WHO cảnh báo dịch COVID-19 vẫn trong tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu

Nguyễn Phương |

WHO chưa tuyên bố dịch COVID-19 là đại dịch, song đánh giá dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 vẫn là một trường hợp y tế khẩn cấp quốc tế và đang có nguy cơ lan rộng hơn bên ngoài Trung Quốc.

Tuyên bố trên được người phát ngôn Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Tarik Jasarevic đưa ra hôm 24/2.

Nỗi lo về sự bùng phát dịch COVID-19 bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc đang gia tăng sau khi có báo cáo số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng mạnh tại Iran, Italia và Hàn Quốc, mặc dù Trung Quốc nới lỏng lệnh phong tỏa ở một số TP, bao gồm cả Bắc Kinh khi tỷ lệ nhiễm mới tại nước này sụt giảm.

WHO cảnh báo dịch COVID-19 vẫn trong tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu - Ảnh 1.

Ông Tarik Jasarevic - Người phát ngôn của WHO.

Trước đây, WHO đã hứng chịu làn sóng chỉ trích khi tuyên bố đại dịch đối với dịch cúm lợn H1N1 2009, song thực tế lại tiến triển không nghiêm trọng, điều này khiến các công ty dược phẩm đầu tư nghiên cứu phát triển vaccine và thuốc.

Ngày 23/1, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố dịch viêm phổi Vũ Hán là "tình trạng khẩn cấp ở Trung Quốc" nhưng không phải là "tình trạng khẩn cấp toàn cầu". Khi ấy ông cho rằng vẫn "quá sớm" để coi đây là "tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế".

Ngay lập tức, tuyên bố này vấp phải sự phản ứng của cộng đồng. Nhiều người cho rằng WHO đã đánh giá thấp độ nguy hiểm của SARS-CoV-2, khi số người mắc bệnh và tử vong đã tăng gấp 10 lần chỉ trong 5 ngày.

Đến ngày 31/1, Tổng giám đốc WHO Ghebreyesus tuyên bố viêm phổi Vũ Hán là "tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu”. Thời điểm này, Trung Quốc công bố có gần 10.000 người nghi nhiễm và hơn 200 người tử vong do viêm phổi.

Dịch COVID-19 khởi phát từ TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, hồi tháng 12/2019, hiện lan rộng ra 31 tỉnh thành Trung Quốc cùng gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Hàn Quốc, Nhật Bản, Italia hiện đang là 3 điểm nóng bùng phát dịch ngoài Trung Quốc.

Theo số liệu mới nhất của WHO, hiện Trung Quốc ghi nhận 77.000 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 2.445 trường hợp tử vong, trong khi 28 quốc gia khác trên thế giới có 1.769 trường hợp mắc virus chết người này và 17 người tử vong.

Tuy nhiên, ngày 24/2, người phát ngôn của WHO Tarik Jasarevic cho biết tổ chức có trụ sở tại Geneva chưa tuyên bố chính thức dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 là đại dịch toàn cầu. “Đại dịch thường được sử dụng để biểu thị sự bùng phát của mầm bệnh mới lây lan dễ dàng từ người sang người trên toàn cầu”, ông Jasarevic lý giải.

Người phát ngôn WHO lưu ý thêm: “Về mặt định nghĩa và thuật ngữ đối với dịch COVID-19, lời khuyên của chúng tôi vẫn giống nhau và chúng tôi tiếp tục hợp tác với các quốc gia để hạn chế sự lây lan của SARS-CoV-2 cũng như giải pháp đối phó với khả năng dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng”.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, hôm 22/2, WHO cảnh báo cơ hội khống chế sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 đang dần hẹp lại bởi sự gia tăng ca bệnh ngoài Trung Quốc. Trước đó, Tedros từng nhận định số trường hợp mắc bệnh bên ngoài Trung Quốc còn thấp là "cơ hội hiếm có" để ngăn chặn sự lây lan toàn cầu. Nguyên nhân là một tuần qua, số ca nhiễm mới gia tăng đột biến ở khắp Trung Đông và Hàn Quốc.

Tổng Giám đốc WHO cũng cho rằng nếu các quốc gia không huy động mọi nguồn lực khống chế sự lây lan của virus, "sự bùng phát có thể đi theo bất cứ chiều hướng nào". WHO cũng kêu gọi các nước nâng cao cảnh giác và thực hiện nghiêm túc công tác dập dịch.

Phái đoàn chuyên gia quốc tế của WHO sẽ đến ổ dịch Vũ Hán. Đến nay, nhóm nghiên cứu đã làm việc tại Bắc Kinh, Tứ Xuyên và Quảng Đông.

Phái đoàn gồm 12 chuyên gia từ Mỹ, Đức, Nhật Bản, Nga, Singapore, Hàn Quốc... đã hợp tác với những đồng nghiệp Trung Quốc để tìm hiểu về nCoV, bao gồm tốc độ lây truyền và cách điều trị hiệu quả nhất.

WHO cảnh báo dịch COVID-19 vẫn trong tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại