Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, những ngày qua, Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng của áp thấp nóng phía tây gây hiệu ứng phơn mạnh, khiến cho thời tiết trên toàn khu vực nắng nóng gay gắt.
Nhiệt độ phổ biến ở các vùng trên địa bàn là từ 38 - 39 độ C, có nơi còn lên tới trên 40 độ. Ít nhất, thời tiết này còn kéo dài tới hết tháng 5.
Cũng thời gian này, trên khắp mọi làng quê ở Hà Tĩnh, người nông dân bước vào vụ thu hoạch lúa hè thu, chuẩn bị cho gieo sạ vụ đông xuân.
Và để chống chọi lại cái nắng nóng gay gắt của những ngày cuối tháng 5, người nông dân lại tìm tới chiếc áo tơi. Nó được xem như "thần hộ vệ" của người nông dân nghèo.
Hình ảnh người nông dân chống chọi với nắng nóng gay gắt ngoài đồng:
Dưới cái nắng như thiêu đốt, người nông dân vẫn tần tảo áp mặt xuống đồng, phơi lưng thu hoạch lúa chín.
Nhiệt độ cao đã vắt kiệt sức của người nông dân. Nhưng họ không thể hoãn lại công việc của mình, cũng không thể chờ cho trời mát để đi gặt.
Để chống chọi lại cái nắng, người nông dân sử dụng những chiếc áo tơi.
Trên khắp các cánh đồng, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cụ già, các cô, các bác khoác chiếc áo tơi ra đồng, khom lưng gặt lúa, phơi rạ.
Ông Nguyễn Văn Chuyên (72 tuổi, trú xã Thạch Đồng, TP Hà Tĩnh) cho hay, mùa này, gia đình làm 5 sào ruộng. Mặc dù thời tiết nắng sẽ giúp cho lúa phơi nhanh khô, rơm rạ cũng sớm được cất. Tuy nhiên, nắng nóng lại khiến người dân mệt mỏi.
"Nhờ có chiếc áo tơi, chúng tôi mới chống chọi lại nắng nóng. Chứ có mặc đồ bảo hộ gì đi nữa, cũng khó có thể chịu được nhiệt độ 38, 39 độ C".
Theo người dân, mỗi chiếc áo tơi làm bằng lá cọ, có giá chừng 70.000 đồng, sử dụng được khoảng 2 mùa gặt (khoảng 2 năm). Không chỉ giúp người nông dân che nắng mà mỗi khi có cơn mưa bất chợt, nó cũng giúp họ không bị ướt.
Tại Hà Tĩnh, nghề làm áo tơi chủ yếu tập trung ở huyện Thạch Hà và Can Lộc. Tuy vậy, trải qua thời gian, khi con người bắt đầu sử dụng máy móc cho việc đồng áng, các làng nghề dân mai một. Nhưng, ở nhiều nơi, khi đi làm đồng, chiếc áo tơi là vật dụng không thể thiếu của người nông dân.