01
8/3/2019, là ngày thứ 48 Vương Tư Thông, phú đại nhị khét tiếng của đất nước tỷ dân, con trai của Vương Kiện Lâm (tỷ phú người Trung Quốc, chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Vạn Đạt cùng hệ thống rạp chiếu phim AMC rộng nhất thế giới, cũng nắm giữ 20% cổ phần của câu lạc bộ bóng đá Tây Ban Nha Atlético Madrid và là người giàu nhất châu Á cho đến hết năm 2016) - "mất tích" trên mạng xã hội dù trước đó được biết tới là người rất chăm chỉ hoạt động trên Weibo, đây cũng là ngày mà Panda TV (một nền tảng chiếu video trực tuyến), công ty do thiếu gia này lập ra tuyên bố phá sản.
Im hơi lặng tiếng suốt hơn 1 tháng rồi đùng một cái, tin tức công ty phá sản nổ ra, không ít người vô cùng bất ngờ. Vì sao? Được chống lưng bởi cây đại thụ là thiếu gia khét tiếng nhất Trung Quốc, định giá 5 tỷ NDT, Panda TV ngay từ khi mới thành lập đã giống như một học sinh ưu tú, đứng ngay ở vạch đích, thế rồi chẳng ai ngờ, gia thế hiển hách ra sao, cuối cùng cũng vẫn rơi vào kết cục phá sản chỉ sau chưa đầy 4 năm.
Bất hạnh là kết cục, không tranh không đấu được thì cũng là cái số, nhưng vấn đề là Panda TV lại phá sản vì chính mình.
Nguyên nhân phá sản có rất nhiều, nhưng khác với đồng nghiệp cùng ngành thua vì cạnh tranh khốc liệt, vì đối thủ quá mạnh… nguyên nhân phá sản của Panda TV lại khá "từ tốn".
Vương Tư Thông (trái) và người cha tỷ phú Vương Kiện Lâm (phải)
Streamer "từ tốn", mỗi ngày chỉ livestream 4,5 tiếng đồng hồ, lượng người theo dõi sụt giảm, lãnh đạo cũng chẳng quan tâm. Đợi đến cuối tháng điên cuồng cày bù giờ cho đủ KPI, rồi nhận lượng không thiếu một đồng, thậm chí còn gian lận số lượt theo dõi video.
Nhân viên "từ tốn", có người chia sẻ rằng nhân viên của Panda rất tự phụ, cho rằng có con trai tỷ phú chống lưng đã là phương thức marketing tuyệt vời nhất, cần gì phải PR làm gì cho rách việc.
Lãnh đạo đã vậy còn "từ tốn" hơn, theo truyền thông đưa tin, Panda TV thực ra đã có vài lần rơi vào khủng hoảng, lãnh đạo đều mở cuộc họp, nhưng thực ra là vừa họp vừa đem vợ con đi để nghỉ dưỡng, để team building.
So với các đối thủ khác trong ngành, làm việc ở Panda chính là thiên đường, không cần tăng ca, không cần thức khuya, không cần có cảm giác về nguy cơ khủng hoảng, mà vẫn nhẹ nhàng cầm tiền lương mỗi tháng.
Nhưng ngành công nghiệp livestream đang dần trở nên phổ biến hơn, không nỗ lực sáng tạo, đổi mới, chỉ biết hưởng thụ, an nhàn, sớm muộn gì cũng rơi vào ngõ cụt.
Lượng người dùng sụt giảm, khủng hoảng liên miên, các nhà đầu tư rút vốn, cuối cùng là tuyên bố phá sản.
Cứ cho rằng có chống lưng lớn thì cứ thản nhiên mà hưởng thụ, mà không biết rằng, ô dù có lớn tới đâu thì cũng chẳng ưa những kẻ lười biếng.
Một thương nhân từng nói: "Bạn sống hời hợt, cuộc sống cũng sẽ hời hợt với bạn, cuối cùng, người thua cuộc chính là bạn."
Vùng an toàn mà bạn đang tham lam tận hưởng đang âm thầm giết chết bạn.
02
Có người nói, bạn thích năm tháng yên bình, nhưng hiện thực lại luôn là sóng ngầm.
Giữa những đợt sóng này, nếu bạn sống kiểu mơ hồ, vô định, sống kiểu năm tháng yên bình, vậy thì thứ chờ đợi bạn sẽ chỉ là hai chữ "lạc hậu".
Năm 2018, một trạm thu phí nọ bị dừng hoạt động, tất cả nhân viên làm việc ở đó bị mất việc.
Vì chuyện này, tất cả nhân viên tìm tới lãnh đạo để nói chuyện.
Trong đó có một nhân viên 36 tuổi khóc lóc thảm thương nói: "Tôi năm nay đã 36 tuổi rồi, cả thanh xuân đều dành cho trạm thu phí này, giờ cái gì tôi cũng không biết làm, cũng chẳng có ai thích chúng tôi, tôi cũng không thể học thêm được cái gì nữa."
Có lẽ nghe xong ai cũng đều cảm thấy xót thương, nhưng cái xót thương ở đây không phải là câu chuyện thất nghiệp của người nữ nhân viên ấy, mà là mới chỉ 36 tuổi thôi, nhưng chị ấy đã đánh mất đi dũng khí đối mặt với cuộc sống.
Mà trong cuộc sống, những trường hợp giống như vậy lại không hề ít…
Trước đó, người quản lý của một diễn viên nổi tiếng nọ bỗng chốc được xuất hiện tràn lan trên mặt báo.
Sáng sớm vừa đẻ xong, 9h quay lại làm việc.
Đây không phải là lần đầu tiên cô nương này "hết mình" cho công việc tới như vậy.
Lần trước kết hôn, hôn lễ vừa kết thúc được khoảng 2 tiếng, cô ấy cũng đã quay lại làm việc.
Rất nhiều người bình luận nói, ở cô ấy, tôi cảm nhận được sức mạnh phi thường của một người phụ nữ.
Cũng chính vì sự kính nghiệp và hết mình ấy, cô mới trở thành quản lý của một diễn viên nổi tiếng, đồng thời dùng chính năng lực của mình để khiến người khác nể phục.
Không có sự nhiệt huyết, hết mình vì công việc trong những năm đầu, lấy đâu ra sự tự tin đối diện với cuộc sống trong những năm sau.
Nhà văn Gladwell trong cuốn "Outliers" có nói: "10.000 giờ rèn luyện là điều kiện cần thiết để bất kỳ ai có thể từ một người bình thường trở thành bậc thầy đẳng cấp thế giới."
Bạn dành thời gian của mình ở đâu, thu hoạch cuối cùng sẽ ở đó.
Chỉ khi bạn bước ra khỏi cuộc sống nhàn hạ, không cần chút nỗ lực nào, chỉ khi bạn băng rừng vượt suối, bạn mới gặp được một bản thân phong phú và tốt đẹp hơn.
03
Trên mạng có một câu hỏi như này: bạn nỗ lực mỗi ngày vì điều gì?
Một cư dân mạng đã chia sẻ câu chuyện của mình rằng, trước đó, cô ấy là một nhân viên tạm thời, không có bảo hiểm xã hội hay thưởng Lễ Tết, nhưng công việc lại rất nhàn hạ, thích về nhà lúc nào thì về.
Nếu không có việc gì thì phần lớn nhân viên sẽ mua hàng online, chat Zalo, lượt Facebook, xem phim, tán dóc với đồng nghiệp.
Nhưng cô ấy lại dành thời gian cho việc học hỏi, trong quá trình làm việc đã lấy được các chứng chỉ như kỹ sư trung cấp, đánh giá viên nội bộ hệ thống quản lý chất lượng ISO, chứng chỉ kế toán.
Môi trường giống nhau, nhưng lựa chọn của mỗi người lại có thể khác nhau, và kết cục tất nhiên cũng không giống nhau.
Sau này, cô ấy xin nghỉ việc, được nhận vào làm kỹ sư cấp một kiêm đào tạo trung cấp của một doanh nghiệp lớn với mức lương hàng chục triệu mỗi tháng.
Con đường thành công thực ra không hề đông đúc, bởi lẽ phần lớn mọi người đều lựa chọn sự nhàn hạ.
Cho tới tận bây giờ, cô ấy vẫn đang học hỏi mỗi ngày, mỗi ngày 10 trang ghi chép, tổng kết bằng bút đỏ mỗi tuần.
Cô nói rằng mình từng bị mấy cô bé 9X gọi là phụ nữ trung niên.
Nhưng một người phụ nữ trung niên còn nỗ lực chăm chỉ tới như vậy, còn người trẻ như bạn thì sao?
Chơi trò chơi, lướt điện thoại? Những thứ này quả thực có thể đem lại niềm vui ngắn hạn cho chúng ta, nhưng sau đó thì sao?
Thứ còn lại chỉ là sự trống rỗng và cô đơn, rồi sau đó lại dùng những thứ có phần vô bổ đó để lấp đầy.
Ngược lại, khi bạn nỗ lực hết mình, tuy có hơi vất vả, nhưng chính sự trưởng thành, sự phát triển trong quá trình đó sẽ khiến bạn cảm thấy có hi vọng, cảm thấy được sống hết mình, đó chẳng phải là một dạng vui vẻ hạnh phúc khác ý nghĩa và tuyệt vời hơn ư?
Một ngày nào đó, niềm vui khi ước mơ thành hiện thực sẽ là thứ cảm giác mà những người lựa chọn an nhàn không bao giờ có thể cảm nhận được.
Rất nhiều người, họ chỉ thấy được cái mặt A nhiều tiền, nhàn rỗi mà lớn tiếng tuyên bố "tôi có thể không có tiền, nhưng nhất định phải rảnh rỗi tận hưởng cuộc sống".
Mà không thấy được mặt B của sự nỗ lực và hết mình, người khác nhàn rỗi vì họ có quyền lựa chọn, còn cái nhàn rỗi của bạn đồng nghĩa với với ngồi ăn rồi chờ chết.
04
Có người từng nói, đối mặt với thất bại, buồn nhất không phải là tôi không thể, mà là vốn dĩ tôi đã có thể.
Bạn năm 18 tuổi, không thi được vào ngôi trường đại học mà mình yêu thích, liệu có hối hận sao cấp 3 mình không chăm chỉ hơn một chút?
Bạn năm 22 tuổi, không tìm được công việc lý tưởng, liệu có hối hận sao khi còn ở đại học, chỉ biết giả vờ chăm chỉ học tập?
Bạn của năm 35 tuổi, bị cuộc sống ép không kịp thở, không thể cho con cái, gia đình cuộc sống tốt đẹp nhất, liệu có từng hối hận sao ở những năm tháng tuổi trẻ lại lựa chọn cuộc sống an nhàn?
Thứ quyết định hiện tại, là lựa chọn của bạn ngày hôm qua; thứ quyết định ngày mai, là hành động của bạn hôm nay.
Đừng để sự an nhàn ngày hôm nay thao túng mình, mọi sự ưu tú, mọi sự thành công, đều là ép mà ra; mọi cuộc sống sung túc sau này đều là sự nỗ lực hết mình trước đó đổi lại.
Bạn ở tuổi trung niên mà cảm thấy bị cuộc sống ép không kịp thở, hãy tự hỏi lại mình xem xem có phải chục năm trước, mình đã quá thảnh thơi, nhàn rỗi hay không.
Vì sao đừng tham lam sự vô lo vô nghĩ ngắn hạn?
Vì sao đừng đắm chìm vào cuộc sống kiểu sống cho qua ngày?
Chỉ là để có một ngày, khi đối mặt với khó khăn của cuộc sống, ta vẫn còn có khả năng để ứng phó.
Cũng đủ dũng khí để nói, "năm tháng không tha cho ai, tôi cũng chưa từng phụ bạc năm tháng."