Với trẻ con, nghỉ tết là "thời gian vàng" để được vui đùa, chạy nhảy, làm việc theo ý thích. Phần nhiều trẻ hiếu động, thích leo trèo, nhất là với bé trai. Lúc này, cha mẹ nên quan tâm, trông chừng trẻ kẻo tai nạn đau lòng xảy ra.
Chỉ mới bước vào những ngày cận tết, khoa Chấn thương chỉnh hình của BV Nhi Đồng 1 TP.HCM đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ em bị tai nạn gãy xương được đưa đến. Tết này, thay vì được diện quần áo đẹp đi chơi cùng bạn bè, nhiều trẻ phải bị… treo tay, treo chân để điều trị gãy xương.
Người lớn không thể ứng cứu kịp mặc dù ở ngay sát trẻ
Hầu hết tai nạn xảy ra cho trẻ đều có mặt người lớn nhưng không ai cứu kịp. "Tình huống xảy ra quá nhanh, tôi đứng bên cạnh con nhưng không thể chụp kịp bé. Con trai bị ngã mấy bậc cầu thang rơi xuống nhà. Sau đó bé ôm chân khóc, lúc đầu tôi chỉ nghĩ con bị trật chân, để ở nhà 2 ngày nhưng nó cứ khóc.
Xót cháu, bà nội kêu đi viện thì mới biết bé bị gãy chân. Vì để lâu nên bác sĩ phải mổ xếp xương lại cho bé. Nó chỉ mới 2 tuổi, nhìn cái chân nhỏ xíu bị băng trắng mà đau đớn.", anh T. chia sẻ về tai nạn của con trai mình.
Bé D.A (20 tháng tuổi) đau khóc khi bị gãy xương ở tay. Cận tết và ngày tết, trẻ bị chấn thương, gãy xương tăng gấp 3 lần ngày thường.
Tại khoa Chấn thương chỉnh hình, nhiều trẻ bật khóc la, khó chịu khi phải băng tay, băng chân mà không được vui chơi. Chúng kêu khóc khiến bà mẹ nào cũng xót xa.
Mẹ của bé B.D.A (20 tháng tuổi) nói: "Tôi bận việc nên gửi bé cho bà trông giữ, bà thường hay trông bé và theo suốt, tôi cũng yên tâm. Hôm đó bé nghịch xe đồ chơi như mọi ngày, nhưng khi trèo lên xe thì xe bị trượt đi. Bé ngã xuống đất gãy xương cánh tay. Nó cứ khóc suốt mà tôi không biết làm gì."
Tương tự trường hợp của bé B.D.A, mẹ bé V.T.N (2 tuổi) chia sẻ, thường ngày bé N. rất hiếu động nên hai vợ chồng chị phải thay phiên trông con. Khi được cha cho chơi trước sân, N. liền leo lên xe máy của cha mình, bất ngờ xe ngã khiến bé rơi xuống gãy xương cẳng chân. Cha của bé N. thấy con bị tai nạn ngay trước mắt mình, nhưng sự việc xảy ra quá nhanh nên anh không xử lý kịp.
Bé N. phải... treo chân vì tai nạn trên xe máy của cha.
Cả hai bé đều nhập viện trong tình trạng chấn thương, gãy xương. Mỗi lần con đau khóc, mẹ của hai bé đều khóc cùng con nhưng không thể làm gì được cho con mình. Các chị có đau cho con thì sự việc cũng đã xảy ra.
Cận và trong tết, bệnh viện cấp cứu từ 5-15 trẻ mỗi ngày
Theo BS Lê Hữu Khánh – Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM, năm nào cũng vậy, cứ đến tết là BV Nhi Đồng 1 cấp cứu trẻ bị tai nạn, chấn thương gấp 3 lần ngày thường.
BS Khánh cho biết, anh cảm thông với các bậc phụ huynh khi phải bận rộn làm việc, lo toan khi ngày tết đến gần. Tuy nhiên, người lớn nên cử ra một người để trông chừng trẻ.
"Trung bình mỗi ngày khoa chấn thương chỉnh hình của bệnh viện tiếp nhận từ 3 – 5 ca trẻ em bị tai nạn. Ngày tết, con số này tăng gấp 3 lần. Đa số trẻ em bị gãy trên lòi cầu xương cánh tay, cẳng tay, xương đùi, cẳng xương chân.
Có trường hợp trẻ bị tai nạn trong ngày tết nên cha mẹ ngại đưa trẻ đến bệnh viện điều trị, mà tự dùng các liệu pháp dân gian như bó thuốc, bó lá cây,… điều này gây tổn thương rất nhiều cho trẻ. Thậm chí có trẻ bị dị tật suốt đời.".
Về việc này, bác sĩ Khánh cho rằng trẻ em rất ít gặp trường hợp bong gân như người lớn. Xương trẻ em còn non, thế nên khi gặp chấn thương, đa số sẽ bị gãy xương.
Bác sĩ Khánh thăm hỏi, động viên mẹ của bé N., chị cho rằng mặc dù đã để chồng canh chừng nhưng N. quá nhanh nên chồng chị không kịp trở tay.
Vì vậy, sau khi trẻ bị tai nạn, người nhà phải quan sát đến vận động của trẻ, nếu trẻ cử động khó khăn hoặc không thể cử động được, đau nhức từng cơn, khóc nhiều, thì có thể trẻ đã bị gãy xương. Cha mẹ phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay để các bác sĩ thăm khám kịp thời. Không nên để trẻ ở nhà quá lâu, biến chứng của gãy xương có thể sẽ ảnh hưởng đến vận động của trẻ sau này.
"Để trẻ ở nhà 1 ngày là đã gây rất nhiều đau đớn cho trẻ, trường hợp bị gãy xương mà cha mẹ để quá 3 ngày thì rất khó khăn để chữa trị. Lúc này nơi bị thương có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường. Thậm chí nếu nơi gãy quá nặng, để càng lâu càng tăng khả năng hoại tử không thể giữ lại phần bị thương, buộc phải cắt bỏ để cứu tính mạng trẻ.", BS Khánh cho biết thêm.
BS Khánh khuyến cáo: "Các cơ sở y tế, các bệnh viện đều không nghỉ tết, khi trẻ gặp chấn thương, người thân phải lập tức đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất để được sơ cứu kịp thời. Tuyệt đối không được tự ý chữa trị, nắn xương, kéo xương cho trẻ chỉ vì nghĩ trẻ bị trật khớp, bong gân.
Sau thời gian khoảng 2 tuần, nơi gãy xương có thể tự lành, nhưng có thể bị lệch đi làm giảm chức năng vận động, hoặc dị tật thậm chí không thể hồi phục."
Trường hợp gia đình cho trẻ đi tham quan với trường, hoặc nhóm bạn cũng phải trang bị kỹ năng cho trẻ. Ở những khu vực vui chơi có thể có bảo vệ, đi chung trường học sẽ có thầy cô nhưng họ chỉ giữ được bao quát chứ không thể quan sát hết được số lượng trẻ tham gia. Đã có nhiều tai nạn thương tâm xảy ra khi gia đình cứ nghĩ đi với thầy cô thì thầy cô phải canh giữ.
Ở nhà, cha mẹ mỗi người giữ mỗi trẻ mà tai nạn vẫn xảy ra, thì không nên giao trách nhiệm cho thầy cô, hay bảo vệ khu vực khi một nhóm hơn 10 trẻ mà chỉ có 1 hoặc 2 người trông chừng.