WHO công bố đánh giá biến chủng JN.1/COVID-19 đang lây lan ở Ấn Độ, Trung Quốc

Anh Thư |

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa phân loại JN.1 là một biến chủng được quan tâm (VOI) riêng biệt trong bệnh COVID-19, nhưng vẫn đánh giá nguy cơ sức khỏe cộng đồng toàn cầu bổ sung nó có thể gây ra là thấp.

Biến thể JN.1 là dòng con của BA.2.86, xuất hiện lần đầu ở Luxembourg hồi tháng 8, nhanh chóng trở thành biến chủng thống trị ở nhiều quốc gia Âu - Mỹ và gần đây đã lan sang châu Á. Trong khi đó, BA.2.86 cũng là một hậu duệ của Omicron.

BA.2.86 được WHO phân loại là một VOI từ lâu. Tuy nhiên, do mức độ lây lan ngày càng nhanh chóng của dòng con JN.1, WHO quyết định tách nó thành một VOI riêng biệt để theo dõi. Đó là một trong những nội dung trong thông cáo báo chí mà WHO gởi cho Báo Người Lao Động sáng 20-12 (giờ Việt Nam).

WHO công bố đánh giá biến chủng JN.1/COVID-19 đang lây lan ở Ấn Độ, Trung Quốc - Ảnh 1.

WHO đánh giá nguy cơ sức khỏe cộng đồng toàn cầu bổ sung biến chủng JN.1 có thể gây ra là thấp - Ảnh: WHO

Mới nhất, Ấn Độ khuyến cáo người dân thận trọng vì biến chủng JN.1 có thể là nguyên nhân khiến số ca nhiễm tăng vọt những ngày qua.

Trung Quốc cũng vừa xác định được một số ca nhiễm JN.1 thông gia giải trình tự bộ gien virus. Tuy JN.1 chưa phải dòng thống trị ở quốc gia này, nhưng ngành y tế dự đoán nó có thể sẽ trở thành dòng chính trong những làn sóng COVID-19 tương lai.

Tuy vậy, WHO khá lạc quan: "Dựa trên các bằng chứng sẵn có, nguy cơ sức khỏe cộng đồng toàn cầu bổ sung do JN.1 gây ra hiện được đánh giá là thấp".

Nhóm VOI mà JN.1 được phân loại cũng là nhóm có nguy cơ thấp hơn so với VOC (biến chủng gây lo ngại), là một nhóm bao gồm chủng gốc, Alpha, Delta, Omicron "gốc"....

Báo cáo từ các quốc gia nơi JN.1 đang lan rộng cũng cho thấy tuy lây lan nhanh và có dấu hiệu thoát miễn dịch cao nhưng dòng con này không có dấu hiệu thay đổi về độc lực (khả năng gây bệnh nặng) so với các dòng tiền nhiệm.

Mặc dù vậy, do mùa đông ở Bắc Bán cầu đang bắt đầu, WHO cho rằng JN.1 vẫn có thể làm tăng gánh nặng nhiễm trùng đường hô hấp ở nhiều quốc gia.

WHO cũng nhấn mạnh: "COVID-19 không phải bệnh hô hấp duy nhất lưu hành. Cúm, RSV (virus hợp bào hô hấp) và bệnh viêm phổi thông thường của trẻ em cũng đang gia tăng".

Vì vậy, WHO khuyến cáo các cơ sở y tế và người dân duy trì các biện pháp phòng ngừa bệnh hô hấp nói chung để tránh việc số ca COVID-19 và các bệnh hô hấp khác cùng tăng nhanh trong cộng đồng.

Các biện pháp đó bao gồm đeo khẩu trang ở những nơi kín gió và đông đúc, cải thiện thông gió trong các tòa nhà, che miệng khi ho - hắt hơi, rửa tay thường xuyên, ở nhà nếu đang bị bệnh...

WHO đang liên tục theo dõi các bằng chứng về JN.1 cũng như các biến chủng khác và sẽ cập nhật đánh giá rủi ro nếu cần.

Tổ chức này cũng nhấn mạnh các loại vắc-xin hiện tại tiếp tục bảo vệ khỏi bệnh nặng và tử vong do COVID-19, gây ra bởi JN.1 cũng như các biến chủng hiện hành khác.

COVAX sắp kết thúc sứ mệnh

Theo một thông báo khác từ WHO, COVAX - cơ chế đa phương nhằm tiếp cận công bằng toàn cầu đối với vắc-xin ngừa COVID-19 được triển khai từ năm 2020 - sẽ kết thúc sứ mệnh vào ngày 31-12 sắp tới.

COVAX được đồng chủ trì bởi Liên minh Đổi mới chuẩn bị phòng chống dịch bệnh (CEPI), Liên minh Vắc-xin (Gavi), Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và WHO, cho đến nay đã cung cấp gần 2 tỉ liều vắc-xin COVID-19 và dụng cụ tiêm an toàn cho 146 nền kinh tế.

Việt Nam là một trong số những quốc gia đã nhận được hàng triệu liệu vắc-xin COVID-19 thông qua cơ chế COVAX trong giai đoạn khốc liệt nhất của đại dịch năm 2021, cho đến đầu năm 2022.

Theo WHO, những nỗ lực của COVAX đã giúp ngăn chặn sự tử vong của ít nhất 2,7 triệu người trong các nền kinh tế tham gia có thu nhập trung bình thấp và thấp.

Tuy sứ mệnh COVAX kết thúc, 58 quốc gia có yêu cầu vẫn sẽ được Gavi cung ứng 83 triệu liều vắc-xin cho năm 2024.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại