BQL lý giải nguyên nhân đường sắt trên cao Hà Nội uốn lượn

N.Huệ - H.Đan |

Phía BQL cho rằng, nguyên nhân mà mắt thường cũng nhìn thấy các đoạn uốn lượn là để đảm bảo tối ưu hóa trong vận hành và khai thác đoàn tàu về mặt công năng, tiêu hao năng lượng.

Nhiều đoạn trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) có tình trạng mấp mô, uốn lượn mà bằng mắt thường có thể nhận biết được.

Đó là ghi nhận của phóng viên khi đi qua tuyến đường này mà nơi thể hiện rõ nhất tình trạng trên là đoạn qua đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) và Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội).

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc.

Dự án này được Chính phủ giao, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 3136/QĐ-BGTVT ngày 15/10/2008.

Dự án có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,05 km (từ Cát Linh đi Hà Đông), với 12 nhà ga trên cao (gồm 2 nhà ga trung chuyển Cát Linh và Đại học Quốc gia).

Khu Depot rộng 19,6ha tại Hà Đông; trang bị 13 đoàn tầu, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến, vận tốc thiết kế tối đa 80km/h, vận tốc bình quân khai thác 35km/h.

Trao đổi với chúng tôi vào chiều nay (25/6), ông Lê Văn Dương, Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết:

"Để đảm bảo tối ưu hóa trong vận hành và khai thác đoàn tàu về mặt công năng, tiêu hao năng lượng, trắc dọc được thiết kế với nguyên tắc vào ga lên dốc, ra khỏi ga xuống dốc.

Đó là nguyên nhân tại sao bằng mắt thường cũng nhìn thấy các đoạn uốn lượn. Cụ thể, khi vào ga đoàn tàu phải giảm tốc độ, do đó thiết kế lên dốc để giảm tốc độ của đoàn tàu, hạn chế phanh hãm và tiêu thụ năng lượng.

Khi ra khỏi ga, đoàn tàu cần tăng tốc để đạt tốc độ vận hành thiết kế, do đó thiết kế trắc dọc xuống dốc để tạo gia tốc tự nhiên giúp đoàn tàu tăng tốc và giảm tiêu thụ năng lượng".

Theo ông Dương, dự án đường sắt trên cao đoạn Hà Đông - Cát Linh được thiết kế theo quy phạm thiết kế METRO GB50157. Đối với dự án này, trắc dọc lớn nhất tối đa trên chính tuyến thiết kế là 23%o (23 phần nghìn) trong quy phạm cho phép từ 0%o đến 30%o.

Khoảng cách giữa các nhà ga chỉ hơn 1 km nên nhịp độ uốn lượn khá dầy nhưng vẫn trong giới hạn cho phép.

Dưới đây là 1 số hình ảnh "mấp mô, uốn lượn" chúng tôi ghi nhận tại tuyến đường sắt này:

Đoạn gần trường Đại học Kiến trúc Hà Nội

Đoạn gần trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Bằng mắt thường không khó để nhận ra những đoạn mấp mô

Bằng mắt thường không khó để nhận ra những đoạn mấp mô.

Khu vực gần trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn

Khu vực gần trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại