Vượt qua stress trong đại dịch COVID-19

BS. Cao Tùng |

Đại dịch COVID-19 với những diễn biến về virus biến thể có tốc độ lây lan nhanh, gia tăng số ca mắc ngoài cộng đồng...

Ở lĩnh vực sức khỏe tâm thần, các chuyên gia cho rằng đại dịch này đang gây ra một cú sốc, stress nặng cho con người. Chúng ta cần phải đối mặt và giữ vững tinh thần, vượt qua đại dịch này.

Ở nước ta, ngành y tế đã liên tục đưa ra những khuyến cáo khoa học, hướng dẫn phòng ngừa COVID-19 đến người dân một cách nhanh chóng, kịp thời. Tuy nhiên, đứng trước một dịch bệnh vẫn còn nhiều mới mẻ và nhiều nguy cơ tiềm ẩn như COVID-19, hơn nữa lại có tốc độ lây lan nhanh, thì dường như nỗi lo là thứ thường trực trong suy nghĩ của mỗi người. Dịch COVID-19 tác động đến sức khỏe tâm thần và gây ra các tình trạng: stress, lo âu, trầm cảm... ở các mức độ khác nhau.

Nhìn chung, đại dịch COVID-19 gây stress, lo âu do 3 nguyên nhân sau: sợ bị lây bệnh; sợ bị cách ly; sợ mất việc làm, không có thu nhập. Thường gặp nhất là stress, khi bị nhẹ con người có thể đối phó được, nhưng trường hợp stress nặng, sốc có thể gây hậu quả lớn.

Vượt qua stress trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Cần kiểm soát, stress rối loạn lo âu, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng.

Hơn nữa môi trường bình thường đã có stress, nhưng khi dịch bệnh đến chúng ta áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa như giãn cách xã hội, trẻ không đến trường... dễ gây xáo trộn, stress. Ở mỗi cá nhân thì mức độ stress khác nhau.

Những vùng tâm dịch, cuộc sống bị ảnh hưởng nhiều hơn, khiến tình trạng stress cao hơn so với những nơi không có ca bệnh, người dân được bảo vệ thì sự căng thẳng ít hơn.

Khoa học chia ra làm 3 loại: Rối loạn do stress gây ra phản ứng stress cấp, thứ hai là rối loạn stress sau sang chấn, thứ ba gọi là rối loạn sự thích ứng. Các rối loạn liên quan đến stress là kết hợp giữa stress và nhân cách của cá nhân (lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ...) gây ra các hậu quả như vấn đề về trí nhớ, tim mạch, tiêu hóa, vận động...

Rối loạn stress sau sang chấn biểu hiện bằng sang chấn cấp, mạnh gây ra biểu hiện của cơ thể như sợ sệt, né tránh, mất ngủ, rối loạn trí nhớ... Điều này có thể gây hậu quả trước mắt và lâu dài cho con người.

Với người trung niên và lớn tuổi, do những tác động từ cuộc sống và những thay đổi trong cơ thể do quá trình lão hóa tự nhiên... họ dễ bị stress, lo âu, trầm cảm. Trong thời điểm dịch bệnh, người cao tuổi còn là đối tượng được khuyến cáo nên hạn chế ra ngoài và tiếp xúc. Những ảnh hưởng mà dịch COVID-19 gây ra đang khiến mọi người lo lắng và sợ hãi.

Tuy nhiên đối với những người mắc chứng rối loạn lo âu thì điều đó còn nghiêm trọng hơn nhiều, những người đã kiểm soát rối loạn lo âu có thể bị tái phát. Sự lo lắng này cũng làm nghiêm trọng thêm chứng trầm cảm, đặc biệt là những người mắc bệnh trầm cảm thuộc dạng kích động, đặc trưng bởi hành vi bồn chồn, lo lắng, cáu kỉnh.

Ở trẻ em, việc nghỉ học kéo dài, hạn chế vui chơi bên ngoài, nhiều gia đình dường như chỉ biết cho con làm bạn với ipad, điện thoại.

Điều này sẽ có ảnh hưởng với con trẻ. Cũng như người lớn, trẻ em cũng có rối loạn lo âu lan tỏa trong đại dịch COVID-19. Trẻ em bị stress chủ yếu là do sợ bị cách ly, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán đang rất gần, sẽ hạn chế gặp người thân trong gia đình, không được đi chơi và gặp gỡ bạn bè, không đến trường học, gián đoạn học hành... Với trẻ em, nhà trường, bạn bè và thầy cô là một phần xã hội rất quan trọng, chiếm một phần đáng kể thời gian trong ngày của các em.

Khi giãn cách xã hội kéo dài vài tuần thì tình trạng stress ở các cháu sẽ rất rõ ràng, dù cường độ không nặng nề như ở người lớn. Vì vậy, phụ huynh cần chú ý chăm sóc để trẻ phát triển trong tương lai trở thành người có nhân cách tốt, hiểu biết, chia sẻ tốt...

Không nên để trẻ chơi game suốt ngày khi nghỉ học, sẽ làm đảo lộn nếp sinh hoạt cũng như có thể gây ra vấn đề nghiện hành vi (nghiện game, internet). Đang học mà nghỉ như vậy sẽ bị trùng xuống và để lấy lại cân bằng cần mất thời gian hơn.

Để giảm nguy cơ stress trong dịch COVID-19, mọi người nên quan tâm đến nhau hơn để giải tỏa về tinh thần. Cá nhân cần nhận diện rõ các cảm xúc tiêu cực do gánh nặng, khủng hoảng tâm lý gây ra (sợ hãi, lo lắng, tức giận, buồn bã, thất vọng...) và chấp nhận thì mới có thể vượt qua. Bên cạnh đó, một tư duy tích cực và linh hoạt trong giai đoạn này là rất cần thiết.

Đối với người cao tuổi không cần hoạt động cao độ, có thể ở nhà đọc sách, tản bộ. Người thân cần quan tâm trò chuyện với người cao tuổi trong gia đình để họ không cảm thấy lẻ loi, cô đơn.

Để đương đầu với dịch bệnh, mỗi người cần chú ý tăng cường thể lực, tập thể dục trong 30 phút mỗi ngày, tập các kỹ thuật thư giãn như hít thở sâu, thiền, yoga... Cần có chế độ ăn tăng cường canxi, vitamin để tăng cường thể lực. Tránh thức quá khuya và ngủ nướng quá nhiều vì điều đó không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn nữa.

Các chuyên gia nhận định rằng dịch bệnh sẽ còn kéo dài, nên chúng ta phải xác định chung sống với dịch nhưng nhất thiết phải an toàn, tuyệt đối không được chủ quan. Chung sống an toàn trong từng lĩnh vực cụ thể như: học tập, đi lại, sản xuất, kinh doanh; vui chơi an toàn... Đặc biệt là an toàn trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Chúng ta cố gắng tối đa hạn chế sự lây nhiễm bệnh bằng cách thực hiện theo đúng hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế... từ đó đời sống, tinh thần, xã hội tốt lên sẽ giảm stress.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại