơn 4 triệu đồng bào ở nước ngoài là vô cùng quan trọng. Khi chúng ta có được sức mạnh toàn dân thì chúng ta sẽ không sợ bất cứ kẻ nào dù ngang ngược đến đâu", ông Nhã khẳng định.
Còn Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cũng bày tỏ phản đối chủ trương dùng vũ lực trong việc tranh chấp ở Biển Đông.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.
"Chúng ta vẫn phải đấu tranh trong hòa bình nhưng kết hợp từ nhiều sức mạnh khác nhau. Và chắc chắn Mỹ, Nhật, các nước Đông Nam Á có thể sẽ giúp Việt Nam và giúp chính họ trước sự bành trướng của Trung Quốc", tướng Thước nhấn mạnh.
Tướng Thước cũng đề nghị, vấn đề Biển Đông cần phải được đưa vào chương trình nghị sự, thảo luận một cách kỹ lưỡng, công khai.
"Không phải nói để cho biết mà vấn đề Biển Đông phải nằm trong chương trình nghị sự, có chương trình thảo luận cụ thể, tương xứng như các nội dung quan trọng khác trong kỳ họp này", tướng Thước chia sẻ.