Tổng giám đốc WHO Tedros. Ảnh: AFP.
Cơ quan Dược phẩm Liên minh châu Âu (EMA) đang điều tra liệu có vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 nào trong số 3 loại Pfizer/BioNTech, AstraZeneca hoặc Moderna đã được khối này phê duyệt liên quan tới chứng suy giảm đông máu có thể gây xuất huyết nội. Một số nước châu Âu trước đó đã dừng tiêm vaccine của AstraZeneca do lo ngại tác dụng phụ.
Tuy nhiên thông báo đưa ra hôm qua của Cơ quan Dược phẩm Liên minh châu Âu nêu rõ, một số trường hợp giảm tiểu cầu miễn dịch, thiếu tiểu cầu trong máu có thể dẫn đến xuất huyết và bầm da, đã được báo cáo theo quy trình giám sát an toàn vaccine của cơ quan này. Không có dấu hiệu nào cho thấy các sự cố này là do việc tiêm vaccine gây ra
Tổ chức Y tế Thế giới hôm qua cũng cho rằng không có lý do để dừng sử dụng vaccine của AstraZeneca. Trong một tuyên bố, WHO cho biết hiện ủy ban cố vấn về vaccine của tổ chức này đang nghiên cứu dữ liệu an toàn, đồng thời nêu rõ không có mối liên quan nào giữa vaccine và vấn đề đông máu.
Phát biểu với báo giới tại Geneva (Thụy Sĩ), người phát ngôn WHO, bà Margaret Harris, khẳng định: "AstraZeneca là một loại vaccine hữu hiệu, cũng như các loại vaccine khác đang được sử dụng".
Cho đến nay, chưa có trường hợp tử vong nào dược chứng minh là do vaccine gây ra. Do đó, các nước nên tiếp tục sử dụng vaccine của AstraZeneca. Bất cứ có thông tin nào về vấn đề an toàn vaccine chúng tôi sẽ xem xét, đánh giá. Đến thời điểm này chưa có bằng chứng nào cho thấy các nước cần dừng loại vaccine này”.
Tuy nhiên để đảm bảo đa dạng hóa các loại vaccine ngừa Covid-19, Tổ chức Y tế Thế giới hôm 12/3 cũng cấp phép lưu hành khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 của hãng Johnson & Johnson (J&J).
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus tiếp tục cũng kêu gọi các nước không tích trữ vaccine hay hạn chế nguồn cung nguyên liệu: “Sản xuất bất kỳ loại vaccine nào cũng cần rất nhiều nguồn cung.
Nhu cầu sản xuất vaccine gia tăng đột ngột đã dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung này và đang hạn chế việc sản xuất vaccine. Điều này đang gây nguy hiểm cho cuộc sống người dân trên khắp thế giới. Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia không tích trữ nguồn cung cấp cần thiết khẩn cấp để tăng cường sản xuất vaccine”.
Trong bối cảnh thế giới đang chạy đua để đảm bảo đủ nguồn cung vaccine, các biến thể mới của Covid-19 lại tiếp tục gây lo ngại. Một nhóm các nhà nghiên cứu Brazil đã xác định được một biến thể mới của SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh hơn loại virus gốc và đã xuất hiện ở nhiều vùng của quốc gia Nam Mỹ này trong vài tuần trở lại đây.
Theo báo cáo của đơn vị thực hiện công trình nghiên cứu, biến thể này có thể đã xuất hiện ở Brazil từ tháng 8/2020 và hiện đã lây lan ra 4 trên tổng số 5 vùng của quốc gia Nam Mỹ này. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được liệu biến thể mới này có khả năng chống lại các kháng thể đã được tạo ra bởi những người mắc Covid mới hay những người đã được tiêm chủng hay không.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến sáng nay, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu là gần 120 triệu ca và hơn 2,65 triệu người tử vong./.