Vượt ung thư phổi, bệnh nhân mắc ung thư gan "soán ngôi" ở Việt Nam

Thùy Linh |

PGS-TS Lê Văn Quảng - Phó Giám đốc Bệnh viện K - cho hay, theo số liệu mới nhất, năm 2018, ung thư gan đã vượt ung thư phổi, đứng hàng đầu trong số những loại ung thư nhiều người mắc tại Việt Nam.

Đây là những thông tin được chia sẻ bên lề hội thảo quốc tế Việt - Pháp lần thứ 2 do Bệnh viện K tổ chức trong 2 ngày (7-9.11) tại Hà Nội. Hội thảo lần này tập trung vào tất cả các lĩnh vực trong điều trị ung thư phổi, từ phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, đặc biệt là bàn về liệu pháp điều trị miễn dịch – phương pháp mới nhất trong điều trị ung thư hiện nay.

Theo PGS Lê Văn Quảng, những năm về trước, ung thư phổi luôn đứng hàng đầu, nhưng hiện nay tỉ lệ mắc u ng thư phổi đã tụt xuống vị trí thứ 2 sau ung thư gan. Dù vậy, số mắc ung thư phổi vẫn rất cao, thực tế số mắc bệnh vẫn tăng lên.

Đặc biệt, thống kê mới nhất năm 2018 cho thấy, con số mắc mới hằng năm của căn bệnh ung thư phổi là gần 24.000 người, số tử vong lên tới hơn 20.000.

Số người tử vong gần tương đương với số người mắc ung thư phổi, nguyên nhân theo vị chuyên gia này là do chẩn đoán bệnh sớm rất khó, người bệnh thường đi khám và được phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị rất khó khăn.

Theo PGS Quảng, để phát hiện sớm ung thư phổi là rất khó khăn. Từ các phương pháp cũ như chụp X-quang, xét nghiệm đờm, cho đến phương pháp mới nhất hiện nay là sàng lọc bằng chụp CT liều thấp nhưng hiệu quả đều không thực sự rõ ràng.

"Hơn nữa, bệnh ung thư phổi tiến triển rất nhanh. Có thể bệnh nhân mới chụp X-quang 6 tháng trước chưa phát hiện gì bất thường nhưng 6 tháng qua thì đã mắc ung thư phổi giai đoạn muộn" - PGS Quảng chia sẻ.

Thực tế tại Bệnh viện K, 2/3 số bệnh nhân mắc ung thư phổi được phát hiện, đến viện điều trị ở giai đoạn muộn. Khi đó, đã xuất hiện đầy đủ các biểu hiện của bệnh như: Tức ngực, ho, khó thở, khả năng điều trị ở giai đoạn sớm (phẫu thuật) không cao mà phải điều trị xạ trị, hóa chất…

PGS-TS Lê Văn Quảng cho biết, ung thư phổi chủ yếu gặp ở lứa tuổi trên 50, đặc biệt là ở người có tiền sử hút thuốc lá. Nhiều phụ nữ không hút thuốc lá cũng mắc ung thư phổi một phần do hút thuốc lá thụ động.

Vì vậy, những người từ 50 tuổi trở lên, những đối tượng có nguy cơ cao như người hút thuốc lá, người thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động… thì nên chủ động đi tầm soát ung thư khoảng 6 tháng/năm/ lần.

Tại Việt Nam,, các liệu pháp mới trong điều trị nội khoa, đặc biệt là việc áp dụng liệu pháp điều trị trúng đích trong điều trị ung thư phổi đã mang lại những kết quả khả quan. Có những bệnh nhân ung thư phổi đã ở giai đoạn muộn, khi có đột biến gen nhưng điều trị đích đã kéo dài được cuộc sống, có trường hợp sống được 5-6 năm, dù không nhiều.

Đặc biệt, gần đây nhất là liệu pháp điều trị miễn dịch được một số bệnh viện áp dụng, đây là một tiến bộ lớn của y học giúp kéo dài thêm cuộc sống, cải thiện chất lượng sống cho những bệnh nhân mắc ung thư phổi ở giai đoạn muộn. Tuy nhiên, liệu pháp này chưa được BHYT thanh toán.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại